"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 6. August 2010

Đi tìm một lối thoát?

Lữ Giang

Người Việt đã bỏ quê hương ra đi trong tình thế đất nước ngả nghiêng. Vì thế trong suốt 35 năm qua, người Việt lưu vong lúc nào cũng nghĩ rằng phải làm một cái gì cho quê hương. Người Việt chống cộng đã lập ra hàng trăm mặt trận, lực lượng, đảng phái, phong trào hay hội đoàn để xiết chặt hàng ngũ và tranh đấu cho quê hương. Nhưng phải thành thật mà nói, cho đến nay người Việt chống cộng vẫn chưa thực hiện được điều gì đáng kể cho đất nước. Tại sao? Với những nỗ lực đấu tranh hiện tại, rồi cộng đồng người Việt sẽ đi tới đâu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta phải lược qua lịch sử di dân của nước Mỹ để xem những người đi trước đã suy nghĩ và hành động như thế nào, sau đó thử nhìn về con đường mà người Việt chống cộng đang theo đuổi.

NHÌN QUA LỊCH SỬ DI DÂN Ở MỸ

Qua các cuộc nghiên cứu về lịch sử di dân của Hoa Kỳ, chúng ta thấy hiện tượng chia rẽ không phải là một hiện tượng duy nhất của cộng đồng người Việt. Nhìn lại lịch sử di dân của Hoa Kỳ, chúng ta thấy ngay từ bước đầu đi lập quốc, hiện tượng này đã rất trầm trọng. Sau dây là một số nguyên nhân chính đưa đến hiện tượng chia rẽ.

1.- Chia rẽ vì khác nhau về chủng tộc, về quốc tịch, về tôn giáo và về văn hóa

Những người Anh và người Âu Châu đầu tiên đến lập cư tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã chia nhau thành từng nhóm, tùy theo ngồn gốc, quốc tịch, tôn giáo, văn hóa hay mục tiêu khai thác, mỗi nhóm đi về một ngã. Một thời gian sau, các nhóm này đã tùy theo khu vực khai thác được, chia vùng Đông Bắc Hoa Kỳ thành 13 lãnh địa khác nhau, mỗi lãnh địa sinh hoạt độc lập.

2.- Chia rẽ do những mối cựu thù đem từ Âu Châu sang

Khi đến Bắc Mỹ, nhiều người Âu Châu đã mang theo những mối hận thù có từ khi còn ở Âu Châu, như những mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội Âu Châu, những đối kháng giữa Tin Lành và Công Giáo, những tranh chấp giữa các giáo phái Tin Lành, giữa các chủng tộc... Với những mối cựu thù đó, họ biến Bắc Mỹ thành nột chiến trường mới. Mỗi khi có một cuộc xung đột hay một trận chiến xẩy ra tại Âu Châu, những người di dân có liên hệ chủng tộc, tôn giáo, phe phái hay quốc gia với các bên lâm chiến, lại chia thành những lực lượng đối nghịch nhau. Sự liên hệ với mẫu quốc lúc đầu là nguyên nhân chính đưa tới các sự xung đột.

3.- Chia rẽ do tranh giàng đất đai khai thác

Việc khai phá đất đai mới cũng đưa đến những xung đột khác. Những người gốc Anh, Hòa Lan và Đức muốn đất đai của họ ngày càng được mở rộng. Họ không chú ý đến quyền sở hửu của người da đỏ và bắt những bộ lạc này phải ký thỏa hiệp nhường đất cho họ. Trong khi đó, người Pháp xúi người da đỏ chống lại sự bành trướng của người Anh bằng cách cung cấp cho những người này vũ khí và các dụng cụ chiến tranh khác. Người Anh tràn vào cả những khu vực của người Pháp và người Tây Ban Nha để mở rộng thêm đất đai. Khi những người Anh này bị đẩy lui hoặc chết, những người Anh khác tìm cách báo thù.

Sự xung đột trở nên lớn hơn khi các lực lượng đối nghịch là những quốc gia đi kiếm thuộc địa. Nước Anh, nước Pháp và nước Tây Ban Nha đã đem quân khai chiến với nhau để tranh giành đất đai nhằm kiến tạo những đế quốc riêng. Bất cứ một phòng tuyến mới nào của Anh, của Pháp hay của Tây Ban Nha được dựng lên bên kia dãy Appachia đều được coi như là mối đe dọa của hai quốc gia kia. Lúc đầu, cuộc chiến này nhằm thay đổi những phần lãnh thổ nhỏ, sau trở thành cuộc chiến nhằm làm bá chủ vùng Bắc Mỹ.

Sự tranh giành đất đai giữa đế quốc Anh và đế quốc Pháp đã chia vùng đất Bắc Mỹ thành hai quốc gia riêng biệt. Người gốc Anh di dân trước đã tiên đến vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, còn người gốc Pháp tiến về Canada. Năm 1749, một toán gồm 200 lính Pháp và người da đỏ rời Quebec bằng thuyền, tiến theo sông St. Lawrence đi về thung lũng sông Ohio. Đi đền đâu họ cũng dựng lên một cái bảng có khắc câu: “Đất này thuộc Hoàng Đế Pháp”. Thế là xung đột giữa người gốc Anh và người gốc Pháp bùng nổ. Cuộc chiến giữa Anh và Pháp trên đất Mỹ đã kéo dài từ năm 1754 đến năm 1763 mới chấm dứt bằng Hiệp Ước Paris.

4.- Cãi nhau về lòng yêu nước và lòng trung thành

Khi cuộc chiến giữa Anh và Pháp vừa chấm dứt, những tranh chấp giữa những người di dân và nước Anh lại xẩy ra. Nước Anh muốn vùng đất mới khai thác được đặt thuộc quyền cai trị của Anh Hoàng, còn những người di dân muốn được tự trị. Cuộc chiến lại bùng nổ. Mãi đến năm 1776, người di dân mới đánh bại được quân đội của Anh quốc và công bố độc lập vào ngày 4.7.1776.

Trong khi cuộc chiến chống Anh quốc đang diễn ra và ngay cả sau khi cuộc chiến này chấm dứt, những nứt rạn trong nội bộ của người di dân cũng rất trầm trọng. Những người di dân gốc Anh chia thành hai phe, một phe cương quyết tranh đấu cho tự do, còn một phe nghĩ rằng họ phải tiếp tục trung thành với Anh quốc. Những người muốn một nước Mỹ độc lập gọi họ là “Patriots” (Những người yêu nước), còn những người nghĩ rằng phải trung thành với nước Anh tự xưng là “Loyalists” (Những người trung thành). Cuộc tranh luận giữa hai phe không những chỉ xẩy ra nơi công cộng mà còn xẩy ra trong gia đình nữa.

Một số người di dân trung thành với nước Anh không chịu chiến đấu chóng lại quân đội Anh. Một số khác còn cầm súng chống lại những người được gọi là “Yêu Nước” hay từ bỏ Mỹ qua cư ngụ ở Canada.

6.- Chia rẽ về chính sách quốc gia

Sự chia rẽ giữa những người di dân trở nên nghiêm trọng khi có cuộc tranh luận về việc thành lập một nước Hoa Kỳ thống nhất và nhất là chính sách đối với những người nô lệ. Miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ trong khi Miền Nam chống lại. Cuộc tranh luận này đã đưa đến cuộc nội chiến giữa Nam và Bắc Mỹ từ 1861 đến 1865, làm cả hai bên thiệt mạng khoảng 620.000 người. Lúc đó, dân số nước Mỹ chỉ mới có 31.500.000.

CON ĐƯỜNG ĐƯA TỚI ĐOÀN KẾT

Qua một thời gian tranh chấp nhau vì chủng tộc, vì tôn giáo và văn hóa, vì những mối cựu thù, vì đất đai khai thác, vì lòng trung thành với mẫu quốc hay vì chính sách quốc gia..., những người di dân cảm thấy cần phải đoàn kết lại vì nhiều lý do. Sau đây là những lý do chính:

1.- Khi có kẻ thù trước mắt

Năm 1690, người da đỏ nhận thấy đất đai và tài sản của họ ngày càng bị xâm chiếm, đã mở nhiều đợt tấn công vào các khu vực mà người di dân đang khai thác, trước tiên là vào hai vùng Schenectary và New York, tàn phá Salmon Falls ở New Hampshire. Năm 1697 người da đỏ tấn công vùng Haverhill và Massachusetts. Trong những năm kế tiếp, người da đỏ tấn công khắp mọi biên giới mà những người di dân đã lập ra. Trước tình trạng này, những người di dân đã phải tổ chức thành đội ngũ và liên kết lại với nhau để tự vệ. Tất cả 13 lãnh địa đã chiến đấu bên nhau, nhờ đó họ bắt đầu hiểu biết nhau nhiều hơn và học cách hợp tác với nhau.

Cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Pháp và đế quốc Anh cũng đã khiến cho những người di dân phải liên kết với nhau.

2.- Sự kết hợp do thời gian và nhu cầu thực tế

Qua hai thế hệ đầu, đến thế hệ thứ ba, những người di dân mất dần ý thức về những gì liên quan đến quốc gia gốc của mình, họ tự coi mình là công dân của một quốc gia mới, không có liên hệ gì đến quốc gia bên Âu Châu nữa. Họ ngồi lại với nhau để tính chuyện xây dựng quốc gia mới.

Tuy nhiên, việc thiết lập một chế độ mới tại Hoa Kỳ không phải là chuyện dễ dàng. Tuy xa mẫu quốc, một số người di dân khi xây dựng một chế độ mới, vẫn thích mô phỏng các hình thức tổ chức công quyền tại quốc gia cũ của mình, trong khi đó đa số muốn tổ chức một hệ thống công quyền mới thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Mỗi lãnh địa đã hình thành một cơ quan lập pháp riêng. Một số nơi gọi cơ quan lập pháp đó là quốc hội. Tại Virginia gọi là Viện Burgesses. Dù tên được đặt khác nhau, nhưng tất cả các cơ quan này đều do dân bầu. Nước Anh tuyên bố không nhìn nhận các cơ chế đó, nhưng những người di dân không quan tâm. Họ thấy rằng họ có quyền quyết định lấy những tổ chức công quyền riêng của người Mỹ. Năm 1754, ông Benjamin Franklin đã đưa ra Kế Hoạch Liên Bang Albany nhằm thống nhất các lãnh địa. Mặc dầu kế hoạch đó không được áp dụng, nhưng từ ý niệm đó những người di dân tìm ra được phương thức tốt nhất để thống nhất đất nước.

TÌNH TRẠNG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

1.- Giống mà không giống

Giữa người Mỹ gốc Âu Châu đến đây vào thế kỷ 18 và 19 và người Việt di dân hôm nay có những gì giống nhau và khác nhau?

Người Mỹ gốc Âu Châu ngày xưa đã đến đây là để thoát khỏi cảnh áp bức trên quê hương hay để tìm một cuộc sống mới. Sau thời kỳ tranh chấp, người Mỹ gốc Âu Châu đã chọn nơi này làm quê hương và biến nước Mỹ thành một nước văn minh và giàu có nhất thế giới. Họ không còn có chút ý niệm gì về quê hương ngày xưa của họ ở bên kia Đại Tây Dương.

Người Việt cũng đã tìm đến đây để thoát khỏi cảnh áp bức và nghèo đói trên quê hương, và xây dựng một cuộc sống mới. Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt giữa người Việt di dân với người Âu Châu di dân ngày xưa. Sau đây là hai điểm khác biệt chính:

Khác biệt thứ nhất, người Việt đến đây khi quốc gia này đã hình thành và phát triển nhất thế giới, người Việt chỉ là người những hội nhập (integrators), không phải lo chiến đấu để chính phục và xây dựng một đất nước mới như người Âu Châu ngày xưa. Vì là người hội nhập, người Việt tỵ nạn phải tuân theo tất cả các luật lệ và chính sách của đất nước này.

Khác biệt thứ hai, đa số người Việt khi ra đi đều mang trong lòng một mối hận thù lớn, nên khi đến Mỹ thường nghĩ rằng ngoài việc hội nhập, họ còn có trách nhiệm phải “giải phóng” quê hương khỏi chế độ cộng sản. Thậm chí có người còn nghĩ rằng họ phải trở về lãnh đạo quốc gia hay tham chánh như ngày xưa. Vì thế, tại những vùng có đông người Việt tập trung như Orange County, San José, Houston..., một hình thức VNCH nối dài vô hình đã được thành lập, nơi đó người Việt tiếp tục sống với những gì còn lại của VNCH: Phát động mạnh phong trào tố Cộng và thành lập các tổ chức kháng chiến để lật đổ chế độ cộng sản ở trong nước.

2.- Gặp khó khăn khi tình thế đổi thay

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi Hoa Kỳ còn chủ trương đối đầu với khối Cộng Sản, Hoa Kỳ đã lợi dụng tinh thần chống cộng của người Việt để biến họ thành những tổ chức quấy rối chế độ cộng sản ở trong nước. Nhưng khi chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu sụp đổ, Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Phương đã thay đổi chiến lược, không còn dùng chiến thuật bao vây và quấy phá nữa mà dùng chiến lược diễn biến hoà bình để biến dần các chế độ cộng sản còn lại thành công cụ phục vụ cho quyền lợi của họ.

Riêng đối với cộng đồng người Việt, sau khi làm áp lực bằng một vụ truy tố về gian lận thuế, FBI đã khuyến cáo Mặt Trận Hoàng Cơ Minh phải chấm dứt chủ trương đối kháng bằng vũ lực và thực hiện đấu tranh chính trị, Mặt Trận này đã phải thay đổi đường lối. Khi Hoa Kỳ bắt đầu thiết lập bang giao với Việt Nam, điều luật về “Bảo vệ các viên chức ngoại quốc, các quan khách ngoại quốc, và những người được luật quốc tế bảo vệ” (Protection of foreign officials, official guests, and internationally protected persons) đã được đưa ra áp dụng để cảnh cáo người Việt chống cộng không được xâm phạm các viên chức CSVN.

3.- Quay lại cấu xé nhau

Trong chiến tranh Việt Nam, có hai nước luôn đứng chung với VNCH để chống cộng, đó là Đại Hàn và Đài Loan. Nhưng khi Mỹ và các cường quốc Tây Phương thay đổi chính sách, hai nước này đã đi theo ngay, nhờ vậy cả hai nước đã phát triển một cách nhanh chống, biến thành những con rồng Á Châu. Khi đã vững mạnh, họ tự tạo cho mình một thế đứng độc lập. Bỏ qua các mối cựu thù, hôm 29.6.2010 vừa qua, Bắc Kinh và Đài Bắc đã ký hiệp định về hợp tác kinh tế, xóa bỏ thuế quan đối với hơn 800 mặt hàng, làm tăng thêm khoảng 100 tỷ USD về mậu dịch song phương giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Trong khi đó, người Việt chống cộng lại chia làm hai phe, một phe đi theo “chiến lược diễn biến hòa bình” của Mỹ để đưa tới những thay đổi ở trong nước, còn một phe nhất quyết tiếp tục con đường chiến tranh lạnh để lật đổ chế độ cộng sản. Phe tiếp tục chiến tranh lạnh tố cáo phe “diễn biến hoà bình” là “hoà giải hoà hợp” với Cộng Sản. Cuộc chiến đã trở nên dữ dội hơn khi nhà cầm quyền CSVN ban hành Nghị Quyết 36 để chiêu dụ người Việt hải ngoại trở về “hợp tác xây dựng đất nước”. Nghị quyết này đã bị nhóm chiến tranh lạnh biến thành nón cối chụp lên bất cứ ai không đồng quan điểm với họ hay không chấp nhận các hành động của họ.

Mặc dầu tự xưng là những kẻ tranh đấu cho tự do dân chủ và luôn đòi hỏi CSVN phải thực hiện tự do dân chủ trên đất nước, một số người Việt chống cộng đã rập khuôn theo chế độ CHXHCN ở trong nước để bắt buộc mọi người Việt hải ngoại phải tuân theo chủ trương của họ. Một bộ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng” vô hình đã được hình thành để bắt buộc các cơ quan truyền thông và các chính khách phải tuân theo. Nội dung cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng” đó có thể được tóm gọn như sau: “Cộng Sản gian ác, Cộng Sản bốc lột, Cộng Sản ngu dốt, Cộng Sản thối nát, Cộng Sản thất bại, Cộng Sản sắp sụp đổ rồi…” Viết bình luận, loan báo tin tức, phát biểu tại các diễn đàn công cộng hay trên các cơ quan truyền thông đều phải đưa tới kết luận như thế. Ai nói khác đi đều bị coi là tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng. Vì thế, sau 35 năm, cộng đồng và các cơ quan truyền thông vẫn dậm chân tại chỗ, không tìm ra được lối thoát cho chính mình.

4.- Ngư ông đắc lợi

Trước tình trạng nói trên, chính phủ Hoa Kỳ đã xử dụng cả hai nhóm này để thực hiện chính sách của Mỹ tại Việt Nam: Với nhóm diễn biến hòa bình, người Mỹ đã ngầm thúc đẩy và tài trợ cho họ thực hiện những chương trình làm thay đổi ở Việt Nam để đưa vào quỹ đạo của Mỹ. Với nhóm chiến tranh lạnh, người Mỹ dùng họ để thực hiện chủ trương “cây gậy và củ cà rốt”, biến họ thành những kẻ “tố cộng theo thời vụ”. Mổi khi CSVN không đáp ứng các yêu cầu mà người Mỹ đòi hỏi, chiến dịch tố cộng được cho bùng lên, đòi đưa Việt Nam vào danh sách CPC, v.v. Nhưng khi CSVN chịu đáp ứng, mặt hồ lại trở lại phẳng lặng...

RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Nói ra ngậm đắng nuốt cay, nhưng không nói ra thì người Việt tỵ nạn vẫn bị biến thành công cụ như 35 năm về trước. Thời còn VNCH, người Việt chống cộng có chính phủ, có quân đội thiện chiến với vũ khí hùng mạnh..., nhưng người Mỹ có để cho người Việt chống cộng quyết định vận mạng đất nước đâu? Nay đang sống trên đất Mỹ, dĩ nhiên người Mỹ chẳng bao giờ để cho người Việt chống cộng hình thành tại đây một quốc gia với đường lối và chủ trương riêng. Do đó, dù người Việt chống cộng có quay cuồng gì đi nữa, rồi người Mỹ cũng sẽ đưa họ vào quỹ đạo lớn, để thực hiện chính sách của Mỹ. Đó là một sự thật đau lòng, nhưng đó là sự thật.

Ông Michel Guillaumé de Grèvecoeur, một người Pháp định cư tại Pennsylvania giữa thế kỷ 18, đã đặt câu hỏi: “Người Mỹ, một con người mới, là người như thế nào?” Rồi ông ta tự trả lời:

“Người đó là người Mỹ, một người vừa gạt bỏ mọi thành kiến và thái độ cũ, vừa tiếp nhận những cái mới qua cuộc sống mới họ đang chấp nhận, qua một chánh thể mới họ đang nghe theo và địa vị mới họ đang nắm giữ... Người Mỹ là con người mới hành động trên những nguyên tắc mới, vì vậy họ phải quan tâm đến những ý tưởng mới và tạo những quan niệm mới”.

Người Mỹ hiểu rằng trong thế hệ thứ ba, con cháu của người Việt sẽ không còn họp nhau ở phố Bolsa để tố cáo nhau là "tay sai cộng sản" hay "đặc công cộng sản nằm vùng" và đòi “giải phóng quê hương” nữa. Họ cũng không còn bắt những người khác phải có quan điểm và hành động chính trị như mình. Con cháu của người Việt sẽ là những con người mà ông Michel Guillaumé de Grèvecoeur đã hình dung nói trên.

Một số người Việt lưu vong đã nhận ra con đường mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại đang đi tới, nên họ đã tách rời ra khỏi cộng đồng và chính sách của Mỹ, hình thành những tổ chức riêng để phục vụ đất nước. Chưa ai biết họ có thể làm được gì, nhưng ít ra họ cũng đã thấy được tình trạng của người Việt lưu vong hôm nay và trong tương lai, và con đường phải chọn nếu muốn phục vụ đất nước.

Ngày 3.8.2010
Lữ Giang