Đối mặt với hai trận lũ liên tiếp cách nhau chỉ đúng 2 ngày, những người dân sống ở vùng hạ lưu của Thừa Thiên - Huế
vẫn chưa hết bàng hoàng. Chiều 10/11, tại xã Phú Thanh, huyện Phú Vang,
nơi được coi là rốn lũ của tỉnh, nhiều tuyến đường vẫn bị ngập nước,
giao thông chia cắt.
Ông Nguyễn Văn, 57 tuổi ở xã Phú Thanh, đang đi vớt vát chút hoa màu bị
ngập cho biết, lũ lần một (ngày 5/11) ông xem tivi và biết thông báo
thủy điện xả lũ, nhưng chỉ 2 tiếng sau là nước ùa về, trở tay không kịp.
"Đến trận lũ đêm 7/11, cả xã mất điện, nửa đêm trời có mưa vừa nhưng
không hiểu nước ở đâu cứ đổ về. Hôm sau xem tivi mới biết thủy điện
không cắt lũ khiến vùng hạ lưu sông Hương này ngập nặng”, ông Văn nói.
Ngồi dọn dẹp bùn đất sau cơn lũ, bà Đoàn Thị Liễu, 58 tuổi ở xã Phú
Thanh bức xúc: “Mưa nhỏ, thực tình chúng tôi không biết là có lũ nên khi
lũ về nhà nhà đều không có sự chuẩn bị trước. Nhà tôi dù rất cao, nhưng
nước lũ bất ngờ tràn vào làm ướt hàng tạ hàng tạp hóa, thiệt hại hơn 3
triệu đồng”.
Bà Liễu cho biết thêm, ở đây năm nào cũng có lũ nhưng năm nay quá bất
ngờ, y như đại hồng thủy năm 1999. "Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ do mưa lớn
ở thượng nguồn gây lũ nhưng sau mới biết là do thủy điện xả. Đành rằng
thủy điện đã cắt lũ ở những trận lụt trước nhưng khi biết có mưa lớn thì
cần xả trước để điều tiết chứ không thể để tràn đập rồi mới xả, gây
ngập nặng như thế này”, bà Liễu kiến nghị.
4 ngày sau khi lũ ào ạt đổ về, nhiều tuyến đường ở xã Phú Thanh vẫn bị ngập, giao thông chia cắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Trao đổi với VnExpress, ông
Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, cũng cho rằng trận lũ vừa qua
quá bất ngờ, làm nhiều điểm dân cư ngập sâu 0,7- 1 m. “Địa phương có
nhận được thông báo nhà máy thủy điện xả lũ ngày 5/11. Nhưng khi vùng hạ
lưu đã ngập lụt mà thủy điện vẫn xả lũ thì sẽ góp phần làm lũ thêm lớn,
việc di dân của địa phương gặp nhiều khó khăn”, ông Chung nói.
Trong đợt mưa lũ này, dù diện ngập chỉ đứng sau Quảng Nam, nhưng đến
chiều 10/11, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mới ghi nhận một người thiệt
mạng do lũ. Thiệt hại của hoa màu, đường sá và công trình thủy lợi hiện
chưa thể thống kê hết.
Thủy điện Bình Điền xả lũ ngày 5/11. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tại Quảng Nam, chiều 10/11 lũ đã rút, con đường về các
huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, nhão nhoẹt bùn lầy. Thất thần bên thi thể đứa
con tròn 10 tuổi, anh Lê Văn Hòa ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình như
không muốn tin đây là sự thật. "Sáng ra thấy mưa lớn quá, tôi bảo cháu ở
nhà nhưng nó nằng nặc đạp xe đến trường. Ai ngờ nước lũ về nhanh quá đã
cuốn trôi cả người lẫn xe đạp", nói xong, anh Hòa khóc rưng rức.
Ông Trần Anh ở xã Quế Thuận, huyện Nông Sơn, vừa đẩy đống bùn lầy trước
sân nhà vừa kể: "Sống ở đây mấy chục năm, chưa bao giờ tôi thấy lũ dâng
cao khác thường như vậy. Nhà tôi và các gia đình trong xã không kịp trở
tay nên lũ về cuốn trôi lúa, gia cầm, gia súc nhiều vô kể". Còn Ông
Nguyễn Văn Sanh ở xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn thì bức xúc: “Người dân
chúng tôi chỉ nghe nói loáng thoáng là thủy điện xả lũ nhưng không biết
cụ thể thế nào nên bị động hoàn toàn”.
Nhiều người dân ở các phường Cẩm Kim, Cẩm Châu (TP Hội An) có chung ghi
nhận, trong 30 phút, lũ tràn về gần như nhấn chìm khu phố cổ. Không kịp
xoay xở, nhiều gia đình kéo nhau chạy lên gác, bỏ mặc hàng quán đèn
lồng, tơ lụa, đồ lưu niệm… trôi theo lũ dữ.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho thấy, Quảng Nam bị
thiệt hại nhiều nhất với 19 người chết, tổn thất vật chất hơn 115 tỷ
đồng. Trước con số này, lãnh đạo các huyện Nông Sơn, Điện Bàn và TP Hội
An đã phản ứng với quy định thời gian thông báo xả lũ.
Ông Huỳnh Tấn Triều, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói: "Lẽ ra trước khi
xả, Công ty thủy điện sông Tranh phải thông báo trực tiếp với địa
phương. Đằng này, Công ty gửi văn bản cho Ban chỉ huy phòng chống lụt
bão tỉnh, sau đó Ban này fax trở ngược văn bản thông báo xả lũ về địa
phương thì làm sao thông báo người dân ứng phó kịp".
Hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ. Ảnh: Trí Tín.
|
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng trước khi xả
lũ các hồ thủy lợi, thủy điện, các cơ quan chức năng cần công khai mức
xả lũ, tính toán kỹ lượng mưa cộng với lượng nước xả thì mới dự báo
chính xác mức lũ dâng cao để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu
thiệt hại. Quy định thời gian thông báo lũ trước 2 giờ là quá ngắn, cần
thông báo trước 7 giờ trở lên thì chính quyền cũng như người dân có thời
gian dọn đồ, di dời đến nơi an toàn.
Còn ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP Hội An khẳng định: "Phong trào làm
thủy điện ở miền Trung đang lợi bất cập hại. Một tỉnh như Quảng Nam mà
có đến mấy chục thủy điện, nếu phát triển tràn lan như hiện nay thì chắc
chắn sẽ gây ra những hậu quả rất lớn trong tương lai gần. Cần phải tính
toán quy trình xả lũ hợp lý để tránh gây tổn thất cho tính mạng và tài
sản của người dân vùng hạ lưu".
Chiều 10/11, trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Hải, Giám đốc
Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, khẳng định trong đợt lũ vừa qua công ty
đã "cắt bớt" lũ cho vùng hạ lưu, tuân thủ đúng quy trình xả lũ do Bộ
Công thương đã phê duyệt (thông báo theo từng đợt xả lũ, trước mỗi lần
xả thông báo trước 2 giờ). Cụ thể mưa lớn với lưu lượng về hồ là 4.800
m3/s nhưng chỉ xả với mức 3.800 m3/s.
Theo ông Hải, thông báo trước khi xả lũ 2 giờ là quy trình do Bộ Công
thương phê duyệt được sự thống nhất giữa tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư là
Công ty thủy điện Sông Tranh, chứ không còn cách nào khác để bảo đảm an
toàn cho hồ đập trước mưa lũ lớn. Hiện tượng công ty vẫn xả lũ với lưu
lượng 200 m3/s để cho đến khi công trình hồ thủy điện sông Tranh 2 đạt
độ an toàn.
Nguyễn Đông - Trí Tín