Kỳ Duyên
"Khó phát triển" thì đổ tại cơ chế. Chứ mọi điều vẫn là sự toan tính, là cái tâm cái tầm của con người, quyết định!
"Con trưởng" và cái đầu
Nổi
bật trong tuần là câu chuyện tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước,
một giải pháp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 -
2015), vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng 8/11 mới đây.
Nói cách dân dã, cuối cùng, "cái roi" Nhà nước đã giơ cao.
Bởi
khuyết tật và sự kém cỏi của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước- "con
trưởng" nền kinh tế lâu nay- vốn rất được chiều chuộng. Đến nỗi nhân dân
mỉa mai gọi cậu ấm hư hỏng. Điển hình là Tập đoàn Điện lực VN (EVN).
Cái sự mỉa mai chua xót ấy, không chỉ dành cho cậu ấm.
Là
tập đoàn kinh doanh độc quyền, hưởng ưu đãi lớn, đầu tư nhiều, vậy mà
sau liên miên đòi tăng giá điện, mới đây, EVN một lần nữa gây sốc cho xã
hội bởi cái... "tài lỗ" trong kinh bang tế thế của mình. Số nợ khủng
khiếp lên 31.000 tỷ đồng.
Điều người dân bất ngờ hơn nữa, đằng sau cái sự tăng giá điện liên miên đó có sự che chắn của cơ quan chủ quản - Bộ Công Thương!
Theo VietNamNet (30/10/2011) và An ninh Thủ đô (6/11/2011) mới đây Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện, vào tháng 2/2010, Thông tư 08/2010 của Bộ Công Thương cho phép EVN tăng giá bán điện bình quân năm 2010 lên mức 1.058 đồng/KWh, cao hơn 2,2% so với mức Thủ tướng CP cho phép.
Sau
lần tăng giá điện thứ nhất (1-3-2011) với mức 15,28%, việc tăng giá
điện lần thứ hai trong năm nay (quý IV) đã được rục rịch từ nhiều tháng
qua, với tỷ lệ tăng 10-13%, mức tăng ít nhất từ trước tới nay, thì thực
chất cũng đã gấp hai lần so với kết luận của Thủ tướng CP về Đề án giá
điện năm 2010 (6,8%).
Kinh doanh mặt hàng chính
chưa xong, EVN còn lấn sân sang các mặt hàng phụ - chứng khoán, bảo
hiểm, ngân hàng..., và đều vượt quá tỉ lệ quy định của Thủ tướng CP. Lãi
chưa thấy đâu, đã thấy kêu cần tăng giá điện bù đắp những khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành.
Vì sao, cái "tài lỗ" của EVN, cứ liên tục "đá" sang túi tiền của nhân
dân? Và vì sao Bộ Công thương lại "yêu thương, lo lắng" cho EVN đến độ
"hy sinh" cả phép nước, dẫm đạp lên cả quy định của Thủ tướng CP?
Phó TT Hoàng Trung Hải mới đây trả lời báo chí, đã phải nói thẳng: Bộ
Công Thương phải công khai hóa kết quả kiểm toán và giá thành của EVN
để xã hội được biết. Nếu chưa làm được điều này thì điều chỉnh giá điện
sẽ không hợp lý. Khổ nỗi, trong mọi sự công khai, thì công khai tiền bạc không phải do tài năng mình kiếm ra, là cái... khó nhất!
Nhân
dân còn chưa quên, trước đó, Bộ Công Thương cũng lên tiếng bênh
Petrolimex trong chuyện tăng giá xăng. Khiến cho cuộc tranh luận giá xăng tăng lên, giá đời sống tụt xuống
giữa hai Bộ - Công thương và Tài chính - trở thành cuộc khẩu chiến đáng
nhớ. Với câu nói khẳng khái hiếm hoi của một Bộ trưởng - ông Vương Đình
Huệ: Không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu mà phải vì 84 triệu người dân Việt Nam. Ít nhất cũng làm mát lòng người dân giữa cái nóng bức của bất bình do lạm phát, tăng giá liên miên.
EVN
chỉ là một điển hình cung cách kinh doanh được bảo hộ và ưu đãi lớn, mà
không hiệu quả của các DNNN nói chung. Nếu như người ta biết rằng, khu
vực này hiện sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, chi phối
20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng
thương mại, 50% vốn đầu tư Nhà nước và 70% nguồn vốn ODA. Vậy mà chỉ tạo
ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công
nghiệp.
Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hiện
tượng DNNN tại Việt Nam không phải cá biệt. Ở châu Âu, giai đoạn tái
thiết kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, các DNNN cũng ra đời với
số lượng lớn, tránh việc tư nhân thâu tóm độc quyền. Thế nhưng, đến
lượt các DNNN được đầu tư lớn và độc quyền thì nó cũng lũng đoạn, và bóp
chết tính chất cạnh tranh của kinh tế thị trường. Kết cục tất yếu, các
DNNN đó dần dần phải cổ phần hóa, tư nhân hóa.
Còn
ở ta, hệ lụy sự độc quyền của các DNNN nặng nề hơn do tư duy "kinh tế
Nhà nước phải là chủ đạo". Vì vậy, trước sự yếu kém của các DNNN, thay
vì cổ phần hóa, các DNNN này vẫn tiếp tục được rót vốn để... hà hơi thổi
ngạt.
Bài học nhãn tiền mới đây của một số tập đoàn kinh tế lớn liệu đã là tiếng còi S.O.S chưa?
Chưa rõ. Chỉ có điều, sự thay đổi sớm muộn phải đến, bắt đầu từ... cái đầu tư duy kinh tế.
Là
người trải nghiệm, nguyên Phó TT Vũ Khoan cho rằng, tư duy vị trí Nhà
nước trong nền kinh tế thị trường ở ta còn khác nhau và chưa rõ. Ở các
nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính Nhà nước, không ai đi
làm kinh tế cả. Vì vậy câu hỏi của ông Vũ Khoan là: Nhà nước có dám bỏ kinh doanh không?
Mặt
khác, việc tái cơ cấu kinh tế lại được giao cho chính các... Bộ. Liệu
có hiệu quả không, nếu như thực tế, nó vẫn bị chi phối bởi các nhóm lợi
ích? Bộ Tài chính cải cách DNNN. Ngân hàng Nhà nước cải tổ ngành ngân
hàng. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cải cách đầu tư công và phân cấp?
Rốt cục, các bộ sẽ hoan hỉ vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Tái cơ cấu kinh tế chắc chắn sẽ rất khó thành công, nếu nó không quyết liệt, từ cái đầu cho tới các điều kiện:
Có
một thiết chế mới độc lập, như một Ủy ban về Tái cấu trúc nền kinh tế
thuộc Chính phủ, đủ quyền lực chỉ huy. Tựa như cải cách giáo dục trước
đây, phải có một Ủy ban CCGD Quốc gia.
Các DNNN
phải tách chức năng kinh doanh khỏi chức năng một công cụ điều tiết vĩ
mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội. Điều lẫn lộn
này chỉ khiến các DN dễ ngụy biện nếu năng lực kinh doanh kém.
Quản lý Nhà nước, đã quản lý thì không được sở hữu các DN. Bởi đằng sau đó, chắc chắn là các nhóm lợi ích chi phối
"Chiếc roi" tái cơ cấu đã giơ cao, có lại...đánh khẽ?
Hãy đợi đấy!
Nghị sĩ và... phát ngôn
Nổi
bật suốt tuần, có một phát ngôn gây ồn ào và không ít "thị phi" của một
đại biểu Quốc hội. Đó là ông N. M. H, bác sĩ kiêm nhà văn (đại biểu
Nghệ An), khi ông đề xuất cần có Luật Nhà văn.
Hầu như kỳ họp QH nào mấy năm gần đây cũng có những phát ngôn khiến nhân dân... cười. Ai dám bảo luật pháp khô cứng?
Còn
ông N.M.H không hề cười. Vì ông tự thấy mình đại diện giới văn chương,
phải cất lên tiếng nói cho lợi ích của giới. Ông quyết liệt đến mức: Nếu phải lựa chọn giữa Luật Biểu tình và Luật Nhà văn, tôi vẫn chọn Luật Nhà văn.
Thế
nhưng, trừ một quan chức Hội Nhà văn - người đề xuất ý tưởng, và ông là
người lãnh ý, chuyển tải thành một văn bản luật hẳn hoi, trên diễn đàn
báo chí, tất cả các nhà thơ, nhà văn có tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều,
Bằng Việt, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo... đều
phản ứng bất lợi cho ông - từ chối có luật này.
Còn đại biểu QH, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH thì dứt khoát, Luật Nhà văn là không cần thiết! Các đại biểu khác cũng bức xúc không kém: Luật cần không có, lại thò ra Luật Nhà văn (Pháp luật TP HCM, 3/11/2011). Chưa kể có những ý kiến nặng nề cho là vô duyên, thậm chí là tào lao ngay trên các báo.
Vậy
thì nghĩ về chuyện này sao đây? Đại biểu QH kiến nghị cho lợi ích của
giới mình, mà người giới mình chối đây đẩy? Khổ thân ông H. Đến lượt vị
quan chức nọ cũng nói rằng ông H. đã hiểu sai ý tưởng về Luật Nhà văn.
Kiến
nghị Luật Nhà văn, dẫu sao cũng đã cất lên giữa bối cảnh, kỳ họp QH lần
này vẫn có ý kiến đề cập tới chất lượng nghị trường, chất lượng nghị
sĩ, vô tình nó trở thành "vật chứng" so sánh.
QH
là cơ quan lập pháp, có quyền lực cao nhất, nhưng theo ông Dương Trung
Quốc, cách làm của chúng ta (tức QH) lâu nay vẫn là thụ động. Chủ yếu là
Chính phủ đề xuất, trình dự luật gì thì QH bàn cái ấy.
|
Theo
ông Dương Trung Quốc, cách làm của chúng ta (tức QH) lâu nay vẫn là thụ
động. Chủ yếu là Chính phủ đề xuất, trình dự luật gì thì QH bàn cái ấy |
Hay Dự thảo Luật Tố cáo, ý kiến của ông Nguyễn Văn Hậu, Phó CT Hội Luật gia TP. HCM, nhận xét: Dự thảo luật thể hiện nhiều bất ổn, hạn chế vai trò điều tra độc lập của báo chí... Điều đó, dân sẽ thiệt thòi.
QH thụ động, thì tại Chính phủ, hay tại QH, thưa các đại biểu QH?
Thế
nên rõ ràng kỳ họp QH này, vấn đề luật pháp cho cuộc sống, thiếu vẫn
thiếu, mà thừa vẫn thừa. Nếu vậy, thì các vị đại biểu QH còn nợ dân
nhiều lắm.
Ông N. M. H không đáng trách vì đó là
quyền hiến định của một đại biểu QH. Nhưng ông đáng trách vì đã quá
thiếu cái trực cảm cần thiết của một người đại biểu nhân dân, biết nên
kiến nghị điều gì bức thiết, và đúng lúc.
Vì ông
còn là một thầy thuốc. Ai dám bảo đảm ngành y tế không có những sự ăn
tiền, sự nhẫn tâm, sự bất cập về chuyên môn lẫn y đức. Ai dám bảo cuộc
sống những người thầy thuốc vùng cao không còn vất vả, thiệt thòi, không
cần sự quan tâm bằng những chính sách của Nhà nước?
Phát biểu, với một con người bình thường giữa đám đông đã khó.
Phát
ngôn, giữa nghị trường còn khó gấp ngàn lần. Khi nhân danh tiếng nói
của nhân dân. Phát ngôn đó cần sáng suốt, trí lự, mẫn cảm để nhân dân
yên lòng, tin tưởng, chứ không thể để nhân dân... xấu hổ, buồn cười.
Người viết bài cứ bị ám ảnh câu nói, Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là "khó phát triển".
"Khó phát triển" thì đổ tại cơ chế. Chứ mọi điều vẫn là sự toan tính, là cái tâm cái tầm của con người, quyết định!
K.D.
Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn