Một tháng sau khi nộp đơn để xin Liên hiệp quốc thu nhận Palestine làm hội viên đầy đủ, Tổng thống Mahmoud Abbas đã giành được một thắng lợi nhỏ hơn. Đó là tư cách hội viên đầy đủ của một cơ quan của Liên hiệp quốc - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNESCO, trụ sở đặt tại Paris.

Cuộc biểu quyết về Palestine đưa UNESCO ra trước ánh đèn sân khấu
Cuộc biểu quyết có tính cách lịch sử của UNESCO hôm thứ Hai, cấp quy chế thành viên thực thụ cho Palestine, khiến tổ chức này được cả thế giới chú ý.

Là tên gọi tắt của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc, UNESCO có nhiệm vụ cổ vũ các hoạt động xây dựng hòa bình, xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, phát triển khoa học và giáo dục, kể cả giáo dục về sex. Hai trọng điểm của UNESCO hiện nay là châu Phi và bình đẳng giới tính.

Hoạt động nổi bật nhất của UNESCO là chỉ định và bảo vệ các địa điểm di sản thế giới. Danh sách này đang có 936 địa điểm tại 153 quốc gia.

Trước đây, nhiều người ở Mỹ và ở những nơi khác xem UNESCO đã bị chính trị hóa và biến chất.

Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan đã rút Hoa Kỳ ra khỏi tư cách thành viên nhưng sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 lại tái gia nhập.
Các nước hội viên UNESCO đã chấp thuận tư cách hội viên của Palestine với 107 phiếu thuận và 14 phiếu chống. 52 nước bỏ phiếu trắng; Hoa Kỳ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi Pháp và Nga bỏ phiếu thuận. Các nước Ả rập đã có công lớn trong việc vận động cho Palestine. Ngoại trưởng Palestine, ông Riyad al-Maliki, đã phát biểu như sau trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Vị ngoại trưởng của Palestine nói rằng phiếu thuận cho Palestine là một lá phiếu tán thành những việc đúng đắn, là ủng hộ cho công lý và cho tương lai.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ sau đó loan báo ngưng tài trợ cho UNESCO mặc dù vẫn tiếp tục làm hội viên của tổ chức này. Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo Washington sẽ không nộp cho UNESCO khoản tiền 60 triệu đô la của tháng 11 vì luật lệ nước Mỹ không cho phép chính phủ hỗ trợ bất kỳ cơ quan nào của Liên hiệp quốc thu nhận Palestine làm hội viên.

Đại sứ Mỹ tại UNESCO, ông David Killion, nói rằng việc thu nhận Palestine phương hại tới sự hậu thuẫn của Mỹ đối với tổ chức này.

Ông Killion nói: "Con đường duy nhất dẫn tới quốc gia Palestine mà tất cả chúng ta đều muốn có là thông qua các cuộc thương thuyết trực tiếp. Không hề có đường tắt nào cả và chúng tôi tin rằng những sự việc như sự việc chúng ta chứng kiến hôm nay là phản tác dụng."

Tuy nhiên, ông Nadim Shehadi – một chuyên gia về Trung Đông của tổ chức nghiên cứu chính sách Chatam House ở London, nói rằng kết quả cuộc biểu quyết của UNESCO có thể có ích cho tiến trình hòa bình Trung Đông thay vì gây phương hại cho các nỗ lực hòa bình.

Ông Shehadi nhận xét: "Theo quan điểm của tôi, cuộc vận động ở Liên hiệp quốc có thể tạo ra một sự thay đổi có tính chất quyết định trong tiến trình hòa bình; để đưa tiến trình này thoát khỏi tình trạng bế tắc về các vấn đề qui chế chung cuộc và trên cơ bản là đưa tiến trình này đi về phía trước."

Ông Shehadi tin rằng các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi cũng sẽ giúp cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine có thêm đà tiến.

Ông Shehadi nói: "Nhận xét của tôi là dân chúng trong khối Ả rập muốn tiến về phía trước. Họ nghĩ rằng cuộc xung đột Palestine-Israel đã kéo dài quá lâu."

Trong tháng 11 này Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ thực hiện thêm các bước tiến liên quan tới đơn xin làm hội viên của Palestine.