"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 8. September 2010

Chuyện Hậu Trường

Trích từ hồi ký chính trị  "Sống Còn Với Dân Tộc" (trang 354 => 360 )
của Hà Thúc Ký,
cựu Tổng Trưởng Nội Vụ VNCH (1964)
cố Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng

Câu chuyện sẽ kể dưới đây gọi là chuyện hậu trường là do một nhân vật trọng yếu trong chính quyền kể lại. Hư thực không dám bảo đảm nhưng nếu có thực thì theo chiều hướng của câu chuyện được nghe, cục diện Miền Nam có thể hoàn toàn thay đổi.


Nhớ lại thời Đệ Nhất Cộng Hòa, lúc Hội Nghị Genève kết thúc, trước mặt Thủ Tướng Miền Bắc Phạm Văn Đồng, Ngoại Trưởng Trung Cộng Chu Ân Lai mời Ngoại Trưởng Miền Nam Trần Văn Đỗ sang thăm chính thức Bắc Kinh. Thủ Tướng Toàn Quyền Ngô Đình Diệm không chấp nhận lời mời của Trung Cộng. Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, cũng có một trường hợp tương tự như vậy xẩy ra, mà nhân chứng là Tùy Viên Quân Sự tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đài Loan và là người thân tín của Đại Sứ Nguyễn Văn Kiểu, bào huynh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Một gián điệp Trung Cộng họ Mã ngụy trang dưới lốt chủ tiệm thuốc Bắc, lập nghiệp ở Hồng Kông, đã bắt liên lạc với viên Trung Tá Tùy Viên khi người này có việc sang Hồng Kông. Tên gián điệp này đề nghị nếu Tổng Thống Miền Nam đi với họ thì sau khi đôi bên thỏa thuận, Trung Cộng sẽ cắt ống dẫn dầu mà họ yểm trợ bấy lâu nay cho Bắc Việt. Viên Trung Tá về Đài Loan trình lại tự sự với Đại Sứ Kiểu. Nghe xong, Ông Kiểu răn đe: "Anh mà tiết lộ chuyện này ra là chu di tam tộc đó nghe không!"

Cả hai người lãnh đạo Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều từ chối đề nghị bắt tay với Trung Cộng. Chung quy là ai cũng sợ Mỹ, không ai dám tương kế tựu kế để lấy cái lợi về phần mình.

Năm 1974, sau khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, Hội Đồng Nội Các nhóm họp để thảo luận việc truy tố Trung Cộng xâm lược trước tòa án quốc tề La Haye. Hầu hết các thành viên Hội Đồng Nội Các đều phát biểu sôi nổi đối với hành động ngang ngược của Trung Cộng. Mọi người đều biểu lộ niềm thương tiếc và lòng cảm phục đối với các quân nhân đã bỏ mình trong trận chiến trên biển cả nhất là đối với Trung Tá Hải Quân Ngụy Văn Thà đã tuẫn tiết theo tàu. Một vài vị nêu lên sự kiện có mặt một viên Trung Úy Mỹ trong số những người bị Trung Cộng bắt làm tù binh, cũng như tin có một phi cơ của Hạm đội 7 bay lảng vảng trên vùng biển giao chiến, để lên tiếng phàn nàn thái độ " Thủ khẩu như bình " của Hoa Kỳ trước hành động ngang nhiên xâm lược của Trung Cộng. Tất cả thành viên Hội Đồng Nội Các nhất loạt tán đồng dự tính của bộ Quốc Phòng tổ chức đón tiếp rầm rộ các binh sĩ từ Hoàng Sa trở về và long trọng làm lễ truy điệu Trung Tá Ngụy Văn Thà. Suốt buổi họp, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm không nói gì. Ông không bày tỏ quan điểm, không tán đồng cũng như không phản bác ý kiến của bất cứ người nào, cũng không đưa ra quyết định nhất thời phải làm gì. Khi không còn ai nói gì thêm, ông từ tốn yêu cầu mọi người chờ một vài hôm nửa, để thu góp thêm tin tức. Rồi ông cười, nửa đùa nửa thật, nói rằng ông nghe người ta bảo người Mỹ đã thỏa hiệp để Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Sau khi nghe ông Khiêm nói như vậy, mọi người hiểu rằng trong vụ này chẳng còn gì bàn thảo nửa.

Thật vậy, ít lâu sau, khi người Mỹ công khai để lộ ý định rút ra khỏi Việt Nam, để cho Bắc Việt thôn tính Nam Việt, nhưng mặt khác, người Mỹ ngại rằng vạn nhất sau khi tiếp quản Hoàng Sa, Bắc Việt giao cho Liên Xô sử dụng làm căn cứ tầu ngầm thì điều này sẽ là nguy cơ lớn cho cả Mỹ lẫn Trung Cộng. Dù sao thì điều phỏng đoán này cũng chỉ là giả thuyết, vì về các mặt địa hình, địa thế, Hoàng Sa không được như Cam Ranh hay Đà Nẵng để trở thành căn cứ quân sự quan trọng. Tuy nhiên, việc người Mỹ làm ngơ trước hành động xâm lược của Trung Cộng cho ta nhận chân được thực tế là quốc gia nào cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của nước họ, thân phận nhược tiểu trước sau vẫn là con cờ thí! Đó là quy luật muôn đời của lẽ mạnh yếu, sống còn của mọi dân tộc trên quả đất này.

Vai trò của Mỹ ở Việt Nam qua sự nhận xét về thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa đi đến một kết luận chung dựa vào những kinh nghiệm đã trải qua. Thực ra nếu nói đến sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam (kể từ đầu thập niên 50) thì sự can thiệp này đã có từ thời còn chiến tranh Đông Dương cho đến lúc Mỹ rời khỏi Việt Nam. Trên căn bản chính sách của Mỹ luôn luôn vẫn ngăn Cộng sản (containment policy).

Qua từng giai đoạn, trước tiên Mỹ giúp Pháp chống Việt Minh, sau đó ủng hộ giài pháp Bảo Đại, ủng hộ giải pháp Ngô Đình Diệm và cuối cùng can thiệp trực tiếp bắng cách gửi quân sang Việt Nam, tất cả chỉ là tùy thời đưa ra lập luận này hay lập luận khác, chứ chưa bao giờ thực sự là vì dân tộc Việt Nam mà người Mỹ can thiệp vào Việt Nam.

Nếu có thể gán cho Mỹ một thiện ý nào đó thì phải nghĩ rằng họ tưởng có sức mạnh quân sự thì làm gì cũng được. Dẹp được Việt Minh thì sẽ giúp được chế độ không Cộng Sản ở Miền Nam đứng vững. Nhưng rồi chiến tranh kéo dài, dư luận nội bộ sốt ruột buộc họ phải tìm cách sớm chấm dứt chiến tranh. Chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh là phương thức để đạt mục tiêu đó trong danh dự. Nhưng danh dự thật ra đã bị hoen ố bởi quyết định cuối cùng của họ, bỏ rơi một nước nhỏ đồng minh đã tin cậy vào họ. Đây là một vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ.

Nhìn lại lịch sử nước nhà trong mấy nghìn năm, tổ tiên ta đã từng tự lực tự cường chống ngoại xâm. Song, trong thế giới ngày nay với sự toàn cầu hóa, chúng ta cần phải có đồng minh. Tất cả các nước, kể cả các nước đại cường, đều ở trong thế liên lập.

Các quốc gia phải sát cánh với nhau, nương tựa vào nhau để sinh tồn và phát triển. Cùng kết minh ước với nhau thì cường quốc hay tiểu nhược quốc đều phải coi nhau ngang hàng, nhất là đừng phản bội nhau . Tiếc rằng đồng minh Mỹ đã gây nhiều áp lực đối với chính quyền Miền Nam, nhất là dưới chế độ

Đệ Nhị Cộng Hòa. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuy là người được tiếng khôn ngoan nhưng ỷ lại vào Mỹ quá mức nên dần dà để mất chủ quyền quốc gia rồi đưa đến sự bại trận của Việt Nam Cộng Hòa khi đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi. Đó là một bài học để đời cho các vị lãnh đạo đất nước.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, mặc dù chế độ Ngô Đình Diệm đã mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng, nhất là những năm cuối cùng, nhưng trong 9 năm cầm quyền, chế độ Diệm có nắm được chủ quyền quốc gia - tuy không hẳn trọn vẹn - và với quốc sách " Ấp Chiến Lược " dù kết quả không hoàn toàn như quốc sách đề ra, nhưng cũng chận được phần nào Cộng Sản Miền Bắc xâm nhập Miền Nam để làm lủng đoạn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Sự xụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa một phần do những lỗi lầm nghiêm trọng mà ai cũng thấy, nhưng nguyên nhân sâu xa là sự thay đổi thái độ của chính quyền Diệm đối với đồng minh Mỹ. Ông Diệm muốn nắm lấy chủ quyền toàn vẹn. Điều này không phải là sai, nhưng khổ nỗi, trong lúc đồng minh của mình chưa tới lúc muốn xóa bỏ ván cờ trên bàn cờ Việt Nam mà họ bày biện cả công cả của lẫn sinh mạng binh sĩ của họ trong 9 năm ròng rã thì hậu quả là sự phản ứng của họ mà ta đã thấy. Liên kết với đồng minh, nhất là đồng minh Mỹ, thì như chơi với dao hai lưỡi, và đây cũng là một bài học cho các nhà lãnh đạo mai hậu suy gẫm.

Riêng đối với ông Diệm, cá nhân tôi đã từng ngưỡng mộ chí sĩ Ngô Đình Diệm từ ngày tôi còn sinh viên. Cái cảm tình của tôi đối với vị Thượng Thư từ chức của ngày xa xưa ấy là do "hữu xạ tự nhiên hương" từ nơi con người thật của ông, chứ vào thời điểm đó chưa có những bài ca "Suy tôn Ngô Tổng thống" và "Ngô Tổng thống muôn năm". Kíp đến giai đoạn ông Diệm lên cầm quyền, ông Diệm ở địa vị cao tột đỉnh thì tôi đi vào tù. Đến nay, ông đã nằm xuống thì cái tình cảm của người sinh viên đã dành cho ông ngày ấy lại trở về với tôi, mỗi khi bất chợt nghĩ tới ông, tôi vẫn bùi ngùi tiếc thương con người đích thực của ông, cả một đời nặng lòng lo toan đất nước.


Hà Thúc Ký