"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 30. Oktober 2011

Khi bài quốc ca không sức sống

Trong khi lang thang trên mạng tôi tình cờ đọc được bốn câu thơ thật hay của Du Tử Lê:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Câu thơ da diết và lạnh lẽo. Tác giả nói về cái chết của mình trong thân xác của một đời lưu vong. Lưu vong cho nên ông lầm lũi thương nhớ bài hát quốc ca mà trước đó ông vẫn hát mỗi sáng thứ Hai trong sân trường hay trong trại lính của chế độ Sài Gòn.
Theo người bạn tôi từ Mỹ về cho biết thì đó là những ngày đầu khi cộng đồng người Việt dần hình thành trên đất Mỹ. Người Việt lúc ấy lo hội nhập vào với cư dân nước sở tại và những thói quen khi còn trong nước dần dần bị bỏ quên, trong đó có bài hát quốc ca của Miền Nam.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn khi mọi sự đã vào nề nếp thì nhu cầu quay trở lại với văn hóa cũ trở thành bức thiết trong đó có việc chào cờ và hát quốc ca, dĩ nhiên là cờ vàng và bài quốc ca của Miền Nam Việt Nam.
Có thể nói người Việt hải ngoại không ai lại không một lần đứng nghiêm trước lá cờ vàng và hát theo bài quốc ca hơn ba mươi năm trước họ vẫn hát. Các thế hệ sau cũng theo con đường của người đi trước mà giữ thói quen được nhiều người xem là góp phần nhắc nhở cho con cháu mai sau về một chính thể đã mất nhưng màu cờ không hề mất trong lòng của họ.
Màu cờ này là vũ khí cuối cùng của những người lưu vong chống lại màu cờ đỏ trong nước. Nó như một cách khẳng định niềm tự hào của họ, những người từng một thời đổ máu ra cho màu cờ mà họ đặt lòng tin vào đó. Lý tưởng này có thể dễ dàng chấp nhận vì cho tới nay những người coi màu cờ vàng là lá cờ chính thức của đất nước vẫn bay trên nhiều trường đại học của Mỹ cũng như tại những nơi mà người Việt hội tụ.
Vấn đề làm tôi suy nghĩ là tại sao lá cờ vàng nhiều khi bị trưng dụng quá mức đến nỗi nhiều bạn bè tôi đi Mỹ về vẫn lấy làm lạ. Mỗi lần làm một việc gì đó có tập trung đông người thì hai bài quốc ca Việt Mỹ phải cất lên trước khi đi vào nội dung chính của cuộc họp. Theo như nhận xét của nhiều người sang Mỹ công tác hay du lịch thì tính chất nghiêm trang của lá cờ đã bị hủy hoại khi nó được mang ra nhằm che chắn cho những việc làm có tính chất chính trị. Lá cờ vàng như một loại bảo hiểm cho ai đó nhằm tránh tiếng là có lợi cho cộng sản!
Treo cờ thì treo, những câu chuyện chì chiết nhau trong cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn hàng ngày diễn ra dưới cùng một màu cờ vàng rực. Vậy thì lá cờ vàng đâu phải là chiếc bùa hộ mệnh đầy quyền uy cho lý tưởng, và việc mang cờ ra che chở những khó khăn trong việc làm có phải là một điều đáng phải suy nghĩ?
Nhân chuyện chào cờ tổ quốc, hôm Thứ Hai vừa qua trên đường đưa người bạn ra phi trường về Mỹ, hai chị em ngồi trên taxi chạy ngang qua vài trường học, thấy học sinh tập trung nghiêm trang chào cờ mà lòng trào lên những nỗi niềm khó tả. Tôi hãnh diện và xúc động vì trên màu cờ ấy là máu của nhiều thành viên trong gia đình tôi đã đổ ra tô cho màu cờ thêm tươi thắm. Lá cờ phần phật trong gió làm cho máu nóng trong người có dịp hoạt động và mọi tư tưởng tiêu cực trước các vụ báo chí nêu ra hình như cũng trở thành nhỏ bé.
Tôi tin chắc một điều, khi đứng nghiêm trang chào lá cờ tổ quốc hình như mọi sự sợ hãi đều tan biến. Tiếng vọng của những dòng máu anh hùng chống ngoại xâm như chiếc giá đỡ cho người ta thoát sự sợ hãi. Những buổi chào cờ có khả năng làm tươi lại lịch sử, nhắc nhớ sức chịu đựng của dân tộc và từ đây nhú lên sức bật mới của con tim làm nó trẻ ra, lớn lên theo chiều kích của của điều mà người ta thường gọi là lòng yêu nước.
Có điều đáng buồn là cũng chính trên con đường đó, khi xe chạy một đoạn thì một hình ảnh chào cờ khác làm tôi thật sự tức giận. Trước cửa một ngân hàng lớn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, hai cột cờ nằm sát lề đường dành cho người đi bộ được kéo lên hai lá cờ, một là cờ tổ quốc, hai là cờ của chính ngân hàng này. Bản thân việc chào cờ không có gì đáng nói ngoại trừ cách mà ngân hàng này tổ chức chào cờ.
Nhân viên ngân hàng đứng xếp thành ba hàng dọc trước cửa ngân hàng. Lề đường dành cho người đi bộ bị trưng dụng và trong khi bài quốc ca cất lên thì dòng xe cộ ngược xuôi vẫn bình thản chạy ngang không hề ngừng lại. Tiếng còi xe inh ỏi cộng với bài quốc ca qua chiếc loa phường làm thành một bn nhạc đầy tạp âm gây phản cảm cực kỳ. Người nào chào cờ cứ chào, khách chạy ngang cứ chạy, không ai buồn dừng lại để tỏ lòng kình trọng lá cờ tổ quốc đang từ từ kéo lên trong một sáng Thứ Hai ồn ào đầy bụi khói.
Cách chào cờ này làm cho tính trang nghiêm bị xâm hại. Nhân viên ngân hàng đã làm tròn bổn phận của mình, mặc dù tinh thần của một buổi chào cờ truyền thống hoàn toàn biến dạng. Người ta sẽ dễ dàng cho rằng cái ngân hàng kia lấy việc chào cờ để PR cho hoạt động kinh doanh của họ bằng cách bắt nhân viên hát quốc ca nhằm  tạo sự chú ý của người của người qua đường. Lá cờ tổ quốc được kéo lên trong không khí hỗn tạp của đời sống và không hề có một chút tôn nghiêm cần có của một buổi chào cờ đúng nghĩa.
Thà như Du Tử Lê cất tiếng than đã lâu không nghe ai hát quốc ca để mà còn hy vọng nghe lại bài hát này trong tinh thần vọng về tổ quốc, còn hơn hát quốc ca mà lòng thì tính toán xem việc lời lỗ hôm nay ra sao, khách hàng nhiều ít thế nào thì đáng buồn cho lá cờ, cho bài hát và cả cho người đi đường như tôi và người bạn từ Mỹ về. Cô chưa kịp chia sẻ tính chất hùng tráng của bài hát bởi từ nhỏ cô đã quen chào một là cờ khác, ở một nơi khác, một dòng sống khác mặc dù hai lá cờ đều mang ý nghĩa, tâm hồn Việt Nam.