Hình: Getty Images/iStockphoto
Hôm qua trên tờ nhật báo “The Age” là một trong những cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất ở Úc có đăng một bài báo mang tựa đề ‘Qantas held to ransom in Vietnam’ mà tôi xin tạm dịch là ‘Qantas bị đòi tiền chuộc ở Việt Nam’.
Đối với dân Úc hay hầu hết những ai đã có dịp sang Úc có lẽ tất cả đều biết Qantas là hãng hàng không quốc gia lớn nhất của Úc và cũng là một trong những hãng hàng không an toàn, hiện đại nhất thế giới. Không những nó là niềm hãnh diện của cả quốc gia mà chính hãng Qantas cũng luôn tự hào là từ khi được thành lập vào năm 1920 cho đến nay, chưa có bất kỳ một chiếc máy bay Qantas nào đang bay lại bị… rớt.
Hãnh diện là thế. Tự hào là thế.
Vậy mà theo bài báo có một điều ít ai ở Úc được biết đó là trong năm vừa qua, hãng Qantas đã bị làm tiền ở Việt Nam rất nhiều lần mà không ai dám nói ra, kể cả những giám đốc hiện đang điều hành Qantas. Đặc biệt hơn là hai giám đốc Daniela Marsilli và Tristan Freeman vừa được Việt Nam cho phép trở về Úc sau hơn 6 tháng bị cấm không được rời khỏi Việt Nam. Mặc dù họ chưa bao giờ bị truy tố, gán ghép vào bất cứ tội gì trong suốt thời gian bị công an liên tục hù dọa và tra hỏi.
Từ lúc họ được thả ra cho đến nay không một ai dám lên tiếng hoặc trả lời phỏng vấn của các báo chí Úc. Thế mới lạ.
Theo bài báo cho biết nguyên nhân của vụ này liên quan đến việc vào năm 2007 hãng Qantas đồng ý mua 18% cổ phần của hãng máy bay Pacific Airlines mà sau này đã được đổi tên thành Jetstar Pacific là hãng hàng không lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Vietnam Airlines.
Dĩ nhiên ở Việt Nam đa số các công ty lớn hoặc liên quan đến những lĩnh vực quan trọng như truyền thông, vận tải, v.v… đều do chính phủ nắm giữ thông qua các công ty quốc doanh được thành lập và trực tiếp quản lý. Hãng Jetstar Pacific vì thế cũng không phải là một ngoại lệ vì ông chủ thật sự của hãng là Bộ Tài chính đầy quyền lực.
Vào giữa năm 2008 khi giá xăng bất chợt tăng lên một cách chóng mặt trên toàn thế giới, hãng Jetstar Pacific đã đồng ý ký hợp đồng cam kết với đối tác sẽ mua xăng với giá là $135/thùng cho đến giữa năm 2009 vì theo nhận định của các chuyên gia vào thời điểm đó, giá xăng có thể lên đến $200/thùng.
Nhưng rất tiếc chỉ vài tháng sau giá xăng đã bị tụt một cách khủng khiếp từ $135/thùng xuống chỉ còn $50/thùng, báo hại hãng Jetstar Pacific đã bị lỗ đến 31 triệu đô chỉ riêng cho khoản này.
Đây là một tổn thất khá to lớn cho một hãng máy bay nội địa. Nhưng nếu điều này xảy ra ở một nước có đầy đủ pháp quyền thì thật ra cũng chẳng có điều gì đáng nói. Chuyện làm ăn lỗ lã ai cũng biết là chuyện thường tình ở huyện. Bất quá thì đem nhau ra toà kiện cáo chứ không bao giờ liên quan đến nhà nước và… công an.
Nhưng ở Việt Nam thì khác. Không những Tổng Giám Đốc CEO Lương Hoài Nam bị cho vào tù không biết ngày nào ra mà ngay cả công dân Úc chính cống thứ thiệt cũng bị bắt giữ lại không cho bay về nước mà không cần bất kỳ một trát tòa nào. Hay lệnh tống giam nào. Kể cả không được thuê mướn luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Và theo bài báo cho biết mãi cho đến tháng trước, khi cả hai giám đốc Qantas bị chính một tướng công an buộc phải nhận trách nhiệm cho khoản lỗ này thì họ mới được phép bay về lại Úc.
Bởi vậy tác giả mới đặt tựa đề cho bài báo là “Qantas held to ransom in Vietnam”.
Trông người lại nghĩ đến ta. Trong hai lần về Việt Nam làm việc, mỗi lần cách nhau đúng 10 năm, tôi cũng đã phải trải qua những kinh nghiệm tương tự như thế. Không biết là bây giờ tôi có nên kể ra đây để các bạn cùng thưởng thức không nhỉ?