Ts. Nguyễn Đình Thắng
Chính quyền Việt Nam đàn áp giáo dân Công Giáo ở Cồn Dầu, Đà Nẵng thô bạo hơn cả ở Thái Hà, Bầu Sen, Tam Toà hay Đồng Chiêm. Cuộc đàn áp kéo dài, ngày càng leo thang; có người bị đánh đến bò lê bò càng, có phụ nữ bị tra tấn đến sẩy thai, có người bị hành hung đến chết. Cả một xứ đạo, với lịch sử trên một thế kỷ, đang bị xoá khỏi bản đồ.
Điều lạ là cộng đồng người Viêt ở hải ngoại đã phản ứng rất hời hợt trước sự đàn áp khủng khiếp ấy. Mới đây, ở các buổi gặp gỡ đồng hương ở Bắc Cali, xuống đến Nam Cali, rồi đến vùng phụ cận Philadelphia tôi nhắc đến sự kiện Cồn Dầu thì ngay cả nhiều người Công Giáo hoặc không biết, hoặc chỉ nghe qua rồi để đó. Trong khi đó, ai ai cũng biết đến và nhắc đến vụ Lý Tống xịt hơi cay Đàm Vĩnh Hưng. Cả mấy ngàn người đi biểu tình. Cả cộng đồng lên cơn sốt. Đó là chưa kể biết bao công, của đã đổ ra.
Còn đối với Cồn Dầu thì im biền biệt.
Thái độ này thật nguy hiểm. Nhà nước Việt Nam chỉ cần tung ra hải ngoại dăm ca sĩ để thu hút sự chú ý của người Việt ở hải ngoại thì tha hồ rảnh tay đàn áp người dân trong nước.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cần chuyển sự quan tâm đến tình trạng của Cồn Dầu và lôi kéo áp lực quốc tế để đẩy lùi áp lực của chính quyền đối với ngàn rưởi giáo dân Cồn Dầu, để phanh phui cuộc đàn áp tôn giáo đẫm máu.
Trong vụ này, chúng ta có thể những lợi thế sau đây:
(1) Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang trong tiến trình quyết định có đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) hay không.
(2) Nhiều giáo dân Cồn Dầu, khác với những giáo xứ ở miền Bắc, có thân nhân định cư ở Hoa Kỳ và do đó cuộc đàn áp ở Cồn Dầu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
(3) Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Năm nay Việt Nam là Chủ Tịch luân phiên của khối ASEAN và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia ASEAN và một số hội nghị vùng và quốc tế liên hệ trong vài tháng tới đây.
Ngay trước mắt, chúng ta cần thực hiện những công tác sau đây:
(1) Thông tin cho Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao, và Toà Bạch Ốc về sự việc đã và đang xảy ra ở Cồn Dầu.
(2) Vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ra nghị quyết yêu cầu Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đồng loạt điều tra diễn tiến ở Cồn Dầu.
(3) Tạo áp lực quốc tế đối với các công ty ngoại quốc đã ký hợp đồng phát triển Cồn Dầu thành khu du lịch.
(4) Vận động sự lên tiếng của giới truyền thông Việt ngữ và ngoại quốc và sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm tạo áp lực dư luận, nhất là trong bối cảnh của những hội nghị quốc tế sắp diễn ra ở Việt Nam.
(5) Truy tố những thủ phạm có hành vi bạo lực.
(6) Can thiệp xin tị nạn cho một số nạn nhân đang bị truy bức bởi công an và nhà nước Việt Nam.
Tôi thiết tha kêu gọi các cá nhân và hội đoàn người Việt ở hải ngoại cùng với chúng tôi, BPSOS, tuần tự thực hiện các công tác kể trên trong những ngày sắp tới đây.
Chúng ta hãy dồn tâm, trí, công, của để bảo vệ tính mạng, tín ngưỡng, đất đai của người dân ở xứ đạo Cồn Dầu.
(http://bpsos.org)
TS. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG