Nguyễn Ngọc Trường
“Trung Quốc bị Mỹ mai phục tại sân sau của mình”. Mặc dù nhật báo Hoa Nam Buổi Sáng bình luận như vậy, nhưng cũng khó xác định ai bị bất ngờ hơn ai trước lập trường mới toanh của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại ASEAN-Hà Nội vừa qua.
Bằng phát biểu chính thức tại diễn đàn ARF, ngoại trưởng Mỹ gửi đi một thông điệp rộng rãi và rõ ràng gồm ba điểm: Thứ nhất, khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở biển Đông. Thứ hai, chống lại bất kỳ nước nào sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực ở vùng biển này. Thứ ba, ủng hộ quốc tế hóa thông qua một giải pháp thương lượng đa phương để giải quyết cuộc xung đột này.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng phát biểu của ngoại trưởng Mỹ là nhằm tập hợp lực lượng chống Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Tạp chí Hoàn Cầu, trực thuộc Nhân Dân nhật báo, khuyên các nước Đông Nam Á: “Chớ nên mắc lừa Mỹ, đi theo Washington để kềm chế Bắc Kinh, tự đặt mình vào một trò chơi mạo hiểm, tự biến mình thành những quân cờ nhỏ trong bàn cờ đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc”. Cũng có ý kiến khác cho rằng việc tranh chấp quyền lợi trên biển Đông bắt đầu quyết liệt do sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Mỹ tìm mọi cách duy trì bá quyền của mình trên các vùng biển Đông Á, trong đó có biển Đông, trước hết nhằm bảo vệ tuyến phòng vệ biển từ xa chống lại sự xâm nhập ngày càng thường xuyên hơn của hải quân Trung Quốc.
Tại Đông Bắc Á, dưới sức ép của Trung Quốc, Mỹ buộc phải tạm thời hủy bỏ cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn trên biển Hoàng Hải, được Trung Quốc xem là vùng biển đặc quyền của mình. Một số nhà phân tích Mỹ lo ngại rằng nhượng bộ lần này có thể tạo nên tiền lệ đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển quốc tế tiếp giáp Trung Quốc. Tại biển Đông, tháng 3.2009, sáu tàu thuyền Trung Quốc bao vây Impeccable, tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế cách Hải Nam 200 km. Sự kiện đó mở màn cho nỗ lực của Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi biển Đông. Đến tháng 3 năm nay, Trung Quốc đưa biển Đông vào khái niệm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, ngang với vấn đề Tây Tạng và Đài Loan. Đó là giọt nước làm tràn ly. Trung Quốc có thể đã đi quá đà trong đòi hỏi quyền kiểm soát biển Đông. Bởi vì, đã thuộc loại “lợi ích cốt lõi”, không ai được can thiệp, không ai được vượt qua “giới hạn đỏ”, cũng không còn ngõ cho thương lượng.
Phản ứng chính thức đầu tiên của Mỹ là tuyên bố ngày 5.6, tại cuộc Đối thoại an ninh khu vực Shangri-La 2010 (Singapore), của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates: “Mỹ đặc biệt coi trọng các khu vực hàng hải chung vì an ninh, thương mại và tự do đi lại (trên biển Đông). Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước trực tiếp có vùng lãnh hải giáp ranh, mà với tất cả các quốc gia có lợi ích an ninh và kinh tế tại châu Á”.
Đến ASEAN-Hà Nội vừa rồi, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn đi xa hơn, dùng khái niệm “lợi ích quốc gia” để đối lập với “lợi ích cốt lõi”. Với Mỹ, cái gì thuộc “lợi ích quốc gia, Washington ắt phải kiên quyết bảo vệ.
Với việc Mỹ vào cuộc tranh chấp biển Đông, một quá trình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột này sẽ được mở ra từ sau ASEAN-Hà Nội.
Phản ứng công khai của Bắc Kinh cho thấy giới phân tích Trung Quốc dường như chưa thấy hết tính chất kháng cự của Mỹ trong cách tiếp cận mới về biển Đông, cũng như tác động của nó. Mỗi quốc gia khi triển khai chính sách quân sự hay ngoại giao, theo cách này hay cách khác, đều xây dựng các lập luận hoặc lý giải chủ trương của mình để tìm sự nhất trí của dân chúng trong nước. Một khi đã đi vào tiềm thức dân chúng, nó có thể gây trở ngại cho những chủ trương ngoại giao linh hoạt và thực dụng. Lập trường của phái thực lực và cứng rắn tại Trung Quốc là dùng sức mạnh khống chế biển Đông. Nó lấn át những quan điểm ôn hòa và thực dụng tại nước này. Do đó, chủ trương ngoại giao mà Bắc Kinh thường nêu lên về “gác tranh chấp cùng nhau khai thác”, hoặc về thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương chỉ là câu giờ cho việc tăng cường thực lực trên biển Đông.
Tất nhiên, lập trường không khoan nhượng của Trung Quốc về “lợi ích cốt lõi” không tránh khỏi mâu thuẫn với chủ thuyết “thế giới hài hoà” và việc triển khai sức mạnh mềm của lãnh đạo Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Lập trường đó cũng gây xung đột với “lợi ích cốt lõi”, cũng như “lợi ích quốc gia” của các nước giáp biển Đông. Quan hệ Trung-Việt khó mà hài hòa một khi hợp tác trên bờ nhưng xung đột dưới biển. Trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản chẳng hạn, các thỏa thuận của các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tháng 5.2008 và tháng 5.2010 cùng nhau hợp tác khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông, nhằm khai thông trở ngại trong quan hệ Trung-Nhật, không đạt được kết quả nào, chủ yếu do sự chống đối của dư luận trong nước. Các nhà quan sát quốc tế tỏ ra ít hy vọng rằng vòng đàm phán Trung-Nhật lần này, bắt đầu ngày 27.7, có thể dẫn tới một hiệp định khai thác khí đốt chung. Về biển Đông, càng khó dự đoán được bất kỳ sự thỏa hiệp nào từ phía Trung Quốc, do tiềm thức về “đường lưỡi bò” đã ăn sâu vào chủ nghĩa dân tộc hay mới đây về “lợi ích cốt lõi”.
Quan hệ quốc tế ở Đông Á, đặc biệt là Đông Bắc Á, gần đây bộc lộ các mâu thuẫn gay gắt và thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Thiên hạ nói rằng, Việt Nam chuyến này bị kẹt trong thế “long tranh hổ đấu” giữa Mỹ và Trung Quốc về biển Đông. Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam chẳng phải một lần chịu sự cọ xát giữa các cường lực nước lớn. Bài học ngoại giao cho thấy, muốn giữ được độc lập, phải giữ vững độc lập tự chủ. Muốn không bị đẩy vào một bên trong cuộc tranh chấp nước lớn phải đa dạng hoá quan hệ quốc tế, “làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở. Người Việt thường biết dùng lý trí và tình cảm để phân định đúng, sai, đâu là chân tình, đâu là xảo ngữ. Cuối cùng, mình phải mạnh, người ta mới tôn trọng, “đếm xỉa” đến mình.
Nguyễn Ngọc Trường
http://sgtt.vn/Goc-nhin/126711/Viet-Nam-trong-the-%E2%80%9Clong-tranh-ho-dau%E2%80%9D.html