Kami (RFA)
Tôi quan tâm đến chính trị, nhưng tôi quan niệm viết blog đơn giản hơn viết báo, bởi đã là viết báo thì phải phục vụ cho quan điểm chính trị dẫu là ít nhất là của tòa báo nhận đăng tải bài viết của mình. Viết blog thì khác, viết cho mình và bạn đọc blog của mình, không bị ai kiểm duyệt. Nói như thế không phải là thích viết gì thì viết, kể cả bịa ra thành chuyện đó là việc không bao giờ tôi được phép làm. Tôi chỉ viết những điều mà khi tôi đi, tôi đã thấy tận mắt, hoặc những đánh giá bình luận cũng là trung thực với tình hình thực tế để cung cấp các thông tin tới bạn đọc dưới góc nhìn của cá nhân mình. Là một blogger tự do, có cái hay như vậy đó, vì không phải viết để phục vụ cho một mục tiêu cao cả của bất kỳ tổ chức chính trị nào, do vậy với tôi không hoặc ít quan tâm tới sự ảnh hưởng của bài viết của mình đối với sự nghiệp phong trào của ai đó.
Hôm nay nói chuyện này cũng bởi thời gian qua một số bạn đọc trong blog cá nhân của tôi có hoài nghi tôi là blogger hai mang, nửa ủng hộ cộng sản, nửa kia ủng hộ dân chủ. Có người còn đánh giá là vì tôi sợ ảnh hưởng tới bản thân và gia đình nên có kiểu viết để đôi khi không làm vừa lòng ai đó như vậy, họ còn khuyên tôi là nhà báo mà viết như thế thì đừng nên viết về đề tài nhạy cảm mà hãy viết về thể thao, văn hoá cho nhẹ chuyện. Cũng biết rằng chuyện người yêu cũng lắm, kẻ ghét cũng nhiều của mỗi cá nhân, nhất là ở vai trò blogger là chuyện đương nhiên không thể tránh nổi.
Có thể vì đã hai tuần nay tôi nghỉ viết blog, hôm nay mới trở về nhà sau một chuyến đi nghỉ dài ngày tránh rét ở các tỉnh phía Nam sau một trận tai biến, vì theo lời khuyên của Bác sĩ giai đoạn này tôi nên hạn chế làm việc bằng đầu óc, chắc vì lý do này mà anh em, bạn hữu và các fan của tôi tỏ ra sốt ruột. Nhiều người nhắn tin, comments hay e-mail hỏi thăm vì sự bất thường này, nhiều người nghĩ hình như tôi đã lùi bước do chán nản sau vụ đụng độ hy hữu ngoài ý muốn của cá nhân mình vừa rồi với một vài ai đó, nhưng quan trọng hơn là nhiều người đặt đấu hỏi với tôi vì sự thờ ơ đối với sự kiện cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi và Trung Đông đã và đang tạo cảm hứng cho rất nhiều người.
Thực ra tôi rất quan tâm tới sự kiện chính trị cách mạng Hoa Nhài mang tính bất ngờ này đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông trong những ngày vừa qua. Khi cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia kết thúc và đang lan sang các nước láng giềng trong khu vực thì ngày 09/02/2011 tôi cũng đã viết bài khẳng định trong một tương lai gần chưa thể có biến cố như Tunisia ở Việt nam điều này hôm nay vẫn còn rất đúng. Kể cả những ngày vừa qua khi mà chính quyền Trung quốc tỏ ra hết sức lo lắng trong việc đối phó với các hiện tượng chống đối mang màu sắc một cuộc cách mạng Hoa Nhài đang diễn ra vào các chủ nhật ở thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và nhiều tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Trung quốc.
Ký giả Trần Đông Đức bạn tôi, người trong những ngày này rất chịu khó săn tin liên quan tới sự kiện này trên các trang tin bằng Hoa ngữ đã phấn chấn viết trên trang Facebook cá nhân của anh rằng “Vào các nguồn tin Hoa Ngữ sẽ thấy rõ không khí cách mạng tràn ngập Bắc Kinh Thượng Hải rồi. Bản Hiệu Triệu xuống đường đang nắm phần chủ động về ưu thế truyền thông. Thực sự bản hiệu triệu này đang trở thành la bàn điều khiển lực lượng công an Trung Quốc. Chỉ ở đâu là đem quân tới đấy. Chỉ vài tuần nữa thôi thì sức lôi cuốn sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Chết mẹ Trung Cộng rồi.“. Những tin tức ấy cũng làm nhiều người Việt nam quan tâm tới tin tức chính trị cảm thấy phấn chấn, vì ai cũng có chung suy nghĩ và hy vọng rằng ông anh Trung cộng bên kia mà tan thì ông em Việt cộng nhà mình bên này cũng toi.
Tôi thì tôi không nghĩ như thế (cho dù sẽ bị người khác cho ăn chửi vì tội hay nghĩ ngược đời có lợi cho cộng sản), vì theo tôi người dân Trung quốc, Ai cập hay người dân Tunisia và nhất là người dân Libya không có cái sự vô cảm và thờ ơ với cộng đồng giống người Việt nam ta. Ở các nước đó, dân chúng có ý thức và biết đoàn kết để đòi lại những quyền của họ bị nhà cầm quyền tước đoạt dưới sự lãnh đạo của lực lượng tri thức cấp tiến, điều đó ngược hẳn với ở Việt nam hoàn toàn không có. Cách đây mấy hôm, mấy anh em trí thức thuộc dạng cấp tiến vốn là đồng môn với tôi có tụ tập, khi có người nói về vấn đề lạm phát, giá cả tăng vọt ảnh hưởng đến đời sống những người ăn lương thì đa phần bọn họ đều thản nhiên bảo rằng “Ôi dào, nước lên thì thuyền lên. Chết thì chết thằng khác, mình lo gì”. Và sau khi ra về, khi ngồi cùng xe một anh bạn tôi, khi nhắc tới chuyện cách mạng Hoa Sen, Hoa Nhài thì anh ta cười và bảo “Ông nói làm chó gì, mẹ kiếp cái dân Việt nam, tôi nói thật kể cả khi chính quyền Trung quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng. Nhưng tôi hỏi ông họ sẽ đàm phán với ai?”
Nhớ lại lời anh bạn nói hôm ấy , hôm nay khi ngồi viết những dòng này mới nghĩ thế này: Giả sử tôi là một công dân bình thường, là một trí thức có điều kiện tiếp cận với internet. Tôi có biết đến lời kêu gọi Lời Kêu gọi Toàn Dân Xuống Đường Cứu Nước Của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế , tôi cũng có ước muốn một xã hội công bằng, ai cũng được hưởng những Nhân Quyền căn bản như tự do thông tin, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do nghiệp đoàn, tự do hội họp, tự do sinh họat chính trị đa nguyên đa đảng để người dân chọn người tài đức lãnh đạo quốc gia.
Nhưng quan trọng nhất là tôi phải biết tôi đang theo ai, hay nói cụ thể hơn là ai sẽ là nhạc trưởng (lãnh đạo) dẫn dắt chúng tôi, bởi đơn giản nhất một con rắn không thể thiếu đầu huống chi một khối người khổng lồ sao lại không có người lãnh đạo? Hô hào chung chung cho có theo phong trào thì giải quyết được gì? Cũng có thể tính ít khả thi của Lời kêu gọi này đó là một trong những lý do công an Việt nam cho Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế bên cạnh sức ép của chính phủ Mỹ được tại ngoại sau khi bắt giữ với tội danh có dấu hiệu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành động này của chính quyền Việt nam cũng nên hiểu rằng đó là họ đã lùi một bước, còn lý do vì sao mọi người hãy tự đánh giá.
Có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Trung Đông và Bắc Phi là cách cuộc cách mạng tự phát của quần chúng mà không có sự tổ chức hay lãnh đạo của bất kỳ tổ chức nào. Tôi cho rằng đó chỉ là những lời biện hộ vụng về cho sự mất tác dụng vai trò của các tổ chức Hội đoàn hay Đảng phái chính trị đối lập trong và ngoài nước trong suốt nhiều chục năm qua. Chỉ cần nhìn vào các cá nhân hay tổ chức đứng ra đàm phán với chính quyền sau nhiều ngày biểu tình Tunisia, Ai cập, Barain, Libia …. là thấy rõ điều này.
Nhìn chung, các cuộc cách mạng màu sắc trong một vài thập kỷ gần đây có một sự giống nhau đến mức kỳ lạ, đó là sự bất ngờ và tính dây chuyền của nó. Đặc biệt là hình như chu kỳ của nó lâu lâu, một vài chục năm mới lặp lại. Như các cuộc cách mạng ở các quốc gia cộng sản Đông Âu và Liên xô cuối thế kỷ trước đã phá vỡ và làm sụp đổ hệ thống các nước XHCN, cũng như cuộc cách mạng Hoa Nhài ở vùng Bắc Phi và Trung Đông đã và đang phá tan nền chính trị độc tài của các quốc gia Hồi giáo hoàn toàn là sự bất ngờ đến giật mình, vì trước đó chỉ ít ngày hầu như không có một đánh giá, phân tích hay dự báo nào báo trước hiểm hoạ đối với các chính quyền độc tài sẽ xảy ra.
Không có cái gì tự nhiên mà có, tự nhiên mà đến nhất là một cuộc cách mạng thay đổi một thể chế chính trị. Bất kể cuộc cách mạng đó dùng phương thức nào, dù là bạo động hay bất bạo động thì điều quan trọng nhất phải là sự chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là khâu tổ chức lực lượng quần chúng trong nước cả về bề rộng và chiều sâu là yếu tố quyết định. Điều kiện cho một cuộc cách mạng thành công sẽ mãi vẫn phải là “Tổ chức, tổ chức và tổ chức” như Lê nin đã nói. Không bao giờ cho phép người làm cách mạng có suy nghĩ sự thành công của một cuộc cách mạng là do vô tình kiểu quả táo rơi của Issac Newton mà có.
Với Trung quốc thì chưa chắc lắm, nhưng với dân tộc Việt nam chắc nhiều khả năng sẽ lỡ chuyến tàu cách mạng Hoa Nhài lần này. Lỡ chuyến cũng bởi tại lý do khách quan là vì không mấy ai trong số chúng ta nghĩ tình huống này sẽ đến nhanh chóng và dồn dập như vậy ở Bắc Phi và Trung Đông để chuẩn bị, nhưng cơ bản nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan là sự thiếu tổ chức, thiếu liên kết trong chủ trương và phối hợp hành động của các tổ chức Hội đoàn hay Đảng phái chính trị đối lập trong và ngoài nước.
Vấn đề này tôi đã nói trước nhiều lần, nhưng có một số người phản đối cho là không phải như thế. Vậy ai không đồng tình hãy trả lời hộ tôi câu hỏi “Một khi chính quyền Trung quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng. Xin hỏi họ sẽ đàm phán với ai?”.
Chắc là khi ấy các tổ chức Hội đoàn hay Đảng phái chính trị đối lập trong và ngoài nước mới họp để bắt thăm may rủi để chọn đội tuyển đi thi đấu với họ? Thế là còn may, chỉ sợ mấy ông cộng sản mang tiền và ghế dân biểu ra dử như năm 1946 họ đã từng làm với Việt quốc, Việt cách… thì coi như xong phim “Đến hẹn lại lên”.
Vậy không lẽ chúng ta lại ngồi chờ một chuyến tàu mạng sau 20 năm nữa? Câu trả lời là không phải thế, không cần tới 20 năm. Một khi họ (đảng cộng sản) đã hiểu một nhà nước pháp quyền, cộng với một xã hội dân sự với nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh là xu thế tất yếu của thời đại tiến bộ văn minh thì tất nó sẽ phải đến, không có thế lực nào ngăn cản nổi. Với sự thay đổi chóng mặt về mặt chính trị của đảng CSVN như hiện nay, trước sự thay đổi của quan hệ chính trị trên thế giới và khu vực , điển hình là với việc chính quyền cộng sản Việt nam chấp nhận cho Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế được tại ngoại sau khi bắt giữ với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là một minh chứng hùng hồn.
Nhưng thế còn chưa đủ, nó còn đỏi hỏi nỗ lực hơn nữa của mỗi chúng ta trong việc gây sức ép với chính quyền Việt nam hiện nay trên mọi lĩnh vực, kể cả việc hậu thuẫn và ủng hộ các nhân vật chính khách có tên tuổi vốn là cựu lãnh đạo đảng CSVN có tư tưởng cấp tiến cũng là điều cần thiết.
Vì việc lớn thì phải hiểu thâm ý của câu “Mèo trắng Mèo đen, Mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”. Hãy xem sự thành công của Ttung quốc về kinh tế trong hơn ba thập kỷ qua làm bài học./.
Hà nội, 01/03/2011
© Kami
© 2011 Radio Free Asia