"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 25. August 2010

Nhóm sinh viên ĐHBK kêu gọi trả tự do cho GS Phạm Minh Hoàng

Khánh An, RFA

2010-08-24 - Sau khi GS Phạm Minh Hoàng bị bắt giam để điều tra về tội “hoạt động chống phá chính quyền”, một nhóm sinh viên Bách Khoa TPHCM đã tạo một website mang tên “tudophamminhhoang.wordpress.com” kêu gọi chính quyền trả tự do cho thầy của mình.
Tuy nhiên, những bạn trẻ này đã bị áp lực buộc phải xóa những thông tin đã đưa lên diễn đàn trường và trên các trang mạng xã hội. Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.

Tin tưởng thầy vô tội

Ngay sau khi giáo sư Phạm Minh Hoàng, giảng viên Đại học Kỹ thuật TPHCM (Đại học Bách Khoa), bị cơ quan công an bắt giữ vào ngày 13/8 để điều tra về tội “hoạt động chống phá chính quyền”, các học trò của giáo sư Hoàng tại trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã lập tức truyền nhau những tin tức về người thầy của mình trên diễn đàn nội bộ và trên trang mạng xã hội rất phổ biến tại Việt Nam là trang Facebook. Nhưng nổi bật nhất vẫn là website http://tudophamminhhoang.wordpress.com do một nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM lập ra. Kèm theo với lời giới thiệu phổ biến website là lá thư sau:

Ngay sau đó, các tin tức trên diễn đàn nội bộ bị xóa và một người trong ban chấp hành Đảng Bộ trường đã điện thoại cho em để làm áp lực phải xóa ngay các thông tin của em trên facebook về thầy Hoàng.
Trích e-mail một SVBK

“Kính gửi quý vị và các bạn khắp nơi,


Chúng tôi là một vài học trò của thầy Phạm Minh Hoàng và đã vô cùng bàng hoàng trước tin tức tràn ngập trên mạng về vụ thầy Hoàng bị bắt giữ điều tra về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, theo điều 79 của Luật Hình Sự.


Chúng tôi bàng hoàng vì thầy Hoàng là một người rất hiền lành, rất nhiệt tình trong giảng dạy và luôn luôn quan tâm, lo lắng cho sinh viên. Chúng tôi tin tưởng là thầy vô tội và rất mong cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ sự việc để trả tự do cho thầy Hoàng.


Trong khi chờ đợi thầy Hoàng được tự do, theo ý kiến một số bạn, chúng tôi thiết lập trang blog này để tập trung hết cả tin tức, phản ứng và những quan điểm xung quanh vụ thầy Hoàng.”

Mặc dù vụ việc giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt giữ đã xảy ra hơn 1 tuần nhưng báo chí trong nước tuyệt nhiên im tiếng. Những sinh viên học trò của thầy Hoàng không có cách nào theo dõi tin tức của thầy mình ngoài việc tìm đến các diễn đàn trong nước và các cơ quan thông tấn nước ngoài. Nhiều sinh viên Bách Khoa tỏ ra bức xúc khi nghe tin thầy Hoàng bị cáo buộc tội chống phá chính quyền. Một sinh viên Bách Khoa đã từng tham dự các lớp Kỹ năng do giáo sư Phạm Minh Hoàng tổ chức cho biết:

“Qua những lần tiếp xúc, em thấy thầy rất là nhiệt huyết, rất thương sinh viên. Em thấy cách thầy nói chuyện với sinh viên, cách thầy giúp sinh viên mấy khóa về kỹ năng, thầy đứng ra lo cái này cái kia cho sinh viên, em thấy thầy nhiệt tình lắm.”

Sinh viên bị sách nhiễu

Khi Đài Á Châu Tự Do liên lạc với nhóm sáng lập website yêu cầu trả tự do cho giáo sư Phạm Minh Hoàng thì nhận được email trả lời từ người đại diện, qua đó cho biết bạn trẻ này gặp phải nhiều áp lực từ khi tự nguyện đưa những thông tin thầy Hoàng ra cho công chúng. Email viết như sau:

Em biết là em đang bị chú ý. Nên tạm thời em không dám trả lời phỏng vấn, sợ họ nhận ra và em sẽ gặp nhiều rắc rối.
Trích e-mail một SVBK

“Khi nghe tin họ bắt thầy, em có điện thoại ngay cho cô Oanh để hỏi thăm tin thầy và an ủi cô. Em đã chuyển ngay các tin tức này lên diễn đàn nội bộ của tụi em ở Bách Khoa và trao đổi trên facebook giữa các bạn. Nhưng ngay sau đó, các tin tức trên diễn đàn nội bộ bị xóa và một người trong ban chấp hành Đảng Bộ trường đã điện thoại cho em để làm áp lực phải xóa ngay các thông tin của em trên facebook về thầy Hoàng và yêu cầu không được đưa các thông tin, bàn luận gì về vụ thầy Hoàng. Họ nói là cơ quan an ninh đang điều tra, vì có dính líu đến an ninh quốc gia, không được làm phức tạp vấn đề. Em biết là em đang bị chú ý. Nên tạm thời em không dám trả lời phỏng vấn, sợ họ nhận ra và em sẽ gặp nhiều rắc rối.”

Có lẽ vì những áp lực ngầm kiểu như vậy nên sinh viên, học trò trường Đại học Bách khoa không còn thấy những bản tin về thầy Hoàng được post công khai trên diễn đàn nội bộ hay trên trang Facebook nữa. Tuy vậy, vẫn không có mấy học trò tin thầy giáo mình có tội. Bạn sinh viên Bách Khoa trên cho biết thêm:

“Không, em không thấy ai nói là ông có tội gì hết tại vì ai cũng quý thầy, đó là những bạn mà em biết hoặc coi trên một số diễn đàn.”

Riêng đối với chị Kiều Oanh, vợ của giáo sư Phạm Minh Hoàng, sau khi vụ việc chồng chị bị cơ quan an ninh bắt giữ, đã có rất nhiều người, từ bạn bè, học trò đến những người hoàn toàn xa lạ gọi điện thoại hỏi thăm tin tức của thầy Hoàng. Bởi vậy nên chị cũng cảm thấy được động viên phần nào, dù không hề biết những học trò nào đã lên tiếng cho chồng mình:

“Tôi nghĩ là học trò của chồng tôi cảm thấy lương tâm nghề nghiệp của anh ấy như thế nào thì họ bức xúc, họ đã biết rõ về con người của anh ấy thì họ lên tiếng thôi. Chứ cho tới bây giờ tôi không biết là các học trò nào đã làm chuyện đó.”

Nhận xét về việc sinh viên Bách Khoa bị buộc phải xóa các thông tin về giáo sư Phạm Minh Hoàng, chị Kiều Oanh cho rằng đây là một sai lầm. Chị nói:

“Trước tiên khi nghe tin như vậy thì đầu tiên là tôi rất lấy làm tự hào vì đã có một người chồng là một giáo viên được học sinh, sinh viên yêu mến như vậy. Điều đó nói lên là chắc chắn chồng tôi là một nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp và tâm tư của ảnh hướng về đất nước như thế nào thì chắc chắn những học trò đó đã cảm nhận được điều đó. Họ hiểu được điều đó nên mới tìm cách, mong muốn cơ quan an ninh thả chồng tôi ra.


Còn việc nhà nước cấm đoán chuyện đó thì tôi thấy là thêm một sai lầm nữa. Cái quyền nói lên mong muốn, suy nghĩ của mình là quyền con người. Nếu cấm đoán thì thực sự là một sai lầm. Tôi mong họ sẽ nhìn ra được điều đó và phải để cho dư luận có quyền tự do, bất cứ là ai. Nếu họ nghĩ chồng tôi có tội hay như thế nào thì họ cứ để cho mọi người lên tiếng đi, cho người ta nhận xét như thế nào về chồng tôi. Tôi nghĩ nếu chồng tôi là một người xấu, một người thầy không có lương tâm nghề nghiệp thì chắc chắn không được học trò lên tiếng như vậy đâu.”

Tính đến hôm nay đã hơn 10 ngày kể từ khi giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt giữ, gia đình thầy Hoàng vẫn chưa được tiếp xúc với thầy. Bạn bè, người thân, học trò và những người quen biết đều ít nhiều bị áp lực buộc phải giữ im lặng, không được tiếp xúc với các cơ quan thông tấn nước ngoài. Như vậy, phải định nghĩa “tự do ngôn luận” ở Việt Nam thế nào đây?