Ông Hồ Cương Quyết trong cuộc biểu tình chống TQ, tại Pháp (6/2011)
Kính gửi "Ông Tây",
Cháu
tự giới thiệu, cháu tên là "Cháu Ông Tây", hiện đang học Trường THCS ở
Thủ đô Hà Nội. Mấy hôm vừa rồi, cháu mở trộm máy tính của bố cháu, vào
google tìm trò chơi nấu ăn và tiện thể, đọc hết những trang bố cháu hay
đọc, để xem có gì "nguy hiểm, đe dọa... hạnh phúc gia đình", còn báo lại
mẹ cháu, lĩnh thưởng. Không ngờ, cháu lại tìm được mấy bài báo viết về
ông và cả những dòng bố cháu viết về ông. Cháu gửi ông xem xem có phải
"nhạy cảm, đe dọa an ninh" không, để cháu còn mách mẹ, kiếm gói Bim Bim,
ông nhé!
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Với
mình, cái tên Andre Menras Hồ Cương Quyết rất quen thuộc. Mình chả biết
hồi ấy, Việt Nam được bạn bè thế giới yêu quý chừng nào (vì hồi ấy,
mình vẫn đang nằm ngoài... bụi tre. Hi! Hi!). Thế nhưng, chắc chắn đất
nước phải có tầm vóc thế nào đấy, thì thầy giáo Andre Menras cùng người
bạn Jean Pierre Debris, lặn lội từ bên kia trái đất, sang Sài Gòn và
dũng cảm phất cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, trước tòa nhà
Quốc hội của chính quyền Sài Gòn, rải truyền đơn đòi độc lập, hòa bình
cho Việt Nam vào năm 1970.
|
Ông HCQ tại Đà Nẵng 1968
|
Dĩ
nhiên, hành động này khiến ông bị bắt giam tại khám Chí Hòa trong gần 3
năm trời (trong khám, ông đã được những người cộng sản đặt cho tên Việt
Nam là Hồ Cương Quyết), rồi bị trục xuất về nước năm 1972. (Lẩn mẩn so
sánh hành động của bác Hồ Cương Quyết, mình thấy "bọn đế quốc - thực
dân" dã man thật!. Chắc ngày xưa ở chỗ "chúng nó", chưa có Trung tâm
Phục hồi nhân phẩm, dạng... Trại Lộc Hà. Hi! Hi!).
Lại
kể tiếp chuyện Andre Menras: Khi bị trục xuất về Pháp, ông viết cuốn
"Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - Chúng tôi tố cáo" được in ra rất nhiều thứ
tiếng.
Từ khi đất nước Việt Nam thống nhất, ông
Menras càng có cơ hội tham gia các hoạt động giúp Việt Nam và hiện đang
là Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt (ADEP).
Trên
cương vị này, ông là cầu nối giúp các Trường Đại học ở Việt Nam trao
đổi giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với một số Trường Đại học
của Pháp.
Ông cũng là người tham gia tích cực chương trình “Nước ngọt cho Trường
Sa”, quyên góp tiền mua máy lọc nước biển ủng hộ Trường Sa.
Ngày 5/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chính thức công nhận ông Andre Menras là công dân của nước Việt Nam.
Chiều
1/12/2009, tại buổi lễ "Trao Quốc tịch Việt Nam cho ông Andre Menras -
Người bạn Pháp thủy chung suốt gần 40 năm qua của nhân dân Việt Nam,
mang tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã
nhấn mạnh: "Chúng ta dành những tình cảm đặc biệt cho Andre Menras vì
ông đã dành cho chúng ta những tình cảm đặc biệt, đã sát cánh cùng Việt
Nam trong những thời kỳ khó khăn nhất".
Cũng ở
buổi lễ đông đặc phóng viên báo chí trong và ngoài nước này, Chủ tịch
Nước còn khẳng định: "Sức mạnh đoàn kết của những người bạn quốc tế, là
một phần quan trọng của thắng lợi Việt Nam trước những thế lực xâm lược"
và bày tỏ mong muốn: "Người công dân mới của Việt Nam sẽ giữ mãi trái
tim yêu Việt Nam, tiếp tục cuộc đấu tranh với những ai còn hiểu sai về
Việt Nam, chống lại nhân dân Việt Nam"...
Những
gì tìm hiểu được về Andre Menras Hồ Cương Quyết, đã khiến mình ngạc
nhiên: "Chả phải quê quán, máu thịt, sao lại yêu thương, gắn bó đến thế
nhỉ?".
Nhưng sự ngạc nhiên ấy còn lớn hơn, khi
buổi sáng hôm sau, 2 chú cháu ngồi cà phê ngay trên vỉa hè phố Châu Long
vừa tan buổi chợ sớm, đầy những rác và tiếng xe máy - ôtô chen lẫn
tiếng... chửi tục: "Ông Tây Việt Cộng" này không chỉ yêu thương, mà còn
quá sống chết với đất nước Việt - Điều mà rất nhiều người Việt, đã và
thậm chí đang chối bỏ, thất vọng đến mức muốn chối bỏ...
Yêu
đến mức mang tính mạng mình ra, để chấp nhận đánh đổi - Chả thế mà hồi
ra Lý Sơn, mình nghe được bao nhiêu câu chuyện về "Ông Tây Việt Cộng",
nào là:
Xin ngành chức năng, theo cách chính
thống, để được ra biển cùng ngư dân đánh bắt ngoài Hoàng Sa không được,
ông "bí mật" bỏ tiền túi nài nỉ ngư dân, cũng... "bí mật" cho theo. Hình
như, cũng có bác ngư dân nào đó xiêu lòng, định... "cắp nách" ông ra
Hoàng Sa, nhưng được cái mạng lưới an ninh nhân dân của Việt Nam, thuộc
đẳng cấp "nhất quả đất", nên bác kia phải trả lại tiền, không dám cho
"Ông Tây" đi cùng nữa...
Đến Bảo tàng Hải đội Bắc Hải - Hoàng Sa (nói chính xác là nhà trưng bày
một số hiện vật, tư liệu phục dựng, làm lại và treo một số tấm hình mới
cũ về Hoàng Sa - Trường Sa), "Ông Tây" đọc vanh vách các dữ liệu về
Hoàng Sa, khiến cô bé thuyết minh tên Hiền, có đôi mắt đẹp ơi là đẹp, sợ
quá không dám nói thêm gì nữa, chỉ cắm cúi ghi chép lại để... củng cố
kiến thức...
Thời gian vừa rồi, mình lại được
biết rất nhiều hành động yêu nước Việt Nam của "Ông Tây Việt Cộng", như:
Tham gia phản đối tàu Trung Quốc cắt cáp; đặt in khẩu hiệu nhưng bị
"trả lại ông Tây"; phản đối VTV nhà anh Trần Bình Minh đã liệt Trang
Boxit (nơi ông làm Cộng tác viên) vào "Web phản động"... và gần đây nhất
là việc bộ phim "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát", do ông đích
thân ra Lý Sơn thực hiện, được cả tỉnh và Trung ương cho phép, được báo
chí trong và ngoài nước hoan hô, được công chiếu tận bên Pháp về bên
Việt, nhưng hôm rồi lại không được chiếu ở quán cà phê trong Khu Du lịch
Văn Thánh, TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn ông cầm tấm bìa trắng, ghi nắn nót bằng bút dạ đen viết bảng, chắc
mới mượn của các cháu nhân viên, phân công ca làm việc trong quán: "Tôi
Hồ Cương Quyết công dân Việt Nam phản đối các hoạt động phi pháp và bạo
động của Công an TP. Hồ Chí Minh ngăn chặn và cấm việc chiếu phim tài
liệu "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát" dù đó là tiếng nói của đồng
bào ngư dân miền Trung và hoàn toàn có lợi cho Việt Nam trong sự nghiệp
khẳng định quyền chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa", mình thấy thương
"Ông Tây Việt Cộng" quá đi mất...
Vẫn biết ông
đã được nhập quốc tịch Việt Nam, được cấp Chứng minh nhân dân, được
"đảm bảo các quyền công dân ghi trong Hiến pháp"... thế nhưng có lẽ ông
mới biết "tương cà mắm muối", chứ chắc chưa hiểu nhiều về tục ngữ mà các
cụ xưa xửa xừa xưa đã đúc rút, truyền lại cho con cháu.
Ông đã nghe và hiểu hết câu: "Nói một đằng, làm một nẻo" chưa?. Ông đã
biết thế nào là "Đừng thấy đỏ mà tưởng chín" chưa?. Ông biết "Nói thì
hay, bắt tay thì dở" chưa?, Ông có hay thế nào là "Nói trước quên sau"
chưa?...
Thôi ông ạ!. Họ chả cho chiếu phim,
thì ông cứ mang về Pháp mà cất cho chắc cú, sớm muộn gì phim của ông chả
vô giá (vì có phải cạnh tranh với Đài Truyền hình, Hãng phim, Cty
Truyền thông nào đâu?), sau vài chục năm nữa, Đài Truyền hình Việt Nam
của anh Trần Bình Minh lại lần mò, tìm mua bản quyền, giống như các anh ý
đã mua phim tài liệu về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của các "ông
Tây" khác, quay từ đời tám hoánh và giới thiệu rầm rộ, chiếu phát kín
mít những dịp trọng đại, tưng bừng?
----------------------------------------------------------------------------------------------------
TB:
Bố cháu nói đúng đấy! Ông chả buồn bực mà làm gì ông ạ!. Nếu vẫn còn
bực, ông nhờ bác Đỗ Trung Quân, chuyên đeo kính tròn xoe, uống bia như
voi uống Philatop, suốt ngày nói chuyện "Hai đua. Ba đua", giống... Đua
ngựa, bạn của bố cháu trong Sài Gòn ấy, tìm mua cuốn "Sát thủ đầu mưng
mủ", mới bị cấm phát hành, đọc xem biết đâu lại nguôi ngoai. Bởi chẳng
riêng bọn trẻ chúng cháu, mà bố mẹ - ông bà cháu cũng hiểu mấy câu cơ
bản: "Nói zậy mà hổng phải zậy", "nằm mơ giữa ban ngày", "mơ hão - hao
mỡ"...
Mong ông đừng "Buồn như con chuồn
chuồn", đừng "chán như con gián", mà hãy coi đó là "chuyện nhỏ như con
thỏ", bởi "đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở"... Khi nào ông ra Hà Nội,
nếu có ngồi cà phê Châu Long với bố cháu, nói chuyện "Yêu như bát bún
riêu", ông nhắc bố cháu cho cháu đi cùng với, để cháu "hồn nhiên như cô
Tiên", mong kiếm gói Bim Bim của ông, "Ông Tây" nhé!..
Nguồn: maithanhhaiddk.blogspot.com