"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 17. Oktober 2011

Đem chuông đi đấm xứ Mỹ

Lữ Giang
 
Bản tin ngày 7.10.2011 của vovnews.vn ở trong nước cho biết ngày 6.10.2011, trong khuôn khổ “chuyến thăm làm việc” tại thủ đô Washington, Trung tướng Võ Tiến Trung - Ủy viên Trung ương Đảng - Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam đã có buổi thuyết trình về chính sách quốc phòng Việt Nam tại Đại Học Quốc Phòng Quốc Gia (National Defense University) của Mỹ. 
 
Mở đầu buổi thuyết trình, Trung tướng Trung giới thiệu vắn tắt về lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam, từ thời kỳ Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần, cuộc chiến chống quân Minh của Lê Lợi, tới thời kỳ ách thống trị 80 năm của thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước năm 1975.
 
Về chính sách quốc phòng của Việt Nam, Tướng Trung nói rằng Việt Nam xây dựng nền quốc phòng vững mạnh không phải để gây chiến tranh mà nhằm giúp đất nước loại bỏ yếu tố chiến tranh và giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh trong nước.
 
Trả lời câu hỏi về quan hệ hợp tác giữa Học viện Quốc phòng Việt và Mỹ, Tướng Trung nhấn mạnh rằng hợp tác giữa hai học viện đã có những bước phát triển trong thời gian gần đây trên một số lĩnh vực như: “Trao đổi và đào tạo quân sự; học viện quốc phòng hai nước sẽ trao đổi học viên, trao đổi đoàn, trao đổi học thuật, trong đó có giảng bài cho nhau.”
 
Bản tin của hãng thông tấn AP ngày 6.6.2011 cho biết khi một phóng viên hỏi tại sao ông bỏ qua các chi tiết liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông trả lời qua một thông dịch viên: “Mọi người đã biết chuyện đó, tôi không muốn lãng phí thì giờ” (Everybody knows about it; I didn’t want to waste time). Tuy nhiên, ông muốn gởi đến người Mỹ một thông điệp: 
 
"Tôi có một thông điệp gởi tới người Mỹ, dù có một quân đội hùng mạnh, nếu phát động chiến tranh bằng cách xâm lược chống lại các nước khác là không hợp pháp. Đó là thông điệp của tôi.”
Tướng Trung cho biết lực lượng vũ trang của Việt Nam có tất cả 450.000 quân nhân chính quy và khoảng 5 triệu quân nhân trừ bị. Ông nói chính sách của Việt Nam là sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào cũng như không cho phép bất cứ lực lượng nước ngoài nào thiết lập căn cứ tại Việt Nam.
 
Phóng viên của hãng thông tấn Reuter cho biết khi được hỏi về cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, Tướng Trung tiên đoán sự bất đồng với Trung Quốc sẽ không đưa tới tranh chấp bằng vũ lực, sự bất đồng này sẽ được giải quyết hoà bình. Ông nói:
“Chúng tôi sẽ giảỉ quyết từ từ. Nếu chúng tôi không giải quyết được vấn đề, đời con hay đời cháu chúng tôi sẽ giải quyết.”
 
Nội dung bài thuyết trình của Tướng Trung có mục đích nói với thế giới và Trung Quốc rằng trong quá khứ Việt Nam đã từng có quyết tâm và khả năng chống ngoại xâm nên Việt Nam cũng sẽ đối đầu với các cuộc xâm lăng có thể sắp đến, đồng thời nói lên đường lối đối ngoại của Hà Nội.
 
Rất tiếc Bộ Quốc Phòng CSVN không cho công bố toàn văn bài thuyết trình nói trên. Chúng tôi chỉ có thể có một vài nhận xét dựa vào những điểm được báo chí ghi nhận mà thôi.
 
VẤN ĐỀ KHẢ NĂNG ĐÁNH THẮNG
 
Trịnh Công Sơn đã mở đầu bài “Gia tài của Mẹ” bằng 5 câu hát thật buồn:
 
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ - để lại cho con
Gia tài của Mẹ - là nước Việt buồn
 
Lẽ dĩ nhiên, khi “vác chuông đi đấm xứ Mỹ” Tướng Võ Tiến Trung không nói đến “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” và những kiểu “tiêu lòn” mà cha ông chúng ta đã khôn khéo áp dụng để khỏi bị nước Tàu đè bẹp, ông chỉ nói đến những “chiến thắng oai hùng”. Ngoài những sự thật và huyền thoại ra, chúng tôi xin có vài nhận xét sơ khởi về bài thuyết trình của Tướng Trung như sau:
 
1.- Tại sao không nói đến Quang Trung?
 
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy bài thuyết trình của Tướng Trung chỉ nói đến chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần, cuộc chiến chống quân Minh của Lê Lợi, mà không nói đến cuộc chiến thắng quân Thanh của vua Quang Trung. 
 
Sau năm 1975, khi đọc sử do miền Bắc viết, chúng tôi thấy các sách này mô tả cuộc nổi dậy của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là “Phong trào nông dân Tây Sơn” và nói rất ít về chiến thắng quân Thanh của Nguyễn Huệ. Mãi đến khi bước sang thời kỳ đổi mới, sử ở trong nước mới viết rõ về biến cố này. Chúng ta sẽ phải xem lại cách nhìn của Đảng CSVN về Nguyễn Huệ.
 
2.- Tại sao “quên” nói đánh thắng Nhật?
 
Bộ “Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam” nói Đảng CSVN đã thắng một lúc ba đế quốc đầu sỏ là Nhật, Pháp và Mỹ. Lịch sử Đảng ghi rõ: “Phải coi việc tuyên truyền chống đế quốc chủ nghĩa Nhật là một việc cần thiết vào bậc nhất.” (tr 387). Đảng đã ra chỉ thị “Đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp” (tr. 397). Sự thật như thế nào?
Lúc đó, Pháp, Mỹ và Trung Hoa thấy các “lãnh tụ quốc gia” toàn là chính khách salon, không có ai chịu dấn thân đấu tranh, nên đã thuê và huấn luyện Việt Minh đánh Nhật. Cuối năm 1944, do sự sắp xếp của chính phủ Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh từ Côn Minh đã đem một số người về Pac Bó lập “Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân”. Mỹ cho nhóm “Dear Team” do Thiếu Tá Allison K. Thomas cầm đầu đến huấn luyện và trang bị cho đội này chống Nhật. Mỹ huấn luyện vừa xong toán đầu tiên khoảng 100 người thì Nhật đầu hàng Đồng Minh. Việt Minh chưa hề đụng độ với Nhật một vụ nào cả. Nhưng nhờ toán này, Việt Minh đã về Hà Nội cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945!
 
Sở dĩ lịch sử Đảng CSVN “chống đế quốc chủ nghĩa Nhật” như trên là để che đậy cái chuyện làm “lính đánh thuê” cho Pháp, Mỹ và Trung Hoa. Tướng Trung không nhắc lại là phải.
 
3.- Đánh thắng đế quốc Pháp và Mỹ?
 
Tướng Trung nói nhiều đến chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng các tài liệu Trung Quốc đã tiết lộ trong những năm gần đây cho thấy không có Trung Quốc không có chiến thắng Điện Biên Phủ, không có Hiệp Định Genève 1954. Hà Nội không hề cãi chính các tài liệu này.
Kết quả cuộc chiến thắng này cũng rất bi thảm: Hà Nội phải áp dụng chế độ “cải tạo xã hội chủ nghĩa” của Mao Trạch Đông tại miền Bắc đưa đất nước vào những ngày bi thảm. Tài liệu chính thức cho biết cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện tại 3.563 xã với 10 triệu dân và tỷ lệ đấu tố được qui định trước là 5,68%. Tài liệu cho biết có 172.008 người đã bị đấu tố, trong đó có 123.266 người (nghĩa là 71,66%) sau này được chính thức xác nhận là oan. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
 
Cuộc giải phóng miền Nam cũng gây thiệt hại tương tự. Trước hết, Đảng CSVN phải bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc để có phương tiện thực hiện cuộc chiến. Lúc đó Đảng CSVN coi biện pháp này là thượng sách, vì đây là phương thức duy nhất giúp bảo vệ sự tồn tại của Đảng. Về quyền lợi của Đảng, Đảng CSVN đã tính đúng, nhưng Tổ Quốc đã mất đi vĩnh viển Hoàng Sa và Trường Sa. Khi Hà Nội sắp chiếm miền Nam, năm 1974 Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa trước để xiết nợ.
 
Sau khi chiếm miền Nam, Lê Duẩn đã cho áp dụng chế độ “cải tạo chủ nghĩa” của Liên Sô, tức chủ nghĩa Stalinism thay vì chủ nghĩa Maoism, đưa đất nước vào những ngày đen tối nhất, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Trong khi đó Trung Quốc đem chủ nghĩa Maoism áp đặt tại Kampuchia rồi “dạy cho Việt Nam một bài học”.
 
Nhiều người vẫn tin rằng nếu không có Đảng CSVN, nước Việt đã không phải trải qua một cuộc chiến bi thảm kéo dài 30 năm và ngày nay Việt Nam ít ra cũng bằng Nam Hàn, Đài Loan hay Singapore.
 
Cũng may cho Đảng CSVN là chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu đã sụp đổ một cách nhanh chóng, Trung Quốc phải bỏ mối thù cũ, liên kết với Việt Nam thành một thế liên hoàn để tồn tại. Đảng CSVN cũng thay đổi rất nhanh, từ “tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” đã đổi thành “tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa tư bản” và từ “chống Mỹ cứu nước” quay qua “nhờ Mỹ cứu Đảng”, nên vẫn còn tồn tại.
 
Nhìn lại, chúng ta thấy cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc chiến thắng ngày 30.4.1975 là cuộc chiến thắng của Trung Quốc và do Trung Quốc chứ không phải cuộc chiến thắng của Đảng CSVN. Trong cuộc họp mặt giữa đại biểu bốn Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, Thủ Tướng Chu Ân Lai đã nói:
“Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất trông mong Đảng Lao Động Việt Nam mở cho một con đường xuống Đông Nam châu Á”.
 
Nay Đảng CSVN đã mở xong đường ra và Đảng CSTQ đang đi xuống.
 
VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
 
Tướng Trung xác định một cách tổng quát rằng Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào cũng như không cho phép bất cứ lực lượng nước ngoài nào thiết lập căn cứ tại Việt Nam. Tuy ông không nói rõ, nhưng Hà Nội đang áp dụng chính sách “đu dây”: “Đu dây” giữa Nga và Trung Quốc, “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, “đu dây” giũa Ấn Độ và Trung Quốc, v.v. Vấn đề là có “đu dây” được hay không, hay sẽ bị “tuột dây” và bị Trung Quốc nắm đầu.
Về quan hệ với Mỹ, Tướng Trung cho biết chỉ mới có một vài quan hệ sơ sài như: “Trao đổi và đào tạo quân sự; học viện quốc phòng hai nước sẽ trao đổi học viên, trao đổi đoàn, trao đổi học thuật, trong đó có giảng bài cho nhau.”
 
Hà Nội dè dặt với Mỹ là phải. Mỹ đã từng là Đồng Minh của VNCH và Kampuchia, nhưng đã giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để đổ quân vào, sau đó bỏ rơi miền Nam và Kampuchia... Chơi vậy mà ai dám chơi?
 
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được mô tả bằng phương châm 16 chữ vàng là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Trung Quốc là điểm tựa duy nhất còn lại của Đảng CSVN, bỏ Trung Quốc ra, Đảng CSVN bị đè bẹp ngay, nên dù thế nào đi nữa, Đảng CSVN cũng phải bám Trung Quốc. Nhưng Đảng CSVN nợ Trung Quốc quá nhiều, nên Trung Quốc phải khống chế để lấy lại phần nào. Việt Nam ở vào thế yếu nên bắt buộc phải có chính sách mềm dẽo.
 
Tướng Trung cho rằng những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc phải được giải quyết từ từ và lâu dài. Đây không phải là ý kiến riêng của Tướng Trung mà là đường lối của Đảng CSVN.
Quả thật ngoài “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, Việt Nam cũng có nhiều lần đánh thắng Tàu, nhưng chỉ đánh thắng trên bộ chứ chưa bao giờ đánh thắng trên biển.
 
Trong trận hải chiến giữa Hải Quân VNCH với Trung Quốc trong khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, VNCH đã bị đánh bại một cách thê thảm: 1 chiến hạm bị hư hại toàn diện, 1 bị hư hại nặng và 2 bị hư hại nhẹ. Về nhân mạng: VNCH có 19 người bị tử thương, 43 người bị thương và 101 mất tích. Kết quả, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số đảo đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Ngày 14.3.1988 một cuộc chiến đã xẩy ra giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc. Hải quân CSVN cũng bị đánh bại thê thảm: 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Đảo đá Johnson South Reef, tiếng Việt gọi là đảo đá Gạc Ma và một số đảo trong vùng bị Trung Quốc chiếm.
 
Cho dù Việt Nam có lực lượng hải quân mạnh như Đại Hàn, Đài Loan, Philippines, Singapore hay Ấn Độ cũng không thể đương đầu với Trung Quốc được nên phải chơi trò “tiêu lòn”.
Hôm 11.10.2011, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một thỏa ước về “chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” gồm những điểm chính sau đây:
 
(1) Tiếp tục thực hiện phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”;
(2) Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982;
(3) Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC do ASEAN đưa ra);
(4) Dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi;
(5) Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau, và
(6) Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần.
 
Thỏa hiệp này cũng chỉ gồm những sáo ngữ được lặp đi lặp lại, không có gì mới mẽ.
 
TƯƠNG LAI KHÔNG CÓ GÌ SÁNG SỦA
 
Mao Trạch Đông đã từng nói: "CHÍNH QUYỀN được đẻ từ họng súng.” Nay Hồ Cẩm Đào cũng đang thực hiện một chủ trương tương tự: "CHỦ QUYỀN được đẻ từ họng súng.”!
 
Trong bài “China’s Militant Tactics in South China Sea” (Chiến thuật quân sự của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Quốc) đăng trên website Eastasia.org ngày 29.6.2011, ông David Arase, giáo sư Chính trị tại Đại học Pomona ở Claremont, California, cho rằng hiện nay Trung Quốc đang đi theo cách thức gọi là “sử dụng cơ bắp đơn phương” nhằm bảo đảm lợi ích của chính mình bất chấp lợi ích của các nước nhỏ khác.
 
Trong hiện tại, Trung Quốc chưa đủ mạnh trên Biển Đông để có thể khống chế Việt Nam và Phi Luật Tân. Nhiều người tin rằng thỏa ước nói trên chỉ là kế hoản binh của Trung Quốc trong thời gian chờ đợi hiện đại hóa lực lượng hải quân. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ những chủ trương mà họ đã hoạch định.
 
Ngày 11.10.2011
Lữ Giang