"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 5. August 2010

‘Căng thẳng ở biển Đông khó leo thang thành xung đột’

Nguyễn Trung, VOA

05 tháng 8 2010- Tiếp theo tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton về ‘quyền lợi quốc gia’ của Hoa Kỳ ở biển Đông, Trung Quốc đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích đồng thời tiến hành tập trận tại khu vực biển tranh chấp, ‘gây quan ngại cho các nước liên quan’. Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, Phó Giáo sư Peter Dutton, làm việc với Viện Nghiên cứu Biển Trung Hoa thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho rằng với vị trí ‘cầm trịch’, ‘quyền lợi của Hoa Kỳ’ cần phải được cân nhắc trong các giải pháp về biển Đông.

Peter Dutton

VOA: Ông đánh giá như thế nào về các diễn biến gần đây liên quan tới biển Đông?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi cho rằng kể từ sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, dường như đang có một sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Việc Washington bày tỏ quan điểm rằng giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông là một quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ đã buộc Trung Quốc phải chú tâm hơn với vấn đề tranh cãi về lãnh hải ở vùng biển này cũng như đã khiến Bắc Kinh tức giận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng căng thẳng chính hiện giờ là giữa Bắc Kinh và các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

VOA:Việc Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực rằng Hoa Kỳ có ‘quyền lợi quốc gia’ ở biển Đông đã gây ra sự phản đối từ phía Trung Quốc. Liệu đây có phải là một bước đi bất ngờ từ chính quyền Washington không, thưa ông?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi hoàn toàn không nghĩ đây là một động thái bất ngờ, một phần bởi vì biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Như Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Washington, rằng các bên có quyền lợi về thương mại cũng như vận tải được quyền tiếp cận khu vực biển Đông một cách tự do. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ có mối quan tâm quốc gia đối với các tuyến hàng hải quan trọng khác nhau trên khắp thế giới.

VOA:Ông có nghĩ rằng việc Hoa Kỳ ‘nhúng chân’ vào vấn đề tranh chấp sẽ làm ‘vẩn đục’ biển Đông như nhận định của một số chuyên gia?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi không nghĩ là như vậy. Tôi đã đọc được ý kiến đó trên Asia Times, nhưng chúng ta phải phân tích rõ hơn. ‘Nhúng chân’ vào một chuyện gì đó thường là để muốn xem phản ứng của các nước khác ra sao. Nhưng đây không phải là tuyên bố của Hoa Kỳ. Washington chỉ cam kết nỗ lực vì tự do hàng hải cũng như đối thoại với các nước ở Đông Nam Á. Vậy nên, tôi cho rằng nói Hoa Kỳ ‘nhúng chân’ và làm ‘vẩn đục’ biển Đông là không đúng.

Tôi cho rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng Hoa Kỳ là nước cầm trịch, một cường quốc về hàng hải cũng như một nước lớn trong việc bảo vệ hệ thống toàn cầu, đem lại các lợi ích kinh tế giúp tất cả các nước khác, trong đó có Trung Quốc, giàu mạnh hơn trong vài thập kỷ qua.

Tôi nghĩ cần phải nhận ra một điều rằng Washington có cam kết với khu vực châu Á và Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia lớn, nên điều quan trọng là phải cân nhắc rằng mọi giải pháp đối với các tranh chấp phải tính tới quyền lợi của Hoa Kỳ.

VOA: Thưa ông, có ý kiến cho rằng ‘chủ nghĩa song phương, đàm phán bí mật và áp lực ngầm đang chịu sức ép của chủ nghĩa đa phương, sự minh bạch và việc tuân thủ luật pháp quốc tế’ trong vấn đề biển Đông. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi đồng ý rằng đây là một sự thay đổi cách thức Trung Quốc cần phải thực hiện khi bày tỏ quan ngại của họ đối với vấn đề biển Đông. Cũng giống với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, tôi tin rằng Trung Quốc muốn chứng kiến một giải pháp hòa bình.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Clinton đã kêu gọi các bên liên quan phát triển một tiến trình ngoại giao cởi mở và hợp tác. Ngoài ra, bà cũng khuyến khích các bên đạt thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông, phản ánh tinh thần của Tuyên bố Ứng xử biển Đông của các bên liên quan mà ASEAN và Trung Quốc đạt được hồi năm 2002. Tôi nghĩ mọi quốc gia đều muốn bảo đảm rằng tiến trình hợp tác và ngoại giao sẽ giải quyết căng thẳng ở biển Đông vì quyền lợi của mọi bên.

VOA:Tiếp sau tuyên bố của bà Clinton, Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở khu vực biển Đông. Ông có nghĩ rằng căng thẳng sẽ leo thang thành một cuộc xung đột ở khu vực biển tranh chấp này không?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi không nghĩ vậy. Những cái đầu thông minh từ mọi bên liên quan sẽ thấy rằng xung đột là tình thế dẫn tới hai bên đều thiệt hại, chứ không phải hai bên cùng có lợi. Tôi cho rằng mọi người sẽ thừa nhận rằng giải pháp hai bên cùng có lợi là một cách tiếp cận hóa giải vấn đề tốt nhất.

Ngoài tranh chấp của các quốc gia liên quan, giải pháp còn phải cân nhắc tới quyền lợi của các cường quốc cũng như các nước khác nhau. Bà Clinton cũng nhấn mạnh rằng không nên dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp. Bản thân các chuyên gia của Trung Quốc cũng nhận thấy rằng việc sử dụng vũ lực sẽ gây phản tác dụng đối với chính Bắc Kinh.

Trong trường hợp họ dùng tới biện pháp này, điều đó sẽ chỉ làm Hoa Kỳ và các nước khác tăng cường chống đối họ mà thôi. Lúc đó, Trung Quốc sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề hơn nữa.

Cám ơn Phó Giáo sư Peter Dutton.

Find this article at:
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/south_china_sea_tension-100022689.html