Giáo dân Cồn Dầu phá hàng rào do Cảnh sát cơ động dựng lên để ngăn cản tang lễ cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010.
Mặc Lâm, RFA
2010-09-07 - Một bài báo xuất hiện trên trang mạng báo Đà Nẵng Online của tác giả Nguyên Châu cáo buộc các thế lực thù địch cùng với chính những nạn nhân Cồn Dầu đã khích động gây nên các sự kiện đáng tiếc vừa qua.
Mặc Lâm phân tích nội dung bài viết qua các lời khai của nhân chứng Cồn Dầu sau đây.
Cáo buộc người dân Cồn Dầu
Trên trang mạng của báo Đà Nẵng Online ngày 19 tháng 8 có đăng một bài viết của tác giả Nguyên Châu mang tựa đề "Luận điệu lạc lõng" nói về sự kiện Cồn Dầu với nhiều chi tiết đáng chú ý.
Sau khi nhắc đi nhắc lại chủ trương đúng đắn của UBND quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng trưng thu đất của người dân Hòa Xuân nhằm triển khai Dự án khu đô thị sinh thái, tác giả ngừng ngay ở đó không nói tới khu sinh thái có sắc diện như thế nào nhưng lái qua việc thành phố Đà Nẵng đã đầu tư cả trăm tỷ và "quyết liệt" thi công để chính thức đưa cây cầu Hòa Xuân vào lưu thông nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8).
Chữ "quyết liệt" trong đoạn văn này cho thấy điều mà UBND quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng nhắm tới không phải là khu sinh thái mà là cây cầu Hòa Xuân nhằm chào mừng 65 năm Cách Mạng Tháng Tám.
Dĩ nhiên người dân Cồn Dầu sẽ không có một lời chống đối nhà nước nếu cây cầu này được sự đồng thuận của cả hai phía, người dân và chính quyền. UBND quận và thành phố đã đem một số lớn công an đến đàn áp người dân khi họ đưa đám tang của cụ bà Đặng Thị Tân đến chôn tại nghĩa trang mà bao đời nay cha ông của họ đều nằm ở đó. Bài báo viết:
“Đỉnh điểm của thái độ chống đối và bất hợp tác với chính quyền của một số người ở thôn Cồn Dầu là họ cố tình cấu kết với nhau, tuyên truyền xuyên tạc sự thật về Dự án nhằm kích động, lôi kéo một số giáo dân tiến hành các hành động bạo lực tấn công lại lực lượng thi hành công vụ thông qua một đám tang của cụ bà Đặng Thị Tân hồi tháng 5 vừa qua.”
Bài báo quên không để ý tới chi tiết mà chính tác giả đưa ra: đó là người dân không tuyên truyền xuyên tạc sự thật về Dự án, vì họ thấy quá rõ qua sự xác nhận của tác giả Nguyên Châu về hàng trăm tỷ chào mừng 65 năm Cách mạng Tháng Tám mà tác giả tiết lộ. Bài báo viết tiếp:
“.....trong khi tuyệt đại đa số người dân Hòa Xuân đồng tình ủng hộ, chấp nhận đền bù, giải tỏa, sẵn sàng di dời đến nơi ở mới, một đô thị có đủ điều kiện thuận lợi cho sản xuất, học tập, và nhất là chấm dứt cảnh chạy lụt hằng năm, bảo đảm thuận tiện cho việc thờ cúng, hành đạo, và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, thì một số phần tử xấu ở thôn Cồn Dầu thuộc phường Hòa Xuân, bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước kích động, tìm mọi cách chống lại chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân này của thành phố.”
Cảnh sát cơ động ngăn cản tang lễ và cướp quan tài cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010. Hình do thính giả gửi đến RFA.
Từ chỗ cáo buộc người dân Cồn Dầu bị thế lực thù địch kích động, tác giả Nguyên Châu lái sang một hướng khác như thường thấy trên các trang báo lề phải, mọi tội lỗi đều do thế lực thù nghịch chống lại chủ trương của nhà nước gây ra. Sự thật thì thôn Cồn Dầu, một địa danh trước đây vài tháng mấy ai ở hải ngoại biết đến, nó âm thầm như sự nhẫn nhục của người dân ở đây, âm thầm chịu đựng bao đời với cái tên bé mọn: thôn Cồn Dầu.
“Các thế lực thù địch”
Tác giả Nguyên Châu kể lại câu chuyện cái ngày đưa đám tang ấy với ngữ điệu hết sức tức giận, ông tức giận không phải vì người chết hay người bị bắt, mà tức giận vào chính cái bóng đen ám ảnh ông từ đầu bài viết đó là nhóm từ "các thế lực thù địch", ông viết:
“Ấy vậy mà tại thôn Cồn Dầu lại có một vài tiếng nói lạc lõng đi ngược lại chủ trương chính đáng của thành phố, ngược lại nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân Hòa Xuân.
Dù muôn ngàn lần không muốn, nhưng chính quyền buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết được pháp luật quy định nhằm trấn áp những kẻ quá khích, bảo vệ an toàn tính mạng cho những người dân lương thiện. Sự thật là sự thật, song vài kẻ xấu sau khi không đạt các ý đồ, lại lu loa lên rằng công an đàn áp dân, đàn áp tôn giáo và kêu gọi sự trợ giúp, can thiệp từ các nơi, kể cả nước ngoài.”
Một đêm nó vô nhà 5 lần nó vô nó đập cửa ghê lắm. Nhà toàn đàn bà không, nên sợ lắm, không dám ra mở cửa. Nó cứ vô miết nó đập cửa nó mời lên phường. Bà Nguyễn Thị Hải
Bà Nguyễn Thị Phương, vợ của anh Minh, người mà ông Nguyên Châu cho là thế lực thù địch, bà Phương lên tiếng kể lại việc chồng bà làm gì và bị bắt như thế nào:
“Nói đúng ra là ảnh nằm trong Ban Hội Đồng Giáo Xứ, lúc đi lễ tang cho bà cụ thì lần đầu ảnh nói với gia đình, nói với vợ con ở nhà là "Ba đi tang thôi chớ không đưa tang qua nghĩa địa.
Lúc đó chính quyền nhờ ảnh vì ảnh nằm trong Ban Hội Đồng Giáo Xứ thì chính quyền nhờ anh phải đi để dàn xếp giáo dân. Lúc qua tới nghĩa địa thì có hàng rào chắn của chính quyền thì ảnh nói với bà con dừng lại, đừng có la ré gì cả, để gia đình tang quyến thương lượng với chính quyền. Ngày đó là ngày 4 tháng 5, lúc đó 8 giờ, nhưng mà gia đình họ không chịu yêu cầu của chính quyền. Từ đó ảnh rời khỏi quan tài và ảnh đi ra khu vực khác chớ ảnh không ở đó.”
Chính quyền tại sao lại nhờ "thế lực thù địch" để điều đình với gia đình người quá cố, để rồi khi sự việc không thành thì lại quy kết người ta vào tội "gây rối trật tự công cộng chống người thi hành công vụ"? Tác giả Nguyên Châu có vẻ quên không nhắc tới cái chết của anh Nguyễn Thành Năm, người khiêng quan tài cụ Đặng Thị Tân nhưng sau đó bị công an triệu tập nhiều lần và lần cuối cùng trở về nhà với thương tích đầy người và cuối cùng phải ra người thiên cổ?
Không lẽ thế lực thù địch lại có thể cài người vào lực lượng công an để giở trò khổ nhục kế hay sao? Ông Nguyên Châu không nghe những người thân của 6 nạn nhân hiện còn nằm trong khám tối than khóc đứt cả ruột gan như bà Nguyễn Thị Phương thương chồng như thế nào:
“Về tinh thần ảnh không còn cái chi hết trơn, ảnh lo sợ không biết có bị công an đánh đập chi mà ảnh lo sợ quá sức. Không biết công an có ép cung ảnh không, có bắt ảnh chịu tội này nọ không. Tinh thần ảnh quá sa sút. Ảnh không có tội chi mà cũng bị bắt điều tra. Người ta có ép chi ảnh không mà tinh thần sa sút quá.”
Tác giả Nguyên Châu cũng không hề nhắc tới việc công an bắt người trái phép như vậy có hợp với luật pháp Việt Nam hay không. Hãy nghe luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao giải thích sự vi phạm luật pháp của toàn thể UBND quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng như sau:
Luật Việt Nam nó khác chỗ đó. Thằng công an nó ghê lắm, nó bao trùm cả Tòa án, nó bao trùm cả Viện kiểm sát. LS Trần Lâm
“Nếu không có lệnh mà bắt giam là sai rồi. Thế nhưng ở nước ta cái anh công an thấp hơn anh Tòa án, thấp hơn Viện kiểm sát. Đứng về luật pháp, trên giấy tờ trên sổ sách sổ nọ sổ kia thì như thế, nhưng trong thực tế thì thằng công an ở đâu nó cũng cao hơn hai anh kia. Bề trong mà nói thì đảng giao cho cái thằng công an nó quyền hạn hơn hai anh này nhiều, hai anh này phải theo nó. Đấy! nó có cái zíc zắc như thế. Luật Việt Nam nó khác chỗ đó. Thằng công an nó ghê lắm, nó bao trùm cả Tòa án, nó bao trùm cả Viện kiểm sát. Nếu đúng ra thì kêu lên Kiểm sát thì Kiểm sát có thể ra tay được ngay, nhưng những đơn vị thực thi nó không làm đúng phép nước mà nó cứ nghe ngóng, nó cứ làm sao cho cái thân nó nhẹ. Dính vào thằng nọ thằng kia thì nó mệt nó chả được gì. Trái ý các ông to thì có khi anh bị nguy là khác!”
Pháp luật bảo hộ tính mạng?
Chắc tác giả Nguyên Châu thừa biết rằng chức vụ Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao của Luật sư Trần Lâm là do Quốc Hội bổ nhiệm chứ không phải mua chức mà có. Vậy mà ông còn não nề thú nhận như vậy huống chi dân thường mấy ai không biết quyền lực của công an như thế nào.
Điều 71 của Hiến pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1992 ghi rõ: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân."
Điều 72 viết rằng "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh."
Điều 73 viết rằng "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép."
Công an Cồn Dầu có xâm phạm điều 73 của hiến pháp nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay không? Hãy nghe bà Bà Nguyễn Thị Hải mẹ của hai anh em Lê Quang Lâm và Lê Quang Lời kể lại:
“Một đêm nó vô nhà 5 lần nó vô nó đập cửa ghê lắm. Nhà toàn đàn bà không, nên sợ lắm, không dám ra mở cửa. Nó cứ vô miết nó đập cửa nó mời lên phường lên quận nó hỏi đi đâu nhưng thực tế nhà đâu biết được!”
Quay trở lại bài báo, tác giả Nguyên Châu nhắc nhở tới những vị cán bộ cao cấp nhất của Thành phố Đà Nẵng đã lặn lội tới từng hộ gia đình người dân thôn Cồn Dầu nhằm thuyết phục họ, điển hình là ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh:
“Đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố, quận Cẩm Lệ đã rất nhiều lần trực tiếp đến nhiều gia đình để tìm hiểu, đối thoại với hàng ngàn người dân, giải đáp những thắc mắc, kể cả cam kết những chính sách ưu tiên cho nhiều hộ dân.”
Đó là những ngày ông bí thư lặn lội xuống Cồn Dầu, còn hôm nay, sau ba tháng biến động chúng tôi gọi cho ông bí thư để hỏi thăm về thân phận những người còn bị giam tại Cồn Dầu thì được ông trả lời:
Mặc Lâm: Thưa chào ông bí thư, tôi tên là Mặc Lâm tôi muốn hỏi thăm ông đôi điều về việc Cồn Dầu, thưa ông theo tin tức mà chúng tôi nhận đượcthì còn một số người còn bị giam giữ tại Cồn Dầu mà chưa được thả. Có thể nào ông giải thích giúm tại sao họ bị bắt lâu quá vậy mà không đưa họ ra tòa thưa ông?
Nguyễn Bá Thanh: “À... sắp tới người ta sẽ xét xử đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam…”
Tác giả Nguyên Châu đã kết luận về sự việc Cồn Dầu với những hình ảnh hết sức tươi sáng về điều mà ông gọi là đồng thuận của người dân. Ông cũng tỏ vẻ cảm thông với các nạn nhân và an ủi họ đừng bao giờ nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động, ông viết:
“Từ sự kiện ở thôn Cồn Dầu, Hòa Xuân đã bổ sung cho bài học về sự đồng thuận của lòng dân Đà Nẵng thêm những kinh nghiệm bổ ích. Nó giúp cho chúng ta thấy rõ hơn về những toan tính của các thế lực đen tối luôn cố tình tìm mọi cách để chống lại những chủ trương, chính sách vì mục đích phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn của Đảng bộ, chính quyền thành phố, và thông cảm, chia sẻ với những người dân bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng tham gia chống lại chủ trương cũng như chống lại lực lượng thi hành công vụ.”
Người đọc bài viết của tác giả Nguyên Châu cứ nghĩ là bài viết đáng lẽ phải còn nữa vì hồi kết cục ông không đề cập gì đến cái chết uất nghẹn của anh Nguyễn Thành Năm, đến 6 giáo dân vẫn còn nằm trong ngục tối và nhất là đến 34 giáo dân khác đang lưu lạc tại Thái Lan mắt cứ đăm đắm nhìn về thôn Cồn Dầu khốn khổ...
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/xa-hoi/-From-an-article-writing-about-Con-Dau-event-MLam-09072010172542.html