"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 11. November 2011

Giới tài chính đầu sỏ Hoa Kỳ phá hoại dân chủ như thế nào

Krzysztof Rybiński – Lê Diễn Đức dịch 

 
Thị trường chứng khoán trên Wall Street, New York - Ảnh: NYPI.NET
 
Giới tài chính đầu sỏ lợi dụng các cơ chế sẵn có trong nền dân chủ để thực thi lợi ích của họ bằng cái giá của công chúng. Giới đại tư bản giờ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ, bởi vì nó đã làm phát triển bốn thứ bệnh lý nguy hiểm. Cội nguồn trước hết của những bệnh lý này là Hoa Kỳ, nhưng âm hưởng của nó đang ngày càng mạnh mẽ ở Tây Âu.  
 
Bệnh lý 1: Quy mô hoạt động quá lớn, nhưng đa phần không hiệu quả
 
Chưa bao giờ trong lịch sử, một số rất ít người giàu có lại chiếm hữu một tài sản khổng lồ bằng cái giá phải trả của vô số người khác như hôm nay - Raghuram Rajan viết.
 
Rajan là giáo sư tài chính của Chicago University, nhà kinh tế chủ chốt trước đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, người giành chiến thắng trong lễ trao giải đầu tiên của Giải thưởng Fischer Black cho giáo sư xuất sắc nhất trong lĩnh vực tài chính, hiện đang quản lý Quỹ Trọng tài John Paulson, có thu nhập 3,7 tỷ đô la trong năm 2007 (ông là tỷ phú chỉ tính riêng theo tiền lương, chứ không tính theo giá trị tài sản, như với nhiều tỷ phú khác). Nghĩa là 74 ngàn lần nhiều hơn so với thu nhập của một hộ gia đình trung bình ở Hoa Kỳ. Năm 1976, một phần trăm người Mỹ giàu có nhất chiếm 8,9% tổng thu nhập quốc dân, trong năm 2007 đã là 23,5%. Nói cách khác, cứ mỗi đồng đô la tăng trưởng kinh tế đạt được giữa năm 1976 và năm 2007 thì có 58 xu chạy vào một phần trăm của những công dân giàu có nhất Hoa Kỳ.
 
Phần lớn những người Mỹ giàu có nhất là những đại diện của khu vực tài chính - và đây là một hiện tượng hoàn toàn mới trong lịch sử. Từ cuối Chiến tranh Thế giới II đến đầu thập niên tám mươi, mức lương trung bình trong ngành ngân hàng ở Mỹ gần bằng với mức lương trung bình trong khu vực tư nhân nói chung. Năm 2007, mức lương này đã cao gấp đôi.
 
Bạn có thể tự hỏi ngành ngân hàng Mỹ cho ra cái gì mới ghê gớm để biện minh cho mức lương cao như thế. Giải thích rất rõ ràng là, trong hai thập kỷ qua, người ta đã tạo ra rất nhiều sáng chế trong lĩnh vực tài chính, dẫn đến sự gia tăng về quy mô hoạt động của các ngân hàng. Những sáng chế rất có lợi nhuận và phổ biến (như chứng khoán, CDS, CDO, mô thức chuyển giao rủi ro cho những người không hiểu nó thấu đáo, những sáng tạo trong ngân sách với những thủ pháp nhằm tăng đòn bẩy tài chính, v.v và v.v) đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ tám mươi năm nay. Theo tổng kết trong báo của Ngân hàng Anh quốc, được điều tiết bảo lãnh và bảo đảm, thì người nộp thuế đã phải gánh hơn 10 nghìn tỷ đô la cho việc tài trợ các tổ chức tài chính trước nguy cơ sụp đổ trên toàn thế giới.
 
Tại sao công chúng lại phải như thế? Bởi vì các ngân hàng đã trở thành "quá lớn để sụp đổ" (too big to fall), mặc dù có một tuyên bố chính xác hơn là: đã quá hệ thống với tầm quan trọng ở mức có thể cho sụp đổ. Năm 1995, tài sản của sáu ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ chiếm ít hơn 20% thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ. Trong năm 2007, đã lên tới 60%, nhưng trong cuộc khủng hoảng thậm chí còn tăng lên do sự sáp nhập của các ngân hàng.
 
Bệnh lý 2: Người nộp thuế là con tin của ngân hàng
 
Trong nhiều thế hệ, kinh tế tư nhân đã là động cơ của tăng trưởng kinh tế. Các doanh nhân sử dụng tiền tiết kiệm của họ và gia đình, thường đi vay tiền, để có thể phát triển doanh nghiệp của mình, và gặt hái thành quả. Kết quả có được đã phải trả giá cho sự chấp nhận mạo hiểm cao, làm việc nặng nhọc và những hy sinh. Nếu doanh nghiệp thất bại, công ty phá sản, doanh nhân sẽ mất hết tài sản hoặc một phần.
 
Đôi khi, các công ty trở nên quá lớn và đặt ra mối đe dọa cho công chúng. Ví dụ, thông qua kích thước của chúng và những lợi nhuận khổng lồ họ có thể "mua" phiếu bầu, hoặc đạt được lợi nhuận độc quyền. Trong nhiều thế kỷ qua, người ta đã lưu tâm để các công ty không trở nên quá lớn ở mức như vậy. Việc làm của các vị tổng thống và dân biểu quốc hội đã dẫn đến việc phân chia những tập đoàn khổng lồ như Standard Oil hay Nothern Securities Company trong thế kỷ XX.
 
Nhưng trong trường hợp của ngành ngân hàng người ta đã không có hành động hiệu quả nào để chống lại sự gia tăng của các tổ chức này ở mức độ đe dọa nền kinh tế và dân chủ.
 
Trong hoạt động của ngành ngân hàng ở Mỹ (như được nói đến trong phần tiếp theo), các ngân hàng đã có thể thực hiện mô hình phát triển của mình một cách hiệu quả: Nếu chúng tôi có lãi thì đó là phần kiếm được của giới tài chính đầu sỏ, còn nếu chúng tôi thua lỗ - người đóng thuế sẽ chi trả.
 
Khi có bất kỳ vấn đề gì, các ông chủ ngân hàng trên Phố Wall và những học giả hàn lâm, các nhà báo, nghị sĩ và các nhà quản lý, những người liên quan với họ, ngay lập tức làm khuấy động lên nỗi hoảng sợ, rằng, nếu các ngân hàng sụp đổ thì sẽ là thảm hoạ lớn. Sau khi cuộc hoảng sợ bắt đầu, người ta có thể chi ra hàng trăm tỷ đô la tiếp theo để giải cứu các ngân hàng.
 
Các ngân hàng đang ngày càng trở nên lớn hơn và bệnh lý dựa trên thực tiễn là các chủ ngân hàng bắt người nộp thuế làm con tin ngày càng phổ biến.
 
Tôi đang đợi ở phiên bản mới của cuộc khủng hoảng đang nhanh chóng tới gần, một lần nữa chúng ta sẽ thử độ sâu của túi người nộp thuế, chỉ khác là thời gian này phải thọc tay sâu hơn nhiều so với năm 2008 và 2009.
 
Bệnh lý 3: "Tham nhũng hiện đại" với quy mô chưa từng có
 
Trong bảy tháng đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Timothy Geitner đã cho ký kết hơn 80 hợp đồng với các chủ tịch ngân hàng, Goldman Sachs của Lloyd Blankfein, Jamie Dimon của JP Morgan và Vikram Pandit của Citigroup. Tất nhiên là Bộ trưởng Ngân khố thì phải nói chuyện với các chủ ngân hàng khi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài. Nhưng sự cân đối trở nên khập khiễng khi ông ta gặp gỡ người đứng đầu Goldman thường xuyên hơn là với Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, và thường xuyên hơn với người đứng đầu của Citigroup hơn là Chủ tịch Ủy ban tài chính của Quốc hội.
 
Sự hợp tác chặt chẽ này, hay mối quan hệ gần gũi của các ngân hàng và các chính khách, cùng với những nhà hoạch định chính sách, xuất phát từ hai lý do.
 
Thứ nhất là mô hình hoạt động "cánh cửa quay", thông qua đó các thành viên trong Hội đồng quản trị của ngân hàng cũng giữ các chức vụ công cộng quan trọng, có ảnh hưởng lên các quy chế ngân hàng, còn các cựu chính khách thì tới ngân hàng làm việc, kiếm nhiều triệu đô la mỗi năm. Có thể nêu hàng trăm ví dụ, nhưng chúng ta chỉ đưa ra một số: Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson là cựu lãnh đạo của Goldman Sachs, ba cố vấn quan trọng trong thời gian ông tại nhiệm - Robert Steel, Saffron Steve và Neel Kashari - đã được tuyển chọn từ Goldman. Larry Summers, nhà kinh tế nổi tiếng và là giám đốc quản lý quỹ trọng tài D. E. Shaw, trở thành người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính phủ của Barack Obama. Robert Rubin, Peter Orszag, và nhiều người khác, và thậm chí cả Giám đốc Văn phòng của Barack Obama, Ram Emmanuel, trước đây đều có mối liên kết với ngân hàng hoặc các quỹ trọng tài. Tất cả mọi người chăm lo cho lợi ích của Wall Street và quên lãng số phận của những gia đình bình thường mà thu nhập thực tế của họ bị giảm đi trong hai thập kỷ qua. Nhưng đó là những gia đình đã phải chịu chi phí giải cứu hệ thống ngân hàng trong năm 2008 và 2009.
 
Thứ hai, các ngân hàng lớn nhất cũng là các nhà tài trợ kinh phí cho các chiến dịch vận động tranh cử vào Thượng viện và Quốc hội. Nhiều nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng, các dân biểu và thượng nghị sĩ đã từng nhận nhiều tiền nhất từ ​​các ngân hàng, sau đó rất năng động và quảng bá có hiệu quả cho lợi ích của ngân hàng. Sự bãi bỏ những quy định chế tài xảy ra trong ba mươi năm qua mà một phần phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ và đang tới, đã được thực hiện theo cách này, bằng bàn tay và tiếng nói của những dân biểu quốc hội đã nhận tiền từ ngân hàng tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ. Mặc dù tất cả mọi thứ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng nhiều tác giả gọi cách thức này là "tham nhũng hiện đại" trên một quy mô lớn hơn nhiều so với tham nhũng thường gặp phổ biến ở các nước cộng hòa chuối.
 
Bệnh lý 4: Thói tự mãn và tham lam
 
Ba thứ bệnh lý đã nói trên được bổ sung thêm bệnh lý thứ tư, tức là sự tự mãn. Trong năm 2008, khi khu vực tài chính lung lay và người nộp thuế đã phải giải cứu các ngân hàng bằng hàng trăm tỷ đô la, sếp của Citigroup Vikram Pandit nhận 30 triệu đô la tiền lương cho chức vụ chủ tịch ngân hàng và 165 triệu đô la từ việc bán quỹ trọng tài của mình cho... Citigroup.
 
Sếp của Goldman Sachs, Lloyd Blankfein, nói công khai rằng, ông ta đã làm công việc của Thượng Đế, bởi vì ông cho các công ty vay tiền là để tuyển dụng người làm việc, làm cho họ có thể sản xuất ra cái gì đó.
 
Một thành viên khác của hội đồng quản trị của Goldman Sachs còn nói với công luận rằng Chúa Giêsu nói hãy yêu thương người thân cận như chính mình, có nghĩa là chúng tôi hỗ trợ cho các hoạt động có lợi cho chính bản thân mình. Do đó, chúng tôi phải chịu sự phân tầng rất lớn của thu nhập, bởi vì đây là cách để đạt được sự phát triển nhanh hơn và tạo cơ hội cho tất cả.
 
Thế nhưng, như thể hiện qua dữ liệu trong vài thập kỷ qua, cơ hội chủ yếu là dành cho giới tài chính đầu sỏ của Hoa Kỳ kiếm được hàng tỷ đô la bằng cái giá phải trả của người nộp thuế. Các gia đình trung bình, trong trường hợp tốt nhất, giữ được mức thu nhập của mình. Các tổ hợp ngân hàng Phố Wall và những chính trị gia của Washington có liên hệ với họ đã nhìn thấy vấn đề này, bởi vì người Mỹ trung bình không thể tăng thu nhập từ bối cảnh trì trệ, nên người ta đã cung cấp tín dụng giá rẻ cho họ và đẩy mạnh lối sống trên vay mượn. Mức nợ không chỉ của người Mỹ, mà còn của người Anh và Tây Ban Nha, đã đạt tới mức phi lý, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
 
Sự bùng nổ kinh tế dựa trên tín dụng đã chứng tỏ là một ảo ảnh, cũng như huyễn hoặc về quyền sở hữu nhà của hàng triệu người Mỹ mà bây giờ bị các ngân hàng thu hồi. Ngân hàng gom lại một khối tài sản lớn không thể tưởng tượng, còn người Mỹ trung bình sống trong ảo tưởng. Ngân hàng thu lợi hai lần, đầu tiên từ khách hàng của các ngân hàng trong hai thập kỷ qua, và sau đó từ người nộp thuế trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Khi các nhà tài chính nhận tài trợ của chính phủ sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, họ tự đảm bảo cho mình những điều kiện rất thuận lợi, rẻ hơn nhiều lần so với nguồn tài trợ của các ngân hàng tại thời điểm này từ các nhà đầu tư tư nhân.
 
Hành xử của các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng, như là một sự tự mãn, họ chi ra nhiều triệu đô la tiền thưởng trong khi hàng triệu người mất việc và nhà cửa, đã gây ra sự bất mãn rất lớn, thậm chí thù hận trong xã hội Hoa kỳ đối với giới tài chính đầu sỏ. Nhưng, mặc dù có sự bất bình lớn như vậy, các đạo luật tiếp theo, mà mục đích là để kiểm soát các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, chỉ có hiệu quả thấm nước, nhờ ảnh hưởng to lớn của các ngân hàng lên quá trình lập pháp tại Washington. Cơ chế Dân chủ ngưng làm việc.
 
Hãy kịp trước khi có cuộc cách mạng
 
Trong vài năm qua đã có nhiều cuốn sách viết về vai trò ngày càng tăng của giới  tài chính đầu sỏ, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Được biết đến nhiều nhất là "Superclass" của David Rothkopf trong năm 2008, "Too Big Fail" của Andrew Roskina trong năm 2009 và "13 Bankers" của Simon Jonson và James Kwak trong năm 2010. Các chủ đề được minh hoạ bằng hình ảnh tư liệu, dựa trên những cuộc họp cụ thể, các cuộc hẹn, hoặc quá trình ban hành pháp luật, mô tả quá trình của bốn bệnh lý mà tôi kể ra. Với các bạn quan tâm, tôi đề nghị đọc những cuốn sách này, bởi vì lĩnh hội các dữ kiện chứa trong các cuốn sách trên, mọi người có thể hiểu rõ hơn lý do tại sao tôi đặt ra giả thiết mạnh mẽ: giới tài chính đầu sỏ ở Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất đối với dân chủ.
 
Không thể được bầu vào Thượng viện hay Quốc hội nếu không có số tiền rất lớn và số tiền này chủ yếu là từ ngân hàng. Không thể chia các ngân hàng ra nhỏ hơn, hoặc không thể không cho họ kinh doanh rủi ro, bởi vì quyền lợi của họ được bảo vệ bởi những người ngồi tại Thượng viện và Quốc hội, những người nhờ có tiền từ ngân hàng mà giành được ghế trên Capitol Hill. Không được cho phép các ngân hàng sụp đổ trong khủng hoảng vì chúng "quá lớn" hoặc "quá quan trọng đối với hệ thống kinh tế" - và họ có khắp mọi nơi những người của mình không cho phép làm như thế.
 
Lịch sử đã cho chúng ta những bài học rằng rất nhiều giai đoạn, trong đó một nhóm nhỏ những người làm giàu quá mức bằng cái giá của công chúng, đều kết thúc bi thảm. Cách mạng bùng nổ, chiến tranh hoặc bạo loạn, các quốc gia nghèo đi, còn dân chủ và thị trường tự do phải trải qua sự suy yếu rất lớn, thường kéo dài nhiều thập kỷ.
 
Theo nhận định của tôi, một cuộc khủng hoảng lớn đang tới, có thể sâu sắc hơn nhiều so với thời kỳ năm 2008-2009, sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái lớn ở châu Âu, và có lẽ trên thế giới. Sau đó, các chính phủ và quốc hội của nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn: tiếp tục cứu các ngân hàng một lần nữa, hay là cứu đất nước ấy khỏi phá sản, tức là cứu các công dân bình thường. Mong rằng họ sẽ có quyết định khôn ngoan.
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức - RFA Blog