"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 3. August 2010

Lễ Đại Tường Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 31.07.2010

Văn phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức trọng thể Lễ Đại tường Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang tại chùa Bảo Phước, Miền Huyền Quang, ở thành phố San Jose, Hoa Kỳ

PARIS, ngày 31.7.2010 (PTTPGQT) - Để giúp cho sự phát triển Phật sự Miền Huyền Quang vùng Bắc California, Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có trụ sở ở Chùa Điều Ngự, miền Nam California, đã lấy quyết định tổ chức Lễ Đại Tường của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại chùa Bảo Phước ở thành phố San Jose trong hai ngày 17 và 18.7.2010.

Trên hai nghìn chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã vân tập về Chùa Bảo Phước dự lễ Đại tường Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Linh đài Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang

Chùa Bảo Pháp mà chúng tôi đến thăm hai năm trước không còn là chủa Bảo Pháp hôm nay. Từ một ngôi chùa nhỏ bé, chật hẹp, nay đã tậu thêm vạc đất rộng cạnh chùa, nơi dựng lên một hội trường có thể chứa hàng nghìn người tham dự. Lễ đài chưng ảnh lớn Đức cố Tăng thống, hương hoa, trầm, đèn trang nghiêm với biểu từ : “Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang : Một Đời Vì Đạo Vì Dân”. Từ xa phấp phới hàng trăm lá cờ ngũ sắc Phật giáo và cờ vàng ba sọc đỏ, với tiếng nhạc êm đềm đầy tình tự quê hương. Gặp Thượng tọa trụ trì Thích Viên Dung, Đạo hữu Võ Văn Ái từ Paris qua tham dự đã nói lên lời tán dương công đức Thượng tọa rằng : Thật là Chân không sinh Diệu hữu !

Chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng II Viện Hóa Đạo đã từ khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ vân tập về dự lễ. Nhiều Khuôn hội Cư sĩ các tiểu bang khác cũng có mặt như Đoàn Cư sĩ chùa Điều Ngự từ miền Nam California kéo lên đông đảo.

Nhiều biểu ngữ treo ở hội trường nhắc lại lời của Đức cố Tăng thống nhắn nhủ khi Ngài còn sinh tiền : “Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ - Chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo” ; “Tôi là người đi không đường, sống không nhà, chết không mồ, tù không tội” ; và lời ước nguyện của Phật tử hải ngoại : “Tưởng nhớ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang là kế thừa Ngài phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN, đem lại nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam”.

Chương trình lễ Đại tường kéo dài trong hai ngày. Ngày thứ bảy 17.7 khởi sự lễ Đại tường với bốn tiết mục : hai thời thuyết pháp của Đức Phó Tăng thống kiêm Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo Thích Hộ Giác, và Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Phó Chủ tịch GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Ra mắt sách “Một đời vì Dạo vì Dân : Đức Cố Tăng thống Thích Huyền Quang” do hai Đạo hữu Võ Văn Ái và Ỷ Lan giới thiệu, và chấm dứt với tiết mục Cảm niệm về công hạnh hoằng hóa của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang qua những chia sẻ của chư Tăng Ni, Phật tử từng sống hay làm việc với Ngài.

Lễ Đài Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang tại chùa Bảo Phước, thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ

Hội trường đón tiếp chư Tăng Ni, Phật tử tham dự lễ Đại tường

Qua ngày chủ nhật 18.7, Đại lễ chính thức cử hành qua hai nghi thức Nam tông và Bắc tông. Sau đấy Thượng tọa Thích Viên Dung thay mặt Ban tổ chức đọc Diễn văn khai mạc, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác đọc bài tôn vinh công hạnh Ngài, Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc đọc lời Ai văn tưởng nguyện của Văn phòng II Viện Hóa Đạo, và kết thúc với ba lời phát biểu của Nhà văn Ỷ Lan, người đệ tử ngoại quốc duy nhất của Ngài, Giáo sư Võ Văn Ái và Bình luận gia Lý Đại Nguyên nói về cuộc đời tận tụy của Đức cố Tăng thống đối với Đạo và với Dân tộc.

Trên 2000 chư Tăng Ni, Phật tử tham dự lễ Đại tường

Lễ Đại tường kết thúc với cuộc Hội luận về cuộc đời của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang do hai Đạo hữu Võ Văn Ái và Ỷ Lan trình bày. Cuộc hội luận đã vô cùng hào hứng với sự tham gia phát biểu của đông đảo thính chúng. Tất cả nhất tề nói lên nỗi thao thức phục vụ đất nước và chí thành hậu thuẫn GHPGVNTN theo bước chân của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và người thừa kế Ngài là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Trong nỗi buồn khôn nguôi của chư Tăng Ni, Phật tử, nhưng Lễ Đại tường Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang còn đọng lại trong tâm người tham dự lòng sắt son với tiền đồ của nền Phật giáo dân tộc mà nhờ công đức đại hải của Đức cố Tăng thống Thích Huuyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Thích Quảng Độ vững tay chèo lái suốt 35 năm vượt bao giông bão, đưa con thuyền Giáo hội đến chân trời tươi sáng.

Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác ban Đạo từ tôn vinh công hạnh Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang

Trong Đạo từ của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác tôn vinh công hạnh Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang có đoạn ngài phát biểu rằng:

“Từ thuở tuổi hãy còn rất trẻ bất kể chướng duyên, một mình rày đây mai đó, Đức Đệ tứ Tăng Thống đã trao cho mình những hành trang cần thiết như một khẳng định mà qua đó những bậc đồng học hết sức nể vì. Chẳng những chuyên ròng về mặt đa văn túc trí mà Ngài còn nỗ lực hành toàn về hạnh thượng cầu hạ hóa. Nhứt là đời sống vạn hạnh thanh tịnh của một Trưởng tử Như Lai.

“Kính thưa chư liệt vị. Cuộc đời Đức Đệ tứ Tăng Thống gắn liền với lịch sử đất nước, đạo Phật, con người. Ngài đã để lại những dấu ấn đầy ấn tượng trên từng giai kỳ thịnh suy của lịch sử. Nhất là những giai đoạn nghiệt ngã quốc nạn và pháp nạn. Đạo phong trác tuyệt của Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang là chuẩn mực tiêu biểu của lý tưởng Bồ Tát hạnh trong những hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước, đứng trước vực thẳm của giống nòi, nhất là trước nạn ngoại xâm từ phương Bắc. Dẫu thân cô thế yếu Ngài vẫn không ngừng tuyên dương Công bình và Lẽ phải. Đặc biệt là quyền sống của Con Người. Ngài kêu gọi sự từ bỏ tham vọng thấp hèn và đề xuất những lối đi như là những Giải pháp thay thế thù ứng toàn diện. Đời sống phạm hạnh của Ngài từ đó là một bài học vô giá và càng tỏa sáng hơn thì phạm hạnh vô giá ấy được đồng hành cùng Bồ Tát hạnh.

“Chúng con xin cúi đầu đãnh lễ tri ân công hạnh hoằng hóa sâu dày của Ngài và nguyện tiếp tục con đường mà Ngài đã đi và hoàn tất những di ngôn Ngài để lại.

“Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tôn tứ thập nhất thế khai sơn Tu viện Nguyên Thiều Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN thượng Huyền hạ Quang Đại lão Hòa thượng Giác linh tác đại chứng minh”.

Trong bài Diễn văn khai mạc Đại lễ của Trưởng ban Tổ chức, Thượng tọa Thích Viên Dung, Trụ trì chùa Bảo Phước mà cũng là Chánh Đại diện Miền Huyền Quang, bao gồm vùng Bắc California, cũng tuyên dương công đức có một không hai :

“Thời gian biến đổi, sự thế vô thường, nhưng sự quy tịch của Ngài là một mất mát to lớn, không những đối với Phật giáo đồ mà còn đối với cả Dân tộc Việt Nam. Quả thật như vậy ! Lịch sử 2000 năm Phật Giáo Việt Nam, Ngài là một trong những cao tăng thạc đức, một bậc Long Tượng thiền môn phi thường, nhập trần, xuất thế, hạnh nguyện lực Đại Trí, Đại Hùng, Đại Bi Tâm. Trong 89 năm trụ thế, phần lớn cuộc đời Ngài, phải chống đỡ những ngửa nghiêng của ý thức hệ Cộng Sản đè nặng, làm điêu linh và băng hoại cả Dân tộc. Trong 71 năm Pháp Lạp, gánh vác con thuyền Giáo Hội vượt ba đào bởi những chông chênh của thời thế nhiễu nhương, dân tình thống khổ. Ngài đã tiếp nối mạng mạch truyền thừa lâu dài nhất, kỳ vĩ nhất, nghiệt ngã nhất, gai góc nhất, của ba đời Tăng Thống để lại : Đại Lão Hoà Thượng Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Đại Lão Hoà Thượng Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên, Đại Lão Hoà Thượng Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, để tiếp tục viết nên trang sử GHPGVNTN vẫn còn dang dở…

Thượng tọa Thích Viên Dung, Trưởng ban Tổ chức đọc Diễn văn khai mạc

“Kính thưa quý liệt vị. Không dang dở sao được, suốt cuộc đời Ngài luôn đấu tranh đòi hỏi Tự Do cho tôn giáo, Dân Chủ cho đất nước, từ tháng 4 năm 1977, bạo quyền Hà Nội đã giam Ngài trong ngục tù Phan Đăng Lưu, Sài Gòn, sau đó chuyển ra quản chế tại chùa Hội Phước, Quảng Ngãi. Mãi đến năm 1995, tuy bạo quyền Hà Nội không đem Ngài ra xét xử, nhưng lại chuyển Ngài đến chùa Phước Quang, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, một nơi xa xôi, hẻo lánh, trước mặt chùa có bót công an canh giữ, gay gắt và cẩn mật hơn. Không dang dở sao được, như Ngài đã tuyên bố : “Cuộc đời tôi : Sống không nhà, tu không chùa, đi không đường, tù không tội, chết không mồ. Cuộc đời tôi, ở trong nhà tù nhỏ, khác gì nhà tù lớn. Đất nước không có Tự Do, làm sao tôi có Tự Do ? Dân tộc không có Dân Chủ, làm sao tôi có tiếng nói Nhân Quyền ? Biên cương, lãnh thổ, vùng biển, vùng trời, bị cưỡng đoạt. Sỉ nhục Tổ tiên, làm sao tôi không sỉ nhục ? Cả lịch sử 5000 năm. Dân tộc luôn tương ái, tương thân, đồng cam cọng khổ, trên mãnh đất của Quê Cha Đất Mẹ, chứ chưa đành đoạn biệt xứ, lưu vong đến hàng triệu người, thì làm sao tôi không đau trong nổi đau thống thiết ấy?...”

“Trong suốt thời gian bị cầm tù và quản chế, Ngài đã ra nhiều tuyên cáo, đấu tranh trực diện với bạo quyền Hà Nội, với mục đích “ Giải trừ Quốc Nạn và Pháp Nạn”, đòi hỏi Tự Do tôn giáo và Nhân Quyền cho Dân tộc. Ngài đã từng tuyên bố trước công luận Quốc tế:

- “Chánh Pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ”
- “Chúng sinh không thể an lạc, nơi áp bức đói nghèo”.

“Kính thưa quý liệt vị. Ngài đã quy tịch, trong lúc trang sử của Dân Tộc vẫn còn nhiều hoen ố bởi bạo quyền Cộng Sản. Cuộc đấu tranh đòi Tự Do tôn giáo và Nhân Quyền cho Dân Tộc của Ngài cũng như của Giáo Hội PGVNTN đang tiếp diễn cho đến ngày thành công. Chúng ta toàn thể Tăng Ni, Tín đồ từ quốc nội, đến hải ngoại, thành tâm truy tán, kính ngưỡng cuộc đời và hành trạng Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, ghi đậm dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người dân Việt. Hạnh Bi nguyện một bậc Đại Thượng sĩ của Ngài là tấm gương bất tuyệt trong công hạnh Thượng cầu Phật đạo, Hạ hoá chúng sinh.

“Tưởng nhớ Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang là nổ lực, thừa kế Ngài phục hoạt GHPGVNTN và đem lại Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam”.

Thời thuyêt pháp của Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc sáng ngày thứ bảy 17.7.2010

Trong phần quan khách phát biểu, Nhà văn Ỷ Lan, người nước Anh là đệ tử ngoại quốc duy nhất của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang được Ban Tổ chức mời phát biểu. Chị đã nói lên ảnh hưởng quốc tế lớn rộng của Ngài như sau:

“Ỷ Lan vốn là người thích nói nhiều khi có dịp nói tiếng Việt. Nhưng hôm nay trong sân chùa Bảo Phước, trong lễ Đại tường cho Bổn sư của Ỷ Lan, Ỷ Lan không đủ lời nói lên sự xúc động của mình. Xúc động để nói về vị Bổn sư mà mình chưa hề được gặp. Nhưng không có một ngày nào, trong hơn ba mươi năm đấu tranh cho tự do tín ngưỡng và nhân quyền tại Việt Nam, mà Ỷ Lan không nghĩ đến Ngài. Ngài là một người bất khuất (vỗ tay), Ngài là người mà uy đức không chỉ bao trùm khắp nước Việt Nam mà còn lan xa trên khắp năm châu. Chính vì vậy uy danh của Thầy đã đến xứ Sương mù của Ỷ Lan bên Anh, khiến Ỷ Lan muốn theo gót Ngài, muốn noi gương Ngài để đóng góp một cái gì cho đất nước và đạo pháp tại Việt Nam (vỗ tay). Thật sự, Ỷ Lan chưa hề được gặp Ngài. Khi mơ ước trở thành Phật tử, Ỷ Lan mơ ước sẽ về trong một ngôi chùa ở làng quê Việt Nam để xin quy y. Nhưng cuộc đấu tranh còn dài, chắc ngày đó còn xa, cho nên Ỷ Lan lấy hết can đảm viết một bức thư cho Ngài Huyền Quang là người mình ngưỡng phục suốt bao nhiêu năm qua. Ngài lúc đó bị quản chế, suốt đời bị quản chế, tù đày. Bức thư của Ỷ Lan mất một năm trời không thấy hồi âm. Ỷ Lan nghĩ chắc không thể nào một bậc Cao tăng như Ngài lại nghĩ tới một người yếu hèn như mình để chấp nhận: Một người ngoại quốc, Một người phụ nữ, Một người cư sĩ! Cả ba cái chắc chắn là Ngài sẽ không nhận (vỗ tay).

“Nhưng một năm sau, nghĩa là thư Ỷ Lan mất 6 tháng đi và thư Ngài hồi âm mất 6 tháng để trở về. Một ngày nào đó đang ngồi trong văn phòng Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris, Ỷ Lan nhận được một phái Quy y to tướng có chữ ký của Hòa thượng Huyền Quang. Vô cùng xúc động (vỗ tay). Từ bữa đó, ngày nào Ỷ Lan cũng phục vụ cho Thầy. Bởi vì như quý biết, một người bị quản chế nơi đất nước Việt Nam, khi không có áp lực quốc tế thì chính quyền rất có thể dập tắt tiếng nói của Ngài, còn làm hại Ngài. Cho nên anh Ái và Ỷ Lan ở Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế không có ngày nào không vận động quốc tế, dịch những tài liệu, làm sao cho ánh sáng bên ngoài soi tới con người Ngài.

“Ỷ Lan rất phục Ngài vì Ngài khổ suốt đời ở một nơi gọi là khỉ ho cò gáy, không có ai xung quanh (vỗ tay). Đồn công an trước chùa, mùa lũ lụt ở Quảng Ngãi chắc quý vị cũng biết có khi Ngài phải lên trên bàn ngồi ngủ vì nước lụt vào chùa. Rất khổ sở. Nhưng không một lời than, không bao giờ Ngài nghĩ rằng mình phải rời bỏ lý tưởng đổi lấy đời sung sướng hơn. Cách phát biểu của Ngài rất đặc biệt, Ngài nói ngắn gọn. Ỷ Lan nhớ một lần đọc bản tin của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tường thuật buổi gặp gỡ giữa Đại sứ Mỹ Raymond Burghart và Hòa thượng Thích Huyền Quang nơi bị quản chế. Đại sứ Burghart hỏi Ngài Huyền Quang “Vì sao GHPGVNTN làm chính trị vậy?”. Hòa thượng đáp rất ngắn gọn, nhưng như đinh đóng cột, Hòa thượng nói : Xin Đại sứ nói với Nhà Nước bởi vì Nhà nước xen lấn vào vấn đề tôn giáo. Khi nào Nhà Nước thôi xen lấn vào vấn đề tôn giáo thì chúng tôi không còn nói vấn đề chính trị nữa (vỗ tay). Đó là tất cả vấn đề của Việt Nam ngày nay.

“Hôm nay trong khung cảnh đứng trước mặt quý vị ở đây, Ỷ Lan rất xúc động. Thời Ngài còn sống, Ỷ Lan đã hứa với Ngài Ỷ Lan sẽ về vấn an Ngài tại Bình Định. Nhưng Ỷ Lan đã thất hứa. Ỷ Lan chỉ có chút an ủi là những cuộc vận động của mình làm cho Ngài bớt khổ trong những năm cuối cùng của đời Ngài, nhờ áp lực quốc tế. Nhưng vì đã thất hứa, thì hôm nay trước di ảnh Giác linh Ngài và trước tất cả đồng bào có mặt hôm nay, Ỷ Lan hứa sẽ làm hết mình để kế thừa Ngài đi theo con đường của Ngài cho Tự do, Nhân quyền và phục hoạt quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN” (vỗ tay rất lâu).

Trong phần phát biểu của mình, Giáo sư Võ Văn Ái nhắc tới định nghĩa của pháp lý và vị trí lịch sử và dân tộc của GHPGVNTN do chính Đức cố Tăng thống phát ngôn trước linh đài Đức cố Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ năm 1992:

“Nếu từ kinh Pháp Hoa mà Bồ tát Quảng Đức bước ra làm nên hành động Việt năm 1963, thì từ khổ nạn 68 năm Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang mở ra con đường giác ngộ và siêu bạo lực cho nền văn hiến mới Việt Nam.

“Khi bước vào hội trường này chúng tôi thấy rất nhiều biểu ngữ. Biểu ngữ nào cũng giá trị, tuy nhiên có một biểu ngữ đúng với tâm trạng của chúng ta hôm nay nhân dự lễ Đại tường của Ngài. Đó là câu viết “Tưởng nhớ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang là thừa kế Ngài phục hoạt GHPGVNTN và đem lại nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam”. Chúng tôi thấy câu này rất ý nghĩa. Bởi vì chúng ta tưởng nhớ không chỉ nhớ thương trong lòng mà phải nhớ thương bằng hành động. Hành động tiếp nối con đường mà Ngài đã chịu khổ nạn suốt trên ba mươi năm qua. Đức cố Đệ tứ Tăng Thống là gương mẫu cho chúng ta thấy rằng, một con người ý thức có thể lật đổ một bạo quyền. Ngài với hai bàn tay trắng, cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đứng lên suốt 35 năm qua, đối diện với ba triệu bộ đội, đối diện với trên một triệu công an, cảnh sát. Đặc biệt đối diện với một chính sách thù địch tôn giáo. Nhờ vậy ngày hôm nay, GHPGVNTN vẫn tồn tại trong nước cũng như ngoài nước. Đây là ví dụ hùng hồn Ngài để lại cho chúng ta.

“Một câu nói thâm thúy khi ông Thứ trưởng Công an Trần Tư đến gặp Ngài ở Bình Định than trách tại sao Giáo hội chống đối Nhà nước Cộng sản, Ngài trả lời nhẹ nhàng: Chính quyền nào cũng nói là muôn năm, nhưng không có chính quyền nào tồn tại muôn năm. Còn Phật giáo không nói muôn năm nhưng ba nghìn năm rồi Phật giáo vẫn tồn tại trên trái đất.

“Tôi xin phép quý vị đọc một đôi lời của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang giải thích thế nào là pháp lý? thế nào là GHPGVNTN ? Ngài phát biểu hôm Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ Huế năm 1992. Ngài từ Quảng Ngãi ra thọ tang. Trước linh đài Đức Đệ tam Tăng thống, Ngài phát biểu một bài dài nhiều ý nghĩa. Nhưng tôi chỉ xin trích đọc lại hai đoạn ngắn để chúng ta thấy rõ ý chí của Ngài, quan niệm của Ngài đối với vấn đề pháp lý cộng sản. Bởi vì hiện tại GHPGVNTN không có quyền sinh hoạt pháp lý tại Việt Nam. Đối với Ngài pháp lý chỉ là một mảnh giấy, rồi Ngài cũng định nghĩa thế nào là GHPGVNTN mà trong chúng ta hôm nay có người đã đoạn tình quên lãng. Xin hãy lắng lòng nghe lại lời phát biểu của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang sau đây:

“Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

“Biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 xẩy tới. Chiến tranh chấm dứt. Hòa thượng cũng như chúng tôi trong Hội đồng Lưỡng Viện tưởng rằng Giáo hội sẽ được bước vào thời bình, để tiếp tục thi hành Phật sự. Không ngờ chướng ngại và trở lực khác lại manh nha.

“Chướng ngại ấy là sự kiện một “Giáo hội Nhà nước” ra đời tại Chùa Quán Sứ ở Hà Nội, do chính quyền dựng lên vào đầu năm 1981. Tôi xin nói lại, là do chính quyền dựng lên, chứ không phải do Tăng Ni suy cử. Vì vậy mà mười mấy năm qua, Tăng Ni và Phật tử âm thầm chịu đựng sự áp bức.

“Làm sao cho Giáo hội tồn tại, như một hùng niệm tới máu xương và tù tội của các Thánh Tăng và Phật tử tử đạo?

“Vì sao Giáo hội Hà Nội mới ra đời lại có pháp lý, còn Giáo hội Ấn Quang, tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), không được pháp lý bảo vệ? Xin lập lại, là tại sao Giáo hội Hà Nội do chính quyền lập ra lại đầy quyền hành, thế lực, và có “pháp lý”? Trong khi Giáo hội Ấn Quang, một Giáo hội truyền thống dựng lên từ xương máu, khổ đau và tâm thành của bao nhiêu thế hệ Phật giáo, thì lại bị phủ nhận ? Điều cần biết là cho đến nay, chưa có một nghị định, sắc luật nào khai tử Giáo hội Ấn Quang. Thế thì, chỉ nói trên mặt xã hội và thế tục mà thôi, pháp lý của Giáo hội Ấn Quang vẫn y nhiên tồn tại.

“Có người sẽ hỏi tại sao mười mấy năm qua chúng ta không còn được thi hành Phật sự như ý nguyện? Câu hỏi rất đúng, rất cần, rất thiết tha, bắt tòan thể Phật tử chúng ta phải suy nghĩ. Lại có người dễ dãi cho rằng, chúng ta đang thiếu những người lãnh đạo. Tôi khẳng dịnh ngay : điều đó không đúng. Và cũng xin thưa ngay : chư vị lãnh đạo Phật giáo, những người đã hy sinh đóng góp xây dựng Giáo hội Ấn Quang còn nhiều lắm. Họ có mặt khắp nơi, ở trong nước cũng đông, mà ở hải ngọai cũng đông. Cho nên, GHPGVNTN của chúng ta không dễ dẹp bỏ đi trong một ngày, một tháng, một vài năm. Không ai có quyền tự thị muốn dẹp bỏ, muốn đóng cửa lúc nào cũng được.

“Kính bạch Giác Linh Hòa thượng,

“Tôi còn đây, Quảng Độ còn đó, hàng Giáo phẩm ở trong nước, ở ngòai nước cũng còn đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn Hội đồng Lưỡng Viện, tiếp tục điều hành bình thường Phật sự Giáo hội cho đến khi GHPGVNTN được tự do họat động như ngày nào trước 1975. Xin Giác linh Hòa thượng gia hộ cho chúng tôi, cho Tăng Ni, cho Phật tử vững bước tiến theo Giáo hội, vững lòng tin tưởng vào pháp mệnh trường cửu của một Giáo hội truyền thống.

“Giáo hội truyền thống là gì? Là một Giáo hội của Tăng Ni, Phật tử, do chư vị Trưởng lão đại tăng, cao tăng, danh tăng lập thành. Chứ không do một thế lực thế tục nào lập ra, bất chấp mọi ý lực của tập thể Tăng Ni Phật tử. Bởi thế, tòan thể Tăng Ni, Phật tử đã dựng xây Giáo hội, sống với Giáo hội, chia ngọt sẻ bùi với Giáo hội, chết chóc, tù đày cùng Giáo hội, vẫn bất khuất tiến lên dưới sự lãnh đạo của Giáo hội. Không ai có thể phát ngôn bừa bãi rằng GHPGVNTN ta không có pháp lý.

“Pháp lý là gì? Ở đây và hiện nay, pháp lý chỉ là mảnh giấy được viết và cấp phát cho một tổ chức tân lập để hỗ trợ những mục tiêu riêng tư, cục bộ, phi Phật giáo. Trái lại, Giáo hội ta có mặt trên dải đất này đã 2000 năm rồi. Đinh, Lê, Lý, Trần đã chấp nhận Phật giáo. Các triều đại kế tiếp cũng chấp nhận Phật giáo. Do đó, mà những khẩu hiệu như thế này đã vang lên ở Đại hội bất thường của GHPGVNTN sau năm 1975 tại Hội trường Ấn Quang ở Saigon, tôi xin lập lại:

- Pháp lý của Giáo hội là 2000 năm dựng Văn mở Đạo trên dải đất Việt Nam này!

- Địa vị của Giáo hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé!

- Cơ sở của Giáo hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo!

“Đó là cơ sở vững chắc muôn năm. Đó là pháp lý, địa vị có sở của Giáo hội.

“Pháp lý thế tục có thể ban ra và có thể thu lại. Lẽ nào Giáo hội lại cúi đầu chịu mãi sự săn đầm đó ? Cho nên, không thể nhìn Giáo hội Phật giáo theo pháp lý giấy, mà phải nhìn thấy Giáo hội qua lịch sử đạo lý và vinh quang của dân tộc. Cái đó mới là pháp lý. Nói rõ hơn, pháp lý ấy là Chính Pháp.

“Các vị nghe rõ không ạ? Tôi lập lại: Pháp lý của Giáo hội Phật giáo là Chính pháp của 2000 năm lịch sử đạo lý và văn hiến trên đường mở nước và dựng nước. Cơ sở của Giáo hội Phật giáo là nông thôn, thành thị, núi rừng và hải đảo dưới ánh hào quang của Trí Tuệ và Từ Bi. Địa vị của Giáo hội Phật giáo là 80% dân chúng, già, trẻ, lớn, bé. Không còn nghi ngờ gì nữa về nền pháp lý có truyền thồng lịch sử ấy của GHPGVNTN”.

Quầy sách “Một Đời Vì Đạo Vì Dân : Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang”

Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Joseph Cao trong buổi Hội luận về cuộc đời Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, ảnh bên trái Nhà văn Ỷ Lan, bên phải ông Võ Văn Ái

Phần phát biểu của bình luận gia Lý Đại Nguyên, ông đề cao sự tiên phong của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang dẫn đầu trong cuộc đấu tranh chống áp bức và độc tài Cộng san, khiến cho sau đó những nhà cộng sản ly khai bước theo nhập cuộc.

Đặc biệt ở phần Hội luận kết thúc lễ Đại tường, Dân biểu Joseph Cao, người dân biểu gốc Việt duy nhất tại Quốc hội Hoa Kỳ, đã đến tôn vinh Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Nhân dịp này, Dân biểu khẳng định vai trò của mình đối với Cộng đồng Người Việt hải ngoại cũng như đối với cố quốc Việt Nam:

“Cách đây khoảng chừng một năm rưởi tôi có được gặp Đức Dalai Lama ở trên Hoa Thịnh Đốn. Đức Dalai Lama có nhắc tôi một chuyện, là nếu trong những lúc tôi nói chuyện, thông báo hay làm việc ở Quốc hội thì ông khuyên tôi tính cách chuyên môn qua tư cách mình là người Mỹ gốc Việt. Tại vì chỉ có người Mỹ gốc Việt mới có thể hiểu được tình trạng Cộng đồng Việt Nam của chúng ta. Chỉ có người Mỹ gốc Việt mới có thể hiều được những đau khổ, những sự Cộng đồng chúng ta phải trải qua trong hơn 35 năm qua. Và nói chung một người Mỹ gốc Việt đứng lên nói về sự xẩy ra ở trên nước Việt Nam [với tính cách] chuyên môn là sẽ được nhiều hiệu quả, mạnh hơn là một người không phải gốc Việt Nam.

“Nói chung, trong 18 tháng qua tôi cũng thấy như vậy. Mỗi lần những người tôi làm việc chung trong Quốc hội lúc nào liên hệ tới Việt Nam họ tới gặp tôi nói chuyện và hỏi ý kiến. Tại họ nghĩ rằng có một người Việt hiểu được tình trạng nước Việt. Và trong 18 tháng qua tôi rất hãnh diện, mặc dù tôi đại diện cho địa hạt Louisana, tôi cũng rất hãnh diện đã là một tiếng nói của Cộng đồng chúng ta trên nước Mỹ, cùng với tiếng nói của Cộng đồng chúng ta trên thế giới liên hệ tới vấn đề tự do tôn giáo, tự do nhân quyền ở trên nước Việt Nam. Trong 18 tháng qua tôi đã làm việc rất là… nói là không ngủ thì không đúng, nhưng nhiều thời gian lâu dài liên hệ tới những Đạo luật và những chuyện xẩy ra trên đất nước Việt Nam. Nói chung có hai Đạo luật tôi đang muốn thông qua tại Quốc hội ; thứ nhất là việc gọi là Việt Nam Denocracy Promotion Act (Đạo luật Thăng tiến Dân chủ Việt Nam), thứ hai là về Vietnam Sanction Act (Đạo luật về việc chế tài Việt Nam). Hai cái đó nếu Quốc hội thông qua sẽ ép Việt Nam theo đường lối của chúng ta ước ao trong hơn ba mươi năm qua. Đó là làm sao xây dựng được một xã hội Việt Nam mà dân chúng có tự do tôn giáo, tự do nhân quyền.

“Tôi thấy qua sự tiếp xúc của mọi người trong cộng đồng, dù là Công giáo, Phật giáo hay là Hòa Hảo, mọi người chúng ta dù khác biệt về đức tin, khác biệt về ý nghĩ, về đời sống, nhưng tôi thấy mọi người đồng ý một điểm, đó là làm sao chúng ta có thể thành lập, thứ nhất một Cộng đồng Việt Nam rất mạnh trên nước Mỹ, thứ hai là làm sao mang tới sự tự do ở trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.