Người ta gọi là chợ người lao động bởi ở đây tụ họp rất nhiều người, nhưng chỉ mua bán một loại hàng hóa duy nhất: Sức lao động.
Những mảnh đời đi bán sức lao động
Mỗi ngày đều có hàng trăm người ra đây ngồi ngóng xem có ai đến “mua”
sức thì “bán”. Họ có thể làm bất cứ việc gì từ quét dọn, lau nhà, đến
gánh đất cát, chở gạch, bốc xi măng, chuyển nhà…
Thời điểm này những năm trước, người lao động thời vụ “chạy sô” cũng
không hết việc. Nhưng năm nay, khắp các chợ lao động tại Hà Nội như:
đường Bưởi, ngã tư Giảng Võ, chân cầu vượt Mai Dịch…đều chung một cảnh
nặng nề, ế ẩm.
Dù 12 giờ trưa nhưng chợ người lao động ở đường Bưởi vẫn có gần 40-50 người ngồi ngóng việc. Có thời điểm, ở đây tập trung hơn trăm lao động mà chủ yếu quê ở Nghệ An, Thanh Hoá…
Mỗi người một hoàn cảnh, có người vì quá ít ruộng, có người vì lụt
lội, mất mùa triền miên, có người đi xuất khẩu lao động nhưng phải về và
đang gánh nợ hàng trăm triệu, có những cậu sinh viên mới ra trường,
chưa xin được việc làm… đều ra “chợ người” để bán sức lao động.
Mùa vừa rồi bị lụt nên cả 6 sào ruộng nhà anh Nguyễn Hồ Đức, quê Kiến Thạch, Nghệ An đều mất trắng.
Bây giờ gạo ăn cũng phải đi đong từng ngày. Anh phải ra đây làm để
hàng tháng có tiền gửi về quê cho vợ mua gạo, cho 2 cậu con trai đang
học trong thành phố Hồ Chí Minh và cậu con út học lớp 12.
“Chưa đến cuối tháng ở quê đã điện lên nào là nhà hết gạo, đứa
xin tiền đóng học phí, đứa chuẩn bị thi tốt nghiệp, đứa mua sách vở…nên
mỗi lần về quê chưa được mươi ngày đã hết tiền. Có lần còn không đủ trả
nợ. Vậy là lại vội vàng khăn gói ra đây, chứ ở quê bây giờ thì “chết” cả
nhà!” – anh Đức chia sẻ.
Còn hai cha con bác Nguyễn Hữu Thịnh và anh Nguyễn Hữu Bảy đã làm ở
khu chợ người lao động này được hơn 3 năm nhưng với hoàn cảnh khác.
Những năm trước ở các làng quê Việt Nam rộ lên phong trào xuất khẩu lao
động đi nước ngoài.
Với ước mơ sẽ nhanh chóng đổi đời, không ít những người nông dân nghèo đã chạy vạy vay mượn khắp nơi từ người thân đến ngân hàng để có tiền đi xuất khẩu. Cả nhà anh Bảy vay mượn được hơn 100 triệu cho anh sang Ả Rập Xê Út lao động.
Nhưng đi chưa đầy một tháng anh đã phải về nước vì tin vợ ốm nặng.
Vậy là không những không có tiền mang về, anh còn phải gánh cả một cục
nợ trên vai.
Rồi hai bố con tìm đường ra Hà Nội mưu sinh và đến khu chợ người lao
động này. Bác Thịnh hằng ngày chạy xe ôm, còn anh Bảy thì ai mướn việc
gì làm việc đó, bất kể nặng nhọc như vác xi măng, vác gạch, đào móng
nhà…với hy vọng sẽ kiếm được đủ tiền trang trải số nợ hàng trăm triệu
kia.
Còn với Nguyễn Đức Hải, cậu thanh niên còn trẻ măng, dù đã tốt nghiệp
trường Đại học dân lập Đông Đô nhưng chưa xin được việc làm nên ra đây
để chạy xe ôm và đợi người ta thuê mướn.
Khu chợ người lao động ở chân cầu vượt Mai Dịch phần nhiều đều là
những chị em phụ nữ ở Diễn – Phùng tranh thủ lúc nông nhàn ra đây đề
kiếm thêm thu nhập. Cả chợ ai cũng biết đến hai vợ chồng anh N.V.T và
chị N.T.L.
Không chỉ bởi hoàn cảnh của anh chị rất khó khăn, mà bởi nhờ “bán
sức” ở khu chợ người lao động này mà anh chị đã nuôi 3 đứa con ăn học
trưởng thành. Các con của anh chị bây giờ đều là sinh viên của những
trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
“Có con học đại học, vui thì vui thật, nhưng lo lắm. Mỗi tháng
kiểu gì cũng phải để ra được 3 triệu cho ba đứa. Còn thiếu bao nhiêu
chúng nó phải tự đi làm thêm để trang trải” – anh chị tâm sự trong tiếng thở dài.
Người càng đông, “chợ” càng ế ẩm
Vì mua bán một loại “hàng hóa” đặc biệt nên chợ người cũng không giống những phiên chợ thường.
Ở đây người càng đông, chợ càng ế ẩm. Bởi việc làm thì ít mà người đi “bán sức” ngày một nhiều.
Chẳng thế mà mỗi khi có người hỏi “Đây có phải “chợ người” không?”,
thì tất cả mọi người cùng đổ xô lại: “Đúng! Đúng rồi! Anh cần làm gì hả
anh? Cần bao nhiêu người chúng em cũng có!”. Nhưng rồi người ta chỉ thuê
hai thanh niên khỏe mạnh nhất, còn những người khác lại ngồi trông
ngóng.
Nhìn cảnh người đứng, người ngồi, người nằm, người gục mặt tranh thủ ngủ…mới thấy hết cảnh ảm đạm và ế ẩm ở khu chợ người này.
Bác Nguyễn Bá Vượng, quê ở Nghệ An ra đây làm nghề xe ôm đã được hơn
10 năm cho biết: Những năm trước chợ còn thưa người, việc làm cũng còn
nhiều thì ngày cao điểm, có thể kiếm được năm trăm đến sáu trăm nghìn.
Còn bây giờ ngày nào may mắn ra mới được trăm rưỡi, hai trăm nghìn…
Còn phần nhiều là không có khách, sáng đi, tối lại về không! Theo bác
thì cũng vì người đến họp chợ đông quá. Ngày trước chỉ có một vài người
chở xe ôm như bác, bây giờ cả khu chợ này có không dưới 20 người cũng
làm nghề xe ôm. Kiếm được đồng tiền ngày càng khó khăn.
Nhìn đôi mắt đầy lo âu của người cha đã ngoài ngũ tuần này, chúng tôi
không khỏi xót xa. Ở nơi kia, 4 đứa con đang ăn học trong miền Nam vẫn
từng ngày mong tin bác!
Hai cha con bác Thịnh và anh Bảy cũng không khá hơn. Anh Bảy tâm sự
từ năm ngoái đến nay, người đến thuê việc ít đi hẳn. Hôm nào may mắn ra
thì được một hai người thuê đi bốc vác chốc lát.
Còn lại, cả ngày ngồi chơi thế này. Có đến mấy hôm cả hai cha con không kiếm được việc gì để làm, đành đi nhặt rác, thu gom vỏ chai, đồ đồng nát để bán lấy tiền sống qua ngày.
Vừa nhìn xa xăm, bác Thịnh vừa tâm sự: “Có lẽ mấy hôm nữa lại
phải khăn gói về quê như những lần trước. Vì trên này bây giờ cái gì
cũng đắt ghê người. Ăn một bữa cơm bụi 20 nghìn mà vẫn còn đói. Tiền
phòng trọ, điện nước mỗi tháng bèo ra cũng bảy, tám trăm nghìn mà việc
làm thì vẫn không có”.
Cũng như cha con bác Thịnh, anh Bảy, ở đây khuôn mặt ai cũng khắc
khổ, sạm đen vì nắng gió miền Trung, hay vì suốt bao năm nay, cái nghèo,
cái khổ vẫn đeo đẳng họ mãi không thôi.
Ai cũng ước, giá như quê mình có một khu công nghiệp nào đó, hay nhà
nước định hướng cho bà con phát triển một nghề nào đó ở quê thì sẽ không
còn ai phải tha hương, hằng ngày phải nghe những câu hỏi đắng lòng của
người đến “mua sức”: “Đây là “chợ người” phải không?!”.
Biết đến bao giờ ở Hà Nội, thủ đô của Thiên Đường XHCN ViệtNam mới không còn những khu chợ người lao động
như thế này nữa? Để không còn những ước muốn nghẹn lòng như ai đó ở đây
đã buột miệng nói ra: “Ước gì bây giờ có vài tấn xi măng để người ta
thuê mình vác nhỉ?!”.