Lễ
cầu siêu dành cho những sinh linh thai nhi bị chối bỏ sẽ được chùa Quán
Sứ (Hà Nội) tổ chức với quy mô lớn. Có mặt tại ngôi chùa này vào những
ngày nhận đăng ký cho lễ cầu siêu, chúng tôi được nghe những câu chuyện
vừa đau lòng vừa khó tin.
Cầu siêu cho đứa con chưa từng thấy mặt
Có
rất nhiều bà mẹ ở thế hệ 8X, 9X chưa từng lên xe hoa, nhưng danh sách
những hài nhi cần cầu siêu của một người trong số đó là... gần một chục.
21 tuổi đã... 9 lần phá thai
Mới
đây, hàng trăm người phụ nữ lặng lẽ tập trung tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)
để cầu siêu cho những đứa con mà chính họ còn... chưa được nhìn mặt.
Nhìn vào đoàn người nghiêm cẩn hành lễ, có thể thấy trong đó khuôn mặt
trầm bi của những người phụ nữ đã luống tuổi hay những thiếu nữ chỉ
khoảng 17-18 tuổi, tóc nhuộm vàng hoe...
Một
người trong ban nghi lễ của chùa cho biết: "Theo giáo lý nhà Phật,
không phải cứ đợi đến lúc hài tử lọt lòng mới được gọi là một sinh mạng
mà khi một mầm sống mới được tượng hình trong cung lòng người mẹ, thì
ngay vào giây phút đầu tiên đó nó đã được coi là một sinh mạng.
Trước
ngày diễn ra lễ cầu siêu này, phòng ghi danh sách những người vào cầu
siêu của chùa đã chật ních người đến đăng ký. Trong số rất nhiều người
đứng chờ đến lượt vào ghi danh sách ngày hôm đó, có một cô gái khiến tôi
không thể nào quên. Cô chỉ chừng 20- 21 tuổi, khuôn mặt vốn đã đẹp của
cô được trang điểm khá kỹ, mái tóc nhuộm nâu, được cắt tỉa sành điệu,
chiếc váy ngắn màu đỏ trầm bó sát ba vòng cơ thể. Cô gái cứ tần ngần mãi
ở cửa phòng, chốc chốc lại ngó vào rồi lại đi ra. Mãi đến khi chiều
muộn, khi người vào đăng ký đã ngớt cô mới dám bước vào.
Bản
đăng ký cầu siêu có các mục rõ ràng như: tên, tuổi, địa chỉ của mình và
cha đứa bé, rồi số tuần tuổi của hài nhi, năm mất... nhưng cô gái này
cứ lúng túng, mãi không biết phải ghi ra sao. Chỉ đến khi người quản sổ
có ý hỏi, cô mới ấp úng: "Thầy ơi, cháu chỉ được cầu siêu cho một đứa
con hay tất cả những thai nhi của mình đã chết đều được cầu?".
Khuôn
mặt người quản sổ thoáng nhíu lại nhưng nhanh chóng lấy lại thái độ
bình thường, nhẹ nhàng hướng dẫn cô gái trẻ cách ghi sổ. Thế nhưng cô
vẫn bối rối ngồi cắn bút... "Thầy ơi, cháu không nhớ hết tên bố của từng
đứa trẻ!", cô gái ngại ngùng phân trần.
Sau
khi được hướng dẫn kỹ lưỡng, cũng phải mất gần 15 phút cô mới viết xong
bản đăng ký. Trong danh sách của cô gái trẻ ấy ghi có 9 đứa trẻ, có đứa
mới được 8 tuần tuổi có đứa tới... gần 6 tháng. "Cháu thấy có tội quá
nhưng không biết làm cách nào cả. Mong nhà chùa siêu thoát linh hồn để
chúng được đầu thai vào kiếp khác. Đừng oán hận mẹ...", cô vừa đưa bản
đăng ký cho nhà chùa vừa nói như phân trần rồi chầm chậm ra khỏi căn
phòng.
Phá thai để khỏi ảnh hưởng việc lên chức
Trong
căn phòng đăng ký hôm ấy còn có một người phụ nữ trung niên đến để đăng
ký cầu siêu cho... cháu ngoại mình. Khi sư thầy hỏi vì sao mẹ của đứa
trẻ không đến đăng ký, bà than thở: "Cháu nhà tôi vẫn đi học cấp 3,
chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào lại đi yêu phải một đứa nghiện nặng.
Đến lúc con bé có bầu nhà tôi cũng định cho chúng nó cưới chui rồi hợp
thức hóa cái thai nhưng thằng kia nghiện nặng quá, tính đi tính lại,
đành... bỏ cái thai còn hơn phải lấy thằng đó. Thế nhưng hình như đứa bé
nó về oán mẹ nó khiến mẹ nó không học hành được, người lại gầy xanh như
que củi".
Bảng thông báo về việc tổ chức cầu siêu cho thai nhi ở chùa Quán Sứ
Bà nói, nhiều đêm cả hai mẹ con đều mơ thấy đứa bé hiện về thì thầm nói chuyện. Thần hồn át thần tính, không chỉ con gái bà mà cả bà cũng không làm ăn được. Cả nhà đành bàn nhau đi làm lễ cho linh hồn siêu thoát.
Chị
Nguyễn Mai Đ. ở Lò Đúc, Hà Nội lặng lẽ đến ghi tên cho hai đứa con chưa
kịp nhìn mặt của mình vào quyển sổ. Chị tâm sự, cách đây khoảng 9 năm,
hồi ấy chị còn là sinh viên, yêu một người hơn chị 2 tuổi ở cùng quê.
Được một thời gian thì chị có bầu. Lúc đó người yêu chị bảo rằng kinh tế
còn khó khăn không thể cưới và có con lúc này được nên khuyên chị đi
phá cái thai trong bụng. Nhìn hoàn cảnh hai đứa còn khó khăn, chị đành
gật đầu. Sau này hai người cũng không đến với nhau được vì bố mẹ anh chê
chị công việc bấp bênh. Anh cũng đứng về phía bố mẹ mà hắt hủi chị nên
họ chia tay.
Một
thời gian sau chị cũng lập gia đình với một người đàn ông hơn 7 tuổi,
được một năm thì chị có bầu. Nhưng lúc này chị đang chuẩn bị được đề
xuất lên làm trưởng phòng. Nếu có con thì cơ hội ấy sẽ tuột khỏi tay.
Vậy là chị đành phải giấu chồng đi phá. Đến bây giờ, khi công việc và
tài chính đã ổn, hai vợ chồng khát có đứa con để nhà cửa vui vẻ thì
ngóng mãi chẳng được.
Sau
đó, chị đi khám mới biết mình có bệnh không thể có con được nữa. Chị
nói: "Là người mẹ đau khổ nhất là không sinh được con. Giá như ngày xưa
không buông thả và ham những thứ phù du kia thì giờ đây tôi đâu có đến
nỗi như thế này".
Mỗi năm có 1,2 - 1,6 triệu thai nhi bị phá bỏ
Theo
PGS. TS Bùi Ngọc Oánh, GĐ Viện Khoa học Nhân lực và Phát triển Tài năng
Việt Nam thì nước ta là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao hàng
đầu thế giới. Mỗi năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca, trong đó có tới 20%
thuộc lứa tuổi vị thành niên. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối
của xã hội hiện đại, nó là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân. Đặc biệt,
nhiều bạn trẻ coi việc sống thử như một điều cần thiết trước khi bước
vào cuộc sống hôn nhân chính thức là một trong những nguyên nhân khiến
ca nạo thai tăng cao. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn quan niệm giáo dục
giới tính là việc chỉ đường cho hươu chạy khiến một số bạn trẻ thiếu
kiến thức về tình dục trong khi đó những sách ảnh, trang web đen lại
tràn lan. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ dễ dàng vứt bỏ đứa con chỉ
vì những lý do như kinh tế khó khăn, không muốn sinh con gái, thậm chí
do sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp, thăng tiến trong công việc. Đây là một
hiện trạng đã được báo động nhiều lần.
|
Theo Nguoiduatin.vn