"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 7. Februar 2011

Việt Nam đứng đầu danh sách dâu rể nước ngoài tại Hàn Quốc

Tranh quảng cáo một bộ phim truyền hình Hàn Quốc SBS về "cô dâu Việt Nam" tại Hàn Quốc
Tranh quảng cáo một bộ phim truyền hình Hàn Quốc SBS về "cô dâu Việt Nam" tại Hàn Quốc Nguồn: phimhanquoc.info
 
Trọng Nghĩa, RFI

Theo số liệu từ Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc, được tuần báo JejuWeekly ngày 05/02/2011 trích dẫn, tính đến cuối tháng 12 năm 2010, người đến từ Việt Nam đã trở thành đông nhất trong số ngoại kiều kết hôn với công dân Hàn Quốc.

Trên phạm vi toàn quốc, thống kê ghi nhận tổng cộng 141.654 người nước ngoài lập gia đình với công dân Hàn Quốc. Trong số đó, đông nhất là người Việt, với 35.355 người, chủ yếu là phụ nữ, kế đến là người Trung Quốc (35.023 người), xa phía sau là người Nhật (10.451 người) và người Philippines (7476 người ).

Riêng tại Jeju, một tỉnh lớn ở phía nam Hàn Quốc, theo số liệu từ Cơ Quan Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, thì tính đến cuối năm ngoái, trong số gần 1500 người được cấp visa nhập cư do kết hôn với người Hàn Quốc, có đến 495 người Việt Nam, so với 274 người Trung Quốc, 247 người Philippines, 111 người Nhật, 62 người Cam Bốt, 42 người Nepal. Ngoài ra cũng có 31 người Mỹ và 16 người Canada.

Đối với những người được cấp visa nhập cảnh mang ký hiệu loại F2 này, họ có quyền xin nhập quốc tịch Hàn Quốc hay thẻ thường trú sau hai năm.

Bất chấp những bi kịch lấy chồng Hàn Quốc rồi bị ngược đãi, thậm chí bị sát hại, được truyền thông hai nước nêu bật trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, phong trào tìm chồng Hàn Quốc vẫn mạnh, nhất là tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, như ghi nhận của báo chí trong nước.

Xin nhắc lại là vào giữa năm ngoái, công luận tại Hàn Quốc và Việt Nam đều bị chấn động sau vụ một cô dâu Việt Nam bị chồng Hàn Quốc mắc bệnh tâm thần, sát hại hồi tháng 7/2010, chỉ 7 ngày sau khi đặt chân tới Hàn Quốc.

Vụ việc đã nêu bật kẽ hở lớn trong công việc quản lý môi giới hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc, tạo điều kiện cho những hành vi lừa đảo, che giấu thông tin chính xác về cả người chồng lẫn người vợ. Sau vụ này, chính quyền Seoul đã phải siết chặt việc quản lý các công ty môi giới hôn nhân và thảo luận với các nước có liên can nhằm tìm cách cải thiện vấn đề người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc.

Riêng tại Việt Nam, do khó khăn về kinh tế, một số phụ nữ vẫn tìm lối thoát bằng cách lấy chồng Hàn Quốc, thậm chí còn chi tiền cho các “tay môi giới” để toại nguyện. Theo tìm hiểu của báo chí trong nước, chi phí có thể lên đến 1.500 đô la và có người còn cho biết sẵn sàng chấp nhận lấy chồng tật nguyền hay già gấp đôi, gấp ba lần tuổi của mình.