Người Buôn Gió
Tự hào thái quá của người Việt Nam và nỗi nhục Gạc Ma
Các nhà viết sử thường né tránh những sự kiện nhục nhã . Người viết sử thường chỉ nhắc đi nhắc lại những chiến thắng nào đó của chính quyền. Những sự kiện nhục nhã ít khi nào được nhắc tới ở một thể chế chính trị độc đoán. Việt Nam là nước điển hình như vậy.
Người Việt Nam thời kỳ CNXH chỉ quen với tự hào và biết đến tự hào, thời đại của người Việt huy hoàng và rực rỡ trong những chiến thắng, thành công, kết quả tốt đẹp…hằng hà đa số những lời chỉ đến sự tự hào được liên tục nhắc đi nhắc lại trên báo chí, truyền hình….đã là người dân Việt phải tự hào về cái gì đó, nhất là người dân Việt thời CNXH càng phải biết tìm cái gì đó để tự hào. Cho dù cái đó xa tít tắp chả ăn nhập gì đến đất nước, xã hội, đời sống cũng cân phải tự hào. Một thằng Tây balo ngáo ngơ sang Việt Nam khen lấy lệ Việt Nam đẹp cũng đủ là cái cớ để báo chí dựa vào đó tung hô đất nước ta đang ngời ngời ánh dương. Nhân dân ta đang sung sướng tột đỉnh.
Thế nên ai mà trót dại nhắc đến chữ ‘’ nhục’’ nhất là nhục nước nhà thì đúng là vuốt râu hùm. Hàng loạt ý kiến nhâu nhâu phản đối, bức xúc, phẫn nộ đáp trả. Thời kỳ CNXH Việt Nam đâu có cái gì phải nhục, cái gì cũng tốt đẹp. Một cán bộ hưu trí, một bà bán rau cũng tót được lên báo để đưa ra những chứng cứ rằng đất nước, con người, cuộc sống ở Việt Nam đang rất đáng tự hào, bao nhiêu thành tựu này nọ đạt được một cách vanh vách bài bản. Nào là Việt Nam có bác Hồ vĩ đại danh nhân thế giới, có Đảng CS sáng suốt, tài tình có em bé đánh giày tẩm xăng lao vào kho đạn địch, có Phạm Tuân đi dép lốp bay vào vũ trụ, có đội bóng đá đoạt giải nhì khu vực vv
Người ta xúm lại bĩu môi chê trách kẻ nào dám nói ở Việt Nam có điều gì đáng nhục nhã, họ viện đủ lý do phản bác như là xấu thì ở đâu cũng thế thôi, nào là khách quan là vậy, đây chỉ là một hiện tượng nhỏ không phản ánh hết sự thật, nào là phải biết nhìn những cái tươi sáng thành tựu để mà lạc quan.
Nói xấu quá có khi còn bị bỏ tù. Chả thế mà toà án Việt Nam nhiều lần tuyên án bị cáo thế này.
- Bị cáo lợi dụng vào những sai sót nhỏ của một số cán bộ mà quy chụp là bản chất của chế độ, động cơ xuất phát từ bất mãn cá nhân, bị cáo cố tình không nhận thấy những thành tựu mà đất nước ta đạt được, bị cáo cố ý bôi xấu …làm xói mòn lòng tin của xã hội..
Sự tự hào ăn sâu dần vào trong máu người Việt Nam một cách tinh vi, bài bản. Qua những ngợi ca dồn dập của giới truyền thông nước nhà. Ở Việt Nam tự hào cũng là cách bảo vệ mình an toàn. Vì tự hào có nghĩa là anh bằng lòng, mà bằng lòng thì anh không bức xúc, bất mãn không có thái độ phản kháng. Tự hào là yêu nước, là yêu chế độ, là yêu cả đường lối chính sách đã mang lại những kết quả tự hào….
Nhà viết sử Việt Nam có trách nhiệm phản ánh tâm trạng xã hội đúng với yêu cầu chính trị hơn là đúng với bản chất sự việc vì người ta đòi hỏi họ như vậy.
Khi thấy Việt Nam có nhu cầu sống còn phải lập quan hệ ngoại giao với mình . Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi những bước mang đầy tính phong kiến truyền thống của nước lớn đối với chư hầu. Đó là đòi lễ vật và hiến tế.
Tháng 4 năm 1988 tại quần đảo Gạc Ma, như các nghi lễ truyền thống mà nước lớn đòi hỏi nước bé thể hiện sự thần phục toàn tâm có từ thời xa xưa của Trung Hoa. Người Trung Quốc đã dùng 74 chiến sĩ Việt Nam và đảo Gạc Ma của Việt Nam làm máu tế và đồ hiến dâng. Sau đó quan hệ hai nước liên tiếp được ca ngợi là hoà bình, hữu nghị, láng giếng tốt. Người Việt Nam vốn dĩ không biết nhục mà chỉ biết tự hào, do đó họ tự hào ca ngợi là quan hệ tốt đẹp cho hai bên. Cuộc tế lễ này được thực hiên chu đáo đến mức người Trung Quốc còn mang cả máy quay phim. Chứng tỏ họ rất tin tưởng sự sắp đặt chu đáo sẽ khiến buổi hiến tế có kết quả thành công như vậy.
Người ta bắn giết người mình, cướp đất mình và điềm nhiên quay phim nhưng chả thấy người Việt Nam nào cảm thấy nhục cả. Thậm chí có kẻ còn bàng quan, thản nhiên phát biểu khi xem đoạn phim đó
- Ở chắc gì là thật, bọn nào đó dựng lên để kích động , phá hoại quan hệ giữa ta và Trung Quốc thôi.
Đến khi tàu lạ bắn ngư dân Việt Nam chết ngoài khơi, những kẻ này vẫn nói
- Ờ chắc ngư dân mình kém hiểu biết đi sang nước khác mới vậy thôi, mà ngoài khơi thiếu gì tàu đánh cá các nước đi qua lại. Tai nạn như giao thông là chuyện thường. Bọn thù địch lợi dụng thông tin chưa rõ ràng để kích động.
Trước sự kiện đẫm máu như thế, mà người ta lạnh nhạt, dửng dưng, còn làm ra vẻ hoài nghi. Chẳng qua thực chất là bản chất vốn tự hào quen rồi,, giờ thấy nhục không dám nhìn nhận mà thôi. Câu Tiễn bị thua, bề ngoài khiếp sợ. Nhưng còn biết luyện quân, tìm người giỏi, hàng đêm năm gai , nếm mật tự mắng mình. Việt Nam đâu có ai gào lên
- Mày quên cái nhục ở Gạc Ma rồi sao?
Vì như đã dẫn trên, người Việt thời kỳ XHCN làm gì có biết đến nhục đâu, họ chỉ biết đến tự hào mà thôi. Người Việt vì thế mau chóng quên sự kiện Gạc Ma.
Người Việt không phản ứng, không nhắc đến, lờ đi biển Đông đến nỗi người Trung Quốc cũng tin biển Đông là của họ. Trong tâm tưởng của người Trung Quốc họ đinh ninh người Việt sẽ không bao giờ phản ứng trước những hành động bạo lực mà Trung Quốc gây ra. Người Trung Quốc cứ ung dung tàn bạo như lẽ tự nhiên.
Báo chí Việt Nam mải mê với những tự hào đâu đó, dường như cả dân tộc Việt say đắm trong ánh hào quang tự tô vẽ. Những sự hy sinh cao cả của những người lính hải quân Việt Nam năm 1988 không ai muốn nhắc đến, cả đảo Gạc Ma bao đời cha ông tốn công khai phá giờ trong tay giặc cũng không ai nghĩ tới.
Sự tự hào không đúng với thực tế, cũng như sự trốn tránh nhìn nhận cái hèn kém, nhục nhã là kẻ nội thù lớn nhất tiếp tay cho ngoại bang thôn tính đất nước. Hết đất liền rồi đến đảo, hết rừng đến đồng bằng bị mất vào tay ngoại bang. Thế nhưng người Việt vẫn không thức tỉnh, họ lại biện minh đủ lý lẽ nào đất liền thì là do mong muốn biên giới rõ ràng pháp lý . Rừng, núi, tài nguyên thì do phát triển kinh tế. Biển, đảo thì đàm phán hoà bình. Mọi cái đều êm ấm đâu vào đó cả, đất nước không có gì đáng lo ngoài những sự kiện đang tới phải tập trung chào đón với lòng tự hào, hãnh diện.
Le lói tự hào
Tưởng như niềm tự hào thái theo những ánh hào quang không thực, hay chẳng ra đâu vào đâu làm người Việt đắm chìm, quên đi những gì đáng tủi nhục. Thì một ngày mùa đông cuối năm 2007 bỗng nhiên các thành phố hai đầu Nam, Bắc xôn xao. Thanh niên Việt Nam xuống đường biểu tình. Lý do họ biểu tình là cảm thấy tinh thần dân tộc bị tổn thương trước những tuyên bố trắng trợn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước và tính quật cường khi thấy đất nước bị xâm hại, tinh thần dân tộc bị xúc phạm là chuyện thường ở bất kỳ quốc gia nào. Đó mới chính là điểm nhấn về lòng tự hào đáng trân trọng và đáng nói nhất, hơn bất kỳ những đám đông khác chực rình cơ hội để náo nhiệt xuống đường hò reo mừng đội bóng Việt Nam đoạt giải nhì khu vực
Thế nhưng điều đó lại khiến chính nhiều người Việt Nam khác ngạc nhiên. Ở trong đám biểu tình hôm đó tại sứ quán Trung Quốc ngày 9-12- 2007 nhiều người đi đường đã ngạc nhiên và cảm thấy mắc cười khi họ nghe thấy lý do cuộc biểu tình là thể hiện tinh thân dân tộc, đòi chủ quyền quần đảo bị Trung Quốc chiếm. Những người đó thẳng thừng cười nhếch mép như thấy một đám đông làm chuyện viển vông.
Có nhiều kẻ ra bộ thông thái, kinh nghiệm hỏi xóc.
- Biểu tình như thế có làm được Trung Quốc nó giả đảo không, đúng bọn rỗi hơi chỉ làm loạn cho thỏa thích, thể hiện mình?
Xin thưa.
- Có hàng đa số thanh niện Việt Nam đang thể hiện mình trong nhà tù, trại cai nghiện vì những phút thể hiện mình chất chơi, hay trong vũ trường, khách sạn bằng những trò ăn chơi. Hàng ngàn thanh niên say sưa lên đồng quay cuồng theo tiếng hát của ca sĩ nước ngoài, cho đội bóng suốt đời hạng nhì, hay bê ảnh ca sĩ ngoại quốc chết non ra công viên khóc sướt mướt làm lễ đưa tang..những thứ đó lố bịch hơn hay những thanh niên dũng cảm ra đại sứ quán kẻ xâm lược phản đối lố bịch hơn. Làm thỏa thích mình là điều con người vẫn hay làm, những thỏa thích những ham muốn tầm thường ở Việt Nam lại được coi là thực dung, sống thực tế đáng khuyến khích. Phải chăng vậy nhà tù , trại cai nghiện, trường giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm mới đông người như thế. Còn làm thế có được gì hay không kết quả không phải ngày một ngày hai, không phải cho những kẻ thực dụng muốn ăn xổi thấy ngay được. Lợi ích của một dân tộc có khi bắt đầu bằng một lời phát ngôn hay hành động của một nhóm người có tâm huyết.
Bất chấp đám đông thái độ của người Việt ngày nay như vậy, số thanh niên tham gia cuộc biểu tình thể hiện lòng dân tộc hôm đó vẫn tự hào, dù chỉ tự hào thầm với bản thân mình. Rằng họ đã can đảm làm được điều gì đó trong khả năng của họ để bày tỏ tấm lòng son sắc với non sông, đất nước mà ông cha đổ xương máu nghìn đời để lại.
Cuộc biểu tình hôm đó dẫn đến vài năm sau, thanh niên Việt Nam, những nhân sĩ, trí thức Việt Nam qua những hành động ôn hòa đưa ý kiến thể hiện trên blog, trên trang web đã có tác động tới chính sách nhà nước. Như trên vấn đề biển đảo đã tác động thúc đẩy Nhà nước Việt Nam có nhiều động thái tích cực hơn như đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa tại Đà Nẵng, dự báo thời tiết về khí hậu hai quần đảo này, tăng cường đưa tin về đời sống nhân dân chiến sĩ trên đảo. Tăng cường giao thiệp quân sự với các cường quốc trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức phòng thủ trên biển .Đã có những thay đổi thích nghi với dư luận ( cho dù chưa triệt để, chưa đáp ứng nhu cầu ) với quần chúng nhân dân về những chính sách, chủ trương còn bất cập.
Ngày nay càng xuất hiện hơn rất nhiều nhiều nhân sĩ, trí thức lên tiếng phản đối những thiếu sót, sơ suất trong cách quản lý, điều hành, đối sách ngoại giao của bộ máy nhà nước. Đó là niềm tự hào đáng nói nhất trong suốt hơn 60 năm qua , là bước tiến vững chắc và mạnh mẽ của nhận thức thoát ra khỏi ánh hào quang tự mãn phủ quanh dân tộc, như đang vén màn sương mù lấp lánh ánh hào quang ảo giác đang che khuất những sự thật chua chát cận kề.
Trạng thái thể hiện sự không bằng lòng , bức xúc trước nhiều vấn đề nội cộm trong đời sống, xã hội xuất phát bởi các giai tầng tiến bộ trong xã hội Việt Nam dù không được báo giới truyền thông đề cập tới.( Truyền thông Việt Nam chỉ thích đưa hình ảnh lộng lẫy về thi hoa hậu, về những danh ca hở rốn, lộ quần lót hay siêu mẫu có cuộc tình mới, xe mới, điện thoại mới). Nhưng dẫu là khó khăn, hạn chế về điều kiện đến đâu đi nữa thì thông điệp , ý thức vẫn được truyền đạt đến xã hội bằng nhiều sắc thái khác nhau, đặc biệt trên thời đại công nghệ thông tin như ngày nay càng nở rộ. Không lạc quan , tự mãn với mình không phải thách đố hay ngông cuồng cho là thắng lợi với bất kỳ gia cấp nào,vì cuộc đổi mới về ý thức là công cuộc phải làm của xã hội tiến bộ, là thành quả. chung của tất cả các giai cấp trong đất nước Việt Nam. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật sẽ thấy đó là một cuộc khai thác mới, cuộc tự vận động chuyển biến mới đang diễn ra ở tư tưởng con người, đang được thực hiện âm thầm những bền bỉ và mãnh liệt bởi những giai tầng tiến bộ có tri thức, có tâm huyết với đất nước . Đó chính là những phản biện mà người ta gọi bằng hai ‘’ ngoài lề’’ ‘’ lề trái’’. Những phản biện nhìn thẳng vào sự thật dù bẽ bàng, dù tủi nhục để rút ra những điều cần phải làm, cần phải thay đổi.
Đâu đó ngoài quán xá đã có tiếng chửi thề, tiếng thở dài uất ức về nỗi nhục như
- Nhục quá, bọn nó giết dân mình mà mình không làm gì được!
- Chúng nó cướp biển mình , mình phải chịu, nhục thế cơ chứ!
Chúng ta chưa biết làm gì trước kẻ thù bạo ngược, nhưng thà chúng ta biết thế là nhục để biết mình phải còn lãnh trách nhiệm tìm cơ hội rửa nhục cho đất nước như Câu Tiễn khi xưa. Chứ nếu chúng ta điềm nhiên tô vẽ 16 chữ vàng rồi hoan ca , tự hào với tình hữu nghị kiểu Thạch Sanh, Lý Thông thì mãi mãi chúng ta sẽ mất đi một phần đất nước mà không thể nào lấy lại. Đừng ru ngủ cả dân tộc mình thành một Đường Minh Hoàng giặc đến bên sông rồi còn đắm đuối nghe ca kỹ hát nhạc ăn chơi, đàng điếm, đến nỗi hậu thế ngậm ngùi chỉ biết trách con hát mà không dám trách người có trách nhiệm cầm cương đất nước.
- Con hát biết chi hờn mất nước
- Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa
Ý thức về nỗi nhục chính là niềm tự hào đáng khen nhất. Đó là sự thẳng thắn nhìn lại bản thân mình để biết vươn lên, biết tranh đấu để giữ cho mình không Nhục.
Cám ơn linh khí của cha ông mấy ngàn năm giữ và dựng nước tưởng chừng đã tắt lịm lại trở về le lói trong lòng người dân Việt qua những tia lửa trên mắt những chàng trai, cô gái ở mùa đông năm 2007. Hừng hực niềm tin mới trên những trang blog, trang web như bauxiteVienam, anhbasg, anhbasam,xeom, freLecongdinh, dongChuacuuthe…ngày hôm nay.
Nguồn: http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/158/158