"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 29. März 2012

Trung Quốc: Vẽ lại chi tiết đường lưỡi bò gây tranh cãi


Khả Anh 
(theo Xinhua, People Daily, Bussiness Standards, South China Morning Post)

SGTT.VN – Trong khi tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng vẫn đang diễn ra, Trung Quốc cho biết sẽ vẽ lại bản đồ các vùng biển có tranh chấp, với mục tiêu đẩy mạnh thăm dò dầu và khí đốt, củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc giống như chiếc lưỡi bò trên biển Đông vẽ sát vào bờ các nước ven biển Đông. Đây là sơ đồ mà Trung Quốc gửi kèm công hàm của họ đến LHQ. Ảnh: TTO

Ông Zhang Yunling, giám đốc viện Nghiên cứu quốc tế thuộc học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Đa số các vùng biển tranh chấp đã từng được chúng tôi nghiên cứu, vẽ lại bản đồ”. Việc thăm dò và vẽ lại bản đồ được phối hợp bởi 13 cơ quan, trong đó có cả bộ Công an, bộ Ngoại giao và bộ Thương mại, nhằm “tuyên bố lập trường của Trung Quốc về lãnh thổ”.

Zheng Zemin, một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại đảo Hải Nam cho rằng, thông qua việc vẽ lại bản đồ, chính quyền có thể làm rõ các địa điểm cụ thể của “đường lưỡi bò” bằng cách thiết lập kinh độ và vĩ độ của các địa điểm này. Hơn thế nữa, khảo sát giúp xác định vị trí của các đảo và rặng san hô thay đổi liên tục trong thập kỷ qua.

Bản đồ mới còn được xem là ấn phẩm trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền, được chính phủ xem là ưu tiên khảo sát và xuất bản trong năm nay.

Chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là vùng đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku, đang tranh chấp với Nhật Bản, sẽ là sự kết hợp của các cơ quan nhà nước quan trọng như bộ Ngoại giao, bộ Giáo dục, bộ Công an, đài phát thanh, truyền hình, xuất bản…

Giáo sư Du Jifeng, một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu khoa học xã hội châu Á-Thái Bình Dương, cho biết Bắc Kinh đã thực hiện một số động thái “cứng rắn” trong vùng biển Đông, như việc bắt giữ ngư dân Việt Nam vào đầu tháng 3 qua. Ông này cho rằng Trung Quốc sẽ không đi xa hơn khi “các hành động quân sự gần như chắc chắn bị loại trừ”.

Sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra hạn chót để các nước nộp đơn về vùng đặc quyền kinh tế quy định bởi công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), năm 2009, Trung Quốc đã đệ trình bản đồ với chín đường đứt khúc trên Biển Đông mà không có toạ độ chính xác. Trong đó, có những phần chồng lên vùng mà Việt Nam và Malaysia tuyên bố chủ quyền. Tại các hội thảo quốc tế trong khu vực, các học giả trên thế giới liên tục chỉ trích về tính pháp lý của bản đồ chín khúc do Trung Quốc đưa ra.

K. A.