Nguyễn Thái Linh - Lê Minh Phiếu - Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
TT – Làm cách nào để Việt Nam giải quyết và đòi hỏi chủ
quyền quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình (như khẳng định của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội)?
Các thành viên của Quỹ Nghiên cứu biển Đông đưa ra một số cơ sở và bước đi để hiện thực hóa công việc này của Việt Nam.
Xác lập chủ quyền
Không thể chinh phục lãnh thổ bằng vũ lực |
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay
Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.
Trong suốt ba thế kỷ từ 17-19, chính quyền phong kiến Việt Nam đã
thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách
thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hằng
năm để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu
lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu
tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền
nước ngoài gặp nạn.
Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự
phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc.
Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô
chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn
thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ
đó. Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc
thật sự – tức là chiếm hữu thật sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ
phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành
chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai – việc chiếm
hữu phải được các quốc gia khác công nhận. Một cá nhân hay một công ty
không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.
Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thật sự đồng thời còn
đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus), nghĩa là ý chí của quốc gia muốn
chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.
Việc thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam có đầy đủ
các yếu tố vật chất và tinh thần, được thực hiện trong một thời gian dài
hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các
nước khác, đảm bảo được cả nguyên tắc thật sự và nguyên tắc công khai,
do đó việc xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bởi Việt Nam trong thời
kỳ nhà nước phong kiến là không thể tranh cãi và ít nhất từ thế kỷ 17,
Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ (terra nullius).
Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam, Pháp đã đại diện cho
Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Đến ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền
Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày
22-8-1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã
thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa và
đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2-7-1976 là
bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục sở hữu danh
nghĩa pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.
Tuy đã mất yếu tố vật chất do bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực,
nhưng Việt Nam vẫn luôn thực thi chủ quyền của mình bằng yếu tố tinh
thần. Tháng 12-1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc
tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Đấu tranh ngoại giao
Chúng ta cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên
Hiệp Quốc, APEC, ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á… nhằm tranh thủ công luận
quốc tế cho một cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc. Thiếu sự hỗ
trợ tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế sẽ khiến khả năng chấp
nhận của Trung Quốc trên bàn đàm phán song phương vốn đang khó khăn sẽ
càng khó khăn hơn.
Đương nhiên, không thể không vận dụng sức mạnh của dư luận và trí tuệ
nhân dân, học giả và chuyên gia các giới Việt Nam trong và ngoài nước
để tác động đến nhân dân thế giới và những nhà đàm phán Trung Quốc.
Những tác động này phải đủ mạnh và kiên trì, nhưng đồng thời cũng
khẳng định thiện chí đàm phán và hợp tác hòa bình với Trung Quốc.
Chúng ta cần đưa vấn đề Hoàng Sa ra đàm phán song phương với phía
Trung Quốc cùng lúc phân tích cái lợi của việc đàm phán này đối với các
lợi ích khác của Trung Quốc như sức mạnh mềm, bình an ở vùng biển phía
nam để phát triển kinh tế của họ.
Và cần đưa việc tranh chấp Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC
(Quy tắc ứng xử trên biển Đông) cũng như các văn bản khác trong tương
lai. Tất nhiên chúng ta vận dụng khéo léo vị thế mà mình đang có để đàm
phán với Trung Quốc để họ hiểu rằng đàm phán song phương và hòa bình là
cách mà Trung Quốc sẽ được nhiều hơn về uy tín trên trường quốc tế.
Lập cơ quan chuyên trách
Trước hết, Nhà nước cần lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối và quy
tụ các trí thức am hiểu về ngoại giao, sử học, công pháp quốc tế, Trung
Quốc học để liên tục đưa ra yêu cầu giải quyết và khẳng định chủ quyền
Hoàng Sa một cách thiện chí và hòa bình. Cơ quan này có trách nhiệm
chuẩn bị cho chứng cứ pháp lý và lịch sử, sẵn sàng cho việc đưa tranh
chấp Hoàng Sa ra Tòa án công lý quốc tế (IJC).
Chúng ta cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những vụ án xét xử tranh
chấp lãnh thổ giữa các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia,
Thái Lan.
Theo luật quốc tế, tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp
một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của tòa cho
vụ tranh chấp đó.
Hiện tại, Trung Quốc chưa hề công nhận thẩm quyền xét xử của tòa cho
tranh chấp biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không thể khởi kiện Trung Quốc
trước tòa để giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa.
Chúng ta cần đàm phán, gây áp lực với Trung Quốc để đạt được một sự
đồng ý của Trung Quốc nhằm đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước IJC.
Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ. Vì vậy các kinh nghiệm về đấu tranh,
kiến thức về đàm phán, pháp luật, lịch sử cũng cần được học tập và ứng
dụng một cách lâu dài.
Nhà nước cần phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn dân và
kiều bào để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân ta
thông hiểu đầy đủ thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và
tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới.
Chúng ta cần kêu gọi tập trung chứng cứ về Hoàng Sa, đồng thời đề nghị
các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống
hóa các chứng cứ này.
Và điều rất quan trọng là chúng ta chủ động chọn thời điểm để nêu vấn
đề khôi phục và thu hồi Hoàng Sa tại các diễn đàn thế giới và khu vực
để chuẩn bị dư luận ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chúng ta làm chủ Hoàng Sa từ lâu"
Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thật sự ít nhất là từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế. Năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước về Luật biển, phù hợp với tuyên bố DOC. (Trích nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG ngày 25-11-2011) |