"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 20. Oktober 2011

Dán bùa “lồn mèo”

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) giải thích câu thành ngữ “Dán bùa lồn mèo” như sau: “Lồn mèo (danh từ). Đầu-hồi, góc giụm hình tam-giác nơi hai mái nhà giáp nhau: Dán bùa lồn mèo” (quyển thượng, tr.831). 

Rồi ở phần II (tục ngữ, thành ngữ, điển tích), quyển từ điển này còn giảng rõ thêm: “Dán bùa lồn-mèo. Làm-ăn giả-dối, cẩu-thả, làm lấy có, không cẩn-thận (Lồn-mèo là chỗ hồi nhà hình tam-giác giáp hai mái nhà, thợ-mộc khi cất nhà xong thường dán vào đó một lá bùa; nhưng vì cao, lại không chỗ đứng vững, lá bùa thường được dán xiên xẹo”. 


Cũng có người cho rằng từ ” mèo” trong câu thành ngữ trên chỉ “cô gái lãng mạn, lẳng lơ (gái điếm)” nên ”Dán bùa lồn mèo có nghĩa là dán một lá bùa vào lồn cô gái điếm để yểm trừ không cho kẻ nào xâm nhập, mà dành riêng cho mình. Nhưng cô gái này tiếp khách hàng ngày thì lá bùa ấy thành vô dụng”. Các cách giải thích tuy khác nhau nhưng đều làm rõ ý nghĩa của câu thành ngữ là chỉ kiểu làm giả dối, cẩu thả, vô tác dụng. Kiểu làm hiện đang thịnh hành ở một số việc được liệt vào hàng “đại sự quốc gia”.

Xin nêu vài ví dụ:

Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 
 
Đây là phong trào được khởi xướng bởi bộ chính trị, ban bí thư. Đối tượng “học tập, làm theo” là toàn đảng toàn dân chú trọng vào thế hệ trẻ. Thời gian có thể là liên tục hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Dễ thấy nó chỉ là một giải pháp tình thế được đưa ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng niềm tin và với lãnh đạo chóp bu thì khủng hoảng về lý luận. 

Các cuộc khủng hoảng này là hậu quả của sự đổi mới nửa vời, của việc xây dựng một mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN quái gở, của sự kiện Liên Xô và một loạt các nước cộng sản đông Âu tan rã. Vì những kẻ đề xuất chỉ hướng tới mục đích lừa bịp đân chúng, biện minh cho vai trò lãnh đạo của mình, hơn nữa “thần tượng” đang được hô hào “học tập, làm theo” dần bị phơi bày nhiều điều không mấy tốt đẹp. Do vậy dù rất rầm rộ, tốn kém, tác dụng được quảng cáo trên báo “lề phải” thì như phương thuốc chữa “bách bệnh” chẳng hạn như “Nhờ Bác tôi khỏe mạnh hơn”, “học Bác là giải pháp quan trọng để xây dựng đạo đức xã hội” hay “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi nghị quyết XI của đảng”(*)….  nó chỉ đạt được những kết quả đại loại như: Đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Tham nhũng lớn, trắng trợn, tinh vi hơn liên quan đến cả những người đứng đầu nhà nước. Tấm gương điển hình sau các phong trào học tập là những Nguyễn Trường Tô, Sầm Đức Xương, Hồ Xuân Mãn,…

Có thể coi phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng là một dự án lớn nhưng là dự án chính trị do bộ chính trị là chủ đầu tư lập ra để lừa bịp dân và tất nhiên là tiêu tiền của dân.

Công cuộc chống tham nhũng
 
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “tham nhũng hay tham ô là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế – xã hội”

Theo bảng số liệu điều tra các nước tham nhũng trên thế giới năm 2001-2005 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá mức độ tham nhũng của Việt Nam là 107/159 có nghĩa là gần đội sổ. Vẫn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế”

Những năm gần đây tuy được xác định là “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, luôn là đối tượng cần phải diệt trừ trong các nghị quyết của đảng nhưng nạn tham nhũng lại không hề giảm. Đảng nhà nước nắm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm soát toàn bộ thông tin, truyền thông khiến cả ba công cụ chống tham nhũng (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ) là: Minh bạch khiếu nại của dân chúng + Minh bạch ngân sách, tài chính + Minh bạch mua sắm đều bị vô hiệu hóa. Người dân chống tham nhũng thì bị trù úm, sách nhiễu thậm chí còn bị vu cho tội “xâm hại an ninh quốc gia”, “tiếp tay cho các thế lực thù địch”. Cán bộ chống tham nhũng cũng gặp phải hoàn cảnh giống như vậy. Những vụ tham nhũng lớn bị phát hiện thì phần lớn là do đấu đá nội bộ, phe nhóm hoặc liên quan tới nước ngoài. 

Một nguyên tắc bất thành văn về chống tham nhũng đã ngầm hình thành: Nếu đối tượng tham nhũng liên quan đến các cán bộ cao cấp hoặc họ hàng phe nhóm thì phải được miễn trừ đã trót điều tra khởi tố thì phải kịp thời “khoanh lại”, “ỉm đi” chờ chỉ thị của bộ chính trị. Các vụ án nghiêm trọng như PMU18, PCI, in tiền Polime, Vinashin chây ỳ hàng bao năm trời chưa kết thúc là những ví dụ điển hình. Việt Nam tuy chưa phải là nước đội sổ về mức độ tham nhũng nhưng với “kiểu” chống tham nhũng được thú nhận qua lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” Ông Đồng 30 năm làm thủ tướng không kỷ luật một ai tôi đành phải theo gương ông Đồng” và tâm sự “rất thật” của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trước quốc hội:” cứ thấy sai mà chặt chém thì lấy đâu ra người làm việc” chắc chắn: không chóng thì chày điều này sẽ trở thành sự thật.

Quan hệ ngoại giao với Trung Quốc 
 
Ngoại giao là một việc hệ trọng. Hơn nữa với một ông bạn láng giềng xấu tính có truyền thống bành trướng như Trung Quốc thì việc hệ trọng đó còn có ý nghĩa bảo vệ sự sống còn của dân tộc, đất nước. Trong 4 ngàn năm dựng và giữ nước các thế hệ trước của dân tộc đã làm rất tốt việc hệ trọng đó.  Để đến ngày nay đất nước Việt Nam vẫn còn liền một dải, dân tộc Việt vẫn có tiếng nói chữ viết và những phong tục không phải là của bất kỳ nước nào khác. Tuy nhiên từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Việt nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ thì Việt Nam lại bị thua thiệt đủ đường. Mất đất, mất đảo, mất rừng, đang có nguy cơ mất biển Đông. Ngư dân đánh cá trên biển bị bắn giết, bị bắt giữ, bị đòi tiền chuộc. Hàng Trung Quốc độc hại, giá rẻ  tràn ngập thị trường bóp chết nền sản xuất của Việt nam. Các công trình trọng điểm của quốc gia đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với giá rẻ nhưng chất lượng kém. Gần đây tàu Trung Quốc ngang nhiên vào cả thềm lục địa để cắt cáp của tàu Bình Minh 2, ngăn cản tàu Ấn Độ  vào thăm hữu nghị Việt Nam. Trên đất liền lao động trái phép Trung Quốc tràn ngập, công nhân Trung Quốc gây rối đe dọa đời sống yên bình của người Việt Nam. Đã có nhiều tiếng nói yêu nước cảnh báo về nguy cơ Bắc thuộc mới thì nhà nước vu cho họ là “các thế lực thù địch” hoặc bị xúi giục kích động và vỗ về người dân : quan hệ với Trung Quốc là việc hệ trọng nhân dân hãy để nhà nước lo.

 Hãy thử xem lại những gì mà nhà nước đã lo được.

Đó là những cuộc hội đàm song phương bí mật giữa hai bên mà kết quả chỉ công khai những nội dung xoay quanh “4 tốt, 16 chữ vàng”. 

Đó là các phát biểu công khai trái ngược: Khi phát ngôn bộ ngoại giao liên tục khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi…phản đối…” thì thứ trưởng bộ quốc phòng hí hửng công bố Trung Quốc cam kết không chiếm biển đảo của Việt Nam thậm chí còn ca ngợi “Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng, … một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”. 

Đó là những động thái mua thêm vũ khí để hiện đại hóa quân đội, gặp gỡ lãnh đạo quân đội các nước khác tưởng như là làm giảm bớt mối đe dọa quân sự của Trung Quốc nhưng thực chất chỉ để che mắt nhân dân.

Đó là tích cực, quyết tâm dẹp bằng được các cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc. Tất nhiên Bắc Kinh hiểu rõ những hành động, phát ngôn trái ngược chỉ là biểu hiện “rối loạn đấu pháp” của đối thủ nên tha hồ lấn tới, ra đòn quyết định. Do vậy kết quả duy nhất thu được từ hàng loạt “hành động lo” trên là đã làm đẹp lòng và “bật đèn xanh” cho “ông bạn láng giềng” yên tâm thực hiện giấc mộng bành trướng của mình.

Nếu so với kiểu dán bùa của người thợ mộc trong tư thế khó khăn để lá bùa xiên xẹo thì kiểu lo này của nhà nước còn kém xa.
 
10/2011  TRẦN HOÀNG LAN