"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 29. März 2012

Quy định hạn điền dẫn đến tuỳ tiện trong quản lý


Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

 Máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An). 
 Theo tác giả Nguyễn Minh Nhị, ngày nào chúng ta còn tính suông với cái bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy ta chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Ảnh: H.A

Sau Đại hội Đảng lần VI, vụ đông – xuân năm 1987, Tỉnh uỷ An Giang chủ trương khai hoang phục hoá đất nông nghiệp đồng thời với điều chỉnh đất đã vào các hợp tác xã (HTX), tập đoàn sản xuất (TĐSX) giữa các thành viên và với chủ cũ. Riêng đất hoang thì cấp lần đầu là 3ha, phần nông dân mở rộng thêm thì cho mượn bao nhiêu cũng được. Nhờ đó mà khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên rất nhanh, đưa An Giang lên đứng đầu và nay là tốp đầu về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu lương thực.

Khi luật Đất đai ra đời ngày 19.12.1987 và sau đó là năm 1993, Tỉnh uỷ thấy yên tâm là mình không sai. Còn quyền sở hữu hay quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâu dài thì nông dân thấy cũng tạm yên tâm với chữ “lâu dài” so với khi còn trong HTX – TĐSX mà không màng tới cái “thời hạn 20 năm” – thậm chí có người không biết. Nhưng là tài sản của họ, không ai xâm phạm. Từ khái niệm cấp đất đến công nhận đất mua bán, sang nhượng để cấp quyền sử dụng và công nhận QSDĐ, trong quản lý không phân biệt nên có tình hình phổ biến là ai “vượt hạn điền” thì nhờ người khác đứng tên, vừa né hạn điền, vừa né thuế luỹ tuyến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này. Việc này tạo ra tâm lý không yên về một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; vừa tạo ra sự trắc trở, bội tín trong nội bộ nông dân, gia đình và họ hàng vì đứng tên giùm rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn; góp phần cùng nhiều chủ trương không phù hợp khác sinh ra văn hoá nói dối và xã hội cũng chấp nhận nói dối công khai nhưng không thành văn. Còn chính quyền thì nghĩ rằng cái hạn điền là cái khung bất khả xê dịch cho người dân, nhưng với chính quyền lại có thể tuỳ nghi vận dụng trong quản lý, trong thủ tục thu hồi đất và cấp đất, trong xét xử tranh chấp. Cái tuỳ nghi – tuỳ tiện ấy là cái hấp dẫn mà chính quyền không muốn sửa luật, nhưng lại càng làm tăng thêm tâm lý không yên trong nhân dân.

Nay nếu cần thì luật sửa đổi lần này vẫn để là “Đất cấp lần đầu không thu tiền là 3ha”, còn công nhận QSDĐ (hay sở hữu) do mua bán, sang nhượng để lập trang trại thì không hạn điền. Như vậy các chủ trang trại mới yên tâm đầu tư và nghĩa tình nông dân với nhau không có kẽ hở cho nói dối, bội tín chen vào. Ngày nào chúng ta còn tính suông với cái bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy ta chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Thử tính một nông dân có 3ha đất, có hai con, có bốn cháu, tính từ con thứ hai ra đời đến cháu (nội – ngoại) tròn 20 tuổi lập gia đình là khoảng trên dưới 40 năm – một thế hệ lao động; vậy từ một trung nông đến con sẽ là bần nông, rồi đến cháu là bần – cố nông (vì phải làm thuê thêm mới đủ sống).

Tôi đã chứng kiến quá trình bần cùng hoá này với những gia đình có họ tên cụ thể từ năm 1975 đến nay. Cái hạn điền không nói lên bản chất cách mạng mà bản chất cách mạng là tam nông là năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp; là sự thịnh vượng của xã hội và môi trường nông thôn; là hạnh phúc của nông dân. Muốn tam nông thành công thì ngoài chính sách trực tiếp, việc giảm nhân khẩu nông nghiệp cũng là điều kiện tiên quyết. Khi giáo dục dạy nghề đi đúng quỹ đạo, phân công lại lao động trên quy mô xã hội thì cái hạn điền tự nó sẽ không còn (thời hạn cho yêu cầu này – giáo dục, dạy nghề – là không dưới 20 năm, đáng lý ta đã đi vào quỹ đạo ấy từ những năm 1990 rồi). Ngày nào còn hạn điền thì ngày ấy nông nghiệp còn nghèo vì không cạnh tranh nổi. Ta sẽ phải cạnh tranh lúa gạo xuất khẩu rất quyết liệt với Campuchia và Myanmar trong thời gian sắp tới không xa chớ đừng nói đến Thái Lan làm chi. Tôi đã đến Myanmar gần đây và đến Campuchia thì như đi lại ở Việt Nam, và từng giúp họ làm tăng năng suất lúa nên thấy chớ không nghe ai nói hết.

N. M. N.