Khi bàn đến lý tưởng sống, tôi đã từng nói trong bài http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/10/071018_hyvan.shtml.
Nhưng sống theo lý tưởng vẫn là cái gì đó rất xa lạ với xã hội hôm nay.
Thử tìm kiếm lý do, gặng mãi tôi mới tìm được một đáp án: đó chính là
quan điểm các giá trị xã hội đang làm ù lỳ sức sống của một dân tộc vốn
có lòng yêu nước mãnh liệt. Chỉ có hệ thống quan điểm giá trị mới làm
nên một xã hội tốt đẹp hay tồi tệ.
Giá trị và chuẩn mực
Quan điểm giá trị là gì? Hiểu một cách sơ đẳng đó là những ước định
về đạo đức, vật chất, tinh thần, quyền, nghĩa vụ,… được cấu thành làm
mục đích sống, lao động và hưởng thụ. Quan điểm giá trị có tính chất chi
phối, định hướng tất cả hoạt động hàng ngày của mỗi chúng ta. Cấu trúc
của xã hội được hình thành thông qua các quan điểm giá trị nhưng hệ
thống hóa thông qua thể chế chính trị.
Văn hóa Việt Namhay bất cứ nước
nào trên thế giới chẳng qua là sản phẩm của sự tích tụ của các quan điểm
giá trị theo thời gian. Quan điểm giá trị làm nên các tác phẩm hội họa,
thơ ca, kiến trúc, tín ngưỡng và tôn giáo,… Khởi nguồn của một nền văn
minh chính là khi những giá trị có tính chất đột phá được cộng đồng nuôi
dưỡng và thống nhất gìn giữ, lực lượng đứng đầu cộng đồng này có vai
trò dẫn dắt và phát huy sức mạnh để giúp dân tộc đó đạt đến bến bờ vinh
quang.
Đế chế La Mã được gây dựng trên quan điểm các giá trị cộng hòa;
đế chế Trung Hoa là sự phát huy sức mạnh của các giá trị thống nhất; đế
chế Nhật lấy trọng tâm từ sức mạnh của các giá trị kỷ luật; đế chế Mỹ
được gây dựng trên sức mạnh của các giá trị tự do,… Và trong sự không
ngừng của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ
như hiện nay, các quan điểm mang tính chất bảo thủ và khép kín chỉ làm
cho dân tộc đó tiến nhanh về bóng đêm nô lệ.
Hệ thống quan điểm giá trị mà dân chúng nước ta lấy làm phương châm
sống không gì khác đó chính là: sự ổn định. Sự ổn định được giới lãnh
đạo nêu ra như là kinh nghiệm nội chiến liên miên trong lịch sử, còn dân
chúng lấy sự ổn định vì tâm lý ngại va chạm cọ xát, thiếu bản lĩnh để
khẳng định mình. Vì sự ổn định mà tay có thể bịt mắt, miệng luôn ậm ờ,
tai vì thế cũng chả buồn nghe ngóng xem điều hay lẽ phải. Đó là một xã
hội câm lặng.
Điểm thiếu lớn nhất của xã hội ta lại là sống không có chuẩn mực.
Chuẩn mực thực ra chính là nguyên tắc sống và hoạt động của mỗi cá nhân,
tổ chức hay xã hội. Bấy lâu nay nhìn chung xã hội ta chỉ có luật pháp
và quyền lực thực thi chứ chưa có một hệ thống chuẩn mực được quy định
bởi chính bản thân mỗi cá nhân, được cá nhân chấp hành mà không phải
chịu bất cứ sự ràng buộc nào cả. Việc thiếu chuẩn mực không những thể
hiện mỗi chúng ta chưa trưởng thành về mặt tư duy và đạo đức mà còn tạo
nên một vòng kim cô ngăn ngừa mọi sự đấu tranh chống áp bức.
Hai vấn đề giá trị ổn định và không chuẩn mực đi đêm, kết hợp với
nhau làm cho đất nước ta nghèo hèn đi. Tôi lấy một ví dụ: một ông bạn
quan bị vợ cắm sừng, một ngày xấu trời ông nhìn thấy vợ ngủ với sếp của
mình, ông ta nổi khùng lên nhưng suy đi tính lại dấu nhẹm chuyện đi.
Nguyên cớ là: ông ta sợ người ngoài cười chê hay nói trắng ra là sỹ diện
ảo, ông ta sợ ảnh hưởng đến đường quan lộ như vậy là hèn nhát, ông ta
nghĩ nếu làm bung ra sẽ không tốt cho con cái thì đó là lừa dối…
Tất cả
lý do không những cho ta thấy quan điểm ổn định đã làm thoái hóa dạo đức
xã hội; vì thiếu chuẩn mực nên khi gặp chuyện khó khăn ông ta chọn giải
pháp thoái lui. Đó chỉ là trường hợp nhỏ, chứ bây giờ giả sử có chiến
tranh mà vẫn suy nghĩ đắn đo vậy thì liệu ông ta cầm súng chiến đấu có
bắn được quân thù hay không? Vậy cho nên nếu có ai lo lắng quốc gia
đang ngày một lâm vong cũng chẳng phải là thừa.
Chí khí độc lập
Tình trạng quan điểm giá trị xã hội chống lại xu thế thời đại hiện
được dân chúng mặc nhiên thừa nhận không khác gì một bản “khế ước” chôn
vùi mọi dự án triển vọng nay mai. Có nhiều nhà thơ, nhà văn hay kiến
trúc sư cứ đổ lỗi mãi cho hệ thống chính trị, cách hưởng thụ của xã hội
làm cho họ không có được tác phẩm kiệt xuất. Nói như vậy là bao biện, là
tự khẳng định cái yếu kém của mình nhưng lại không dám thừa nhận điều
đó. Sản phẩm văn hóa hay, nghệ thuật độc đáo chỉ đạt được khi tác giả đó
có một quan điểm giá trị đặc biệt, vượt lên khỏi mọi sự ràng buộc mang
tính ước lệ xung quanh và đặc biệt phải có chí khí độc lập. Có chí khí
độc lập thì sức sống, sức sáng tạo của mỗi con người mới được phát huy.
Và đó cũng là cách duy nhất để khẳng định mình, khẳng định sự tồn tại và
phát triển của mỗi quốc gia trong thời đại mở.
Độc lập cá nhân ở một phạm trù lớn hơn so với tự do cá nhân, vì muốn
có được tự do thì không chắc chắn tự bản thân anh làm ra, có khi được
ban tặng, còn độc lập cá nhân nhất thiết anh phải tự tạo ra. Sống, làm
việc theo quan điểm giá trị, chuẩn mực mới có thể đạt và duy trì được
thành quả này. Bấy lâu nay nhiều bậc trí thức tỏ ra khá đắng cay và bất
lực cho xã hội ViệtNam, một mặt sống trong chế độ cưc quyền, mặt khác
lại luôn cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng vì tiếng nói đấu tranh, cải
cách giáo dục không được xã hội hưởng ứng. Họ đổ lỗi cho “nước Việt mình
nó vậy”, đó là vì họ rong ruổi phần ngọn, trong khi phần gốc: gây dựng
quan điểm giá trị bị xem thường. Muốn có dân chúng theo mình, chính
quyền lắng nghe thì phải khai sáng cho họ. Có lẽ từ khai sáng khi dịch
sang tiếng Việt mang hơi hướng trịch thượng, nên người ta ngại dùng,
ngại làm. Nếu ai còn nhìn nhận như vậy tôi mong rằng họ thay đổi ngay.
Khai sáng đó là sự chia sẻ các quan điểm giá trị cho những người xung
quanh nhằm phá hủy những thành trì hủ hậu, giúp mỗi cá nhân đạt đến cái
đích sống độc lập và có chí khí.
Trong chế độ chuyên quyền, giới cầm quyền sợ nhất chính là dân chúng
sống có chí khí độc lập, họ thường áp đặt quan điểm: tự do dân chủ có
thể gây ra bạo loạn, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.
Đó là sự lừa dối trắng trợn, vì khi cá nhân độc lập hay trưởng thành về
nhận thức thì bản thân họ cân nhắc rất kỹ mọi vấn đề liên quan đến
tương lai của họ. Thay vì chính quyền phải luôn lo lắng thay dân chúng,
hãy để dân chúng tự lo lắng thay chính quyền về các quyết định của họ.
Thay vì khống chế dân chúng trong một cái rọ, hãy để dân chúng tự xây
dựng một ngôi nhà có các giá trị sống và chuẩn mực tốt đẹp. Một ngôi nhà
vững bền như vậy thì có gì mà còn phải lo lắng về sự đoàn kết của một
dân tộc biết vươn vai đứng dậy.
Văn minh chờ đón
Một quốc gia văn minh thì sự bắt đầu là cái học. Bấy lâu nay, học
hành và tri thức luôn cản bước những suy tư, hành động và việc làm của
chúng ta. Dù có hoài bão lớn đến đâu, tri thức mà không có thì chắc chắn
chả làm được gì. Cái sự bất lực thường đưa chúng ta hướng ngoại, ỷ thế
bên ngoài để gìn giữ nền độc lập, trạng thái độc lập mà nội lực luôn yếu
kém sẽ nhanh chóng phụ thuộc.
Mới đây chúng ta thấy ông Nguyễn Phú
Trọng sang Bắc Kinh diện kiến lãnh đạo Bắc Kinh mà cảm thấy tủi hổ, ngài
lãnh đạo của một đất nước chín mươi triệu dân đưa hai tay nồng ấm, đối
lại chỉ là một bàn tay lạnh toát từ ông Hồ Cẩm Đào. Chẳng những vị thế
của chúng ta thật là thấp hèn trong mắt của lãnh đạo Trung Quốc, mà dân
tộc ta cũng dễ bị thế giới cười chê. Nhưng khách quan mà nhìn nhận, với
sự lệ thuộc hệ tư tưởng mấy nghìn năm nay (do điều kiện khách quan và cả
chủ quan), chúng ta khó có thể có được nhiều hơn thế từ một dân tộc vốn
cho mình cái quyền trịch thượng, đàn anh.
Chúng ta muốn yên thân để
phát triển theo cách riêng của mình, nhưng họ vẫn không coi trọng, vậy
chúng ta nên làm gì. Chỉ có cách xóa bỏ sự ổn định mang tính chất cưỡng
ép và tự sướng bấy lâu nay mà thay đổi lại các quan điểm giá trị, tự ta
tạo niềm hứng khởi và nguồn lực từ tri thức, nhiệt huyết cho ta. Chỉ có
sự dấn thân, sự hy sinh gạt bỏ những giá trị không đáng, mở đường cho tự
do, độc lập vững bền. Đó là văn minh, cái đích của quan điểm giá trị
sống!
H.V.