"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 28. März 2012

8 bí quyết phát triển kỹ năng nói của trẻ em


Đừng chờ đến khi bé biết đi mới bắt đầu dạy bé nói. Làm thế là bạn đã bỏ lỡ cả năm trời tích lũy vốn từ của trẻ Ngoài ra, nếu bé thường xuyên bị stress thì đừng mong bé có thể diễn đạt tốt ngôn ngữ của mình...  

Dưới đây là 8 bí quyết góp phần phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ:

1. Hãy nói chuyện nhiều hơn

Có thể bạn đã từng nghĩ rằng trẻ sơ sinh không hiểu những gì bạn đã nói. Những công trình khoa học mới nhất đã bác bỏ điều ấy. Thật ra bé đã có thể cảm nhận được những cử chỉ yêu thương và những lời trìu mến của bạn ngay từ khi còn trong bào thai. Hãy trò chuyện với bé nhiều hơn nữa, cho dù chúng chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của những từ ấy. Đây chính là quá trình trẻ tích lũy vốn từ của mình.

Với trẻ lên 3 tuổi, hãy trò chuyện với con về các chương trình TV hay về bất kỳ phim nào mà nó từng xem. Theo đó, trẻ có thể kể lại cho bạn nghe về cảnh trí hay nhân vật trong phim. Hãy giúp trẻ tưởng tượng và hành động nếu chúng đóng vai các nhân vật đó. Phim có gợi cho trẻ nhớ về một câu chuyện nó đã từng đọc hay nghe trước đây không?

2. Đọc sách cho trẻ nghe thật nhiều

Tương tự phương pháp như đã nêu trên, ngay từ lúc bào thai, bạn cũng hãy đọc cho trẻ nghe những bài thơ, các đoạn văn, ca dao tục ngữ…. Bạn cũng có thể hát hoặc ngâm thơ cho bé nghe bằng chính giọng bình thường của mình (không cần có nhạc).
Với trẻ lớn hơn, bạn hãy đọc cho bé nghe các truyện tranh vui (Hãy để trẻ cắt và sưu tập những truyện nó thích). Bạn cũng có thể đọc cho trẻ nghe các mục liên quan đến lứa tuổi của bé trên báo hay tivi, hoạt động của các bạn cùng lứa, quảng cáo mua bán đồ chơi, quần áo dành cho lứa tuổi của trẻ. Bạn hãy đọc cho bé nghe thật nhiều, từ lúc bé không hiểu gì cho đến lúc chúng bật cười khi hiểu được những điều ấy.

3. Giải tỏa stress và chữa tật nói lắp

Những trẻ 3-5 tuổi thường bị tật nói lắp. Nguyên nhân là do stress. Các bậc cha mẹ có thể chữa được tật này bằng cách hướng dẫn các em cách đối phó hoặc giải tỏa các trạng thái căng thẳng. Chỉ khi nào bé thật sự có cảm giác bình an thì tật nói lắp cũng sẽ tự nhiên được khắc chế.

Ngay từ lúc còn là bào thai, nếu một người mẹ có khả năng cảm nhận tinh tế, người mẹ ấy sẽ nhận ra những điều làm con mình vui thích. Khi sinh ra và những năm đầu đời, các bậc cha mẹ cũng có thể nhận ra những gì làm con mình yêu - ghét - vui mừng hoặc sợ hãi. Bạn hãy ghi nhớ những cảm nhận quan trọng ấy. Khi nhận thấy con yêu có những biểu hiện căng thẳng, lo lắng hoặc sợ hãi, bạn hãy tìm cách giúp bé giải tỏa. Nếu bé thường xuyên bị stress thì đừng mong bé có thể diễn đạt tốt ngôn ngữ của mình.

4. Dạy trẻ chính xác từ mới

Trẻ bắt đầu học nói từ lúc 10 tháng tuổi. Thời gian này trẻ quan tâm đến những từ bạn nói có liên quan đến vật mà chúng thích. Bạn cần dạy trẻ chính xác tên gọi những vật mà bé thích (cái gối, cây viết, quyển sách….). Bạn không nên dùng từ “măm măm” để thay từ “ăn”, không dùng “gâu gâu” để chỉ con chó…. Hãy dạy trẻ tên chính xác của mọi vật theo khoa học.

Từ 18 tháng trẻ bắt đầu quan tâm đến sự hứng thú của người nói. Đây là giai đoạn chuyển biến khác hẳn cách thức trẻ học từ mới so với giai đoạn trước đó. Từ chỗ trẻ “thích hỏi” từ mới sẽ chuyển sang “lắng nghe” những gì bạn đề cập đến. Ở giai đoạn này trẻ cũng bắt đầu biết “phản ứng” khi bạn gọi tên một vật khác với những gì mà chúng “đã biết” trước đó!

Với trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ cả về từ đồng nghĩa và trái nghĩa, các tên gọi khác nhau của một vật/hiện tượng. Hãy mở từ điển và chọn một từ (trẻ đã biết), đọc cho trẻ nghe định nghĩa của từ đó và xem trẻ có thể đoán được là từ gì không.

5. Luyện đọc nhiều hơn

Các chuyên gia đã khẳng định, kỹ năng nói có liên hệ nhân quả với kỹ năng đọc. Do vậy, muốn trẻ phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ một cách tinh tế thì trước hết phải giúp trẻ đọc giỏi. Cũng cần giúp trẻ phân biệt cách đọc theo ngữ pháp và đọc hiểu ý.

Khi trẻ biết đọc, cần giúp trẻ đọc các dòng chữ trên các bảng hiệu/pano, tên đường phố, đặc biệt là những dòng chữ trong các chương trình TV, phim ảnh có phụ đề...
 
6. Lưu ý rèn luyện vận động

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên về điều này. Tại sao vận động lại có tác động đến khả năng diễn đạt ngôn ngữ của con người? Các nghiên cứu khoa học đã kết luận, những người thuận tay phải sẽ ăn nói lưu loát hơn những người thuận tay trái. Các hoạt động của tay phải sẽ tác động đến bán cầu não trái - còn gọi là “bán cầu ưu thế ngôn ngữ”. Do đó, để con bạn có kỹ năng nói tốt hãy tập cho trẻ chơi và sử dụng tay phải nhiều hơn.

Mặt khác, trẻ sẽ không thể phát triển ổn định khả năng nói khi sức khỏe kém. Bạn cần cho trẻ vận động nhiều hơn. Chú ý những trò chơi kéo dài hơi thở (như chơi u) và tăng cường vận động đồng đều cả 2 tay 2 chân.

7. Lưu ý chế độ dinh dưỡng

Sự hấp thu đa dạng và hợp lý các chất dinh dưỡng có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của não bộ, cơ thể và cả khả năng ghi nhớ và diễn đạt từ ngữ của trẻ. Trong nhóm này bạn nên tránh cho trẻ dùng những chất quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay. Thuốc lá rất nguy hại đến phổi và hệ thống phát âm của trẻ.

8. Một số bài tập tăng cường khả năng diễn đạt của trẻ

Bạn có thể giúp trẻ nói chuyện lưu loát hơn khi áp dụng các “bài tập” từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, với yêu cầu phải chỉnh sửa kịp thời các lỗi dùng từ hoặc phong cách không hợp lý. Hãy cùng trẻ chơi trò “Tự giới thiệu mình, nhóm bạn hoặc gia đình mình”. Hãy biến các ngôn từ giao tiếp hàng ngày (cảm ơn, xin lỗi, chào, chúc…) thành phản xạ nói tự nhiên của trẻ. Cũng nên bảo trẻ kể lại tóm tắt một sự kiện, bộ phim hoặc câu chuyện đã xem và bài học qua các câu chuyện ấy… Hãy giúp trẻ thể hiện khả năng nói của mình với số lượng cử tọa đông dần. Cũng đôi khi bạn nên để trẻ đứng trên bục cao khi hát hoặc “bi bô” để cả nhà cùng thưởng thức. Một số trẻ tỏ ra rất thích khi xem lại những đoạn video clip mà mình làm “nghệ sĩ” chính!

Bạn hãy lưu tâm thực hiện tất cả những vấn đề nêu trên, sự “bùng phát vốn từ” của mỗi bé có thể diễn ra nhanh hoặc chậm, có khi chỉ sau một đêm, nhưng cũng có khi “nhích từng bước một”. Bạn chỉ thực sự cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ hoặc chuyên gia, khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1 mà vẫn chưa hình thành và ổn định khả năng diễn đạt ngôn ngữ của mình.

Lê Huỳnh - Trưởng bộ môn Giáo dục kỹ năng sống
Trung tâm đào tạo Huấn luyện viên võ thuật VN