Thủ đô Phnompenh chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Asean, ảnh chụp ngày 21/03/2012
REUTERS/Samrang Pring
Lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á sẽ họp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại thủ đô Cam Bốt trong hai ngày 03/04 và 04/04. Trong một bản thông cáo công bố hôm nay, 29/03/2012, Bộ Ngoại giao Philippines đã tiết lộ các vấn đề sẽ được Tổng thống nước này đề cập đến với các đồng nhiệm, trong đó hồ sơ Biển Đông là một trong những ưu tiên.
Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Philippines nói rõ: “Tổng thống sẽ thúc đẩy các vấn đề an ninh hàng hải và biển Tây Philippines (tên mà Manila đặt cho vùng Biển Đông), biến đổi khí hậu và phương thức giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ và chăm lo phúc lợi cho những người lao động nhập cư, phát huy các doanh nghiệp vừa và nhỏ để củng cố việc thực thi bản Hiến chương ASEAN và góp phần vào nỗ lực của khu vực nhằm tiến tới việc thành lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”.
Một cách cụ thể, theo tiết lộ của bà Teresita Barsana, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, trong buổi họp kín ngày 04/04, Tổng thống Aquino sẽ yêu cầu các lãnh đạo ASEAN ủng hộ sáng kiến thành lập Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác tại vùng biển Tây Philippines.
Theo bà Barsana, các buổi họp kín trong khuôn khổ các hội nghị ASEAN (thuật ngữ ASEAN gọi là “retreat”) là “môi trường không chính thức để các lãnh đạo tự do thảo luận về những vấn đề chung của khối cũng như những vấn đề thời sự nóng bỏng”. Tại Phom Penh lần này, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ trao đổi quan điểm về các hồ sơ quốc tế và khu vực, và đặc biệt là việc thực thi bản Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC.
Hồ sơ Biển Đông trong thời gian gần đây đã nổi cộm lên trong quan hệ giữa Trung Quốc với hai láng giềng Đông Nam Á là Philippines và Việt Nam, với việc Bắc Kinh liên tiếp bị tố cáo là đã dùng các biện pháp thô bạo nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên những khu vực mà họ tranh chấp, đặc biệt là với Manila và Hà Nội tại Biển Đông.
Vào năm ngoái, Philippines đã tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào "vùng thuộc thẩm quyền hàng hải" của mình sau khi tàu Trung Quốc bị phát hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Mới đây, hồ sơ Biển Đông lại nóng lên trong quan hệ Manila – Bắc Kinh với việc Philippines chuẩn bị cấp giấy phép cho thăm dò dầu khí tại một số lô ngoài khơi đảo Palawan của họ, nhưng lại bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines đã bác bỏ lập luận cho rằng Cam Bốt, đồng minh của Trung Quốc, sẽ tìm cách cản trở các cuộc thảo luận về Biển Đông tại Hội nghị ASEAN, ghi nhận là chính Cam Bốt đã «khuyến khích việc xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử COC tương ứng với việc thực thi bản Tuyên bố ứng xử DOC».
Theo bà Barsana, chính quyền Phnom Penh «rất muốn thấy rằng Bộ Quy tắc Ứng xử hình thành trong lúc Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, vì chính bản Tuyên bố về các Quy tắc Ứng xử đã được ký kết cách nay 10 năm tại Phnom Penh».