Lâm Lễ Trinh
Sự tịnh
khẩu từ 1963 cho đến nay của ông Dương Văn Hiếu, nguyên Trưởng đoàn Công
tác Đặc biệt Miền Trung thời Đệ nhứt Cộng hoà Việt Nam, là một cuộc
hành trình xuyên sa mạc dài trên bốn thập niên. Tác giả bài này đã liên
lạc lại được với ông Hiếu hiện định cư tại San Jose, Californie. «Con
người biết quá nhiều, L’homme qui en savait trop» và từng bị gán biệt
danh «Hùm Xám của Chế độ» đã chấp nhận trả lời nhiều câu hỏi của chúng
tôi liên hệ đến một giai đoạn chính trị cực kỳ sôi động trong cuộc chiến
tranh tình báo chống Bắc Việt từ 1954 cho đến tháng 11.1963. Sau vụ đảo
chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Hiếu bị Hội đồng Quân Dân
Cách mạng điều tra, đưa ra Côn đảo với một số nhân vật khác của Chính
phủ cũ và được trả tự do năm 1964.
Đêm
28.4.1975, ông rời Việt Nam với đứa con trai đầu lòng trên một chiếc tàu
Hải quân VN cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Là, cựu Tổng Giám đốc Công
An. Năm 1989, gia đình gồm có vợ và tám người con sau qua đoàn tụ với
ông tại Hoa kỳ.
Ông Dương
Văn Hiếu nay 81 tuổi, sức khoẻ không dồi dào như trước nhưng trí nhớ
còn sắc bén khi nhắc đến ký ức xa xưa. Ông giới hạn hoàn toàn sự giao
thiệp bên ngoài về mặt chính trị và đã từ chối mọi đề nghị phỏng vấn của
báo chí. Sau đây là những điểm chính có thể tiết lộ trong cuộc nói
chuyên có ghi âm giữa ông Dương Văn Hiếu (DVH) và tác giả (LLT) :
LLT: Xin
ông vui lòng cho biết sơ lược, nếu được, những năm niên thiếu của ông và
trường hợp nào ông tham gia ngành công an và được bổ nhiệm vào chức vụ
Trưởng đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung (ĐCTĐMT). Chức vụ chót của ông
trước cuộc đảo chính 1.11.1963 là gì ?
DVH: Tôi
sanh ra tại Hà Nam, Bắc Việt, trong một gia đình trung lưu làm ăn thành
công. Tôi học tại trường trung học Louis Pasteur và Thăng Long, Hà Nội.
Vừa lấy xong bằng diplôme d’Etudes primaires supérieures vào năm
1944-1945 thì Nhựt đảo chính Pháp. Tôi lập gia đình năm 1948, bố vợ tôi
là bác sĩ Nguyễn Văn Tam từng phục vụ trong Liên khu 5 và cộng tác với
Đức cha Lê Hữu Từ ở Phát Diệm. Sau Hiệp định Genève năm 1954, tôi được
cụ Võ Như Nguyện, Giám đốc Công an Trung Phần, để ý trong một buổi học
tập chính trị mà tôi là thuyết trình viên (về đề tài Điện Biên Phủ). Ông
tuyển tôi vào ngành công an. Giữa 1957, tôi giữ chức Trưởng ban Khai
thác Nha CA-CS Trung nguyên Trung
phần. Khi ông Nguyễn Chử, một lãnh tụ Quốc Dân Đảng, thay thế cụ
Nguyện, tôi trở thành Trưởng ty Công an Tỉnh Thừa Thiên và Đô thị Huế.
Nhờ phá vở được trong vòng hai năm hệ thống điệp báo Cộng sản Khu 5 và
mở rộng hoạt động ra đến các tỉnh Quảng trị, Quảng Ngải, Bình Thuận, Qui
Nhơn..v..v.., tôi được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đình Cẩn và
Đại biểu Chính phủ Miền Trung Hồ Đắc Khương giới thiệu nhiệt tình với
Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giữa 1957, tôi được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công
tác Đặc biệt Miền Trung (ĐCTĐBMT) để làm việc tại Sàigòn vào đầu năm
1958. Chủ đích của Đoàn là thi hành chính sách của Cố vấn Ngô Đình Cẩn
mệnh danh «Chiêu mời (sau đổi thành Cải tạo) và Xử dụng các cán bộ cựu
kháng chiến». Lúc
đó tôi đã gia nhập đảng Cần Lao.
Sau vụ
đảo chính hụt của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông và Phan Quang Đán
ngày 11.11.1960, tôi làm Phụ tá cho Tổng Giám đốc Công an Nguyễn Văn Y,
còn ông Nguyễn Văn Hay thì giữ chức Phó Tổng giám đốc Công an.(Vợ ông
Hay là một người em bà con của tướng Dương Văn Minh)
LLT: Có
phải cùng một lúc, ba sĩ quan Cần Lao Nguyễn Văn Châu, Phạm Thư Đường
và Lê Quang Tung cũng được đưa vào Nam. Châu trong chức Giám đốc Nha
Chiến tranh Tâm lý, Bộ Quốc phòng; Đường, Phụ tá cho Trần Kim Tuyến, Sở
Nghiên Cứu Xã hội Chính trị (SNCCTXH); và Tung, cầm đầu Lực lượng Đặc
biệt? Ngoài ra, còn có Phan Ngọc Các, hoạt động cho cánh Cần Lao Ngô
Đình Cẩn. Đoàn CTĐBMT đặt trụ sở tại đâu? có bao nhiêu nhân viên? chi
phí họat động do cơ quan nào trang trải?
DVH:
ĐCTĐBMT có trách vụ lo về tình báo chiến lược và phản gián, không liên
hệ đến ba sĩ quan vừa kể và Phan Ngọc Các. Trụ sở của Đoàn đặt tại trại
Lê Văn Duyệt, Sàigòn, gần Quân khu Thủ đô. Dưới quyền tôi, có tám nhân
viên và hai thơ ký đánh máy. Chi phí hoạt động (lương bổng, đồ ăn,
feuille de route.v.v...) do Phòng Hành chính của Phụ tá Nguyễn Thành
tại Tổng Nha Công an cấp vì trên giấy tờ, tôi và các nhân viên được coi
như vẫn thuộc Ty Công an Thừa Thiên. Đôi khi Đoàn cũng nhận được sự trợ
giúp của Chánh Văn Phòng Đặc biệt Võ Văn Hải, với tiền lấy từ Quỷ đen
của Tổng thống. Số tiền này không hệ trọng, chỉ có tính cách nâng đỡ
tinh
thần. Riêng cá nhân tôi không được cấp một nhà chức vụ. Tôi có mua một
công xá gần nhà bí thơ Trần Sử ở khu Công Lý, Sàigòn. Đoàn không nhận
một ngân khoản nào đến từ ông Ngô Đình Cẩn.
LLT: Xin
ông cho biết vài chi tiết hệ trọng trong hồ sơ Vũ Ngọc Nhạ (từng tự
xưng là cố vấn của TT Diệm) và Huỳnh Văn Trọng (cố vấn của Tổng thống
Thiệu)
DVH : Nhạ
không bao giờ làm cố vấn cho TT Diệm. ĐCTĐBMT đã bắt y thời Đệ nhứt
Cộng Hòa như một cán bộ CS tép riu, một tiểu công chức tại Bộ Công
Chánh. Nhạ mang nhiều tên khác: Vũ Đình Long, Hai Long, Ông Giáo, Thầy
Bốn..v..v.. Còn Trọng thì bị dính trong vụ mệnh danh «Gián điệp Pháp ở
Nhà hàng Morin Huế». Y đã trốn thoát qua Nam Vang. Sau 1963, trở về
Sàigòn, y được Nhạ bố trí vào Dinh Độc lập. Chính Tổng trưởng Nội vụ
Hà Thúc Ký đã thả Nhạ sau 1963. Nhạ tái hoạt động với cụm tình báo A 22
trong đó có Trọng và Lê Hữu Thúy tự Thắng. Linh mục Hoàng Quỳnh giới
thiệu Nhạ cho Trần Ngọc Nhuận, cha sở nhà thờ Phú Nhuận, bạn thân của vợ
chồng Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu.
LLT: ĐCTĐBMT có xử dụng «hầm» P42 – được báo giới ngoại quốc mô tả là «địa ngục trần gian»- để tra vấn các tù nhân hay không?
DVH: P42
là một biệt thự thuộc Bộ Canh nông nằm bên trong Sở Thú, Jardin
botanique Sàigòn, dùng để nhốt một số can phạm chính trị đặc biệt. Đoàn
chúng tôi không xử dụng vì có trại Lê Văn Duyệt rồi.
LLT:
Trong công tác, ông phúc trình cho ai? Tổng thống? Ông Nhu hay ông
Cẩn? Ông có trao đổi tin tức, tài liệu gì với cơ quan CIA hay không?
Mối giao hảo công vụ giữa ĐCTĐBMT và Tổng Nha Công An, Sở NCXHCT của
Trần Kim Tuyến, Tổng Nha An ninh Bộ Quốc phòng (Đỗ Mậu) và Lê Quang Tung
ra sao?
DVH: Tôi
làm việc gần ông Nhu hơn. Khi có chuyện hệ trọng cần hỏi thêm, Tổng
thống gọi tôi vào Dinh. Tôi chỉ gởi bản sao một vài phúc trình cho ông
Cẩn. Trong những ngày cuối cùng trước đảo chính 1963, tôi bị ông Cẩn
hiểu lầm “nhức đầu”. Ông Nguyễn Văn Minh, bí thơ ông Cẩn, và Trung tá
Phạm Thư Đường, chánh văn phòng Cố vấn Nhu cũng ở trong hoàn cảnh đó.
Tôi
không bao giờ liên lạc với CIA. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính 1.11.1963,
bị Cách Mạng giam tại Chí Hoà, tôi mới được biết rằng tên Phan Khanh,
phụ tá cho tôi, chiụ trách nhiệm về operations, được CIA móc nối. Khanh
do ông Cẩn giới thiệu với tôi “vì biết võ”.
Đại Tá
Nguyễn Văn Y, Tổng Giám đốc Công An cũng như Trần Kim Tuyến (SNCCTXH),
Lê Quang Tung (Lực lượng Đặc biệt) và Đỗ Mậu (An ninh Quân đội) không ưa
tôi. Vợ ông Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương và bà Thiếu tướng Nguyễn Văn
Là (tiền nhiệm ông Y tại Công An) đều không thích bà Tuyến vì tranh
dành địa vị bên cạnh bà Nhu nên ảnh hưởng đến các ông chồng. Tôi tránh
xen vào mê hồn trận này.
Riêng về
Đỗ Mậu, ông hận tôi vì ĐCTĐBMT đã phát hiện và bắt Thiếu úy Lê Hữu
Thúy, một điệp viên VC được ông đặt làm Trưởng phòng An ninh tại Nha An
ninh Quân đội.
LLT:
Phương pháp làm việc của ĐCTĐBMT có gì mới lạ? Hiệu quả công tác của
Đoàn ra sao? Phản ứng của phía CS Bắc Việt như thế nào?
DVH: Sau
đây tóm tắc vài đặc điểm của Chính sách Cải tạo (đi đôi với việc thành
lập Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân): Trong các nhà tù không song sắt, Công
an Mật vụ ăn, ở, học tập, chơi và sinh hoạt chung với cán bộ Việt cộng
sa lưới. Các Toán trưởng thu thập những tờ khai báo của những cán bộ này
nạp cho Ban cải tạo hay Ban nghiên cứu. Chúng tôi không bắt công khai
mà tổ chức bắt bí mật; giữ kín hoàn toàn những trường hợp đầu hàng hay
hợp tác; Đoàn chúng tôi đã tạo nên một màng lưới phục kích, bao vây các
cán bộ từ chính đường giây giao liên và cơ sở cũ mà Cách mạng đã dày
công tổ chức. Thay vì hỏi cung thông thường, chúng tôi áp dụng phương
thức
mạn đàm, trao đổi, tranh luận, khai thông tư tưởng, cởi mở với đối
tượng. Nếu cần, mua chuộc, dụ dỗ chuyển hướng. Đối với những cán bộ CS
ngoan cố, chúng tôi xử dụng tập thể CS cải tạo để khuyên nhũ lôi cuốn
hoặc, theo đường lối “xa luân chiến”, giải thích chính sách chuyển
hướng, tranh luận áp đảo các thắc mắc, phản ứng của người bị
bắt…v..v..Vì thời lượng buổi nói chuyện hôm nay giới hạn nên chúng tôi
mong trở lại vấn đề phức tạp này trong một dịp khác.
Để trả
lời phần hai câu hỏi của Luật sư, ít nữa 4 quyển sách tịch thu được
trong chiến khu VC cho thấy chúng rất e sợ “chính sách mới lạ, kỳ diệu
và nguy hiểm” do ĐCTĐBMT áp dụng. Bốn quyển ấy mang tên “Đoàn Mật vụ của
Ngô Đình Cẩn (tác giả Văn Phan), Đường Thời Đại (tác giả Đặng Đình
Loan), Cuộc chiến tranh đặc biệt (hồi ký của Đinh Thị Vân) và Bội phản
hay Chân chính (tiểu thuyết hồi ký của Dư Văn Chất). Với chính sách này,
Đoàn chúng tôi bắt gọn được - vào hạ bán niên 1958 - hai màng lưới Tình
báo Chiến lược và Quân báo CS từ Bến Hải vào đến Sàigòn.
Trong
tài liệu mệnh danh “Thư vào Nam” của Tổng bí thơ Lê Duẫn gởi tháng
7.1962 cho Nguyễn Văn Linh tức Mười Cúc, khi ấy Xứ Ủy Nam bộ, có đoạn
viết: “Đã có lúc ở Nam Bộ cũng như ở khu 5 (Miền Trung), tình hình khó
khăn đến mức tưởng như Cách mạnh không thể duy trì và phát triển được.”
LLT: Vì sao (Nha sĩ dỏm và Play boy) Phan Ngọc Các, đại diện Cần Lao cho ông N Đ Cẩn tại Miền Nam, bị bắt? Ai bắt?
DVH: Cố
vấn Nhu ra lệnh cho Lê Quang Tung bắt vì Các làm tiền thương gia Hoa
kiều Chợ Lớn, Các tuyển nạp đảng viên Cần Lao lung tung. Ông Cẩn rất bất
mãn về chuyện Các bị bắt và bảo tôi thưa lại với ông Nhu phóng thích
Các. Tung là người của ông Cẩn.Tôi có cảm nghĩ Tung và Tuyến theo dõi
tôi còn (Nguyễn Văn) Y thì đố kỵ tôi.
LLT:
Thái Trắng (tức Lê Văn Thái, qua đời tại San Diego) và Thái Đen (tức
Nguyễn Như Thái, biệt danh Đại tá Thanh Tùng) có làm việc cho ông hay
không?
DVH: Chỉ
có Thái Đen cọng tác với tôi. Thái Trắng làm việc với Tuyến, y là bà
con vợ trước (Đặng Tuyết Mai) của Nguyễn Cao Kỳ. Không biết tại sao
Thái Đen lại mang biệt danh “Đại tá Thanh Tùng” vì y không bao giờ có
chân trong Quân đội hay đồng hoá sĩ quan. Y phụ tá cho tôi về mặt hành
chính, bị Toà lên án khổ sai chung thân, bị đưa ra Côn đảo về tội “bắt
người trái phép” và được thả ra trước tôi. Thời Đệ nhị Cọng Hoà, hình
như Nguyễn Ngọc Loan có xử dụng đương sự.
LLT: Ông có thể cho biết tên và chức vụ của vài cán bộ cao cấp Việt Cộng bị ĐCTĐBMT bắt giữ?
DVH: Có thể cho biết hai tên:
A
-Trần Quốc Hương tự Mười Hương, Ủy viên Trung ương Đảng, người chỉ huy
màng lưới Tình báo Chiến lược của Hà Nội tại Miền Nam. Y bị bắt lối năm
1958. Chính tôi đã đưa Hương ra Huế gặp bí mật hai ông Nhu và Cẩn ở
Thuận An, trên một chuyến máy bay đặc biệt do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ
lái. Hương được Hội đồng Cách Mạng trả tự do tháng 5.1964.
b- Đại tá
Cộng Sản Lê Câu đã giúp tôi khám phá ra Phạm Bá Lương, Công cán Ủy viên
của Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu. Lương ăn trộm và chuyển cho Hà Nội
toàn bản chính kế hoạch kinh tế Staley-Vũ Quốc Thúc.Tôi gài bẩy bắt
Lương khi y lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhứt để đi Thái Lan vì
công vụ. Ông Mẫu không hay biết lý do.
LLT: Ông biết gì về đại tá Phạm Ngọc Thảo?
DVH:
Trong phạm vi trách nhiệm phản gián, tôi có theo dõi Phạm Ngọc Thảo. Tôi
biết Thảo được Đức cha Thục giới thiệu vào Bảo An và Thảo có liên hệ
chính trị với bác sĩ Tuyến trong những năm tháng chót trước cuộc binh
biến 1.11.1963. Hình như Thảo có trình với Tổng thống Diệm rằng Đoàn
Công tác của chúng tôi bám sát y. Tôi có dịp thưa với Tổng thống nên lưu
ý đến Thảo vì Thảo có bà con làm việc cho Bắc Việt trong chức vụ hệ
trọng. Tổng thống có vẻ suy tư và nói: tại sao không khai thác kinh
nghiệm của Thảo trong lãnh vực ấp chiến lược và khu trù mật?
LLT: Khi
xảy ra những biến động Phật giáo tại Huế năm 1963 thì ông ở đâu? Có
trách vụ gì? Xin cho biết vài ý kiến về cuộc khủng hoảng Phật giáo.
DVH: Lúc
đó tôi công tác ở Sàigòn, tôi không liên hệ trực tiếp đến vụ Phật giáo.
Tôi nhớ: Một hôm tôi vào trình việc trong Dinh (Độc Lập), Tổng thống
than phiền rằng cụ vừa kinh lý khu Dinh điền Vị Thanh về, đi ngang một
ngôi chùa, thấy cờ Phật giáo treo trên cột cao giữa sân chùa, còn Quốc
kỳ thì bắng giấy, nhỏ cở bàn tay, dán trên trụ cột ngoài cổng, không ra
thể thống gì cả. Khi về, Tổng thống có mời Đức Khâm Mạng Toà Thánh và
ông Mai Thọ Truyền (một trong hai Phó Hội chủ Tổng Hội Phất giáo) vô cho
biết tình trạng và yêu cầu lưu ý các giáo dân phải tôn trọng Quốc kỳ
theo thể thức được Chính phủ quy định. Hai vị vừa kể hứa lưu ý giáo
dân. Sau đó Tổng thống có ra lệnh miệng cho ông Đổng lý Văn phòng Quách
Tòng Đức gởi công điện nhắc các Tỉnh. Không biết vì sao ông Đức để đến
ngày chót trước Lễ Phật Đản 8.5.1963 mới gởi công điện. Tổng thống có
kêu ông Đức vô hỏi, ông Đức xin từ chức, Tổng thống nói: công chuyện đổ
bể như thế, xin thôi có ích chi?
Ngoài
ra, lúc bị giam chung với tôi sau ngày 1.11.1963, Thiếu tá Đặng Sĩ, Tiểu
khu trưởng kiêm Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên, nói với tôi rằng ông bị oan
vì được Tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh Quân đoàn 1, Vùng 1 Chiến thuật,
cho phép ông chiều ngày 8.5.1963, trước Đài Phát thanh Huế, dùng lựu đạn
hơi để giải tán biểu tình. Không biết “bàn tay bí mật” nào đã vung một
trái lưu đạn chiến đấu gây thiệt mạng cho 8 em bé và thương tích cho
nhiều người khác. Sĩ bị Toà phạt khổ sai chung thân.
Thượng
tọa Trí Quang, làm việc cho CS, đóng vai trò hàng đầu trong vụ Phật
giáo, lợi dụng mối giao hảo tốt với Cố vấn Cẩn. Sau 1975, tướng Nghiêm
không bị làm khó vì đi đêm với Bắc Việt từ trước. Cũng như bác sĩ Lê
Khắc Quyến, giám đốc Bênh viện Huế. Tổng giám mục Ngô Đình Thục hành
động nóng nảy , Cố vấn Cẩn bị bó tay.
LLT:Chuyện gì đã xảy ra cho Ông sau ngày đảo chính 1.11.1963?
DVH: Tôi
bị bắt cùng với hai phụ tá là Nguyễn Tư Thái (tức Thái Đen} và Phan
Khanh. Ủy ban Điều tra tội ác - do một chính khách Hoà Hảo chủ tọa -
thẩm vấn tôi về những tố cáo làm tiền, bắt người và thủ tiêu đối lập.
Tôi còn nhớ bà góa phụ Đinh Xuân Quảng, vợ của một cựu Bộ trưởng thời
Bảo Đại, thưa tôi đã tra khảo bà. Không có bằng chứng cụ thể. Tại Tổng
Nha Công an, Tống Đình Bắc thay tôi. Y và Trần Bá Thành nắm trong tay
nhật ký memories của tôi. Thành nằm vùng cho CS. Nếu tôi có giết bất
cứ ai thì chắc chắn Tướng (Mai Hữu) Xuân đã “làm thịt” tôi rồi. Chính y
cũng đã nói với tôi như vậy.
Tuy
nhiên, Toà án Cách mạng, do một Thẩm phán dân sự chủ tọa, (trong đó đại
tá Dương Hiếu Nghĩa là một thành viên}, đã xử tôi khổ sai chung thân về
tội “bắt người trái phép”. Trong vụ tảo thanh các chùa Phật ở Sàigòn,
chính Cảnh sát Đô thành của Giám đốc Trần Văn Tư đã bắt các sư sải. Đoàn
CTĐBMT đâu có nhân viên để làm chuyện đó.
Trong
các phiên xử khác, Tòa phạt từ tù đến khổ sai các ông Trần Kim Tuyến,
Nguyễn Văn Y, Trần Văn Tư, Hà Như Chi, Nguyễn Lương, Ngô Trọng Hiếu, Cao
Xuân Vỷ, Bùi Dzinh..v..v..
Vợ tôi đã phải bán đôi bông tai 80.000 đồng và vay một số tiền khác để trả thù lao 100.000 đồng cho luật sư Vương Văn Bắc.
LLT:
Trong trường hợp nào ông và các nhân vật chế độ cũ được tự do? Vì sao?
Riêng về ông, sau đó, có bị nhà chức trách làm khó dễ gì hay không?
DVH: Không
nhớ rõ ngày tháng nào năm 1964, một buổi sáng, Chính phủ cho ba chiếc
máy bay Dakota DC3 ra Côn sơn chở tất cả tội nhân (lối 30, 40 người) về
Sàigòn và chúng tôi được phóng thích. Một thời gian ngắn sau, tôi được
giấy đòi của Công an, trung tá Nguyễn Mậu dẫn tôi đến trình diện với
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hai. Tướng Hai đưa tôi bằng xe jeep đến Bộ Nội
vụ trình diện với tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Khiêm tiếp tôi nhã nhặn và
“khuyên” tôi nên thủ phận làm ăn. Đây là một lời cảnh cáo rất rõ.
Để nuôi sống gia đình, mỗi ngày tôi đi mua âu dược của các Viện bào chế,
đóng thùng gởi ra Đà nẳng gởi bán tại Tiệm thuốc của dược sĩ Hà
Thị Tiểu Hương. Một hôm, năm 1968, thời Tổng thống Thiệu, Thái Đen (tưc
Nguyễn Tư Thái, một cộng sự viên cũ trong ĐCTĐBMT), đến khoe với tôi
rằng y “làm việc cho Toà Đại sứ Hoa ky’. Bất thần, lối một tuần sau, có
giấy đòi tôi đến trình diện tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, bến Bạch
Đằng. Nơi đây, Đặc ủy trưởng Nguyễn Khắc Bình đề nghị tôi hợp tác với
Phòng Nghiên cứu về Tình báo. Tôi xin vài ngày suy nghĩ. Tôi đến thỉnh ý
Đức cha Nguyễn Văn Bình. Ngài khuyên tôi nên nhận để tránh mọi phiền
toái. Tôi trả lời với tướng Bình tôi nhận, với điều kiện trả lại nhà cửa
của tôi bị tich thâu oan và bạch hóa hồ sơ của tôi bị bôi bẩn trong một
buổi họp báo. Ông Bình cho biết việc này cần có quyết định của Quốc hội
và đòi
hỏi thời gian. Vài bửa sau, Tướng Bình sai một sĩ quan cầm đến nhà tôi
40.000 đồng, nóí là giúp tôi trong cơn túng bấn. Để thoát mọi phiền
nhiểu, tôi đành nhận cọng tác với Phủ. Tôi được cấp một văn phòng và một
thơ ký đánh máy. Mỗi tháng tôi có phận sự đúc kết những tài liệu tình
báo từ các Quân khu và viết bản phân tích trình thượng cấp: Một việc làm
chán phèo! Tôi biết đây là một hình thức “giam lõng” và theo dõi tôi.
Có một hôm, một người xưng tên Nguyễn Văn Canh đến văn phòng để xin
phỏng vấn và lấy tài liệu soạn thảo luận án Tiến sĩ Luật. Một thời gian
sau, tôi không đến làm việc nữa. Rồi Chính phủ Miền nam sụp đổ.
(Giai đoạn Dương Văn Hiếu “bị cầm chân” tại Cục Trung ương Tình báo được tướng Nguyễn Khắc Bình, hiện ở San Jose, xác nhận.)
LLT: Một
số nhân vật đối kháng như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp và Vũ Tam Anh bị
Đệ nhứt Cọng hoà thủ tiêu. Ông có thể cho biết cơ quan nào chịu trách
nhiệm? Do lệnh của ai?
DVH:
ĐCTĐBMT không liên hệ. Chúng tôi không có trách nhiệm truy nả các phần
tử đối lập. Sau 1975, một số sử liệu cho biết chính thẩm sát viên Khưu
Văn Hai và đồng bọn trong Ban Cảnh sát Đặc biệt thuộc Tổng Nha Công An
của đại tá Y đã giết N B Toàn và T C Diệp. Về Vũ Tam Anh, có thể là do
tổ chức của Lê Quang Tung. Tôi không nghĩ Tổng thống Diệm đã ra lệnh
vì ông đã từ chối đưa ra Toà Hà Minh Trí là người ám sát hụt ông ở Ban
Mê Thuột và ông cũng đã nhẹ tay với phi công Phạm Phú Quốc, người dội
bom Dinh Độc Lập với Nguyễn Văn Cử.
LLT: Ông biết gì về sự bội phản của Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và Trần Kim Tuyến.
DVH: Tôi
nhớ có lần tôi phúc trình với Tổng thống tin đồn về Huê kiều Chợ Lớn
mua licenses tại Bộ Kinh tế, Cụ nghe, trầm ngâm, không nói gì.
Qua ông Thuần, CIA nắm hết tin tức về nội tình Chính phủ.
Cụ có vẻ rất mến và tin tưởng ông Thuần. Về Bs Tuyến thì vào cuối 1962,
ông Tuyến hoàn toàn thất sủng, không còn quyền gì, thay thế bởi đại tá
Phạm Thư Đường. Bà Nhu rất ghét ông bà Tuyến.
LLT: Ông
nghĩ sao về tin ông Nhu có qua Paris điều đình với De Gaulle về chuyện
trung lập hoá Việt Nam và gặp Xứ ủy Miền Nam, Ủy viên Bộ chính trị Bắc
Việt Phạm Hùng tại rừng Tánh Linh, Long Khánh, để thương thuyết?
DVH: Tôi có nghe những tin ấy. Cá nhân tôi nghĩ chỉ đó là tin đồn. Một
người quốc gia quyết liệt như Tổng thống Diệm không thể bắt tay với
Cộng sản bất luận dưới hình thức nào vì Hiến pháp VN công khai phủ nhận
Xã hội Chủ nghĩa và đặc biệt, vì Cộng sản đã giết dã man anh và cháu của
Tổng thống. Đòn hiệp thương Nam-Bắc do ông Cố vấn Nhu tung ra có thể là một cách bắt bí Hoa kỳ. Không ngờ CIA đã biết rõ nội vụ.Ông Nhu đã chui vảo cái bẩy do chính ông giăng ra.
LLT: Nhìn
lui lại, ông nghĩ rằng thời Đệ nhứt Cộng hoà, đảng Cần Lao có thực lực
trong quần chúng hay không? Việc đem tổ chức Cần lao vào Quân đội có lợi
hay hại? Ông Nhu và ông Cẩn có hoàn toàn đồng ý với nhau về cách tổ
chức và lãnh đạo đảng Cần Lao hay không?
DVH: Về
mặt lý thuyết, Cần Lao dựa vào chủ nghĩa Nhân vị được ông cố vấn Ngô
Đình Nhu nghiên cứu kỹ. Đảng Cần Lao, tiếc thay, thiếu một chính sách
tuyển lựa, huấn luyện và xử dụng cán bộ hữu hiệu. Ngoài ra, còn vấn đề
kỷ luật. Đa số đảng viên được chọn trong thành phần công chức có quyền
và địa vị. Đảng không đi sâu vào đại chúng ở thành thị, đặc biệt ở nông
thôn. Các khoá tu nghiệp về chủ thuyết Nhân vị do Đức cha Ngô Đình Thục
tổ chức tại Vĩnh Long không đào sâu và giải quyết vấn đề. Tôi có dịp
thuyết trình về đề tài này trong một phiên học tập về ấp Chiến lược ở
Suối Lồ Ồ năm 1962. Sau đó, tôi có thỉnh cầu ông Nhu, với
tư cách Tổng Bí thơ Cần Lao, ban huấn lệnh nhưng không thấy ông nói gì.
Câu chuyện bỏ qua!
Ông Cẩn
ít nặng về lý thuyết hơn ông Nhu. Ông Cẩn có vẻ chú trọng hơn về vấn đề
cán bộ, thực tế hơn. Trong nội bộ Cần Lao cũng có nhiều nhóm: nhóm Bắc,
nhóm Trung (của ông Cẩn), nhóm Trần Quốc Bửu (Tổng Liên Đoàn Lao Công),
nhóm Tinh Thần (Nguyễn Tăng Nguyên), nhóm Nam kỳ Bộ (Huỳnh Văn Lang),
nhóm Hà Đức Minh-Trần Văn Trai. Không thống nhứt. Ít khi thấy Tổng thống
nhắc đến đảng Cần Lao. Tổng thống để ý đến Phong trào Cách Mạng Quốc
gia. Cân Lao không có Ban Chấp hành Trung ương. Chỉ có Văn phòng Tổng Bí
Thứ (ông Nhu) gồm có 5 Phòng trực thuộc.
Tôi
không nghĩ đem Cần Lao vào Quân đội hoàn toàn có lợi. Các tướng lãnh
đóng vai trò cốt cán trong cuộc chính biến 1.11.1963 phần đông là đảng
viên Cần Lao được Tổng thống tin dùng và bị Hoa kỳ mua chuộc.
LLT: Về
mặt tình báo, ĐCTĐBMT của ông, SNGCTXH của Tuyến, LLĐB của Lê Quang Tung
và Nha An ninh Quân đội của Đỗ Mậu có dẫm chân với nhau hay không? Ông
biết gì về giấc mơ của Trần Kim Tuyến - sau 1960 - cầm đầu một Bộ An
Ninh thống nhất về một mối các cơ quan cảnh sát, tình báo chiến lược và
phản gián quốc nội và quốc ngoại (gồm luôn Bộ Nội vụ)? Vì Tổng thống
Diệm từ chối đề nghị này nên ông Tuyến bất mản và làm phản.
DVH: Tôi
nghĩ: không trùng dụng, không dẫm chân. Đoàn Công tác của chúng tôi,
thật vậy, lo về phản gián, chống Cộng. Sở ông Tuyến chú trọng đến vấn đề
tình báo nội an, đối lập trong xứ. Cơ quan của Đỗ Mậu phụ trách những
gì liên hệ đến an ninh của Quân đội còn Lực lượng của Tung, gồm có một
Trung đoàn, thì có trách vụ bảo vệ Tổng thống và các công thự. Tuy
nhiên, trong những năm chót, Tung vượt quá quyền hạn của mình. Các cơ quan.không phối hợp chặt chẽ.
Tôi không biết gì về vấn đề Bộ An ninh nêu trên. Trong
giai đoạn chót, Tổng thống, Đức Cha và hai ông Nhu, Cẩn không đồng nhứt
tư tưởng, đặc biệt trong vụ khủng hoảng Phật giáo. Tổng Giám mục Thục
xen vào việc treo cờ càng làm tình hình thêm rối ben. Mỹ quyết tâm lật
đổ ông Diệm, thủ tiêu ông Nhu. Vì thế cuộc binh biến thành công. Đất
nước phiêu lưu vào hổn loạn.
Thủy Hoa Trang
Californie