Một công trình xây dựng cao ốc tại Hà Nội
Reuters
Theo các số liệu do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại ( Bộ
Tài chính ) công bố vào đầu tháng 7/2011, nợ công của Việt Nam- bao gồm
vay của nước ngoài lẫn trong nước- năm 2010 là 56,7% tổng sản phẩm nội
điạ GDP và theo dự kiến, năm nay sẽ tăng lên thành 58,7% GDP.
Đối với chính phủ Hà Nội, nợ công Việt Nam hiện vẫn ở trong mức
an toàn, bởi vì chưa vượt qua mức 60% GDP, vốn được một số nhà kinh tế
xem là mức giới hạn an toàn.
Vào đầu tháng 8/2011, hãng định mức tín nhiệm Fitch đã loan báo giữ
nguyên mức tín nhiệm nợ công dài hạn của Việt Nam ở hạng B+, nhưng cảnh
báo là mức hạng này có thể hạ xuống nếu chính phủ Việt Nam không tiếp
tục kiên quyết thắt chặt chính sách tiền tệ, kềm chế lạm phát và tái lập
sự tín nhiệm vào tiền đồng. Nhất là theo hãng Fitch, những vấn đề trong
hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng là một nguồn rủi ro so với mức
hạng tín nhiệm nợ công của Việt Nam.
Hiện giờ, tuy nợ công của Việt Nam đúng là vẫn còn nằm trong tầm kiểm
soát, nhưng nhìn lại những năm gần đây, món nợ công này đã tăng nhanh
một cách đáng ngại, khoảng 25% tính từ năm 2007 đến cuối năm 2011, tức
là trung bình tăng 5% mỗi năm. ( Số liệu Ủy ban Giám sát tài chính quốc
gia: nợ công 2007:33,8% GDP, 2008: 36,2% GDP, 2009: 41,9%, 2010: 56,7%
GDP và 2011 dự báo 58,7% GDP ). Nợ công tăng nhanh trong bối cảnh mà
ngân sách của Việt Nam luôn bị thâm hụt, buộc chính phủ phải vay nợ
thêm, cho nên nợ nần sẽ chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con.
Ấy là chưa kể, do Việt Nam nay được xếp vào nhóm các quốc gia có thu
nhập trung bình, cho nên điều kiện vay nợ nước ngoài kể từ nay khó khăn
hơn, tức là chính phủ phải vay với lãi suất cao hơn, chứ không còn được
hưởng những lãi suất ưu đãi như trước đây.
Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo chính
phủ về nguy cơ nợ công vượt khỏi tầm kiểm soát. Trả lời phỏng vấn tờ
Thanh Niên đầu tháng 10 vừa qua, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc
nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, giải thích
rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công ngày càng tăng là do “tỷ lệ đầu tư
của VN trong những năm qua trung bình từ 40-42% GDP, trong đó khu vực
công chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ đầu tư lớn, tăng liên tục nhiều năm trong
khi ngân sách luôn ở tình trạng thâm hụt “báo động đỏ” (trên 5% GDP) khiến chính phủ phải đi vay nợ. “
Về phần tiến sĩ Nguyễn Quang A, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà
Nội, thì nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng nhanh của nợ công Việt Nam là dấu
hiệu đáng ngại:
“Tôi nghĩ là nợ công của Việt Nam trong thời gian qua tăng rất là
nhanh. Đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tất nhiên là một nước đang
phát triển như thế này thì cần đi vay nợ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nhưng rất tiếc là ở Việt Nam, vấn đề là đầu tư không hiệu quả và tăng
trưởng phụ thuộc quá nhiều vào vốn. Cho nên, giữ được một mức tăng
trưởng tương đối như những năm vừa qua, Việt Nam đã cần rất nhiều vốn và
chính vì thế nợ công tăng nhiều. Chi ngân sách cũng tăng lên nhiều.
Nếu xét về cơ cấu cho đến bây giờ, khả năng trả nợ của Việt Nam,
với những khoản vay dài hạn như thế, chưa có vấn đề gì. Nhưng nếu cứ để
tiếp tục như thế này và đầu tư vẫn kém hiệu quả, trong tương lai Việt
Nam sẽ gặp nhiều vấn đề.
Bản thân khái niệm thế nào là an toàn cũng cần phải được xem xét
kỹ lưỡng. Nói rằng nợ công dưới 60% GDP là an toàn, thì tôi không nghĩ
là như vậy. Bởi vì tỷ lệ nợ công có thể thấp hơn mức đó mà không có khả
năng trả nợ, tức là có khả năng vỡ nợ, thì như thế là không an toàn. Còn
cho dù nó có lên tới 80% GDP mà có khả năng trả nợ thì cũng không sao.
Tức là phải xét khả năng trả nợ, bởi vì những khoản vay là có thời hạn.
Nếu đó là thời hạn ngắn, lãi suất cao và mỗi năm phải trả nợ lãi và một
phần vốn, mà nguồn thu lại không đủ để trả các khoản đó thì thật là gay
go. Không xem xét kỹ thì khó có thể đánh giá thế nào là an toàn, thế nào
là không an toàn.
Với tình trạng nợ công gia tăng nhanh như vậy, đó là một lời cảnh
báo rất nghiêm túc đối với chính phủ là phải hết sức thận trọng với nợ
công. Trong bối cảnh mà Hy Lạp, rồi Ý bị hạ mức tín nhiệm và nợ của
chính phủ các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang lan sang hệ thống ngân
hàng, chính phủ Việt Nam càng cần phải lưu ý."
Trong bài phỏng vấn với Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lưu ý
rằng nợ công của Việt Nam chỉ là nợ của chính phủ, trong khi theo thông
lệ quốc tế, nợ công phải bao gồm cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước ( DNNN
), nhất là ở Việt Nam nợ của DNNN có quy mô xấp xỉ với nợ của chính phủ,
nên càng không được loại nó ra khỏi nợ công.
Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, cần phải phân biệt rạch ròi giữa nợ của chính phủ với nợ của các doanh nghiệp:
“Theo quan điểm riêng của tôi, doanh nghiệp là doanh nghiệp, bất
luận nó thuộc sở hữu nào. Vay mà không trả được, đó là chuyện của kinh
doanh với nhau. Doanh nghiệp đó có thể là phải phá sản, phải bị bán đi,
hoặc làm cách nào đó để trả nợ. Tất nhiên, những khoản vay của các doanh
nghiệp Nhà nước mà được Bộ Tài chính bảo lãnh thì là thuộc nghĩa vụ của
chính phủ. Nói chung, đều cần phải lưu ý đến cả hai khoản này. Nếu giải
quyết theo như đề nghị của các tổ chức quốc tế, tức là tính cả nợ của
các doanh nghiệp Nhà nước, thì có thể là nợ công còn cao hơn nữa.
Nếu tính các khoản vay của ngân hàng Việt Nam và của ngoại quốc
thì con số có thể lên rất cao. Còn nếu tính toàn bộ nợ của chính phủ
trung ương, các chính quyền địa phương, những khoản do Nhà nước bảo
lãnh, những khoản của các doanh nghiệp quốc doanh, thì tỷ lệ không còn
là năm mươi mấy phần trăm GDP nữa."
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nợ công của Việt Nam hiện có nhiều rủi
ro: “ Rủi ro lớn nhất xuất phát từ việc chi tiêu và đầu tư công kém hiệu
quả. Rủi ro thứ hai là một bộ phận rất lớn nợ công của các DNNN chưa
được đưa vào trong các thống kê về nợ công. Khi không đo lường được và
không hiểu hết “tảng băng chìm” này, thì cũng không thể quản lý rủi ro
mà nó có thể gây ra. Rủi ro thứ ba là nợ công tăng quá nhanh, trong khi
thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. Điều này vi phạm một nguyên tắc
cơ bản của quản lý nợ công, đó là nợ ngày hôm nay phải được trang trải
bằng thặng dư ngân sách ngày mai.”
Đối với tiến sĩ Trần Quang A, để giảm được nợ công thì trước hết phải nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công:
“ Phải rất cẩn trọng với đầu tư công và phải tìm cách nâng cao
hiệu quả của nó lên. Có những khoản chắc chắn là Nhà nước phải đầu tư,
nhưng có những khoản có thể để cho tư nhân làm được, nên để cho tư nhân
nào.
Không còn cách nào khác là phải rất minh bạch trong các khoản đầu
tư, trong các khoản vay mượn, thường xuyên cung cấp thông tin, thì lúc
đó mới có thể góp ý để có một chính sách phù hợp hơn.
Rất tiếc là người ta có thông báo đã cắt giảm được 10 ngàn tỷ đầu
tư công. Đấy là con số thống kê hay con số thực thì chưa rõ. Nhưng thực
tế là đầu tư công, đầu tư về ngân sách năm nay tăng khoảng sáu bảy chục
ngàn tỷ đồng. Trong khi thu ngân sách thì tăng hơn năm ngoái 80 ngàn
tỷ.
Tình hình khó khăn của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của các
hộ gia đình, với tình hình lạm phát như thế này, mà nguồn thu vẫn tăng
lên đến như vậy, thì đấy không phải là một thành tích, mà là một điều
rất dở. Đáng lẽ phải giảm nguồn thu đó đi, đồng thời giảm thâm hụt ngân
sách và giảm nguồn chi tiêu, thì lúc đó người ta buộc phải giảm chi tiêu
công.
Ở Việt Nam còn có một vấn đề nữa, mà có lẽ cũng gần giống như ở
Trung Quốc, tức là chi tiêu công có phần của chính phủ trung ương và
phần của các chính phủ địa phương. Có lẽ phải xem xét lại việc phân cấp
như thế nào để làm sao có thể kiểm soát được, chứ nếu không, 61 tỉnh
thành mà đều nợ tùm lum thì rất là nguy hiểm. Tỷ lệ nợ của các chính
quyền địa phương thường là cao hơn trung ương ( con số chi tiết thì tôi
không nhớ rõ).
Việc phân cấp phải rõ ràng những phần nào là của địa phương và
những phần nào là của trung ương. Hiện nay, rất nhiều dự án đều do địa
phương làm chủ đầu tư, nhưng một số dự án đó lẽ ra phải là do chính phủ
trung ương làm chủ, để có thể điều phối cả một vùng, một khu vực nào
đấy. Không thể để cho mỗi địa phương làm theo kiểu của mình, phục vụ cho
lợi ích riêng.
Đó là những căn bệnh đã xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Tỉnh nào
cũng có cảng, tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, trong khi chỉ cách nhau
chưa tới 100 cây số! Làm như thế thì thật vô cùng lãng phí. Tôi nghĩ
việc phân cấp như thế là đúng rồi. Nhưng phân cấp cái gì, phân cấp như
thế nào, đó là vấn đề lớn cần phải xem xét lại.”
Trên tờ Tiền Phong , số ra vào đầu tháng 10, chuyên gia kinh tế Bùi
Kiến Thành cũng cảnh báo là “nợ công tăng cao mà không có khả năng trả
nợ thì có thễ dẫn đến vỡ nợ như Hy Lạp bây giờ”. Ông Bùi Kiến Thành nhấn
mạnh : “ Ở Việt Nam đang có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đó là nạn tham
nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công”. Chuyên gia kinh tế
này cho biết, theo báo cáo của Quốc hội, công trình nào cũng bị rút ruột
5, 10, 20%, thậm chí đến 30%!
Mặt khác, ông Bùi Kiến Thành lưu ý là báo cáo của Phòng thương mại và
công nghiệp cho thấy là 30% doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá
sản và 50% doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông đặt câu hỏi: “ Nếu tình hình
kinh tế đình đốn như thế này thì lấy đâu ra nguồn thu để trả nợ công?”
Trong khi đó nhiều tập đoàn Nhà nước lại đang trong tình trạng báo
động về nợ. Tờ Dân Trí, số ra tháng 9 vừa qua, có trích dẫn dự thảo báo
cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương về tình hình 8 tháng đầu
năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối này. Kết
quả cho thấy là chỉ trong 8 tháng đầu năm, nhiều đơn vị đã lỗ tới hàng
nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Vinashin, Petrolimex…
Đứng đầu là EVN nợ gần 11,7 nghìn tỷ đồng.
Theo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, một trong những nguyên
nhân của tình trạng nợ nần này là một số doanh nghiệp đang thiếu vốn cho
đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính, nhưng lại đầu tư vào
lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Như vậy, trước mắt để giảm bớt tốc độ tăng của nợ công, một mặt Việt
Nam phải cắt giảm đầu tư công và mặt khác phải cải thiện hiệu quả của
các dự án đầu tư công, cũng như chỉnh đốn lại cung cách làm ăn của các
doanh nghiệp Nhà nước.