"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 12. Februar 2011

Con đường không có sự phân ly


Chào anh công nhân dệt từng tấm vải
Cho tôi làm con thoi nhỏ trên tay
Để tôi nối hai bờ sông Bến Hải
Nối lòng người vời vợi cách xa nhau…
Trần Trung Đạo 

Thời nhỏ, tôi từng được nghe mẹ tôi kể câu chuyện về bà mẹ Âu Cơ và người cha Lạc Long Quân của nước Việt đẻ ra bọc trăm trứng. Năm mươi người con theo cha xuống biển và năm mươi người con theo mẹ lên núi. Vì thế, mọi người Việt Nam tuy cùng sinh ra từ một bọc trứng, nhưng chúng ta là một dân tộc mà ngay từ thuở khai thiên lập địa đã phải sống trong sự chia rẽ, phân ly. Đầu óc ngây thơ của tôi khi ấy cứ thắc mắc mãi. Tại sao cả trăm người con không cùng sống chung trong một mái nhà? không cùng đánh bắt chài lưới dưới biển và săn bắn hái lượm trên núi? không thể chia ngọt xẻ bùi trong cùng một hoàn cảnh nghèo khó?

Những thắc mắc của tuổi ấu thơ làm tôi hiểu rằng dân tộc Việt Nam đã trải qua lịch sử đầy đau thương cho tới tận ngày nay. Đó là một lịch sử của sự phân ly. Từ chuyện chúa Trịnh, chúa Nguyễn phân tranh, chia nước Việt ra thành Đàng trong và Đàng ngoài để cai trị, đến cái Vĩ tuyến 17 lạnh lùng cắt đôi đất nước. Từ cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai miền Nam- Bắc mà khi nó kết thúc, người dân của cả hai miền đều không hiểu mình đã chết cho cái gì, đến những con thuyền chở đầy nước mắt, lầm lũi ra đi trên biển Đông để rồi sau bao nhiêu năm, những con người ra đi đó được thay da đổi thịt và trở thành người viễn xứ với mái tóc ngả màu thời gian. Cho dù có lòng yêu đất mẹ tha thiết, luôn đau đáu hướng về quê cha đất tổ, nhưng những người con tha hương đó cũng đành bất lực trước cảnh khốn cùng của đồng bào trong nước. Sự khác biệt về điều kiện kinh tế, về hoàn cảnh sống, về nhận thức do giáo dục và truyền thông đem lại, tất cả đã tạo thành một bức tường vô hình ngăn cách giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tôi gọi đó là sự phân ly của dân tộc. Nó lặng lẽ, âm thầm, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và làm cho bức tường vô hình ấy ngày một dày hơn theo năm tháng.

Người Việt ở nước ngoài coi lá cờ vàng ba sọc đỏ làm lá cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy gắn với một chính quyền từng tồn tại trong quá khứ nhưng đã thất bại trong cuộc chiến sinh tử và cuối cùng nó không được thế giới công nhận chính thức mà chỉ còn nằm trong trái tim của những người buộc phải ra đi. Người Việt ở trong nước được giáo dục từ khi sinh ra và lớn lên rằng lá cờ đỏ sao vàng nhuộm màu máu tươi mới là cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy biểu tượng cho sự chiến thắng man rợ của cái gọi là đấu tranh giai cấp. Một lần nữa, sự phân ly giữa những con người Việt Nam lại hiện hữu cho dù lá cờ chỉ là một thứ mang ý nghĩa tượng trưng.

Việt Nam rất cần một lá cờ mới trong tương lai. Không phải cờ vàng ba sọc đỏ, cũng không phải cờ đỏ sao vàng. Một lá cờ mới sẽ đem đến niềm tin vào một tương lai mới cho dân tộc. Một tương lai không dựa trên đau thương và hận thù. Một tương lai mà tất cả những người Việt ở trong nước được hít thở một bầu không khí tự do, được giáo dục và truyền thông về dân chủ, bình đẳng và lòng nhân đạo chứ không phải bị nhồi sọ bằng những thứ rác rưởi. Một lá cờ mới mà khi hướng về nó, người Việt cho dù ở trong hay ngoài nước đều cảm thấy hy vọng và tự hào.

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…. Đường vinh quang xây xác quân thù…”- bài hát được coi là Quốc ca ấy tôi nghe từ thuở nhỏ, nó gợi nên niềm kiêu hãnh độc ác và hiếu chiến trong mỗi con người. Chiến thắng đó mang đầy bạo lực, máu và nước mắt. Còn gì man rợ và phi nhân tính hơn? Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam lại khát máu đến thế ư? Tại sao người ta lại đem cái quá khứ đen tối và đau thương đó phủ lên tương lai đất nước bằng một bài hát đã lỗi thời? Chẳng lẽ Việt Nam không thể có một bài hát khác ca ngợi sự tươi đẹp của phong cảnh đất nước hùng vĩ và nên thơ, ca ngợi trí tuệ và lòng nhân ái của con người, ca ngợi sự thái bình và phồn vinh trong xã hội làm Quốc ca hay sao?

Đất nước Việt Nam cần có một con đường mới để phát triển, người dân Việt Nam cần có một ngọn cờ mới làm tiên phong dẫn dắt, nhằm loại trừ những giá trị suy đồi của hiện tại. Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi hình ảnh của mình bằng Quốc ca mới, Quốc kỳ mới, cho dân tộc ta có cùng chung một biểu tượng để đoàn kết thực sự, cùng nhau đập bỏ bức tường ngăn cách vô hình và góp sức xây dựng một xã hội Việt Nam nhân văn hơn. Tôi cứ ước ao ngày đó hẳn sẽ đến, để rồi sau này, tôi có thể trở thành một bà lão hạnh phúc khi kể chuyện cho con cháu về mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã sinh ra trăm người con mà người nào cũng mang trong mình trái tim có chung một nhịp đập nhân ái, về lá cờ Tổ quốc mới-tượng trưng cho tự do và chủ quyền dân tộc- và bài Quốc ca mới dù có trải qua bao khó khăn nhưng cuối cùng đã được tất cả những người Việt, bất kể ở nơi nào, bất kể là thế hệ nào đều hãnh diện thầm hát mỗi khi xác nhận với bạn bè thế giới rằng mình là người Việt Nam.

Màu cờ ấy, giai điệu ấy bao giờ mới xuất hiện? Và đến bao giờ dân tộc tôi sẽ hết cảnh phân ly?

Nước Mỹ, ngày… tháng… năm…