"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 10. September 2010

Vẫn là chuyện dài!

Lữ Giang

Bản tin của BBC ngày 26.8.2010 cho biết Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã nhận được đơn xin tỵ nạn của 34 người từ Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, trốn khỏi Việt Nam sau vụ lộn xộn hồi tháng 5.

Hôm 31.8.2010, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội sẽ bác bỏ mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tỵ nạn cho các giáo dân này. Bà giải thích rằng vụ Cồn Dầu "không liên can gì đến tôn giáo""không có đàn áp tôn giáo hay chính trị tại Việt Nam". Do vậy, mọi quyết định "công nhận quyền tỵ nạn chính trị cho công dân Việt Nam là thiếu cơ sở và không thích đáng".

Trong khi một số cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại cổ võ cho quyền tỵ nạn của 34 người nói trên, cả đài BBC lẫn đài RFA đã đưa ra các cuộc phỏng vấn có lẽ với dụng ý để cho những người ở trong nước thấy rằng con đường xin tỵ nạn là con đường gian truân và hy vọng rất mong manh, vì thế không nên nghĩ đến con đường đó mỗi khi quyết định “đối đầu” với chính quyền.

NHÌN QUA VỤ CỒN DẦU

1.- Chuyện dài về nhà đất

Nhà cầm quyền Việt Nam đã phải nhìn nhận rằng “Khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai là một hiện tượng xảy ra phổ biến trong xã hội; đặc biệt khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường...” Khối Dân Oan ngày càng gia tăng.

Nơi nào dân chúng cũng chống lại việc giải tỏa, nhất là khi giá tiền bồi thường quá thấp so với giá thị trường. Ngoài ra, có nhiều viên chức địa phương đã làm sai luật lệ hay lợi dụng lệnh giải tỏa để mưu lợi cho cá nhân.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98,6% tổng số đơn.

Các tỉnh, thành phố có nhiều đơn khiếu nại nhất là Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Bình Thuận, Cần Thơ, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh... Trung bình mỗi địa phương có gần 500 đơn một năm.

2.- Vụ giải tỏa khu Cồn Dầu

Tại Đà Nẳng, nhà cầm quyền đã giải tỏa đất đai của các khu Tam Toà, Thanh Bình, Ngọc Quang, An Hải, An Ngãi, Hoà Ninh, Hoà Cường... nay đến lượt Cồn Dầu. Tại quận Cẩm Lệ, nhà cầm quyền đã quyết định giải tỏa trắng 430ha thuộc phường Hoà Xuân để thực hiện dự án “Khu Du Lịch Sinh Thái Hòa Xuân” bao gồm 4 thôn, trong đó có 100ha thuộc thôn Cồn Dầu, nơi có giáo xứ Cồn Dầu và nghĩa trang của giáo xứ này, nhưng khu nhà thờ Cồn Dầu không nằm trong khu bị giải tỏa. Có khoảng 1.500 gia đình phải dời đi. Riêng giáo xứ Cồn Dầu có khoảng 400 gia đình.

Ông Thái Văn Liên Quyền Chủ tịch Ban Đại Diện Giáo Xứ tuyên bố: “Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng...”“người dân Cồn Dầu chẳng thể chấp nhận số phận nghiệt ngã, bỏ cả ruộng vườn nhà cửa đổi lấy một số tiền đền bù ít ỏi, không thể xây dựng cuộc sống ở nơi chốn xa lạ”.

Đài RFA cho biết Ủy Ban Nhân Dân Quận Cẩm Lệ báo cáo là hiện vẫn còn 644 hồ sơ gồm 397 hồ sơ nhà và 247 hồ sơ đất nông nghiệp mà người dân Cồn Dầu chưa đồng ý kiểm định để chính quyền áp giá đền bù.

3.- Biến loạn nhân một đám tang

Bà bà Maria Đặng Thị Tân, sinh năm 1918 (92 tuổi) là giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu đã qua đời vào ngày 1.5.2010. Lễ an táng được thông báo sẽ cử hành vào sáng ngày 4.5.2010. Gia đình bà Tân muốn chôn cất bà tại nghĩa trang Cồn Dầu, nhưng chính quyền địa phương từ chối, vì đây là khu vực giải toả, không được phép chôn cất.

Tuy nhiên, Công An phường được tin một số người trong giáo xứ nhất định sẽ vẫn an táng bà Tân tại nghĩa trang giáo xứ, nên đã yêu cầu chính quyền Thành Phố cho lực lượng an ninh đến để ngăn chận.

LM Nguyễn Tấn Lục, chánh xứ Cồn Dầu, cho biết khi thấy tình trạng xô xát có thể xẩy ra, ngài đã nhiều lần đề nghị gia đình và mọi người chọn phương án khác và nơi khác để an táng bà cụ. Ngài đề nghị sau Thánh Lễ an táng có thể đưa bà ra nghĩa trang giáo xứ để “viếng tiên tổ” rồi đưa đi chôn nơi khác, như vậy vừa hợp tình hợp lý vừa thuận đường.

Sau Thánh Lễ, khi trên 500 giáo dân đã cùng gia đình đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang Cồn Dầu thì bị lực lượng an ninh ngăn chận. Một số giáo dân đã kháng cự lại công an và một cuộc xô xát đã xảy ra. Lực lượng an ninh đã cướp quan tài bà Tân, giải tán đám tang và bắt 72 người. Một số giáo dân phải lẩn trốn khỏi địa phương. Có 6 giáo dân, gồm 4 nam và 2 nữ, bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ theo điều 257 và 245 Bộ luật Hình Sự.

4.- Cái chết của anh Nguyễn Thành Năm

Một biến cố thứ hai đã đưa phong trào đấu tranh đi lên: Đêm 2.7.2010, anh Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi, một giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu lo việc trợ tang cho bà Maria Tân, nghe có tiếng động ở phía trước cửa nhà, đã bỏ chạy ngã sau đến làng Trung Lương kế cận và ẩn nấp ở nhà một người quen. Người này liền báo cho toán dân phòng biết. Toán này đã đến bắt giữ anh và còng tay lại. Gia đình đến nơi toán dân phòng đang giam giữ anh thì thấy thân thể anh đầy sình lấy, tay xích còng bị chảy máu, lỗ tai cũng bị chảy máu. Gia đình xin lãnh anh về nhưng toán dân phòng bảo phải chờ công an Huyện đến. Công an Huyện đã đến, ra lệnh thả anh lúc 3 giờ sáng và bảo ngày mai đến trình diện. Trưa hôm sau, anh qua nhà mẹ thì ói ra máu, đến 1 giờ trưa anh qua đời một cách đột ngột.

Nghe tin anh chết, công an đã đến bao vây và canh gác nghiêm nhặt các khu xung quanh. Theo gia đình kể lại, công an muốn đưa xác anh đi khám nghiệm, nhưng gia đình từ chối. Phải chăng vì sợ bị rắc rối thêm?. Hôm 6.7.2010, quan tài anh được đưa đi chôn cất tại nghĩa địa mới ở xã Hòa Sơn, cách Cồn Dầu khoảng 30 cây số, với sự hộ tống và canh phòng của nhân viên an ninh.

5.- Đòi Giáo Hội tham chiến!

Các vụ giải tỏa để chiếm đất đã gây ra những phản ứng khắp nơi, có khi còn dữ dội hơn ở Cồn Dầu. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể:

Ngày 4.1.2009, hơn 1000 nông dân thuộc thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương đã chiếm trụ sở Ủy Ban nhân dân thôn Hoàng Xá để phản đối các cán bộ thôn đã cấu kết lừa gạt nông dân cưỡng chiếm đất. Hơn 600 cảnh sát cơ động đã được điều động từ Hải Dương về ứng phó, tạo ra một cuộc xô xát dữ dội khiến cho nhiều công an bị thương. Hàng chục người bị bắt.

Ngày 7.1.2009, hơn 2000 nông dân tại ba xã Xuân Quang, Cao Cửu, Phùng Công thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hải Hưng đã tập trung trước văn phòng chính phủ phản đối việc nhà nước đã cưỡng chế chiếm hơn 5 ngàn hecta đất trồng lúa, hoa quả, cây cảnh,… với giá đền bù rẻ mạt, từ 60 ngàn đồng (2006) lên 135 ngàn một mét vuông (2009). Trị giá tương đương với 10 ký gạo theo giá thị trường.

Ngày 19.2.2009, hơn 500 nông dân thuộc xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã tụ tập trước văn phòng Chủ tịch xã để yêu cầu ngưng việc dời hài cốt các mồ mả và chấm dứt việc cưỡng chế chiếm khu đất này để xây dựng khách sạn. Chủ tịch xã bỏ trốn và kêu Cảnh sát 113 xuống can thiệp, tạo ra một cuộc ẩu đả và nông dân đã phóng hỏa đốt trụ sở xã.

Chiều ngày 4.3.2009, chính quyền huyện Chương Mỹ đã dẫn lực lượng an ninh đến để cưỡng chế đất của dân thuộc thôn Phù Yên và thôn Nhật Tiến. Một cuộc náo loạn đã xẩy ra khiến giao thông trên trục đường Hà Đông - Xuân Mai bị tắc nghẽn hơn 4 cây số, kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Dân chúng đã khua chiêng đánh trống để hô hào nhau phản kháng. Công an đã xông vào bắt anh Nguyễn Hữu Quý, người thanh niên lớn tiếng nhất. Họ còng tay anh lại, ném anh lên xe. Cuộc náo loạn gia tăng khiến công an phải dùng hơi cay giải tán và bắt đi nhiều người.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ cụ thể. Vụ Cồn Dầu cũng gióng như hàng trăm vụ tương tự đã xẩy ra và sẽ còn tiếp tục xẩy ra trên khắp đất nước, nơi nào nhà cầm quyền cũng dùng bạo lực để trấn áp. Nhưng sở dĩ vụ Cồn được thổi to lên vì một số người muốn kích động Giáo Hội Công Giáo “tham chiến” để đẩy mạnh phong trào chống cộng. Đây là một chiến thuật đã được lặp đi lặp lại trong những năm gần đây. Chúng tôi thấy có hai điểm cần lưu ý một số người “công giáo đấu tranh”:

(1) Giáo Hội chỉ nói lên tiếng nói của lương tâm và hướng dẫn hành động theo lương tâm. Giáo Hội không hành động thay chính quyền hay các tổ chức đối kháng, và cũng không chạy theo các biến cố có tính cách thời cơ. Sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng.

(2) Các Giám Mục được ủy nhiệm cai quản giáo phận theo Giáo Luật và đường lối của Giáo Hội. Giám Mục nào không đủ khả năng điều khiển giáo phận, bị dẫn dắt ra ngoài Giáo Luật hay đường lối của Giáo Hội, phải xin từ nhiệm hay bị bãi chức.

Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng có thể kích động để thúc đẩy Giáo Hội đứng về phe này hay phe kia.

VỀ QUYỀN XIN TỴ NẠN

Công Ước Liên Hiệp Quốc ngày 28.7.1951 đã định nghĩa về người tị nạn như sau:

“Một cá nhân đang ở bên ngoài đất nước mà họ mang quốc tịch, hoặc bên ngoài nơi cư ngụ thường xuyên của họ; có sự lo sợ đích đáng rằng họ sẽ bị hãm hại vì chủng tộc, vì tôn giáo, quốc tịch, vì là thành viên của đoàn thể xã hội nào đó, hoặc vì chính kiến của họ; và họ không thể được hưởng sự bảo vệ của nước đó, hoặc trở về đó, vì sợ bị hãm hại.”

Những ai hội đủ điều kiện theo định nghĩa khắt khe nói trên, sẽ được cung cấp một số bảo vệ pháp lý như quyền được trợ cấp thực phẩm, nơi cư ngụ, tự do thực hành tôn giáo, v.v.

Sau này, do các cuộc nội chiến kéo dài tại Phi Châu, đưa số người chạy loạn lên cao, nên Liên Hiệp Quốc phải nới rộng thêm định nghĩa người tỵ nạn như sau:

“Những cá nhân hoặc nhóm người đã bị cưỡng bách phải rời bỏ nhà cửa của họ hoặc những nơi cư ngụ thường nhật, nhất là do hậu quả của những cuộc xung đột võ trang, hoặc để tránh ảnh hưởng của chúng, tránh những vi phạm nhân quyền, thiên tai hoặc tai họa do con người gây ra, trong khi những người này chưa vượt qua biên giới quốc gia.”

CON ĐƯỜNG ĐẦY CHÔNG GAI

Theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 21 triệu người trên thế giới đủ điều kiện để được xếp vào loại tỵ nạn theo định nghĩa của Công Ước nói trên, đó là chưa kể những người tị nạn môi sinh (environmental refugee) do thiên tai gây ra (khoảng 25 triệu trong năm 1999). Có những lúc tình hình đột biến, khiến số người tỵ nạn tăng lên một cách nhanh chóng, như khi Hoa Kỳ mở cuộc chiến ở Iraq vào đầu năm 2003, đã có hơn 2 triệu người vượt biên giới chạy sang các nước láng giềng.

Ngày nay, trên thế giới có khoảng 30 tụ điểm quy tụ những người tỵ nạn đang phải đợi chờ: Khoảng 25.000 người phải chờ đợi ít nhất là 5 năm; có 66.000 người Eritrean sống trong các trại ở Sudan và Algeria từ thập niên 1960, và những người tị nạn tây Sahara đã sống tha hương từ 30 năm qua. Năm 2008, Liên Minh Châu Âu (EU) đã nỗ lực tái định cư cho 10.000 người tị nạn Iraq lần đầu tiên tại tất cả 27 quốc gia thành viên của EU.

Vì bị quá tải, các viên chức LHQ phụ trách về người tỵ nạn thường xét tư cách của người xin tỵ nạn khá khắt khe. Sau vụ 34 người liên quan đến biến cố Cồn Dầu trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tỵ nạn chính trị, phóng viên đài BBC đã phỏng vấn ông Andre Mahecic, phát ngôn viên của Cao Ủy Tỵ Nạn tại Geneve về chuyện này. Sau đây là những điểm chính do ông trả lời:

“Tôi được biết là vào tháng sáu năm nay, chúng tôi được thông báo về việc một nhóm người từ Giáo xứ Cồn Dầu tới Thái Lan. Chúng tôi đã đăng ký họ trong hai đợt ngày mùng 3 và 21 tháng sáu.

“Tổng cộng chúng tôi tiếp nhận 20 trường hợp, với 34 người. Đó là vì trường hợp xin tỵ nạn có thể là người trong gia đình đi cùng nhau. Chúng tôi sẽ tổ chức phỏng vấn đợt đầu để xác định tư cách tỵ nạn, xem họ có cần bảo vệ của quốc tế hay không, vào tháng 10 và tháng 11 tới...

“Hiện ở các thành phố của Thái Lan có khoảng 2.100 người đang chờ để xin tỵ nạn. Thông thường họ trông đợi được đi định cư ở một nước thứ ba.

“Quá trình thẩm vấn, điều tra quy chế tỵ nạn kéo dài chừng nào chúng tôi thấy cần thiết. Mục tiêu là để xác định xem người xin tỵ nạn có đúng là cần được quốc tế bảo vệ hay không...”

Phóng viên BBC đã hỏi ông Andre Mahecic rằng năm ngoái có một số trường hợp người Thượng ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam khiếu nại rằng UNHCR đã "không giúp đỡ" họ, thậm chí gạt bỏ hay không công nhận những bằng chứng mà họ đưa ra. Ông nói thế nào về cáo buộc này? Ông Mahecic trả lời:

“Tôi không thể bình luận về các trường hợp cụ thể, nhưng điều mà tôi có thể khẳng định một lần nữa là mọi việc của chúng tôi đều theo thủ tục và quy định rõ ràng.


“Không phải tất cả các đơn xin tỵ nạn đều có lý do chính đáng và đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là xác định xem ai thực sự cần được sự bảo trợ của quốc tế...”

Phóng viên BBC lại hỏi: “Riêng với số giáo dân Cồn Dầu, chúng tôi được biết đã có các vận động từ chính giới Hoa Kỳ ủng hộ cho họ, và họ cũng là các tín đồ Công giáo. Các yếu tố đó ảnh hưởng thế nào tới quá trình xem xét đơn xin quy chế tỵ nạn của họ, thưa ông?”

Ông Mahecic trả lời:

“Tôi không nghĩ việc vận động hành lang có ảnh hưởng. Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận dạng những ai đang bị nguy cơ truy bức, hãm hại, cần được che chở vì chính kiến, vì chủng tộc, hay vì thuộc vào một nhóm tôn giáo nào đó... dựa trên những nguyên tắc của Công ước Quốc tế về tỵ nạn năm 1951. Trong đó có những tiêu chí rất rõ ràng”.

Ngày 23.8.2010, cô Thanh Trúc, phóng viên RFA đã phỏng vấn anh Pantin Póh, một người Thượng đã bị bắt nhiều lần vì chống lại nhà cầm quyền cưởng chiếm đất và ức hiếp người Thượng, đang bị công an truy nả, nhưng khi qua Thái Lan xin tỵ nạn thì bị Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ bác đơn. Anh kể lại:

“Sau khi làm đơn thì tháng Bảy họ cũng mời phỏng vấn nhưng đấy gọi là phỏng vấn cho có lệ. Không riêng gì em, trước em cũng có nhiều người dân tộc lánh nạn thì họ cũng chưa được cấp giấy. Đợt bọn em tới họ cũng mời sơ vấn, xong rồi họ mời phỏng vấn.

“Chỉ được một tiếng đồng hồ. nghĩa là rất vội vã. Cái thứ hai nữa là thông dịch viên ở đó chính là người Việt gốc Hà Nội, cô Giang... gì đấy. Cho nên một hai tháng sau chúng tôi được báo kết quả là rớt, không đủ tiêu chuẩn tị nạn”.

Qua những câu chuyện đau thương vì bị bác đơn xin tỵ nạn do nhiều người Thượng ở Cao Nguyên kể lại, chúng ta thấy rằng con đường xin tỵ nạn sau khi đấu tranh bị thất bại, không phải là một con đường dễ vượt qua. Chúng tôi tin rằng hai đài BBC và RFA khi mở nhiều cuộc phỏng vấn như đã nói trên cũng với mục tiêu giúp những người trong nước hiểu rõ điều đó.

Hầu hết người Thượng chạy qua Cambodia và Thái Lan xin tỵ nạn đã khai rằng sở dĩ họ phải trốn thoát khỏi Việt Nam vì đã chống lại nhà cầm quyền cưởng chiếm đất đai của họ nên bị trấn áp và truy nả, có người cho biết đã bị tù nhiều năm. Do đó, họ đã bị bác đơn xin tỵ nạn vì không hội đủ các tiêu chuẩn ấn định trong Công Ước 1951. Họ bị cơ quan di trú Thái Lan bắt tống xuất về Việt Nam hay bị công an Việt Nam bắt cóc đưa về Việt Nam. Cuộc sống của họ trở nên khốn khổ hơn.

Xin những người tranh đấu nghiên cứu kỹ quy chế tỵ nạn, đừng đẩy 34 giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan vào trường hợp của những người Thượng bị bác đơn ở Tây nguyên.

Ngày 7.10.2010
Lữ Giang