Bs Trần Xuân Ninh
tamthucviet.com, September 6, 2010
Ông Hoàng Cơ Minh và các kháng chiến quân Đông tiến hy sinh ở Hạ Lào tính đến nay đã là 23 năm. Đối với bà Hoàng Cơ Minh, ông Minh chưa mất. Bào huynh của ông Minh, ông Hoàng Cơ Long kể rằng ở nhà, bà Minh bày biện và cư xử như là ông Minh còn đó. Điều này không có gì lạ đối với người con gái của một nhà nho. Tôi cũng biết có những đoàn viên Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải phóng Việt Nam hay là đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách mạng đảng, dù không còn hoạt động tích cực, thì vào ngày này cũng vẫn tụ họp năm bẩy người với nhau lại làm giỗ.
Tôi cũng biết có những quân nhân cũ VNCH không theo ông Minh trong cuộc vận động kháng chiến giải phóng Việt Nam nhưng khi viết bài nói về chuyện thời xưa, kể về ông Minh lúc là phó đề đốc quân lực Việt nam Cộng hoà, với sự nể phục tôn kính. Dĩ nhiên cũng phải nói rằng cũng có dăm ba kẻ đã mạt sát, xuyên tạc chuyện ông Minh đã làm, vì là tay sai VC hay là vì đố kỵ, ganh ghét hay vì những lý do cá nhân nào đó. Cuộc đời là thế, chẳng có gì lạ. Các đáng giáo chủ như Chúa, Phật, A Là cũng chẳng thoát khỏi cái vòng thị phi yêu ghét này. Một nhân vât quần chúng thì phải nhận đủ khen chê,
Ông Hoàng Cơ Minh đã làm những gì? Trước hết, ông đã đứng ra kêu gọi toàn dân kháng chiến, giải phóng Việt nam khỏi bọn Việt Cộng độc tài toàn trị, tay sai Liên sô Trung quốc. Lực lượng võ trang kháng chiến ông thành lập trong chiến khu Thái và Lào là để khơi mào và yểm trợ một cuộc tổng nổi dây toàn dân. Việc này đã thực hiện được vì Thái Lan bỏ qua, coi đó như là một mũi áp lực lên VC xâm lấn Cam Bốt trong toan tính bành trướng đế quốc CS Liên Sô sang Thái. Các đoàn viên MT và nhiều người dân hải ngoại thời đó, ai cũng biết bài nhạc Ta là người kháng chiến quân VN tuyên xưng vai trò kháng chiến này của Trần Thiện Khải, một thành viên ban tham mưu của ông Minh trong chiến khu.
Nhưng không mấy ai biết rằng đây chỉ là lời thay đổi đi của một bài nhạc khác, nguyên thuỷ là Lực lượng Quân dân Việt Nam.
Tại sao nhắc lại ở đây cái lực lượng mà ông Minh lập ra lúc khởi đầu đấu tranh, không có nhiều người biết lắm để làm gì? Bởi vì hai chữ “quân dân” nói lên cái ý nghiã nền tảng của sức mạnh nòng cốt cần phải vận động trong cuộc đấu tranh. Nhìn lại lịch sử chống Cộng của VNCH, quân là lực lượng gánh vác, còn dân thì sống đời của dân, thụ động. Dân tuy biết là CS độc tài bạo ngược phải chống, nhưng không coi là việc của mình, mà tối đa chỉ đóng vai trò uỷ lạo, ủng hộ. VNCH là tiền đồn chống Cộng mà Mỹ có trách nhiệm bảo vệ (!). Ngay các nhà chính trị về cuối cuộc chiến cũng vẫn nhiều người nói rằng Mỹ không bao giờ bỏ miền Nam (!). Và bây giờ còn có người cho rằng miền Nam mất vì Mỹ phản bội. Dân không ý thức được rằng chính mình phải có trách nhiệm bảo vệ sự tự do mình muốn hưởng. Chỉ sau khi Cộng sản chiếm được miền Nam, thiết lập chế độ chuyên chính vô sản, mới có người hiểu ra cái vai trò của mình, thì đã quá muộn.
Ông Hoàng Cơ Minh đã lập Lực lượng Quân dân trong tinh thần mỗi người dân phải bảo vệ cuộc sống của mình, của gia đình mình, của đất nước mình. Nói cho rõ, khi xã hội yên ổn thì mỗi người sống cuộc sống của mình, là dân. Khi nước loạn, cuộc sống bị đe doạ thì mỗi người dân đều phải bảo vệ lấy nó, tức là trở thành quân. Dân hay quân chỉ là hai loại chức năng của mỗi người trong nước, tuỳ hoàn cảnh thịnh hay loạn. Hình thức biểu lộ ra ngoài là đồng phục áo nâu quần vàng. Mầu nâu là mầu quần áo của nông dân miền Bắc và Trung, nhuôm bằng củ nâu đào ở trong rừng. Mầu vàng kaki là mầu nhà binh, theo nhận thức chung của dân chúng.
Trong cái ý niệm nền tảng này thi sẽ không có đấu tranh gì cả nếu mà dân không có ý thức bổn phận của mình, yên phận sống đời giun dế. Cũng trên nền tảng ý niệm này mà trong lời hiệu triệu quần chúng, ông Hoàng Cơ Minh đã kêu gọi thành lập tổ kháng chiến ở mỗi phường, mỗi xã, mỗi nhà. Có dao dùng dao, có súng dùng súng, có búa dùng buá, có gậy dùng gậy. Vắn tắt thì đây là một cuộc chiến tranh nhân dân, mà đặc tính là chừng nào người dân còn có ý tưởng chống đối chừng đó kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Mà tư tuởng chống đối không bao giờ hết chừng nào mà kẻ thống trị còn áp bức, còn có những biện pháp bán nước buôn dân, như là chế độ VC đang làm hiện nay.