Simon Roughneen, Trần Ngọc Cư dịch
Bangkok – Việc Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang gây phẫn nộ cho các quốc gia ở hạ nguồn và mở rộng không gian chiến lược cho Hoa Kỳ tìm cách đối trọng lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Cuộc tranh cãi đang gia tăng về vấn đề sông Mê Kông diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ vừa tung ra một loạt sáng kiến mới mẻ trong vùng, gồm việc lãnh đạo một cuộc diễn tập huấn luyện quân sự đa phương tại Campuchia trong thời gian gần đây, các cuộc diễn tập huấn luyện hải quân hỗn hợp Việt-Mỹ, các cuộc thảo luận với Hà Nội về việc chia sẻ năng lượng nguyên tử (nuclear fuel), và việc Washington tuyên bố sẽ tái hợp tác với Kopassus, một đơn vị lực lượng đặc biệt của Indonesia.
Diễn đàn vùng do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng Bảy diễn ra trong không khí cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ muốn làm trung gian dàn xếp các cuộc tranh chấp biển đảo tại Biển Đông. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho rằng càng ngày Bắc Kinh càng coi vùng lãnh hải đang tranh chấp này như một cái hồ riêng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đã thẳng thừng đáp lại lời tuyên bố của bà Clinton, khi ông cho rằng lời tuyên bố này chẳng khác gì “một cuộc tấn công nhắm vào Trung Quốc”, và liền sau đó ông nhắc nhở các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc là một nước lớn, với ngụ ý là, trên cương vị quốc gia, các nước này chỉ là những tiểu quốc. Để đáp lại sự miệt thị này, Campuchia và Việt Nam đang theo gương các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Philippines trong nỗ lực tạo ra những quan hệ mới mẻ với Hoa Kỳ nhằm đối trọng lại sự trỗi dậy quá nhanh của Trung Quốc.
Hiện tượng đi nước đôi chiến lược (strategic hedge) này ngày càng xuất hiện rõ nét trong vấn đề sông Mê Kông. Với 4 trong 8 đập thủy điện lên kế hoạch đã được thực hiện trên sông Lancang – tên gọi Trung Quốc dành cho phần sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ mình – và thêm 9 đập nữa hoặc đã được thực hiện hoặc đang chờ xây cất ở vùng trung lưu hoặc hạ lưu của con sông vĩ đại này trong lãnh thổ Lào và Campuchia, không ai có thể tiên liệu được toàn bộ những đập thủy điện này sẽ ảnh hưởng lên vùng này như thế nào. Một phần của vấn đề nằm ngay trong đường lối thiếu phối hợp giữa các quốc gia liên hệ, không những chỉ vì mỗi nước đã tiến hành quyết sách dựa trên cơ sở “ích lợi quốc gia là trước hết”, mà còn vì sự xung khắc và thiếu tin cậy đang gia tăng giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông.
Theo Richard Cronin, người đứng đầu chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại Washington DC, “việc ra quyết sách có tính cách rời rạc, không ăn khớp vì thiếu phối hợp giữa các quốc gia trên sông” có nghĩa là tất cả các bên đều tự ý tiến hành dự án của mình mà không cần biết chắc những đập thủy điện riêng lẻ này sẽ “tác động lên toàn bộ sông Mê Kông và toàn vùng” như thế nào. Ông Cronin đã phát biểu như thế tại một cuộc hội thảo do Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Chulalongkorn, Bangkok, tổ chức.
Trung Quốc kiểm soát được thượng nguồn sông Mê Kông, nơi gần như chứa đựng mọi tiềm năng thủy điện của con sông này. Giáo sư Ukrit Pathamanand thuộc Đại học Chulalongkorn phát biểu rằng những vấn đề an ninh “phi truyền thống” có thể phát sinh từ việc xây cất thêm nhiều đập thủy điện, khiến cho dân chúng ở hạ nguồn bất mãn vì mất thu nhập nghề cá và nghề nông do những thay đổi lưu lượng nước của sông Mê Kông, mà hậu quả có thể đưa đến bạo loạn xã hội. Tuy vậy, Giáo sư Ukrit nói thêm rằng các quốc gia cần phải cân nhắc những ích lợi do có thêm nguồn thủy điện so với những thiệt hại về môi trường và việc mưu sinh của người dân do các đập thủy điện này gây ra.
Thủy triều chính trị trên sông Mê Kông
Cuộc tranh cãi về các đập thủy điện trên sông Mê Kông càng ngày càng trở nên đan quyện vào chính trị toàn vùng và toàn cầu. Một tổ chức liên-chính phủ gồm bốn quốc gia mệnh danh là Ủy ban sông Mê-Kông có chủ trương quản lý tốt các chương trình phát triển dọc theo thủy đạo vĩ đại này. Nhóm quốc gia, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, được thành lập năm 1995, đã tổ chức phiên họp thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố biển Hua Hin, Thái Lan, tháng Tư năm 2010. Điều đáng lưu ý là, Trung Quốc và Miến Điện chỉ giữ vai trò quan sát viên tại Ủy ban sông Mê Kông, mặc dù đây là hai trong sáu quốc gia mà sông Mê Kông quanh co chảy qua trước khi đổ vào Biển Đông.
Ông Pornlert Lattanan, Chủ tịch General Electric (Thái Lan), nói rằng khó có khả năng Campuchia và Lào chịu nêu vấn đề sông Mê Kông với chính quyền Bắc Kinh, vì Trung Quốc có quan hệ mật thiết với hai quốc gia này. Mọi người đều nhận thấy điều này tại cuộc họp thượng đỉnh Ủy ban sông Mê Kông, khi Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, cho rằng mực nước trong lưu vực sông Mê Kông xuống thấp là do khí hậu thay đổi, chứ không phải do Trung Quốc giữ nước lại sau các đập thủy điện của mình.
Thủ tướng Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva, thì khôn khéo hơn khi nói rằng cuộc họp thượng đỉnh này đã gửi một thông điệp là “tất cả các quốc gia trong Khu vực sông Mê Kông, cả ở thượng nguồn lẫn ở hạ nguồn, đều có phần hùn trong con sông này (stakeholders), chúng ta đều có bổn phận chung là gìn giữ tính bền vững lâu dài của nó”. Vào tháng Sáu, giới chức Thái còn đi xa hơn một bước, khi ông Prasarn Maruekpithak, một đại diện Thái tại một cuộc họp Ủy Ban sông Mê Kông ở Hà Nội, quả quyết rằng “bốn đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông đã tàn phá hệ sinh thái của con sông này. Bây giờ quốc gia khổng lồ này lại lên kế hoạch định xây thêm 12 đập thủy điện nữa ở vùng hạ nguồn của nó”.
Việt Nam cũng lấy làm quan ngại về các đập thủy điện nói trên, kể cả những đập được lên kế hoạch ở vùng thượng nguồn của Lào và Campuchia. Ông Lê Đức Trung, Tổng giám đốc Ủy ban sông Mê Kông quốc gia của Việt Nam, được tường thuật là đã tuyên bố vào ngày 29 tháng Sáu: “Việt Nam rất quan ngại về kết quả nghiên cứu liên quan đến các dự án [đập thủy điện được đề xuất], đặc biệt những hậu quả nghiêm trọng do các đập thủy điện của họ có thể gây ra cho nông nghiệp và ngư nghiệp”.
Mối đe dọa, mà nhiều người nhận thấy đối với an ninh và cuộc sống trong vùng này, đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia bên ngoài Đông Nam Á. Nhật Bản đã tổ chức một buổi họp với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông ngay tại Hà Nội, bên lề Diễn đàn vùng của ASEAN gần đây, để bàn thảo một sáng kiến chung, với tên gọi “Mê Kông Xanh”, cho thập niên tới, với mục đích đối phó các thử thách như thiên tai và nạn phá rừng. Cơ quan Hợp tác Phát triển nước ngoài của Nhật Bản được liệt kê là một tổ chức bảo trợ cuộc Hội thảo tại Bangkok về đề tài này, một nỗ lực nhấn mạnh những quan tâm của Nhật Bản đối với một khu vực mà quốc gia này có nhiều quan hệ mậu dịch và đầu tư rất đáng kể.
Một cách trực diện hơn, Hoa Kỳ đang nhúng tay vào vấn đề sông Mê Kông như một phần mưu toan chống lại ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc. Gần đây, Ngoại trưởng Clinton đã họp tại Hà Nội với các Ngoại trưởng của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mê Kông (the Lower Mekong Initiative, LMI), một chương trình được khai sinh vào tháng Bảy 2009 như một phương tiện nhằm tăng cường hợp tác với bốn nước nói trên trong các lãnh vực môi trường, y tế, giáo dục, và phát triển hạ tầng [Mời đọc “Hoa Kỳ dự chi 187 triệu đô la cho chương trình LMI”, ND.]
Theo ông Cronin, chẳng bao lâu nữa sông Mê Kông sẽ bị Trung Quốc khống chế, trong khi các quốc gia ở hạ nguồn phải tùy thuộc vào lượng nước vừa đủ được tháo ra từ các đập thủy điện ở Vân Nam và Quảng Tây để con sông có nước chảy vào mùa khô. Trung Quốc hoàn toàn chối bỏ việc các đập thủy điện Trung Quốc đã làm cho mực nước sông Mê Kông xuống thấp vào đầu năm nay, bằng việc Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok ra một tuyên bố vào ngày 11 tháng Ba nói rằng các cáo buộc liên quan đến các đập thủy điện Trung Quốc là “thiếu cơ sở và sai lầm”.
Cách đánh giá trên của Trung Quốc một phần nào phù hợp với quan niệm của ông Jeremy Bird, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông Mê Kông (MRC), khi ông này cho rằng mực nước sông Mê Kông xuống thấp có lẽ vì nạn hạn hán tại Đông Nam Á vào đầu năm nay. Nhưng ông Bird không loại trừ khả năng các đập thủy điện của Trung Quốc có thể là nguyên nhân.
Ông Cronin nhìn nhận rằng những đề nghị gần đây của Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp với tình hình địa chính trị trong vùng (geopolitics). Nhưng ông cũng nói rằng, vào lúc đầu thật là khó khăn để đưa vấn đề sông Mê Kông vào tầm nhắm của giới làm chính sách tại Washington, bởi vì Chính phủ Hoa Kỳ cùng một lúc phải đương đầu quá nhiều vấn đề tại Châu Á và nhiều nơi khác. Có một rủi ro ở đây là, việc đưa các vấn đề môi trường, chính trị, và kinh tế-xã hội phức tạp đang bàn cãi vào cuộc tranh đua Hoa Kỳ-Trung Quốc có thể làm lu mờ những bước thực tiễn và những biện pháp xây dựng niềm tin, là điều rất cần thiết để tìm một đáp án hữu hiệu cho tương lai của sông Mê Kông.
Tuy thế, ông Cronin vẫn tin rằng việc Hoa Kỳ công khai đặt quan tâm vào vấn đề này có lẽ ít ra cũng đã khiến Trung Quốc “chịu lắng nghe những lo lắng của các nước chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông”. Đó là một lối giải thích cho việc Bắc Kinh vào tháng Sáu vừa qua đã quyết định đưa một số viên chức Đông Nam Á đi quan sát trong một cuộc thăm viếng hiếm hoi tại một số đập thủy điện ở vùng Hoa Nam.
Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng do việc phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và có lẽ với một cảm thức đang trỗi dậy tại Bắc Kinh, rằng Hoa Kỳ và Đông Nam Á đang bắt đầu cộng tác với nhau để chặn đứng Trung Quốc bành trướng lợi ích của mình, các nước ở hạ nguồn sông Mê Kông chỉ còn mong sao có được một tầm nhìn cao hơn để nắm bắt được các ý đồ của Trung Quốc.
Simon Roughneen là ký giả chuyên viết về Đông Nam Á.
Dịch từ: “US dips into Mekong politics”, Asia Times online, 14.8.2010.