Hội thảo đang diễn ra tại Hà
Nội, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao
phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong nước tổ chức.
15 đại biểu đại diện báo chí kiều
bào từ 6 nước: Ba Lan, Đức, Lào, Pháp, Hoa Kỳ, Séc và Nga, cùng đại diện
các Bộ ngành trong nước, các học giả và nhà báo trong nước đã cùng chia
sẻ những ý kiến tham luận sôi nổi và tâm huyết về một vấn đề của báo
chí hiện nay, nhất là báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài, đó là sử
dụng tiếng Việt.
Tập trung vào việc phát huy bản sắc văn
hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đại
biểu đều thống nhất rằng: Báo chí, truyền thông chính là một kênh thông
tin quan trọng để giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ
tiếng Việt, qua đó, hiểu được rõ hơn bản sắc dân tộc Việt, gìn giữ tâm
hồn Việt. Việc quốc tế hóa tiếng Việt hay những khó khăn trong việc
giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã được chia
sẻ.
Theo tham luận của một đại biểu là TBT
Tạp chí Trẻ, một tạp chí của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ: “Nếu những
thông tin chính xác, thiết thực, không bị xuyên tạc… vẫn còn thiếu
trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thì việc bảo tồn văn hóa, gìn giữ
tiếng Việt vẫn là vấn đề nan giải”; nhu cầu đài truyền hình và báo chí
cho người Việt Nam ở nước ngoài, với những tin tức đúng đắn và chính
thống, tích cực, vẫn là vấn đề cấp bách và bắt buộc, nhằm bảo tồn văn
hóa và giữ gìn tiếng Việt, bởi tiếng Việt còn, nghĩa là người Việt còn.
Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 15/9.
Ngoài ra, theo Ban tổ chức, đoàn đại biểu báo chí cộng đồng người Việt
tại nước ngoài cũng có rất nhiều hoạt động tham quan khác, để chuyến trở
về quê hương tham dự Hội thảo này, với họ, cũng là chuyến trở về với
tiếng Việt, với cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tác giả :
Huyền Trang
Nguồn: VTV- Đài truyền hình VN
......................................
TinHamburg:
Hội thảo nên đưa vào nghị trình điểm chính là: Làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam tại... Việt Nam trong việc thể hiện việc đưa thông tin chính xác, không bị kiểm duyệt, không bị xuyên tạc, không bị kiểm điểm, không bị đe dọa, không bị bắt buộc nói láo, không sợ đi tù khi viết lên sự thật, không bị đe dọa mất việc, không bị .... vân vân và vân vân. Ngoài ra cũng nên bàn xem làm thế nào để các nhà báo Việt Nam không còn phải làm "bồi bút" cho Đảng nữa.
Không được thế thì hội thảo chỉ tốn cơm nhân dân.
.