REUTERS/Petar Kujundzic
Hai báo cáo của IMF về tình trạng ngân hàng và tương lai kinh
tế của Trung Quốc không mấy sáng sủa. Nợ xấu của ngân hàng, đe dọa vỡ
bong bóng địa ốc ngày càng đè nặng lên nền kinh tế thứ nhì trên thế
giới.
Ngày 14/11/2011, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố một bản báo cáo về
tình trạng của các ngân hàng Trung Quốc. Theo đó, lĩnh vực tài chính và
ngân hàng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu « nhìn chung vẫn vững mạnh »
nhưng dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đặc biệt là
trước đe dọa vỡ bong bong địa ốc. Chưa đầy 10 ngày sau, cũng IMF trong
"Báo cáo về Phát triển Bền vững của Trung Quốc" không hoàn toàn lạc
quan về tương lai kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu.
Trong bối cảnh kinh tế châu Âu bị đe dọa khủng hoảng và suy thoái,
các đầu tàu kinh tế thế giới khác là Hoa Kỳ, Nhật Bản đều đang bị ách
tắc, những tin xấu về viễn ảnh tăng trưởng của Trung Quốc càng gây hoang
mang.
Nợ xấu, căn bệnh trầm kha của ngân hàng Trung Quốc
Căn cứ vào một cuộc khảo sát trên 17 ngân hàng lớn nhất của Trung
Quốc, bảo đảm đến 83 % các hoạt động của các ngân hàng ngoại thương, Quỹ
Tiền Tệ Quốc Tế đã đi đến kết luận : "nhìn chung, hệ thống ngân hàng
Trung Quốc có khả năng đối phó với những khó khăn riêng lẻ" nhưng sẽ khó
đứng vững nếu như gặp quá nhiều khó khăn dồn dập cùng một lúc như hiện
tượng thiếu tín dụng, khu vực địa ốc bị khủng hoảng, tỷ giá nhân dân tệ
giao động đột ngột hoặc lãi suất ngân hàng biến đổi bất thường.
IMF cũng cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ nợ khó đòi gia tăng. Phía
Trung Quốc nhấn mạnh là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước này đang
trên đà được thu hẹp lại. Tuy nhiên, mọi người còn nhớ là trong hai cuộc
khủng hoảng tài chính gần đây (năm 1999 và 2004) Trung Quốc đã vô cùng
nhức đầu vì nợ xấu. Trong khi đó thì ngân hàng trung ương luôn báo cáo
là tỷ lệ khó đòi chỉ tương đương với 1 % các khoản tín dụng mà hệ thống
ngân hàng trên toàn quốc cấp cho khu vực sản xuất và tư nhân.
Vào thời điểm năm 1999, các chuyên gia quốc tế đã báo trước là tỷ lệ
này tương đương với ít nhất là từ 30 đến 40 %. Cũng phải nói thêm là
khác với hai đợt khủng hoảng tài chính trước đây tại Trung Quốc, lần này
môi trường phát triển kinh tế toàn cầu không được thuận lợi bằng.
Theo đánh giá của ngân hàng Thụy Sĩ, Credit Suisse, trong vài năm sắp
tới, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ lên tới 12
% và như vậy sẽ hút đến 60% thanh khoản của các ngân hàng. Hậu quả trực
tiếp là tiền mặt thêm khan hiếm. Doanh nghiệp tư nhân sẽ càng vất vả
khi đi vay tín dụng.
Trong báo cáo gần đây nhất, chính Quỹ đầu tư của nhà nước Trung Quốc
CICC -cực chẳng đã- phải lên tiếng báo động về hiện tượng nợ khó đòi của
các ngân hàng sẽ tăng lên trong nửa đầu năm 2012. Quỹ CICC cho rằng
"khan hiếm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" là nguyên nhân làm
tăng mức độ rủi ro của ngân hàng.
Dự trữ vốn yếu kém
Thế nhưng đây lại chính là điểm thứ nhì đáng lo ngại trong mắt IMF.
Do để hỗ trợ tiêu thụ nội địa và để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh
tế, chính quyền Bắc Kinh ngay từ cuối 2008 đầu 2009 đã bơm thêm 440 tỷ
đô la vào cỗ máy kinh tế quốc gia. Gói kích cầu này đành rằng đã giúp
Trung Quốc duy trì được tỷ lệ tăng trưởng vẫn trên 8- 9 % một năm. Nhưng
mặt khác hiện tượng « tiền đổ vào như nước » cũng đã góp phần làm suy
yếu thêm hệ thống ngân hàng. Hiểu theo nghĩa các ngân hàng đã dễ dãi cấp
tín dụng, đặc biệt là cho các tập đoàn nhà nước mà không đòi hỏi nhiều
bảo đảm hay không đòi hỏi về hiệu quả kinh tế ....
Ngân hàng Trung Quốc từ 2009 tới nay đã nhắm mắt cho vay và theo :
IMF tại có tới 20 % tín dụng các ngân hàng Trung Quốc cấp cho tư nhân
chỉ được đảm bảo ở mức rất thấp, là chưa đầy 8 %.
Luận điểm này đã bị ngân hàng Ngoại Thương Trung Quốc phản bác lại.
Theo đó tỷ lệ vốn lõi của các ngân hàng Trung Quốc là 21,5 % tức cao vào
mức kỷ lục. Để so sánh, Công ước ngân hàng Bassel 3 quy định đến năm
2013 tỷ lệ vốn lõi so với khoản tín dụng mà một cơ quan tài chính có thể
cho vay tối thiểu phải là 9 %.
Nói một cách dễ hiểu, phía Trung Quốc cho biết để có thể cho vay 100
đồng, ngân hàng cần chứng minh có một khoản dự trữ ít nhất là 21 đồng
rưỡi. Thế nhưng theo các chuyên gia, nếu như tỷ lệ dự trữ của các ngân
hàng Trung Quốc thực sự là ở mức cao kỷ lục 21,5 % thì điều đó chứng tỏ
là ngành ngân hàng ở nước này không mấy tin tưởng vào khả năng thanh
toán của các con nợ. Thêm vào đó không phải bất kỳ một ngân hàng nào ở
Trung Quốc đều có tỷ lệ dự trữ an toàn hơn 20 % như vừa nêu.
Nói như một nhà tài chính nổi tiếng của Hoa Kỳ thì hệ thống ngân
hàng Trung Quốc rất mong manh vì được "xây trên cát lầy". Vùng cát lầy
đó theo quan điểm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là nợ chồng chất của các doanh
nghiệp nhà nước, đặc biệt là của ngành mua bán bất động sản. Chính vì
điểm này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kêu gọi Bắc Kinh nên xét lại tiêu chuẩn
cấp tín dụng cho các đơn vị sản xuất. Định chế tài chính đa quốc gia này
mong mỏi quyết định cấp tín dụng hay không phải được dựa trên các tiêu
chuẩn kinh tế - như mức độ tin cậy đối với người đi vay, hay tiềm năng
phát triển của một cơ sở sản xuất ...- chứ không phải là được căn cứ
trên cơ sở chính trị như hiện nay.
IMF kêu gọi Trung Quốc nên "tiến hành cải cách, kể cả việc cho phép
các ngân hàng hoạt động dựa trên cơ chế thị trường". Để làm được việc
đó, "chính phủ Trung Quốc cần giảm bớt vai trò của mình trong hệ thống
ngân hàng và cho phép các nhà cho vay đưa ra quyết định dựa trên mục
tiêu thương mại".
Nguy cơ thị trường địa ốc sụp đổ
Như vừa nói, nhà đất là một khu vực kinh tế được đặc biệt ưu đãi,
được cấp vốn dồi dào để xây dựng. Với hậu quả là quả bóng địa ốc ở Trung
Quốc đã nổi lên. Giá nhà đất trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình đã liên
tục giảm sút từ tháng 8/2011. Tại các thành phố lớn giá cả nhà đất còn
đổ mạnh hơn. Nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc tại Trung Quốc theo các nhà
quan sát ngày càng rõ nét : từ năm 2009 giá bất động sản ở các thành phố
như Bắc Kinh, Thượng Hải tăng đều đặt hơn 30 % trong một năm. Thế
nhưng, trong ba quý đầu năm, ngành địa ốc tại nước đông dân nhất địa cầu
đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất.
Các vụ kiện chủ thầu bán nhà cho tư nhân với giá quá cao ngày càng
nhiều và bên cạnh đó thì khối lượng các căn hộ, các khu nhà cao tầng đã
xây xong nhưng vẫn còn để trống cũng ngày thêm lớn. Trong khi đó số
người không có nhà ở cũng ngày càng gia tăng khi mà « đồng lương của cả
đời người » chưa chắc đã đủ để sắm một căn nhà tươm tất tại các thành
phố lớn.
Chỉ riêng trong tháng 10, tại thủ đô Bắc Kinh hơn 120 000 căn hộ vừa
được hoàn tất nhưng vẫn chưa tìm được chủ nhân. Hoạt động trì trệ của
ngành địa ốc khiến 177 văn phòng mua bán nhà đất phải đóng cửa và cũng
trong tháng 10, giá nhà ở tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc giảm đi rõ
rệt.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4/2011 cảnh báo là chỉ
cần lạm phát tại Trung Quốc tăng 5 % trong một năm là cũng đủ để đe dọa
đến sự phồn thịnh của ngành địa ốc. Lạm phát Trung Quốc trong tháng 10
vừa qua đã lên tới 5, 5 %.
Để làm hạ nhiệt trên thị trường bất động sản, chính quyền Bắc Kinh đã
tìm cách « kiểm soát » giá nhà đất, giới hạn các dịch vụ mua nhà đầu
cơ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các « liều thuốc » này có hiệu quả hay
không và làm sao chính quyền có thể kiếm soát được các vụ mua bán nhà
đất đó ?
Địa ốc và núi nợ 1000 tỷ euro của các chính quyền địa phương
Thêm một vấn đề khác đặt ra : do muốn tránh để xảy ra hiện tượng « bể
bong bóng địa ốc », Trung Quốc đã yêu cầu giới ngân hàng từng bước siết
lại các vòi tín dụng, đòi tư nhân phải chứng minh là có những bảo đảm
thế chấp ngày càng lớn. Mặt khác thì chính quyền cũng đã áp dụng các
biện pháp tăng thuế nhà đất. Các biện pháp này đã khiến hoạt động của
ngành địa ốc « chạy chậm » lại. Nhưng khi tư nhân dời lại dự án tậu nhà,
thì nạn nhân đầu tiên lại là các chính quyền địa phương. Câu hỏi đặt ra
là làm sao Bắc Kinh có thể giải quyết núi nợ 1000 tỷ euro của các chính
quyền địa phương do chỉ có chính quyền địa phương mới đủ thẩm quyền
trưng thu hay mua lại đất đai để xây dựng những khu nhà cao tầng.
Dự báo của nhiều trung tâm quốc tế nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc
cho thấy, nhiều vụ biểu tình trước các công ty bất động sản sẽ diễn ra
trong tương lai khi những người mua nhà, nhận thấy rằng căn hộ họ đã mua
với giá quá đắt không phản ánh đúng giá trị của nó. Khi đó liệu chính
sách kiểm soát tiền tệ để kềm hãm lạm phát của Bắc Kinh sẽ còn có hiệu
quả hay không ?
Trở lại với hai báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế về tình trạng ngân
hàng và phát triển bền vững của Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn
Xuân Nghĩa nêu lên những lý do giải thích vì sao IMF không chút lạc quan
khi nhìn vào cỗ máy kinh tế đồ sộ của ông khổng lồ châu Á này.
Trước hết chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết vì sao trong chưa đầy
10 ngày Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lại công bố hai văn bản về tình hình Trung
Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau vụ khủng hoảng Đông Á vào các
năm 1997-1998, từ năm 1999, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có chương trình
lượng định tài chính trong 25 khu vực kinh tế của địa cầu, tiến hành mỗi
năm năm cùng Ngân hàng Thế giới. Mục đích là để khỏi bị khủng hoảng bất
ngờ như thế giới đã từng bị. Căn cứ trên dữ kiện tình hình năm ngoái,
báo cáo IMF về hệ thống tài chính Trung Quốc thuộc khuôn khổ đó, và hoàn
tất từ Tháng Sáu, nên không hẳn là một sự biện bạch từ những gì đang
xảy ra tại Âu châu. Thế rồi, cũng do sự bất ổn chung, Quỹ IMF mới chủ
động thanh tra và thẩm lượng mức độ an toàn của các hệ thống tài chính
tại 25 quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Quốc, vì có thể gieo họa
cho cả cơ cấu quốc tế.
Chuyện thứ hai là giữa những bất trắc của kinh tế toàn cầu, từ Thượng
đỉnh năm ngoái của nhóm G-20, IMF được yêu cầu đáng giá khả năng phát
triển bền vững của bẩy đầu máy kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật
Bản, Đức, Anh, Pháp và Ấn Độ, và báo cáo cho Thượng đỉnh G-20 tại Cannes
vào tháng 11 vừa rồi. Phúc trình về khả năng bền vững của kinh tế Trung
Quốc được soạn thảo trong mục tiêu đó, với sự đồng ý và hợp tác của Bắc
Kinh. Nó đáng chú ý vì nói đến tình trạng bấp bênh của kinh tế Trung
Quốc và sự khác biệt về cách ứng phó của Bắc Kinh và IMF.
Tuy nhiên, ngay trước mắt thì người ta chú ý đến hồ sơ cấp bách hơn
của tương lai ngắn hạn, đó là những rủi ro trong hệ thống tài chính và
ngân hàng của Trung Quốc.
RFI: Theo dõi hồ sơ tài chính này từ lâu, anh
nghĩ sao về những yếu kém của hệ thống ngân hàng Trung Quốc qua cách
đánh giả của Quỹ Tiền tệ Quốc tế?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Phúc trình IMF có đầy thuật ngữ
chuyên môn lồng trong ngôn từ ngoại giao lịch sự của một định chế quốc
tế nên có thể không phản ảnh hết sự u ám của cả kiến trúc tài chính
Trung Quốc. Chưa kể là họ cũng không muốn gây thêm tâm lý hốt hoảng vào
lúc này!
Một cách cụ thể thì sau khi ngợi ca thành tích cải cách kinh tế của
Trung Quốc, IMF nêu ra cả chục rủi ro. Trước hết là bốn rủi ro ngắn hạn
của các ngân hàng Trung Quốc, rồi nguy cơ bất ổn về cơ cấu trong tương
lai trung hạn - từ hai đến năm năm tới - nếu không tiến hành cải cách hệ
thống tài chính và ngân hàng. Sau cùng, quan trọng nhất là sự lệch lạc
do chính sách kinh tế chính trị gây ra cho xứ này.
RFI: Chúng ta sẽ bắt đầu từ bốn loại hiểm tai trước mắt, thưa anh, đó là những rủi ro gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là hậu quả về cả phẩm
lẫn lượng của việc ào ạt bơm tín dụng vào kinh tế qua hệ thống ngân hàng
và doanh nghiệp của nhà nước. Vì được bơm tiền quá nhiều mà sổ sách
luật lệ thiếu nghiêm minh thì người ta không thẩm định rủi ro khi cho
vay, nên càng không tính ra được rủi ro tín dụng. Nguy cơ khủng hoảng
được đánh giá là từ trung bình đến cao.
Thứ hai là hiện tượng tài trợ ngoại ngạch, là khỏi bút ghi trong kết
toán tài sản các nghiệp vụ tài trợ nên gây ra nạn ngộ dụng tài nguyên,
là bơm tiền không đúng chỗ. Hệ thống tài chính Trung Quốc không chỉ có
các ngân hàng bị đe dọa mất nợ mà còn có tình trạng bơm tiền vào hoạt
động đầu cơ về địa ốc hay thương phẩm - và trước mắt thì còn gây ra rủi
ro lạm phát khá cao.
Thứ ba, nạn đầu cơ thổi lên bong bóng địa ốc làm giá cả bất động sản
tăng vọt, dẫn tới rủi ro bể bóng làm ngân hàng mất nợ vì đã và đang tích
lũy nhiều khoản nợ khó đòi và sẽ mất. Mà rủi ro đến cỡ nào thì khó ai
biết được vì sổ sách mờ ảo và lại được bảo vệ bởi quy tắc bí mật quốc
gia.
Vấn đề thứ tư, chính là cơ chế mất quân bình hiện tại với vai trò quá
lớn của doanh nghiệp nhà nước và thẩm quyền mờ ám của các địa phương
khi tiến hành đầu tư để kích thích kinh tế bằng cách đi vay ngân hàng
cũng của nhà nước ở địa phương. Kết cuộc là một núi nợ rất lớn có thể
sụp đổ. Mà lớn tới cỡ nào thì các ngân hàng và cả trung ương vẫn chưa
biết được.
RFI: Đấy là loại rủi ro ngay trong ngắn hạn, chứ trong trung hạn thì bất ổn về cơ cấu đó là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kiến trúc tài chính và ngân hàng
phải có chức năng yểm trợ phát triển kinh tế trong lâu dài nên cần được
cải cách. Nhưng nạn sơ cứng trong chính sách quản lý vĩ mô lại cản trở
việc cải cách này, cho nên Trung Quốc không chỉ gặp rủi ro trước mắt mà
còn tích lũy bất ổn cho tương lai trung hạn. Then chốt ở đây là thứ
nhất, chính sách vĩ mô nhằm đạt mức tăng trưởng cao về lượng mà không
chú ý đến phẩm, và thứ hai là chức năng phân phối tài nguyên hay tín
dụng lại chủ yếu nằm trong tay nhà nước, qua ngân hàng và doanh nghiệp
nhà nước, từ cấp trung ương đến các địa phương.Vì vậy mà nếu xứ này có
thoát rủi ro nhất thời thì sau đó vẫn còn nhiều nguy cơ hoạn nạn!
RFI: Sau khi lượng định như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo các ngân hàng của Trung Quốc nên cải tổ như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ khuyến cáo qua 29 đề nghị khá
rắc rối! Về đại thể, chính quyền phải đẩy mạnh hơn việc cải cách ngân
hàng theo quy luật thị trường và quy củ kinh doanh: khi cho vay thì phải
biết tính lời lỗ, có chứng từ sách phân minh, cần thẩm định rủi ro cho
chính xác để ngân hàng đảm nhiệm cho tròn chức năng thu hút tiết kiệm và
phân phối tín dụng sao cho an toàn và có lời. Song song, chính quyền
phải bớt can thiệp vào nghiệp vụ ngân hàng, cần loại khí cụ điều tiết
tiền tệ và tín dụng tinh vi hơn là quyết định hành chính thô thiển như
hiện tại. Cao hơn vậy, bản phúc trình còn đề nghị gia tăng quyền độc lập
cho Ngân hàng Trung ương và khả năng lượng định tinh tế hơn cho các cơ
quan hữu trách ở trên hầu lãnh đạo có thể thấy trước rủi ro mà còn kịp
ngăn ngừa. Đây là một loạt khuyến cáo về cải cách định chế, hoặc "định
chế hóa" sự vận hành của các ngân hàng theo sát với tiêu chuẩn quốc tế.
RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, nếu dự báo này xảy ra thì nguy cơ với các ngân hàng Trung Quốc là gì và hậu quả sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau ba đợt "trắc nghiệm ứng suất"
hay "stress test" của các ngân hàng Âu châu với kết quả tưởng khả quan
mà thực tế vẫn gây nhức tim, Quỹ Tiền tệ IMF cùng Trung Quốc cũng đã
trắc nghiệm khả năng ứng phó với sóng gió của 17 ngân hàng Trung Quốc.
Kết quả cũng có vẻ an toàn nếu có bị hiệu ứng của vài ba cú sốc đơn lẻ,
chứ thật ra tình hình lại nguy ngập hơn mà chẳng ai tính ra vì thiếu
thông tin khả tín ở mọi cấp!
Đa số dân Trung Quốc còn nghèo mà tiết kiệm lại rất cao, đến 40 lợi
tức vì họ thiếu mạng lưới an sinh ở dưới. Khi ngân hàng sụp đổ, dân
nghèo chết trước, doanh nghiệp phá sản và dân thất nghiệp sẽ theo sau.
Hiện nay, các tiểu doanh thương của tư nhân đều đã ở mé bờ khủng hoảng
và nạn cho vay lãi cắt cổ trên thị trường tín dụng đen đã thành phổ
biến. Nếu hệ thống tài chính này bị đổ thì vấn đề không chỉ là kinh tế
hay xã hội mà sẽ dội lên thượng tầng chính trị. Ở một nước thiếu dân chủ
như Trung Quốc, có lẽ những biến động xã hội và chính trị như tại Âu
châu chỉ là chuyện lãng du. Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không biết mối
nguy đó nên Kế hoạch năm năm thứ 12 mới đặt ưu tiên là cải cách và IMF
nhân đó mà đề nghị cải cách mạnh hơn.