"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 9. Februar 2011

XIN CAN CÁC KIỂU MẠO DANH

Tuổi Trẻ ngày 11/01/2011 cho hay, sáng 10-1, ông Tô Huy Rứa (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) chủ trì cuộc họp báo về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ngoài phóng viên các cơ quan báo chí trong nước còn có đại diện các hãng thông tấn lớn nước ngoài.
Phóng viên AFP đặt câu hỏi: “Xin hỏi ông Tô Huy Rứa, ông có dự đoán một thời điểm nào đó trong tương lai khi hệ thống đa đảng có thể được áp dụng ở Việt Nam? Nhiều người nói rằng ông có thể là ứng cử viên tổng bí thư?”.

Không thấy Tuổi Trẻ nói rõ nguyên nhân AFP hỏi đích danh mà ông Tô Huy Rứa lại không trả lời, ông Tô Huy Rứa có ủy quyền cho ai trả lời thế hay không, nhưng ông Đinh Thế Huynh (chủ tịch Hội Nhà báo VN, tổng biên tập báo Nhân Dân) đã nhảy vào “ăn cơm hớt” như sau:

“Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng. Điều đơn giản là Việt Nam đã có lúc đa đảng, vào năm 1946 khi chúng tôi tổng tuyển cử lần đầu tiên có mấy đảng tham gia, nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược đất nước, chúng tôi chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân Việt Nam kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Và bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo điều lệ Đảng hiện hành, bất cứ người nào trong Ban chấp hành trung ương cũng có thể là ứng cử viên tổng bí thư, nhưng tùy thuộc vào uy tín và trước hết là phải được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành trung ương. Sau đó Ban chấp hành trung ương sẽ bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổng bí thư”.

Ông Đinh Thế Huynh (mang danh Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập 1 tờ báo đảng bự) lại “phô” ra trước mặt bàn dân thiên hạ một con người hơi bị thiếu… đủ thứ.

AFP hỏi ông Tô Huy Rứa có ứng cử Tổng bí thư không, đây là câu hỏi về chính bản thân ông Rứa thì ông Rứa phải trả lời “Có” hoặc “Không”, hoặc “Hiện nay tôi chưa thể nói rõ, các bạn cứ chờ kết quả sau đại hội”. Nếu ông Huynh được ông Rứa nhờ trả lời dùm, ông Huynh cũng phải trả lời y như vậy. Đây là cách trả lời công luận khôn khéo của các chính trị gia tư bổn. Nhưng ở đây, ông Huynh “tài lanh” nhảy vào trả lời trớt quớt rằng: “Theo điều lệ Đảng hiện hành… Bla bla bla…”. Ai mà chẳng biết điều lệ đảng CSVN quy định như vậy, nếu cần tìm hiểu điều lệ ai có quyền ứng cử chức vụ tổng bí thư, người ta vào website của đảng đọc là xong, mắc mớ chi phải đến cuộc họp báo để nghe ông Huynh đọc điều lệ đảng. Cái này ông Huynh mà đi thi môn tiếng Việt chương trình phổ thông sẽ bị cô giáo cho điểm 0 và phê hai chữ “Lạc đề”.

Không nói đến chuyện ông Đinh Thế Huynh “nhảy vào bảng họng” ông Tô Huy Rứa, đó là chuyện riêng của hai ông giải quyết với nhau. Câu trả lời của ông Huynh phần đầu mang tính khôi hài hơn, đó là đảng của ông chưa bao giờ tổ chức trưng cầu ý dân, nhưng ông hùng hồn tuyên bố dứt khoát: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng”. Việt Nam là bao gồm cả hơn 87 triệu người dân Việt Nam, nếu tính luôn hơn 3 triệu kiều bào ở nước ngoài thì hơn 100 triệu người. Trong khi đó, đảng CSVN của ông Huynh chỉ chiếm hơn 3% của 100 triệu thôi, còn nếu chỉ có một mình ông Huynh thì con số phải là 0,00001%. Cá nhân ông Huynh “không có nhu cầu” là quyền của ông, tổ chức của ông Huynh (gồm có các ông A, Bờ, Cờ… gì đó) “không có nhu cầu” cũng là quyền của các ông. Rộng hơn tí nữa, cứ cho là toàn bộ đảng viên đảng CSVN “không có nhu cầu” luôn đi (nhưng cũng chưa chắc à, phải trưng cầu ý kiến mới biết, thời gian gần đây trong phát biểu của cụ Nguyễn Văn An-cựu Chủ tịch Quốc Hội, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông Nguyễn Đình Lộc- Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp hình như có “hơi hám” xu hướng ủng hộ đa nguyên, đa đảng đó).

Ông Huynh chưa hỏi ý kiến toàn dân Việt Nam xem dân có nhu cầu đa nguyên đa đảng hay không mà lạm dụng từ “Việt Nam” thì rõ ràng là ông Huynh mạo danh cả dân tộc Việt Nam.

Người ta cũng có thể ngụy biện rằng Quốc Hội đã thống nhất và ghi vào hiến pháp. Nhưng đại biểu quốc hội có phải là toàn dân đâu, thử hỏi có bao nhiêu đại biểu không phải đảng viên đảng CSVN và không chịu sự chỉ huy của đảng CSVN? Người dân Việt Nam có được bầu trực tiếp đại biểu quốc hội đâu, nếu được bầu trực tiếp thì thành phần đại biểu Quốc Hội chưa hẳn là những vị đang có mặt hiện nay. Điều gì đã khiến cho đảng CSVN và nhà cầm quyền Việt Nam sau 35 năm thống nhất đất nước mà còn nhùng nhằng chưa dám đưa ra Luật trưng cầu ý dân? Không nói ra nhưng ai cũng biết cái nguyên nhân khiến cho dự thảo luật trưng cầu ý dân được đưa ra thảo luận ở Hội Luật gia Việt Nam vào năm 2007 rồi rơi vào im lặng.

Tôi không muốn bàn sâu về lịch sử Việt Nam, ai muốn biết thực tế các đảng phái ở Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1975 như thế nào, vì sao chỉ còn có duy nhất đảng CSVN thì trên mạng có tất tần tật với đầy đủ hình ảnh, bằng chứng, mọi người tự tìm hiểu và tự mình đánh giá. Công hay tội trăm năm sau mới biết, chẳng phải trước đây người ta viết sách chửi bới cụ Phan Thanh Giản, cụ Trương Vĩnh Ký, cụ Nguyễn Văn Vĩnh mà giờ lại đúc tượng đồng thắp nhang quỳ lạy đó sao? Tôi cảm thấy buồn cười với kiểu lập luận của ông Đinh Thế Huynh. Lập luận của ông chẳng khác nào nói: Hồi xưa người Việt xâm mình, ở trần đóng khố thì bây giờ không cần mặc áo quần vậy. Hay hồi trước lý luận chủ nghĩa cộng sản nói “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, “giãy chết”, “đứng bên bờ vực thẳm”… Chờ mãi không thấy “bọn đế quốc” nó lọt xuống vực mà thấy nhà cầm quyền Việt Nam kêu gọi bọn chúng thi nhau mang tiền đô sang Việt Nam ào ào. Nên chăng Việt Nam nên đào cái hố thiệt to để “bọn đế quốc” lọt xuống cho nó đúng với lý luận của chủ nghĩa Marx?

Phát biểu của ông Đinh Thế Huynh khiến người ta chợt nhớ đến các kiểu “mạo danh nhân dân” khác: “Việt Nam chưa cần báo chí tư nhân”. Thực tế, người dân Việt Nam có cần báo chí tư nhân hay không cứ xem sự phát triển của báo “lề trái” trên mạng thì biết.

Hồi xưa có câu “Quân tử nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nên các bậc thâm Nho hay dạy con cháu muốn làm người tử tế thì “Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu”. Kẻ tiểu nhân thì “Khẩu thiệt vô bằng” (Miệng lưỡi không bằng chứng), “Lời nói gió bay”, “Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, muốn nói bậy bạ gì thì nói, chỉ cần mặt dày một chút chối biến đi là xong. Thời buổi bây giờ hổng phải như hồi xưa, nhiều lúc ngồi trong phòng kín tưởng một mình nói một mình nghe, không ngờ cả thế giới lại nghe. Nói thật hay nói láo, mức độ cỡ bịp sơ sơ, đại bịp, đại đại bịp…. người ta nghe qua là kiểm chứng được liền. Cho nên, tôi xin can các vị khoái “ăn to nói lớn”, muốn nói gì thì nhân danh cá nhân mình mà nói thôi. Hay muốn lời nói có “trọng lượng” hơn thì thêm câu “Tui đại diện cho vợ tui, đại diện cho mấy đứa con tui và đại diện cho con chó của tui…” (bảo đảm chắc chắn thêm được vào vài trăm ký lô liền). Đột lốt, mạo danh thiên hạ để “nổ” thì sự thật cũng không thay đổi được mà lại mang tiếng là mặt dày nói láo không biết ngượng.

Tạ Phong Tần