Lê Thành Nhân
Câu hỏi thật lớn: Trung Cộng là một siêu cường được hay không?
Gần đây tin tức báo chí, tryền thông quốc tế, Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank), các cơ quan định giá kinh tế tài chánh đưa tin GDP của Trung Cộng trong đệ nhị-tam cá nguyệt năm 2010 là 1.337 trillion USD đã qua mặt Nhật Bản 1.228 trillion USD và trở thành quốc gia đứng hạng nhì kinh tế trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Đi xa hơn nữa, các kinh tế gia Đông-Tây, báo chí lớn nhỏ thổi phồng cho rằng với đà gia tăng tổng sản lượng 10% mỗi năm thì Trung Cộng sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vòng 10 hay 15 năm tới và sẽ trở thành siêu cường thế giới.
Trước khi muốn biết Trung Cộng có thể trở thành siêu cường được hay không, chúng ta thử tìm hiểu siêu cường là gì? Danh từ siêu cường (superpower) nghĩa là một quốc gia có sức mạnh vượt trội trên mọi lãnh vực đối với quốc tế.
Theo tự điển Wipipedia thì siêu cường (1) là một nước đứng hàng thứ nhất trong hệ thống quốc tế, có khả năng gây ảnh hưởng tới những sự kiện và phô trương sức mạnh trên phạm vi toàn thế giới; siêu cường thường có quyền lực cao hơn cường quốc (Great power). Từ siêu cường được xử dụng lần đầu tiên năm 1944 để chỉ Liên Sô, Hoa Kỳ và Anh Quốc. Sau thế chiến thứ hai, Anh Quốc mất dần ảnh hưởng, Liên Sô và Hoa Kỳ được coi là hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh (The Cold War). Sau khi khối Cộng Sản tại Liên Sô và Đông Âu sụp đổ, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất được thế giới cho là siêu cường.
Theo Dr. Alice Lyman Miller, giáo sư về viện An Ninh Quốc Gia tại Học Viện Cao Học Hải Quân Hoà Kỳ thì siêu cường là quốc gia có sức mạnh vượt trội (dominating power) có khả năng can thiệp bất cứ nơi nào trên thế giới, và đôi lúc có khả năng can thiệp nhiều vùng khác nhau trên thế giới cùng một lúc, và có thể đem lại sự tin tưởng trong vai trò lãnh đạo thế giới.
Những đặc tính để trở thành một siêu cường?
Có nhiều học giả đưa ra những quan điểm hơi khác nhau khi đánh giá những đặc trưng nào để trở thành một siêu cường.
Dr. Lyman Miller nhận định rằng muốn trở thành một siêu cường phải hội đủ bốn điều kiện tối ưu là sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị, và văn hóa (ông Josheph Nye còn gọi là quyền lực mềm – Soft power). Còn Tiến Sĩ Kim Richard Nossal của Đại Học Queen’s University ở Canada thì nhấn mạnh đến dân số, sức mạnh kinh tế cung cấp tài nguyên và thực phẩm, có khả năng phát triển năng lượng nguyên tử, và có nền chính trị bao trùm.
Nói tóm lại thì có những ý kiến khác nhau về chi tiết nhưng chung quy muốn xác định một siêu cường trên thực tế thì quốc gia đó phải hội đủ trên bốn lãnh vực như Dr. Lyman Miller đã đề cập, vậy chúng ta thử để tìm xem siêu cường hiện tại là Hoa Kỳ so với siêu cường dự đoán 10 năm tới là Trung Cộng để làm một sự so sánh khoa để học qúy độc giả có kết luận. Không thể để các nước Cộng Sản còn sót lại như Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn cứ ru ngủ quần chúng bằng cách tung hô Trung Quốc sẽ là siêu cường, là “đỉnh cao trí tuệ loài người” trong 10 năm nữa. Chưa nói đến những dữ kiện mà Trung Cộng đưa ra có đáng tin cậy hay không? Hay vẫn mang tính tuyên truyền cố hữu của những người cộng sản được thổi phồng bởi những nhà báo đăng tin theo thời vụ.
Dù yêu hay ghét nước Mỹ, chúng ta đều đồng ý rằng hiện nay Hoa kỳ là một quốc gia duy nhất có sức mạnh bao trùm thế giới về kinh tế, quân sự, chính trị, và văn hóa. Hoa Kỳ đang đứng vị thế siêu cường, đó là sự thật. Hãy đi vào phân tích bốn đặc tính của siêu cường hiện nay và một Trung Cộng siêu cường trong 10 hay 15 năm tới để xem Trung Cộng có đủ tư cách làm siêu cường hay không? hay chỉ là những lời hô hào rỗng tuếch!
1) Bàn đến: quân sự của một siêu cường
Muốn biết về siêu cường quân sự chúng ta phải tìm hiểu khả năng kiểm soát, ứng chiến trên không, dưới biển và trên đất liền.
a) Trên không:
Không gian được kiểm soát bằng sateline đây là dĩa bay ngoài vũ trụ để thu thập từng dữ kiện xẩy ra liên tục trên bề mặt quả địa cầu, nó làm nhiệm vụ truyền thông, thương mãi, thăm dò khí tượng, khám phá khoa học, nhiệm vụ quân sự, tình báo v.v... mọi biến chuyển trên trái đất đều do sateline ghi nhận báo về những trung tâm liên hệ dưới mặt đất bằng hình ảnh, phim ảnh và tín hiệu để phân tích và quyết định hành động. Hiện nay cả thế giới có tất cả khoảng 800 sateline đang hoạt động (2), thì Mỹ đã chiếm 400, bằng 50% tổng số trên thế giới, số còn lại là của Sô Viết, Trung Cộng cùng với nhiều nước khác. Không những chiếm 50% tổng số sateline đang hoạt động mà những sateline của Hoa Kỳ được trang bị những tin cụ khoa học tối tân so với hơn những Sateline của nước khác do đó nó có khả năng hoạt động tích cực và hữu hiệu hơn nhiều. Vậy cũng đủ cho ta thấy về mặt không gian Hoa Kỳ đang kiểm soát (dominate) cả vùng trời mà khó có một nước nào địch nỗi.
b) Trên biển:
Muốn kiểm soát được biển là do sự điều động nhanh đến bất cứ phần hải phận nào trên các đại dương, một trong những phương tiện để đạt mục đích đó là hàng không mẫu hạm – HKMH- (Aircraft Carier). Hiện nay trên toàn thế giới 9 quốc gia có HKMH và tổng cộng là 21 chiếc đang hoạt động, trong đó 11 của Hoa Kỳ, 2 của Anh, 2 của Ý, 1 của Nga, 1 của Ấn Độ, 1 của Pháp, 1 của Tây Ban Nha,1 của Thái Lan và 1 của Brazile. Hoa kỳ chiếm trên 53% tổng số HKMH. Chúng ta thử lấy một chiếc HKMH lớn nhất của Nga và cũng là chiếc khá nhất trong 10 chiếc của 8 nước còn lại, chiếc này có tên Nikolai Gerasimovich Kuznetsov (3) để so sành với một chiếc HKMH của HoaKỳ USS Theodore Rosevelt (4) đây là chiếc HKMH thuộc họ USS Nimitz, chưa phải tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ. HKMH của Nga trọng tải tối đa 57,000 ton, vận tốc 37 mph, chạy bằng khí turbine, khả năng chịu đựng chạy liên tục 45 ngày phải nghỉ dưỡng sức, mang theo từ 41-52 chiếc phi cơ chiến đấu, trong khi USS Theodore Rosevelt trọng tải tối đa 117,200 ton, vận tốc 36+ mph, chạy bằng động cơ nguyên tử có thêm 4 máy khí turbine, khả năng chịu đựng liên tục không giới hạn trên mặt biển chỉ cần ghé bờ để lấy thức ăn và những vật dụng cần thiết, mang 90 chiến đấu cơ tối tân và trực thăng. Với sự so sánh cơ bản như cho ta thấy một chiến hạm Hoa Kỳ có khả năng gấp đôi gấp ba HKMH của Nga. So về số lượng và chất lượng đều hơn gấp bội phần, vậy thì Hoa Kỳ đã kiểm soát toàn bộ mặt biển và có khả năng điều động đến bất cứ vùng biển nào để chiến đấu trong một thời gian ngắn nhất.
c) Trên đất liền:
Quân đội Hoa kỳ hiện nay với những vũ khí tối tân về nguyên tử, với những dàn hỏa tiễn tự động bắn trúng mục tiêu chính xác cách xa hàng ngàn cây số, những dàn chống hỏa tiễn có khả năng phá hủy hoả tiễn của địch rất chính xác khi xuất hiện, lực lượng không quân với những chiếc pháo đài bay tàn hình tối tân, những quả bom tinh khôn, phá hầm v.v.... Còn căn căn cứ quân sự của Mỹ có mặt từ Trung Á, đến Trung Đông, đến Bắc Á, Châu Âu, Châu Phi và Nam Mỹ cho phép Hoa Kỳ điều binh một cách nhanh chóng và có mặt tiếp ứng kịp thời với những biến cố quân sự có thể xẩy ra khắp phần đất nào trên thế giới.
Với khả năng quân sự của siêu cường, Hoa Kỳ đã một vài lần làm cho thế giới kinh ngạc về khả năng quân sự của mình trong việc thực hiện cứu trợ nhân đạo. Sau cơn đại hồng thủy Tsunami ở Indonesia và Thái Lan ngày 24/12/2004, cả thế giới dồn nỗ lực cưu trợ nạn nhân bảo lụt, trong lúng túng chưa có phương tiện nào để đưa thực phẩm, thuốc men và nước uống và cứu thương thì vài ngày sau đó HKMH USS Abraham Lincoln Hoa Kỳ đã có mặt ngoài khơi cho trực thăng đưa đồ cứu trợ đến phát tận tay nạn nhân ở Siri Lanka, làm cho dân ở đó vốn trước đây vì tuyên truyền của Trung Cộng nên ghét Mỹ, nay đều hoan hô Mỹ là số 1 (Amrican number one). Cuộc cứu trợ động đất ở Haiti vừa qua cũng làm cho thế giới thán phục khi HKMH USS Carl Vinson và tàu bệnh viện USNS Comfort có mặt kịp thời để cứu hàng vạn dân Haiti đang trong cơn hấp hối.
Những dữ kiện vừa mới đưa ra của siêu cường đương đại thử so sánh với siêu cường dự đoán Trung Cộng trong 10 năm nữa: Trung Cộng có bao nhiêu sateline đang hoạt động? Tính đến năm 2010 thì Trung Công phóng được 89 Sateline , chiếc sateline cuốc cùng gọi là “Đông Phương Hồng 89” (Dong Fang Hong 89) phóng đi giữa năm 2010, tính với Hoa Kỳ năm 2010 đã phóng 1084 sateline và hiện chỉ có 400 đang hoạt động còn Trung Cộng có 34 satelite đang hoạt động, và chắc chắn về mặt trang bị kỷ thuật còn lạc hậu nhiều so với sateline của Mỹ. Vậy thì bao giờ Trung Cộng mới vượt Mỹ để làm siêu cường, dù Mỹ chỉ nằm ngủ để chờ, chứ chưa nói Hoa Kỳ hàng năm bỏ chi phí vào những chương trình không gian lớn hơn Trung Cộng gấp bội phần.
Về mặt đại dương Trung Cộng hiện nay chưa có chiếc hàng không mẫu hạm nào cả, năm 2001 mua lại của Nga chiến hàng không mẫu hạm tên là Varyag (5) để biến chế nhưng chờ hoài không thấy đưa vào hoạt động trong Hải Quan Trung Cộng. Năm 2008 & 2009 có tin Trung Cộng sẽ đóng hàng không mẫu hạm 60,000 đến 70,000 ton dự tính cho ra đời năm 2015. Chiếc hàng không mẩu hạm của Hoa kỳ ra đời đầu tiên là chiếc Lengly (6) hoạt động từ năm 1922 (trước đệ nhị thế chiến). Vậy thì Trung Cộng bao giờ có thể đuổi kịp Hoa kỳ để làm chủ mặt biển để làm siêu cường. Trừ khi họ có hóa phép thiên thần!
2) Thứ hai: bàn đến chính trị của một siêu cường
So sánh về thể chế chính trị tốt nhất lấy lòng người trên thế giới mà đo thì biết thể chế nào tốt hay xấu. Một đất nước có thể chế chính trị tôn trọng nhân quyền và tạo cơ hội để người dân tự do mưu cầu hạnh phúc phục vụ con người thì đó là giá trị đích thực của chính trị. Nền chính trị Hoa Kỳ là thể chế chính trị tạo cơ hội cho con người thăng tiến miễn rằng chịu khó làm việc và có khả năng sẽ có cơ hội, tại Hoa Kỳ con người làm chủ lấy mình ở đó người dân có quyền mưu cầu hạnh phúc, và chính quyền còn tạo tạo điều kiện cho con người mưu cầu hạnh phúc, đồng thời con người cũng có trách nhiệm đối với quốc gia xã hội, và xa hơn nữa đóng góp phần mình cho nhân loại. Chính sách Hoa Kỳ chủ trương “dân có giàu nước mới mạnh”.
Khách quan mà nhận xét không một thể chế chính trị nào hiện nay trội hơn nền chính trị dân chủ Hoa Kỳ. Cho nên nước Mỹ là phần đất mà mọi người muốn đến sinh sống và tìm cơ hội, là phần đất mà mọi người trên thế giới mơ ước đến để tìm tự do. Một xã hội minh chứng sự bình đẳng cao độ mà người da đen Barack Obama có thể làm tổng thống (chuyện khó xẩy ra đối với các nước văn minh châu Âu).
Siêu cường Hoa kỳ là mãnh đất có nền dân chủ pháp trị với Hành Pháp-Lập Pháp-Tư Pháp cân bằng quyền lực (Checks and Balances) nhằm mục đích phục vụ con người. Với nền đệ tứ quyền (truyền thông, báo chí) sẵn sàng đem những chính trị gia thiếu trách nhiệm lên công luận mà mổ xẻ. Hơn nữa siêu cường Hoa Kỳ là quốc gia có lượng internet gần như 99% người dân đều xử dụng.
Tất cả những ai phục vụ trong chính quyền Hoa Kỳ từ cấp địa phương, đến tiểu bang, đến liên bang đều do lá phiếu của người dân chọn lựa, trước khi được bầu vào vị trí gọi là “đại diện dân” thì họ phải thắng bao nhiêu đối thủ lợi hại về quá trình hoạt động, khả năng, và về chương trình hành động. Những cuộc vận động của các dân cử Hoa Kỳ đều do người dân chất vấn hạch hỏi đủ điều, cuối cùng dân quyết định bỏ phiếu bầu ai thì người đó có tư cách “đại diện dân”. Nói tóm lại dân là người “làm chủ” đưa vị “dân cử” lên phục vụ cho quyền lợi của dân.
Nền chính trị của Hoa Kỳ hiện nay là mẫu mực cho bao nhiêu quốc gia noi theo để đích thực đi vào con đường dân chủ. Nền dân chủ đó đã hình thành từ ngày đọc tuyên bố độc lập Hoa Kỳ (4-07-1776), bản tuyên ngôn độc lập theo lý thuyết John Look đề cao tự do, nhân quyền và quyền sở hữu, và quyền sở hữu đó là “mưu cầu hạnh phúc” của con người (7). Nền dân chủ Hoa Kỳ bắt đầu cách đây 234 năm (1776-2010). Qua bao đời Tổng Thống đã hoàn chỉnh không biết bao nhiêu điều khoản hiến pháp, càng ngày càng trở nên hoàn thiện mới có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày hôm nay trở thành một siêu cường.
Về mặt chính trị đem so sánh với siêu cường dự đoán Trung Cộng trong 10 năm nữa ta thấy gì? Trung Cộng theo một chế độ độc tài toàn trị, chưa biết dân chủ là gì, chẳng hiểu dân chủ ra làm sao! Hiện nay còn lẻo đẽo theo lý thuyết của Max-Lê trộn vào Maoist rồi chắp vá qua thuyết Ba Đại Diện nhưng thật chất chỉ đại diện cho quyền lợi của Đảng Cộng Sản Trung Hoa là chính. Mao Trạch Đông một tay độc tài, độc ác giết người nhiều nhất trên thế giới, từng giết 40 triệu người dân Trung Hoa mà giờ đây trong túi của các đảng viên Trung Cộng đều có sách Mao Tuyển (tài liệu nhồi nhét Maoist) thì thử hỏi rằng cho đến bao giờ cái loại chính trị độc tài Maoist ấy mới đem tự do cho chính dân Trung Hoa chứ đừng nói gì cho thế giới.
Cả thế giới đang kinh sợ mô hình chính trị độc tài đảng trị của Trung Cộng, sợ đến nỗi khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Cộng mà bao nhiêu người bỏ của chạy lấy người để được qua định cư tại Mỹ...Hệ thống chính trị độc tài Cộng Sản theo kiểu Maoist của Trung Cộng hiện nay là đàn áp và chà đạp con người. Trên thế giới chưa một ai muốn đến Trung Hoa để định cư mà không biết bao nhiêu người Trung Hoa muốn từ bỏ đất nước họ ra đi tìm tự do.
Về chính trị Trung Cộng đứng hàng đội sổ, căn bản dân chủ chưa bằng nước Mỹ cách đây 234 năm. Vậy bao giờ Trung Cộng vượt mặt Mỹ về chính trị để làm siêu cường?
3) Thứ ba: bàn về kinh tế của một siêu cường
Đây là điều mà thế giới đang đánh bóng cái GDP của Trung Cộng, cứ nhìn báo cáo của Trung Cộng thế là “vượt” hết. Hãy đọc bài của Tiến Sĩ Derek Scissors kinh tế gia lỗi lạc,chuyên gia về Trung Hoa và Châu Á,viết bình luận cho tạp chí Foreign Affairs,The New York Times và The Motley Fool, từng lên trả lời trên các hệ thống truyền thông quốc tế CNN, FOX News, CNBC, Bloomberg ,The Wall Street Journal, The Washington Post, Financial Times, Associated Press, Reuters and Xinhua. Gần đây đã viết bài phân tích tỉ mỹ đưa ra “10 điểm sai lầm của thế giới khi nói đến nền kinh tế của Trung Cộng hiện nay” (8)
Ông mở đầu với lời cảnh báo các người đưa tin vô trách nhiệm rằng: “Nền tảng của một chính sách hoàn hão là phải căn cứ trên những tin tức chính xác (ý nói Trung Cộng không đưa tin chính xác). Nếu Hoa Kỳ phản hồi một cách khôn ngoan đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc với độ chuẩn xác, và bản chất của sự trỗi dậy phải đúng đắn và minh bạch. Sự thổi phồng Trung Cộng một cách khác thường và làm nỗi bậc những vấn đề sai lạc và sẽ hướng dẫn sai lầm về hoạch định kinh tế và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”
10 điều sai lầm này chúng tôi sẽ nghiên cứu để viết hầu qúy vị sau, nhưng trong đó có một điều Tiến Sĩ Derek Scisors cho rằng sai lầm khi nhận định “Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 10 năm tới”, mà sự thật là “có những bằng chứng cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua kinh tế Mỹ”. Ông đưa ra những nhận xét như sau: Một trong những yếu tố là dự đoán này dựa vào là các báo cáo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua và báo cáo tăng trưởng kinh tế Mỹ 3 năm gần đây. Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là nếu kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng như những năm 2007- 2009 thì việc dựa trên GDP sẽ là một vấn đề phức tạp. Khi Hoa Kỳ đang tập trung củng cố chính sách như: cắt giảm thâm hụt ngân sách, ổn định lãi suất cho vay cơ bản, mở rộng thương mại, giảm thiểu sự điều chỉnh của chính phủ… Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua được Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc của năm 1949-1978 khác xa với Trung Quốc những năm 1979- 2009, và chắc chắn Trung Quốc những năm 2010-2040 sẽ còn nhiều thay đổi khác biệt hơn nữa. Nhất là hiện nay Trung Quốc đang đối diện với những nan đề về dân số, ô nhiễm môi trường, và các ngành công nghiệp nặng. Vì thế, đây sẽ là một sai lầm cơ bản khi ghép 30 năm trước với 30 năm sau, đặc biệt là với một quốc gia đang trên đà phát triển như Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro nhất định.
Theo tự điển Babylon thì một siêu cường kinh tế phải là một quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh ảnh hưởng đến các quốc gia khác, một quốc gia có nền tài chánh và tài nguyên vô cùng to lớn. Trên quan điểm này thì:
Hoa kỳ là siêu cường hiện nay có một nguồn tài nguyên vững vàng , lấy một ví dụ điển hình dầu lửa là nguyên liệu huyết mạch của tài nguyên hiện nay, Hoa Kỳ có các mỏ dầu khắp tiểu bang Texas, Alaska, và nhiều tiểu bang khác, có giếng dầu ngoài khơi vịnh Mexico và những vùng tiếp giáp với bờ biển Hoa Kỳ, có kho dầu ở dự trữ to lớn nhất ở bang Alaska...nhưng Hoa Kỳ chỉ đi khai thác tài nguyên ở nước ngoài và giữ nguồn tài nguyên quốc gia của mình, sự giữ gìn tài nguyên đất nước đó một ngày sẽ trở thành vô giá đối với thế giới, đó chính là sự khôn ngoan của một quốc gia biết lo cho quyền lợi của tương lai dân tộc, biết tiết kiệm nguồn tài nguyên cho đời sau kế thừa. Ngoài dầu lửa ra, nước Mỹ còn bao nhiêu tài nguyên dưới mặt đất còn để nguyên chưa khai thác, mà chính sách của Hoa kỳ là đi khai thác tài nguyên ở nước ngoài đem về chế biến rồi bán lại cho cả thế giới.
Nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh nhờ kinh tế nội thương, sức tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ hấp dẫn khắp nơi trên thế giới. Nước nào bị Hoa Kỳ cấm vận thì khốn đốn, Quốc gia nào muốn gia nhập WTO thì phải qua cửa ngõ Hoa Kỳ còn khó hơn vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn, chỉ vì có bán được vào thị trường Hoa Kỳ thì kinh tế mới có cơ hội đi lên, Trung Cộng không thoát ra khỏi điểm mấu chốt này.
Đồng đô-la của Hoa Kỳ có bảo chứng và có giá trị hơn những đồng tiền khác trên thế giới,cho nên hằng trăm quốc gia trên thế giới dùng đồng đô-la để dự trữ, vì đó là đồng tiền được bảo đảm bởi nền kinh tế tài chánh của Hoa Kỳ. Vậy thì đồng đô-la xuống hay lên giá thì đó là sự lo âu hay niềm vui của hàng tỉ người và hằng trăm quốc gia trên thế giới.
Nước Mỹ là nước viện trợ lớn nhất cho thế giới hằng năm trên hằng trăm tỉ USD (9) năm 2008 khoảng 123 tỉ USD cho các quốc gia chậm phát triển và các quốc gia gặp tai nạn, số tiền viện trợ có thể là viện trợ kinh tế, viện trợ nhân đạo, viện trở bảo vệ môi trường sống, viện trợ quân sự v.v...hằng trăm quốc gia trên thế giới hằng năm nhận viện trợ của Hoa Kỳ.
Ngoài vấn “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, Hoa Kỳ còn là trung tâm chất xám của nhân loại, bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu phát minh khoa học, bao nhiêu sáng tạo điện toán nước Mỹ là nước đứng đầu và đi đầu. Chỉ một công ty như IBM có trung tâm nghiên cứu riêng (Research Center) có cả ngàn tiến sĩ từ các trường danh tiến làm việc toàn thời gian. Nước Mỹ có chính sách đãi ngộ nhân tài và chiêu dụ nhân tài, hễ thấy nhân tài ở đâu là các công ty hoặc các trường đại học đều tìm cách đem về. Chính đó là “những đồng tiền vô giá” trong tương lai của nước Mỹ. Cho nên Hoa Kỳ là nơi nhân tài như “nước chảy vào chỗ trỗng” làm cho tài nguồn chất xám thế giới đều đổ dồn về nước Mỹ càng ngày càng nhiều, càng thông minh, càng trẻ, càng mạnh. Như vừa qua, Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu người Pháp gốc Việt, nhận giải Toán Học Quốc Tế Field ở Ấn Độ cũng đang nhận làm giáo sư cho Mỹ ở đại học Chicago, Hoa Kỳ (10)
Hoa Kỳ là quốc gia là có một nền kinh tế tư bản khoa học, những người chuyên ngành kinh tế xuất thân từ những trường danh tiếng, những nhà kinh tế tài giỏi mới chửa được căn bệnh suy thoái kinh tế thường phát xuất có chu kỳ tại nước Mỹ.
Nước Mỹ có thị trường chứng khoáng tại Wall Street tiêu biểu cho thị trường chứng khoán thế giới, đây là thị trường chứng khoán lâu đời nhất và có căn bản nhất về luật chứng khoán, đây là trung tâm đầu não kinh tế không những của nước Mỹ mà có thể nói cả thế giới.
Kinh tế nước Mỹ là đầu tàu, nhìn cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 thì thấy cả thế giới đều bị kéo theo, người ta thường nói “hễ nước Mỹ là hắc hơi thì nơi khác có nước chết”. Cả thế giới đang nhìn vào Mỹ để xác định nền khủng hoảng kinh tế có thể thoát ra hay không. Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng cả thế giới thở phào nhẹ nhõm, kinh tế Mỹ còn khó khăn cả thế giới âu lo cho chính mình.
Tất cả đó nói lên sức mạnh kinh tế của siêu cường Hoa kỳ hiện nay.
Còn Trung Cộng, nước dự đoán trở thành siêu cường trong 10 năm tới thì sao? Tất cả những sự kiện kinh tế vừa trình bày đối với siêu cường Hoa kỳ ở trên thì Trung Cộng chưa đủ tư cách chút nào cả để so sánh với Hoa Kỳ. Chỉ lấy vấn đề GPD của Trung Cộng là điểm mạnh nhất của họ để so sánh. Về GDP tính theo PPP (Purchasing Power Parity), theo CIA World Fact Book năm 2008 (11), GDP của Trung Cộng 7.8 trillions đem chia đều 1,3 tỉ dân số thì bình quân đầu người Trung Cộng (6,000 USD/ năm), Mỹ (47,000 USD/năm), Đức (34,800 USD/năm), Úc (38,100/năm), Pháp (32,700/năm),Malysia (15,300/năm), Brazil (10,100 USD/năm), Thái Lan (8,500/năm), Việt Nam (2800/nam), Lào (2,100/năm). Như vậy thì Trung Cộng còn thua Thái Lan hơn được Việt Nam và Lào, như vậy đang nằm trong danh sách của một quốc gia đang phát triển thấp, thì 10 năm nữa làm sao trở thành siêu cường kinh tế được, một nước dân nghèo sao mà nước mạnh? Thật viễn vông!
4) Thứ tư: bàn về văn hóa của một siêu cường
Văn hóa phải nói đền sự truyền bá ngôn ngữ của nước đó và cũng xem tính nhân bản của nước đó nữa, bởi vì nhân bản nó nằm trong cái gốc của văn hóa giáo dục...Anh ngữ (English) bây giờ dùng khắp nơi trên thế giới, đi đến đến phi trường nào tiếng Anh được xử dụng như một ngôn ngữ thứ hai, khi xướng ngôn viên đọc một câu bằng ngôn ngữ chính của nước đó thì có đọc lại bằng tiếng Anh...Anh văn trở thành ngôn ngữ quốc tế.
Sách khoa học bằng Anh ngữ có đầy khắp trên các thư viện của các nước trên thế giới. Không biết bao nhiêu đại học trên thế giới đếm không hết dùng English là một sinh ngữ phụ
Hằng năm Hoa Kỳ có hằng nữa triệu sinh viên nước ngoài trên thế giới đến du học dù học phí rất cao, đó cũng là nhờ môi trường giáo dục tốt, kết quả giáo dục cao điểm này cũng nói lên giá trị của văn hoá Hoa Kỳ.
Tính nhân bản của người Mỹ có được cũng phát xuất từ nên giáo dục Hoa Kỳ:
- Người Mỹ đóng thuế để bảo trợ không biết bao nhiêu sắc dân trên thế giới đến định cư trên vùng đất này... họ chẳng bao giờ trách móc miễn sao đừng nhập cư lậu bất hợp pháp.
- Vừa qua ông Warren Buffett, tỷ phú số một của nước Mỹ đứng ra vận động các tỷ phú Hoa Kỳ bỏ tiền vào thành lập hội từ thiện gọi là “The Giving Pleges”, hiện nay có 40 tỉ phú tham gia với số tiền 230 tỉ USD (12) nhiều tỉ phú hứa cho nữa gia tài khi qua đời. Khi thành lập xong thì đây là quỷ cứu trợ lớn nhất toàn cầu sẽ giúp đỡ cho nhân loại thoát cảnh nghèo nàn đói khổ không biết bao nhiêu mà kể, nghĩa cử này của những công dân Hoa Kỳ nói lên tính nhân bản của người Mỹ phát xuất từ giáo dục nhân bản và là cái gốc văn hóa Mỹ dù rằng đây là một quốc gia còn non trẻ, tạp chủng nhưng tinh thần đó có được chỉ sinh ra trong một quốc gia siêu cường.
Còn tiếng Trung Hoa có ai học đâu? hằng năm có khoảng vài ngàn người Mỹ qua Trung Quốc du học, số sinh viên đến Trung Cộng du học không đông mặc dù học phí không tốn kém như bên Mỹ. Ít có trường đại học nào trên thế giới học bằng tiếng Trung Hoa, hơn thế nữa Trung Hoa lại cho “điệp viên” đi ăn cắp sản phẩm trí tuệ khắp thế giới thì làm gì có văn hóa và đủ tư cách nói về văn hóa chứ đừng nói đến siêu cường.
Với 4 phạm vi vừa mới trình bày, những ai cho rằng Trung Cộng sẽ vượt Mỹ thành siêu cường trong 10 năm tới, tôi thiết nghĩ với những tiêu chuẩn mà Tiến Sĩ Alice Lyman Miller đưa ra thì Trung Cộng chẳng bao giờ trở thành một siêu cường được cả họ đang đứng ở xa trong hàng ngũ thế giới về khả năng, tư cách và hành xử một quốc gia thiếu trách nhiệm, họ không thể trở thành siêu cường và chẳng bao giờ trở thành siêu cường dù cho kinh tế tăng trưởng đến đâu đi nữa rồi thì chỉ mang danh “siêu bành trướng” ...Trước mắt, Trung Cộng là một nước còn đem đến hệ lụy cho bao nhiêu nước khác bất chấp luật pháp quốc tế (luật biển 1982) đang gây bao nhiêu xáo trộn trên biển Đông, tư cách như vậy của một nước lớn làm sao dán vỗ ngực tự xưng là siêu cường.
.............................
Chú Thích:
(1) http://en.wikipedia.org/wiki/Superpower
(2) http://wiki.answers.com/Q/How_many_active_satellites_are_in_space
(3) http://en.wikipedia.org/wiki/Russian_aircraft_carrier_Admiral_Kuznetsov
(4) http://en.wikipedia.org/wiki/USS_Theodore_Roosevelt_(CVN-71)
(5) http://en.wikipedia.org/wiki/Soviet_aircraft_carrier_Varyag
(6) http://en.wikipedia.org/wiki/USS_Langley_(CV-1)
(7) http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Declaration_of_Independence
(8) http://www.heritage.org/research/reports/2010/01/10-china-myths-for-the-new-decade
(9) http://www.globalissues.org/article/35/foreign-aid-development- assistance#ForeignAidNumbersinChartsandGraphs
(10) http://en.wikipedia.org/wiki/Ngô_Bảo_Châu
(11) http://www.geographic.org/wfb2009/
(12) http://www.msnbc.msn.com/id/38556042/