"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 9. November 2011

Festival lúa gạo Việt Nam lần 2: Áo Hoa Hậu trong thân xác Thị Nở

Châu Thanh Tùng (bạn đọc danlambao) - Là người dân Sóc Trăng, chúng tôi chán mấy chuyện lễ hội này lắm rồi. Điệp khúc "được mùa mất giá và được giá thì mất mùa " lặp đi lặp lại hoài. Sau Festival lần 1 thì người nông dân vẵn khổ và con gái miệt vườn vẫn rồng rắn xếp hàng cho Hàn, cho Đài, cho Tàu nó tuyển vợ. Không biết sau festival lần 2 này còn có cái gì nữa không? Nói thật là ở đâu tôi không biết chứ ở Sóc Trăng thì chỉ có gia đình nào có bà con thân nhân Việt Kiều hải ngoại và quan chức là sống khỏe chứ dân chúng vẫn cuộc sống lầm than đói nghèo lạc hậu... 
Ảnh http://festivalluagaovietnam.vn/

Mấy hôm nay thành phố Sóc Trăng xôn xao Festival Lúa gạo Việt nam lần 2. Chương trình khai mạc vào ngày 8.11 và bế mạc ngày 11.11 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Trùng với lễ hội Ooc oom bok của người Kh'mer nên thu hút dư luận xôn xao. 

Mọi chương trình khai mạc, bắn pháo hoa, hội thảo, thi hoa hậu đều diễn ra trong công viên Hồ Nước Ngọt. Con đường Hùng Vương từ Quốc lộ 1 vào thành phố được trang hoàng thành "con đường lúa gạo", các con đường chính trong thành phố như Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Hai Bà Trưng, Ngô Gia Tự thì trang trí đèn hoa rợp trời. Từ 3 giờ chiều đến 1 giờ khuya cầm xe hơi lưu thông trong nội ô. 

Ảnh http://festivalluagaovietnam.vn/

Về phía nhà nước có ông Vũ Văn Ninh, Phó thủ tướng chính phủ tham dự. Về quốc tế thì có một ông bí thư của tỉnh heo hắt nào đó ở Lào tham dự. Quanh đi quẩn lại năm nào cũng như năm nào là thi hoa hậu, đua ghe, thi nông dân giỏi. Sáng kiến nhất là "con đường lúa gạo" cũng là ăn cắp ý tưởng của "đường hoa Nguyễn Huệ" và "con đường tơ lụa" mà ra. Khôi hài nhất là Hội Thảo "Lúa gạo Việt Nam ai bán ai mua" thì công bố có khách hàng mới là... Bangladet. Chấm hết. 

Du khách đến thì thay nhau đi coi Chùa Dơi, Chùa Đất Sét và ăn Bún Nước Lèo, Bún Gỏi Dà, nem nướng, bánh xèo loanh quanh vài con phố. Trên truyền hình VTV1 hay thoáng gặp vài người dân đi coi lễ hội là thấy Sóc Trăng dạo này đẹp quá. Lầm chết và tất cả đều ăn quả lừa mà thôi. 

“Con đường lúa gạo” trên đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng. Ảnh: Huỳnh Lợi

Trước cả tháng này thì thành phố huy động dân bán vé sô đi lượm rác mỗi ngày được trả công là 50 ngạn. Các tiệm ăn, hàng quán bị kiểm tra gắt gao như vào mùa chiên dịch. Con đường Hùng Vương trang hoàng hàng trăm thúng lúa, hàng chục ghe lúa, cây lúa đang trổ bông trồng trên con lươn đèn hoa sáng trưng nhưng chỉ vào trong hẻm chừng 100 mét là thấy ngay cuộc sống thực ở đây. Đường Vành Đai, Hồ Ngọc Mẫn vẫn lầy lội nhiều hộ dân còn chưa có điện mấy chục năm nay rồi. 

Ngay cả trong các buổi báo cáo về Tam Nông (Nông nghiệp-Nông Thôn- Nông Dân) và Nông thôn mới thì luôn nhắc đi nhắc lại là SÓC TRĂNG VẪN CÒN LÀ TỈNH NGHÈO. Nghèo sao chơi sang như vậy? Ba cái chính sách Tam Nông và Nông Thôn Mới cũng chỉ là bắt chước mô hình của Tàu chứ cũng chẳng mới mẻ gì. 

Lễ hội của ai chứ dân Sóc Trăng chúng tôi hổm rày bực mình nhiều chuyện. Ra chợ mua cái cũng đổ thừa do Festival nên giá tăng như ngày Tết. Đi lại coi như bó giò. Các hãng xe đò Thống Nhất, Tân Tiến Lợi, Hiền Loan, Hoàng Vinh, Lý Hương thì không chạy vào bến được đỗ khách ngoài ngã 3 Trà Men bực mình vô cùng. Ngay cả trong nội thành thì đi lại cũng khó khăn. Công viên bị trưng dụng làm lễ hội nên không có chỗ cho người dân tập thể dục. Chúng tôi mong muốn cho lễ hội nhanh chóng kết thúc trả lại đời thường cho chúng tôi. 

Tết Ooc Oom bok của người Kh'mer nhưng người Kh'mer thực sự vẫn chưa có tết, vẫn đói nghèo, làm thuê, bán vé số, ăn xin la liệt. Các doanh nghiệp như Ánh Quang, Ánh Sáng, Phú Quý, Thanh Tâm, Ngọc Lợi, Út Xi, Kim Anh, Lập Hưng, Tân Hưng Viên... thì than thở là bị nhà nước kêu gọi đóng góp ủng hộ lễ hội liên tục. Không đóng góp thì không được nhưng đồng tiền trong thời buổi lạm phát, làm ăn khó khăn này thật đâu dễ kiếm. Nhưng đóng rồi thì nỗi lo bao nhiêu phục vụ lễ hội bao nhiều vào tiền túi của anh 3, anh Tư trong ban tổ chức ai mà biết được. 

Lũ thì vẫn còn đó. Mua lúa của Cam Pu Chia thì có nguy cơ không được nữa do Cam Pu Chia bán cho Thái giá cao hơn, không biết chỉ tiêu năm nay về xuất khẩu gạo có đạt được không? Ly Bi A thì không mua gạo của Việt Nam nữa chỉ có khách hàng mới là Bangladet thì đâu có gì mà hân hoan! 

Là người dân Sóc Trăng, chúng tôi chán mấy chuyện lễ hội này lắm rồi. Điệp khúc "được mùa mất giá và được giá thì mất mùa" lặp đi lặp lại hoài. Sau Festival lần 1 thì người nông dân vẫn khổ và con gái miệt vườn vẫn rồng rắn xếp hàng cho Hàn, cho Đài, cho Tàu nó tuyển vợ. Không biết sau festival lần 2 này còn có cái gì nữa không? Nói thật là ở đâu tôi không biết chứ ở Sóc Trăng thì chỉ có gia đình nào có bà con thân nhân Việt Kiều hải ngoại và quan chức là sống khỏe chứ dân chúng vẫn cuộc sống lầm than đói nghèo lạc hậu. 

Vì vậy có thể nói rằng Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 ở Sóc Trăng thì chiếc áo là của hoa hậu nhưng thân xác bên trong thì vẫn là... Thị Nở. 

Sóc Trăng 10.11.2011