"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 12. September 2011

Vượt Rào


 
Dân Trung Quốc lật ngược tương quan: Họ theo dõi nhà nước
Angela Köckritz (tuần báo Die Zeit Nr. 33)

Khi một phát ngôn viên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc mà nói được những câu như sau, thì ta biết là đất nước này đã có những biến chuyển: „Chúng ta có thể có những căn hộ để ở mà không sập thình lình chăng? Chúng ta có thể có được an toàn trên những chuyến tầu lửa hay không? Chúng ta có thể tạo cho người dân có được một cảm giác cơ bản về an ninh không?“ Những câu như thế mà không bị kiểm duyệt! Vâng, đã có một chút gì khác lạ kề từ ngày 23 tháng 7 tại Hàng Châu (Wenzhou), một thành phố phía nam Thượng Hải, khi hai xe lửa cao tốc tông nhau kéo theo 40 sinh mạng.


Lúc đầu, các cơ quan nhà nước tri hô, lí do tai nạn là do trời sấm chớp. Nhưng rồi, người dân biết, rất có thể là do lỗi đèn báo. Kĩ thuật bất toàn là một. Thứ đến là sự tồi dở trong việc điều giải các tai hoạ (Katastrophenmanagement).

Ở Trung Quốc, nhà nước thường im lặng dấu diếm các vụ nhân tai. Chằng hạn năm 2008, chính phủ im tiệt về vụ nhiễm độc sữa bột – người ta muốn để cho việc khai mạc Thế vận hội được tiến hành yên lành. Nhưng kết quả thảm khốc: 300.000 người nhiễm bệnh, 6 trẻ em chết. Những vụ tai tiếng về thức ăn, về xây dựng, về môi sinh… cứ liên tiếp xẩy ra, mà chẳng nghe thấy một tiếng kêu la nào của dân. Lần này ở Hàng Châu thì khác hẳn. Chẳng phải là vì có cái gì đặc biệt nơi tai nạn này, nhưng đúng hơn, là vì tình hình công luận ở Trung Quốc đã khác trước.

 Hệ thống đường sắt cao tốc là niềm hãnh diện của chính quyền. Năm 2012, nhà nước này sẽ có một mạng lưới đường sắt cao tốc dài hơn tổng số đường cao tốc của thế giới cộng lại. Đoạn đường kiểu mẫu Bắc Kinh – Thượng Hải được đốc thúc hoàn thành trong vòng hai năm, bằng nửa thời gian dự trù, để kịp khai trương vào ngày kỉ niệm Đảng mồng 1 tháng 7. Người lái tàu, sẽ là người đầu tiên của đoạn đường này, đã học lái chỉ trong một tuần lễ, các chuyên viên Đức khuyên cần phải học từ hai tới ba tháng thì mới đủ. 

Sau khi xẩy ra tai nạn, Bộ đường sắt vội vàng cho đào một hố lớn sâu để chôn sáu toa tàu bị nạn vào đó, nhưng sóng gió chống đối nổi lên. Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của Bộ, Vương Hồng Sinh, giải thích: chôn là để giữ sáu toa đó, chứ không phải là để dấu chúng. Trước những lắc đầu và cười khẩy của các kí giả, ông cố đấm ăn xôi: „Mặc, các ông các bà có tin hay không, chứ tôi thì tôi tin như thế“! Vì thế Sinh đã trở thành một trong những nhân vật bị đàm tiếu nhiều nhất trên thế giới mạng.

Thoạt tiên, người ta thông báo có 35 người chết và Bộ vội vàng tuyên bố chấm dứt việc kiếm tìm nạn nhân. Nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục đào bới và, 21 giờ sau tai nạn, họ tìm được một em bé 2 tuổi còn sống – bố mẹ em thiệt mạng. Thế giới Blogger trung quốc sục sôi. Một nhà báo mạng cho hay, các cơ quan nhà nước thường hạn chế số người chết ở số 35, vì họ cho rằng đây là mức mà đa số độc giả có thể chấp nhận được – và anh ta chứng minh nhận định của mình bằng một lô trường hợp đã xẩy ra. Bản tin tung nhanh như gió, đến nỗi rốt cuộc chính quyền buộc phải ra thông tin cải chính.

Các cơ quan chính quyền càng ngày rơi vào thế thủ, bị động. Ngay chuyến viếng thăm hiện trường của thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không làm dịu được lòng dân. Để tạo công luận, Đảng cho sa thải vài đồng chí trách nhiệm giao thông tại địa phương và đưa một giám đốc sở giao thông khác lên thay thế. Nhưng ngay các báo nhà nước cũng đã phải lên tiếng nhắc nhở, rằng vị giám đốc mới này chính là đồng chí đã một lần bị sa thải sau vụ tai nạn tàu lửa năm 2008 với 70 nhân mạng.

Tuần này qua tuần khác, Bộ thông tin tuyên truyền ra chỉ thị rõ ràng cho các báo chí về việc đăng tin: „Không kí giả nào được phép có những cuộc phỏng vấn độc lập. Báo chí không được đăng các bài phóng sự về diễn tiến tai nạn. Không được phép tìm hiểu căn do tai nạn, mà hãy đăng các tin tức do nhà nước cung cấp. Khi đăng, không bình luận hay suy diễn gì thêm. Báo chí không được hỏi thêm, không được làm gì hơn, không được liên tưởng so sánh!“ 

Nhưng những lệnh đó chẳng kết quả gì cả. Các nhà báo phản đối theo cách của họ - bằng mọi nghệ thuật luồn lách mà những người viết đã học được trong một nền văn hóa kiểm duyệt đã có từ hàng ngàn năm. Nhiều tờ báo thay vì đăng nội dung tin thì chừa ra một khoảng trống nơi tin đó. Tờ „Kinh tế Trung quốc“ đi xa hơn một bước. Báo này ghi thêm dưới khoảng trống câu: „Càng nói dối thì mũi càng dài ra“ – báo muốn độc giả liên tưởng tới chuyện thằng người gỗ Pinocchio. Báo „Tin tức Bắc Kinh“ đăng ngay trang nhất câu chuyện chiếc bình quý thời nhà Tống trong Viện bảo tàng Bắc-kinh bị vỡ ra làm sáu mảnh. Chuyện chẳng liên quan gì tới tai nạn xe lửa, nhưng qua lời lẽ và hình ảnh, ai cũng nhận ra hậu í: 6 mảnh là sáu toa tàu. Bài báo công kính mạnh Viện bảo tàng, xác định việc bình vỡ là do lỗi kĩ thuật và kết án Viện đã cố tình dấu diếm chuyện đó. 

Nhiều nhà báo tìm cách phổ biến bài viết bị kiểm duyệt vào giờ phút chót của mình lên các báo mạng. Cả ở Trung Quốc, nền công luận cũng đã bị mạng truyền thông Internet làm thay đổi tận căn; một mạng lưới với 485 triệu người sử dụng và 195 triệu báo cá nhân (Blogger) có thể chuyển đi những tin ngắn dưới dạng SMS. Dĩ nhiên nước này đang ở trong tình trạng bị kiểm duyệt toàn diện, các trang mạng như Facebook và Twitter đều bị cấm. Nhưng quẩn chúng đã tạo ra hàng loạt trang bắt chước khác, được điều hành bởi những công ti khéo léo biết cách đút lót với công quyền. Sina Weibo, một sao bản của Twitter, là trang đặc biệt được mến mộ, nhưng trang này cũng đã bị chận – tuy vậy, các tin tức và các vụ tai tiếng cũng đã kịp thời bung ra khắp nước. Năm 2010, tờ báo nhiều ảnh hưởng „Cuối Tuần Miền Nam“ đã cho đi một bài xã luận với đầu đề „Chú í là một thế mạnh và bằng theo dõi chúng ta có thể tạo đổi thay“. 

Và càng ngày càng có nhiều người Trung Quốc thực hiện đúng điều đó: họ để í theo dõi. Và vì họ biết không thể tin được gì vào báo đài nhà nước, nên người người càng ngày càng tìm đến báo mạng. Chính Đảng giờ đây cũng buộc các cơ quan nhà nước phải lập Blogs, để giành chiếm công luận. Đảng theo dõi kĩ tiếng nói của dân, vì sợ rằng, sự tức giận dồn nén của họ có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Là vì, khác với các cơ chế dân chủ, các phê bình và mâu thuẫn ở Trung Quốc không thể tự điều hoà giải quyết được trong cơ chế.

Nỗi bất an đè nặng. Đầu năm nay, sau khi dân một số nước Bắc Phi và Ả-rập nổi dậy, ở Trung Quốc cũng xướng lên những kêu gọi cách mạng hoa lài, nhưng sự hưởng ứng yếu ớt. Bên ngoài, lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra kiên vững, nhưng thâm tâm họ thì rõ ràng không phải vậy. Nhất là, họ biết rằng, vật giá leo thang và lạm phát đã là nguyên nhân chính của cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1989. Đảng đã cho bắt trên một trăm nhà hoạt động và tranh đấu dân quyền.

Có thể, càng nhận ra sự lúng túng của nhà nước, các nhà báo mạng càng nhận ra thế mạnh của mình. Nhưng cái lợi thế quyết định của họ xem ra là niềm tin tưởng của đám đông dân đối với chính quyền càng ngày càng lung lay trước những vụ tai tiếng liên tiếp xẩy ra. Một khi kinh tế xuống dốc, đời sống khó khăn, thì dân hết tin Đảng. 

Cái làm cho người dân lo sợ qua thảm họa ở Hàng Châu, là tai họa này xẩy ra trong một nước quá năng động, hầu hết dân Trung Quốc phải di chuyển không ngừng, nên ai cũng có thể là nạn nhân dự khuyết trong nay mai. Hay nói như một bà lão ở Chengdu: „Ăn, mặc, một mái nhà để ở và phương tiện di chuyển, mấy thứ đó phải đàng hoàng“. Nhưng ngặt nỗi là chúng thường chẳng đàng hoàng gì cả. Hết toà nhà vừa mới xây xong, chưa ở đã sập, lại tới dưa hấu nổ hàng loạt trên ruộng, và rồi ban đêm thịt (trộn lân-tinh. Người dịch) lại toả sáng lên trong các siêu thị. Trung Quốc đang tiến nhanh đến chóng mặt, đôi lúc quá nhanh đi, như hai chuyến tàu lửa cao tốc vừa rồi.

Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là cách mạng đã cận kề. Dù dân có chán ngán lãnh đạo, họ vẫn chưa có được định chế nào để thay thế Đảng. Còn Đảng thì tiếp tục dùng lời hứa tiến bộ để kìm giữ dân. Lại nữa, cái Đảng đã làm cho đất nước rối loạn và điêu đứng suốt mười năm trong cuộc cách mạng văn hoá này, giờ đây tìm cách lật ngược luận điệu, là chỉ có Đảng mới giữ cho đất nước được ổn định mà thôi. Dù vậy, tương quan giữa chính quyền và dân nay rõ đã khác. Chính quyền đang phải đối diện với một công luận xét nét hơn xưa. Là vì giờ đây chẳng phải chỉ có anh Cả kiểm soát dân. Mà trái lại dân cũng theo dõi ngay anh Cả.

Người dịch: Phạm Hồng-Lam

Nguồn nguyên tác: Aus dem Rahmen