"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 12. Februar 2011

"Hồi ký" của bà Ngô Đình Nhu?


Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi qua những lần gặp gỡ, điện thư, điện thọai về “hồi ký’ của Bà Ngô Đình Nhu. Người nào cũng hỏi là bao giờ ‘hồi ký” của Bà Nhu được phát hành và nếu đã có bầy bán rồi thì mua ở đâu? Ngay cả một ‘sử gia chân chính” đã từng viết trong “chính sử” rằng Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, hai cái thương xá ở Paris và một đồn điền ở Ba Tây cũng có câu hỏi như vậy. Ai cũng muốn biết cuộc đời công và tư của Bà Nhu như thế nào. Bà làm gì và sống ra sao từ năm 1963 cho đến ngày hôm nay. Nhiều người cũng còn tò mò muốn biết cuộc sống tình cảm của một góa phụ nổi tiếng và xinh đẹp có gì vui buồn không?
Năm nay Bà Nhu đã trên tám mươi tuổi và bà đả xa lìa cuộc sống với những thăng trầm đã gần nửa thế kỷ. Bà đã thực sự xa lánh những phù phiếm ảo ảnh của trần thế. Bà sống đơn độc nghèo khó như một người tu hành. Đã từ hai năm nay bà không còn đi nhà thờ mỗi buổi sáng nữa vì đau chân. Tuổi già với những giới hạn về sức khỏe và đủ mọi lọai bệnh tật chẳng trừ một ai. Tuy vậy bà vẫn còn khỏe mạnh hơn đa số những người cùng lứa tuổi.

Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người còn có những câu hỏi thật vô lối về Bà Nhu, như số tiền mười bẩy tỷ Mỹ kim bây giờ còn bao nhiêu và cất giữ ở đâu? Sau khi Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát thì bà có mối tình nào không? Tiền và tình luôn luôn là những câu hỏi và vì không có những câu trả lời nên mỗi người tin tưởng theo những cảm tình và nhận định khác nhau. Do vậy ai cũng trông chờ “hồi ký” do chính Bà Nhu viết sẽ giải tỏa những thắc mắc đó.


Một nhà báo ở trong nước, Ông Phan Kim Thịnh, bút hiệu Lý Nhân, đã viết một cuốn sách nhan đề “Trần Lệ Xuân Giấc Mộng Chính Trường”. Cuốn sách được nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành và đã được in lại đến ba lần chỉ trong vòng hai tháng. Như vậy thì vẫn còn biết bao người yêu kẻ ghét Bà Nhu. Quyển sách cũng chẳng có gì mới lạ. Tác giả chỉ thu góp lại những tài liệu trên báo chí và cô đọng lại thành một tập sách nhưng cũng đã lôi cuốn được rất nhiều người đọc. Tất nhiên là những tài liệu trên báo chí do nhiều người viết một cách vội vã theo nhu cầu tin tức đã có rất nhiều sai trái, nhiều khi bịa đặt trắng trợn.


Bà Nhu có viết “hồi ký” không? Câu trả lời chắc chắn và rõ ràng nhất là KHÔNG, hoàn toàn không có cái gọi là “hồi ký Bà Nhu” như nhiều lời đồn đại và cũng là trông chờ của nhiều người.
Năm 1963, thế giới có hai người góa phụ trẻ và xinh đẹp là Bà Jacqueline Kennedy và Bà Ngô Đình Nhu. Hai góa phụ này luôn luôn là những tâm điểm của báo giới quốc tế. Một tiềng nói, một bước đi của Bà Kennedy hay của Bà Nhu cũng là một đề tài nóng sốt sôi nổi. Bà Kennedy đã trải qua nhiều cuộc tình và chính thức kết hôn với tỷ phú người Hy Lạp Onassis. Những hình ảnh của Bà Kennedy với nhiều người đàn ông khác nhau đầy rẫy trên báo chí. Cuộc sống của Bà Kennedy chưa thể nói là quá vương giả nhưng cũng thật nhung lụa. Một góa phụ có bạn trai hay lấy chồng, đối với người Âu Mỹ là một chuyện rất bình thường. Bà Kennedy cũng bị dư luận chỉ trích vì đôi khi đi quá giới hạn của một mệnh phụ đã từng là đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ. Ngược lại những soi mói rất tinh vi và tân tiến đôi khi thật tàn bạo của báo giới trên toàn cầu đã không đưa ra được một hình ảnh dù rất nhỏ nhoi về những cái gọi là chuyện tình của góa phụ Ngô Đình Nhu. Bên cạnh những luật lệ tôn giáo rất khắt khe và lễ nghĩa của người phụ nữ Việt Nam thì đối với Bà Nhu chỉ có hình ảnh của một người đàn ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, cho dù Ông Nhu đã ra người thiên cổ. Bà Nhu góa bụa ngay vào tuổi mặn nồng của người phụ nữ nhưng bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con và không hề có một tai tiếng ngay cả không có những lời đồn thổi vu vơ. Bên cạnh những xung khắc chính trị, những người chống đối Bà Nhu cũng không thể nào tìm ra được một tì vết để nhạo báng nhưng lại kính trọng bà như là một người phụ nữ nền nếp đoan trang.


Chuyện tình cảm không có gì để nói tới. Chuyện tiền bạc của cải cũng chỉ là một con số không. Bà Nhu sống đơn sơ thanh bạch trong một căn phòng bầy biện giản dị. Trong phòng, ngoài cái điện thọai thì chỉ có một cái máy truyền hình mầu cỡ nhỏ 13 inches mà ở Mỹ bỏ ra ngòai bãi rác chắc chắn không ai ngó ngàng tới. Bà Nhu chẳng có gì ngòai hai căn phòng trên tầng lầu thứ mười một của một chung cư. Bà Nhu ở một căn và một căn cho thuê để lấy tiền sinh sống. Chỗ ở của Bà Nhu như một cái hộp bằng kính. Khách đứng trong căn phòng này nhìn mây bay lãng đãng ngay bên cạnh sẽ có cảm giác sợ hãi như đang bay giữa trời mây. Tiền mua hai căn phòng này là do một người Ý ẩn danh bí mật trao tặng. Bà Nhu có con dâu và con rể người Ý nên chắc hẳn có nhiều liên hệ giao tiếp với người Ý. Hơn nữa bà vợ của Ông Ngô Đình Trác, con trai lớn của Bà Nhu, là người Ý thuộc một gia đình quý tộc và rất giầu có. Chỗ ở này rất bất tiện và không thích hợp với người cao tuổi. Nếu Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim thì với tuổi đời như vậy chắc bà cũng tìm một chỗ tiện nghi thỏai mái hơn để sống những ngày còn lại trên dương thế.


Bà Nhu không viết hồi ký và bà cũng không có gì cần phải cải chính, biện minh hay tâm tình. Thực sự thì trong những lúc rảnh rỗi, bà có viết nhiếu bài tạp bút. Nếu gom góp những bài tạp bút này thì cũng có thể in thành một cuốn sách dầy đến sáu trăm trang. Bà Nhu đã viết gì? Có thể nói đây là một cuốn sách đạo. Bà Nhu viết về sự hằng hữu của Thiên Chúa và đời sống tâm linh của con người. Sau ngày Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Bà Nhu sống gần như là một người khổ tu hết lòng trông cậy phó thác vào sự an bài và định đọat của Thiên Chúa. Bà viết nhiều về lòng thương xót của Chúa không những đối với con người mà còn đối với những tạo vật trong vũ trụ. Bà rất có lòng yêu mến và gần gũi với Đức Mẹ Maria. Bà viết về những ân sủng đã được nhận lãnh và những mầu nhiệm huyền diệu của Đức Mẹ mà bà đã được ân hưởng những phước đức từ lòng yêu mến và cậy trông Đức Mẹ. Khi được tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát thì Đức Giáo Hòang Paul Đệ Lục và các giám mục trên tòan thế giới đang họp Công đống Vatican II đã cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho Tổng Thống Diệm. Đó là một sự kiện vô cùng đặc biệt và Bà Nhu đã một lần duy nhất nhắc đến tên Tổng Thống Diệm trong gần sáu trăm trang giấy.


Một ông gốc lính huyênh hoang có “hồi ký” của Bà Nhu trong tay và sẽ công bố khi cần thiết. Ai cũng biết đây chỉ là một âm mưu gian giảo bịp bợm. Ông phường chèo này nếu quả thật có cái gọi là “hồi ký” của Bà Nhu thì chắc hẳn sẽ còn nhiều đòn phép láo khóet chứ không chịu ngồi yên để nghe thiên hạ mắng nhiếc chửi bới vì những lươn lẹo phản trắc lúc cưỡng chiếm được quyền hành trong một thời gian ngắn. Một sử gia chân chính thì lại quả quyết rằng các con Bà Nhu sẽ công bố cuốn “hồi ký” sau khi Bà Nhu từ trần. Ông sử gia này chắc không biết rằng Bà Nhu viết những bài tạp bút này bằng tiếng Pháp và chỉ viết về những suy tư và tâm tình tôn giáo mà thôi. Độc giả người Việt biết đọc tiếng Pháp có là bao và chắc rằng số người muốn biết về những suy tư và tâm tình đạo giáo của Bà Nhu sẽ còn ít hơn nữa. Một tập giấy gần sáu trăm trang chỉ nói về tôn giáo và đạo đức lễ nghĩa thì phát hành lúc Bà Nhu còn sống hay đã quá vãng không phải là một vấn đề phải cân nhắc.


Bài viết này là một câu trả lời rõ ràng và chắc chắn: Không, Bà Ngô Đình Nhu không viết hồi ký.


Trương Phú Thứ

 
-------------------------------
 

Bà Trần Lệ Xuân bây giờ ra sao?

Bà  Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân -
Bà Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân
 
Sau năm 1963, Bà Trần Lệ Xuân cùng các con chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi giám mục Ngô Đình Thục đang cư trú. Ngày 13.12.1984, mấy mẹ con bà nhận được tin giám mục Thục từ trần tại Mỹ sau mấy năm bị khủng hoảng tinh thần. Lúc còn ở VN hay khi sống lưu vong ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục lúc nào cũng yêu thương mẹ con bà.

Do vậy, ông không chỉ là người thân ruột thịt, mà còn là ân nhân nơi đất khách quê người của Trần Lệ Xuân. Người ta nói, nhà cửa của mẹ con bà ở La Mã đều do ông mua sắm và còn cung cấp cả tiền bạc cho con cái bà ăn học nữa.


Mỗi khi nhắc đến gia đình ho. Ngô, mọi người đều biết vợ chồng ông Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân. Dù đứng trong bóng tối của chế đô. Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng quyền uy lại khuynh đảo cả miền Nam trước năm 1975.


Mấy anh chị em ruột nhà Ngô, nay đã về “nước Chúa”, chỉ còn lại bà quả phu. Ngô Đình Nhu, tức Trần Lệ Xuân. Đệ nhất phu nhân, một thời lừng lẫy, ngày nay sống ra sao?


Khi được tin giám mục Ngô Đình Thục qua đời, mẹ con bà Nhu định sang Mỹ chịu tang. Nhưng chẳng biết vì sao, có lẽ do xích mích trong gia đình, ông Ngô Đình Luyện, em út trong gia đình ho. Ngô đã cấm không cho mẹ con bà sang dự tang lễ.


Gần hai năm sau, ngày 28.7.1986, bà Xuân nhận được điện thoại của em ruột là Trần Văn Khiêm, báo tin cha mẹ ruột là ông bà Trần Văn Chương qua đời, nhưng không rõ nguyên nhân. Sau đó, Khiêm bị cảnh sát FBI bắt, do có liên can đến cái chết của hai người này. Cha mẹ ruột qua đời, bà Nhu cũng không thể qua Mỹ chịu tang.


Đến năm 1990, người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Luyện qua đời tại Paris vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không thể đến dự tang, do trước đó có xích mích với nhau. Cuộc đời bà
Trần Lệ Xuân, từng chứng kiến 10 đám tang, đều bất đắc kỳ tử của người thân, từng khóc hết nước mắt, nhưng không lần nào được tham dự tang lễ.


Cho đến nay, người ta vẫn đồn đoán: bà Nhu đã lấy chồng, hoặc qua đời từ lâu rồi, vì không ai nghe tin tức. Tất cả đều vô căn cứ. Vào tháng 3.2002, luật sư Trương Phú Thứ có sang Paris chơi, và đã đến thăm bà quả phu. Ngô Đình Nhu, chụp được tấm ảnh của bà. Khi về đến Hoa Kỳ, ông Thứ có viết một bài khá dài về bà.


Luật sư Trương Phú Thứ cho biết: bà Nhu sống một mình trong căn hộ của một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel. Bà có hai căn ở tầng thứ 11, tại một khu vực đẹp và đắt tiền nhất Paris. Bà ở một căn, căn còn lại cho thuê để sinh sống. Đó là nguồn thu nhập duy nhất, đủ để sống, không cần nhờ vả đến các con.


Bà sống ẩn dật, âm thầm lẻ loi, đến mức cựu trung tướng quân đội Saigon Trần Văn Trung, rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Paris, cũng tưởng bà Nhu đang sống ở Italia.
Bà Nhu tuy đã ngoài 80, nhưng vẫn khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng. Căn nhà bà Nhu khá tầm thường, với hai phòng ngủ và một phòng khách. Trên tường phòng khách còn treo vài bức ảnh lớn của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu và con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy. Bà Nhu bác bỏ tin đồn chuyện một người Pháp giàu có biếu giám mục Thục số tiền lớn, sau đó ông cho bà để mua căn hộ này. Rồi bà dành dụm thêm để mua căn nữa. Sự thật không phải thế. Bà Nhu trực tiếp nhận được tiền từ một ân nhân ẩn danh. Sau đó bà nhờ một cựu bộ trưởng thời De Gaulle giúp mua cho hai căn hộ này.



Bà Trần Lệ Xuân và Ông Ngô đình Nhu
Bà Trần Lệ Xuân và Ông Ngô đình Nhu
Trần Lệ Xuân nói: Mấy thanh niên VN mới đến Pháp, bơ vơ, tôi cho tạm trú ở căn hộ này, không lấy tiền nhà và điện nước. Một thời gian sau, họ có thân nhân đón đi hay mua nhà riêng, tôi mới cho một nhà ngoại giao Nhật thuê. Bà còn tiết lộ vị ân nhân đó chính là bà Capici, một phụ nữ Italia từng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà Nhu chưa từng gặp mặt vị ân nhân này, và mãi 4 năm sau khi bà này tạ thế, Trần Lệ Xuân mới biết rõ thân thế và sự nghiệp!

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp, có treo bức ảnh đen trắng ” Biệt điện Trần Lệ Xuân ” ở Đà Lạt. Bà không hề có ý định trở về thăm VN. Khi nói về con cái, bà Nhu có vẻ hãnh diện. Con trai lớn là Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, năm nay 57 tuổi, lấy vợ Italia, có 3 con trai, 1 gái. Bà Nhu khoe những đứa cháu nội, con trai ông Trác: Ai cũng cao 1,8 mét, to lớn và rất đẹp trai. Vợ ông Trác thuộc dòng dõi quý tộc, rất giàu có. Ông Trác chế tạo được nhiều nông cụ thích hợp cho canh tác những mảnh đất nhỏ. Gia đình ông có một biệt thự to và đẹp ở nội thành La Mã, có dáng dấp như một tu viện cổ. Bà Nhu từng ở đây nhiều năm, khiến có tin đồn đoán bà sống trong một tu viện Công giáo!


Biệt điện Trần Lệ Xuân - DaLat
Biệt điện Trần Lệ Xuân - DaLat
Người con thứ nhì là Ngô Đình Quỳnh cũng đã ngoài 50 tuổi, tốt nghiệp Trường cao đẳng Kinh tế và Thương mại – ESEC. Đây là trường tư thục cao cấp, mức học phí rất lớn. Sinh viên phải thi tuyển gắt gao, nhưng khi tốt nghiệp lại được nhiều cơ quan tài chính quốc tế trọng dụng. Khi Quỳnh học, bà Nhu không đủ tiền học phí để đóng, phải ký giấy xin khất nợ. Hiện ông Quỳnh làm đại diện thương mại cho một công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông ta không có vợ con, bà Nhu nói: ” Nó giống ông bác ruột (Ngô Đình Diệm) “.

Cô gái út, Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ luật, Trường đại học Rome. Lệ Quyên là luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng, nhưng chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome.

Lý do: Cô không gia nhập quốc tịch Italia! Luật pháp xứ này không cho phép người không có quốc tịch làm giáo sư chính thức. Lệ Quyên được mời tham dự nhiều hội nghị quốc tế và đã công bố nhiều tham luận xuất sắc. Cô lấy chồng người Italia, nhưng đứa con trai lại lấy họ mẹ: Ngô Đình Sơn, khiến cho bà Nhu rất hãnh diện.

GiadinhNDN
Mỗi sáng sớm, bất kể thời tiết nóng lạnh, bà Nhu đều đi bộ chừng 10 phút đến nhà thờ Saint-Paul dự lễ. Sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa, nến.

Ngày Chủ nhật, bà còn dạy giáo lý cho trẻ con.

Bà Nhu rất ít đi mua sắm. Nói đến áo quần, bà có vẻ đăm chiêu: ” Ở Saigon nóng quá, nên tôi mặc áo dài hở cổ, khiến Tổng thống không bằng lòng “. Chiếc áo dài hở cổ được đặt

tên ” kiểu áo bà Nhủ ” một thời là mốt thời thượng ở Saigon. Bà nói: ” Nhiều khi tôi phải đại diện chính phủ tiếp phu nhân các nước mà chẳng có đồ trang sức nào cả. Có một bà bộ trưởng muốn bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6 ngàn đồng, để mua lại. Ông bằng lòng, nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô! “.

Bà Nhu kể lại: Dịp mùa xuân 1975, hệ thống Đài truyền thanh Mỹ, NBC có xin phỏng vấn 30 phút. Bà chấp nhận và đòi thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris – Washington, để dẫn Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại, Trần Văn Chương. Đó là lần duy nhất bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí Việt ngữ dưới bất kỳ hình thức nào.
Bà quả phu. Ngô Đình Nhu đang viết dở một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp do chính bà dịch sang tiếng Italia, Anh và VN. Bà cho biết, chỉ sau khi qua đời sách mới được phát hành.