"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 2. Dezember 2011

Đà Nẵng muốn có chức danh thị trưởng

ĐÀ NẴNG (NV) - Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã chính thức đề nghị được đổi danh xưng thành “Ủy Ban Hành Chính.” Đề nghị này được chính thức công bố tại hội nghị “tổng kết việc thực thi Hiến Pháp năm 1992” tại Đà Nẵng ngày 30 tháng 11.
 
Một người tự thiêu trước trụ sở UBND thành phố Ðà Nẵng ngày 17 tháng 2, 2011 để phản đối chính sách giải tỏa đền bù bất công của nhà cầm quyền địa phương. Bây giờ UBND thành phố này xin đổi tên thành Ủy Ban Hành Chính. (Hình: Dân Làm Báo)
 
Báo Thanh Niên cho biết, đồng thời với yêu cầu này, Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng cũng đưa đề nghị “xây dựng thể chế hoạt động của một chính quyền đô thị” và thiết lập chức danh “thị trưởng” cho các thành phố trực thuộc trung ương.
 
Một số nhà phân tích ở Việt Nam cho rằng đây là bước đột phá ngoạn mục của các cán bộ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tiếp theo sau bước thử nghiệm loại bỏ tổ chức Hội Đồng Nhân Dân “hữu danh vô thực.”
 
Tại hội nghị nói trên, các cán bộ thành phố Đà Nẵng yêu cầu thiết lập một hệ thống pháp luật qui định rõ ràng sự phân quyền, phân nhiệm giữa hai tổ chức Ủy Ban Hành Chính và Hội Đồng Nhân Dân, cũng như giữa cấp trung ương và cấp địa phương.
 
Được biết Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành, gồm năm thành phố trực thuộc nhà nước trung ương gồm Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng và 58 tỉnh. Theo sự phân cấp này, mỗi thành phố và tỉnh đều có tên gọi là “Ủy Ban Nhân Dân” với đầy đủ một bộ máy rập khuôn từ trung ương đến tỉnh-thành, quận-huyện, phường-xã.
 
Bộ máy này được thiết kế cồng kềnh: trung ương có ban bệ gì thì phường-xã có ban bệ nấy, và vừa trực thuộc đơn vị “chủ quản” cấp trên, vừa trực thuộc cơ quan lãnh đạo tại địa phương. Trung ương và các cấp trực thuộc kể cả phường-xã đều cùng làm kinh tế để lấy thu bù chi. Bộ máy nhà nước ở Việt Nam vì thế mà hoạt động chồng chéo, nặng nề, tốn kém, vừa không hữu hiệu.
 
Trong phúc trình ngày hôm trước của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, bộ máy chính quyền mới không có tổ chức hội đồng nhân dân các cấp giúp họ tiết kiệm mỗi năm 7 tỉ đồng, tương đương với 350,000 đô la và giảm được hàng ngàn tiếng đồng hồ hội họp vô bổ.
Chính thức đề nghị đổi tên thành Ủy Ban Hành Chính thay cho danh xưng Ủy Ban Nhân Dân, dư luận vẫn còn hoài nghi về ý nghĩa của việc “giản dị hóa bộ máy cai trị” của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
 
Theo ý nghĩa của một ủy ban hành chính, cấp chính quyền này chỉ thực hiện các công việc có tính cách hành chính chứ không dính dáng đến các phần việc khác bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v... Một tòa hành chính với ông hoặc bà thị trưởng chỉ giản dị lo chuyện nước, rác, trật tự đô thị chứ không nặng lo chuyện thương lượng làm ăn, ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác ngoại quốc như các ủy ban nhân dân tại Việt Nam thời gian qua.
 
Dư luận trong nước cho rằng dù sao thì việc các cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng nghĩ đến việc thay đổi danh xưng cho phù hợp với thời đại và đúng nghĩa tính chất của một tổ chức hành chính thì cũng là “giỏi” rồi. (PL)