"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 12. September 2011

KHI TRÍ THỨC VONG THÂN!

Lẽ ra với hai bài viết “Lại chuyện cáo phó, cáo tồn” và “Người Việt có đuôi” là đã quá đủ về chuyện “Tam thập lục vĩ nhân” tức “36 người theo đuôi” nếu tôi không tình cờ đọc được bài viết của nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh trên điện báo BaCayTruc.

Theo bài báo thì nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người đứng đầu trong danh sách 36 vị trí thức ký tên trong cái gọi là “Thư Ngỏ” không có ký tên. Nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh viết:

“Thời Báo, nhờ cái thế ở cùng một thành phố với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã xin phỏng vấn ông về việc ký kiến nghị. Anh Sỹ lắc đầu, “tôi có ký kiếc gì đâu! Không biết tại sao có cái tin như vậy”. Ngày hôm sau BBC tháo bỏ bản tin cuội xuống; nhưng cùng ngày 30-8 lại có tin khác về Thư ngỏ: đài RFA loan tin 36 trí thức hải ngoại khác ký tên 1 bức thư ngỏ khác nhưng cũng gửi về cho những ông nhà nước trong nước”.


Theo dư luận thì ông Lê Xuân Khoa là người đứng ra vận động cái gọi là “Thư Ngỏ” này.

Như vậy rõ ràng ông trí thức Lê Xuân Khoa thiếu sự liêm khiết trí năng vốn là một đức tính rất cần thiết của những người tự xưng mình là trí thức khi công bố “Thư Ngỏ” với tên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ đứng đầu danh sách.

Trong một email gửi cho báo Đẹp của nhà báo Trần Minh Tâm, ông Doãn Quốc Thái, con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết như sau:

“Anh chị còn lại gì ông bố em nữa, bố em đã nói hết lập trường của mình đối với VC và trả một giá quá đắt là 13 năm tù đày (phần lớn biệt giam). Tất cả lập trường của ông đề đã gói ghém trong sự nghiệp văn chương của ông. Bố em đã rửa tay gác kiếm từ lâu lắm rồi nhưng rồi lại cứ bị người này người nọ kéo vào những trò chính trị mà ông rất chán ngán! Nhờ anh forward cho những ai thắc mắc xin hỏi bác Lê Xuân Khoa người chủ trương chuyện này…”

Như vậy cũng đã quá rõ chuyện ông giáo sư Lê Xuân Khoa đã làm chuyện ma giáo khi vận động, ghi tên ngay cả những người không biết gì về chuyện này là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, điều này chứng tỏ là chính ông ta không tin tưởng gì ở “uy tín” của ông ta mà phải dựa hơi vào những kẻ khác khi gửi cái gọi là “Thư Ngỏ” cho Đảng và Nhà Nước CSVN với dụng ý nhắc nhở:

“Thưa các lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước CSVN, chúng tôi vẫn còn sống và đang chờ đợi quý vị sử dụng và sai bảo đây [sic!]”.  

Trong khi nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết là không có ký kiếc gì vào cái gọi là “Thư Ngỏ” thì ông giáo sư Vũ Quốc Thúc, 1 trong 35 vị còn lại, lại rất hãnh diện viết những dòng chữ như sau:

“Tôi rất mừng là bức thư ngỏ đã được hoan nghinh ở quốc nội và nhất là đã tạo thành một biến cố truyền thông: như vậy chúng ta đã đạt được mục tiêu. Rồi đây biến cố này sẽ thành một sự kiện lịch sử, dù nhóm đương quyền phản ứng tích cực hay vô cảm”.

Không biết ông giáo sư Vũ Quốc Thúc có biết việc làm ma giáo của ông giáo sư Lê Xuân Khoa khi ghi tên giaó sư Doãn Quốc Sỹ vào cái gọi là “Thư Ngỏ” hay không khi ông ta mạnh dạn viết tiếp:

“Họ đã thất bại vì không ngờ là 36 người ở 6 nơi cách xa nhau hàng vạn kilomét đã có thể thỏa hiệp trong một thời gian thật ngắn ngủi để chung tên ký 1 văn kiện khá phức tạp. Âu cũng là vận nước đã tới lúc hưng thịnh!” 

Và, sau đó, tác giả hồi ký “Thời đại của tôi” lại “lên gân” phê phán những người lên tiếng về “Thư Ngỏ” như sau:

“Chính vì nhận định như vậy nên tôi không để ý tới những chỉ trích – đôi khi rất hạ cấp – của một số phần tử “chống cộng cực đoan”. Vô tình họ đã góp phần làm tăng thêm giá trị hành động của ta! Nếu chỉ muốn an thân thì dại gì viết thư ngỏ như vậy!” 

Không ai bận tâm đến chuyện một vài anh “dân chủ cỏ” (en herbe) ở trong nước với thân phận “ếch ngồi đáy giếng” lên tiếng chê bai những người phê bình về “Thư Ngỏ”  là những kẻ “chống Cộng quá khích”, “chống Cộng cực đoan”; nhưng với ông giáo sư Vũ Quốc Thúc thì lại khác: Khi hạ bút viết những giòng chữ này, ông “trí thức” Vũ Quốc Thúc đã đi tới tận cùng của sự vong thân! Theo tôi, những bài viết phê bình về cái gọi là “Thư ngỏ của 36 vị trí thức”, những người phê bình… chưa đẩy chữ nghĩa đến tận cùng của sự thật!  

Phiếm luận gia Tuyết Lan trong bài viết “Trí và Thức” rất chí lý khi gọi tên việc làm của 36 vị trí thức viết cái gọi là “Thư Ngỏ” chỉ là việc làm “theo đuôi kẻo mất bóng”.

“ Có lẽ họ thấy cần phải lên tiếng để xác định sự hiện hữu của mình, để khỏi nghe tên mình rơi vào quên lãng mà thôi. Họ là những người khoa bảng, có học vị, học lực, có thể nói là TRÍ, nhưng qua hành động viết thư cho chính phủ CSVN ngày 21 tháng 8 năm 2011 vừa qua, có thể nói là họ không THỨC thời”.

Trong thực tế, chính những người trí thức trong nước, con ruột của Đảng và Nhà Nước CSVN mà họ còn coi không ra gì huống chi 36 ông trí thức ký tên trong cái gọi là “Thư Ngỏ” là những kẻ mà Đảng và Nhà Nước CSVN đã từng gọi là bọn đĩ điếm, ma cô, phản quốc chạy theo đế quốc Mỹ để hưởng bơ thừa, sữa cặn?!   

Việc làm của những kẻ này, đúng là việc làm của bọn phường chèo mà nhà thơ Nguyễn Khuyến tả trong bài “Vịnh Phường Chèo” mà phiếm luận gia Tuyết Lan đã đưa ra trong bài “Trí và Thức” để so sánh:

“Vua chèo còn chẳng ra chi
Quan chèo chi nữa khác chi thằng hề!”

***

Tội nghiệp thay cho những kẻ được gọi là TRÍ nhưng lại không THỨC thời! Tội nghiệp thay cho những kẻ trí thức vong thân, về cuối đời lại tư nguyện làm những kẻ theo đuôi vì sợ mất bóng!  

Chợt nhớ 2 câu thơ Cử nhân Phan Văn Trị gửi cho Tôn Thọ Tường khi ông này chủ trương ra hợp tác với Pháp, nói là để giúp nước:

“Người trí mảng lo danh chẳng chói
Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ!”

LÃO MÓC