"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 22. August 2010

Đi Giữa Trời Âu Nhớ Bầu Trời Việt

Phan Thanh Tâm

Bát phố trên các con đường chính ở Paris như Champs-Elysées hay ở Tây Bá Linh như Kurfuerstendamn cho tôi cái thú của một kẻ lãng tử tha hương khi thả bộ lông bông giữa lòng nước Pháp và Đức. Dù đại lộ rộng rãi, sang trọng, lich sự; người lui kẻ tới nhộn nhịp, rộn ràng, tôi vẫn thấy mình chỉ là anh khách lạ đi lên đi xuống.

Khi ra về chẳng còn một chút gì để nhớ. Lang thang giữa trời Âu mà nhớ bầu trời Việt. Paris, Berlin làm sao lưu niệm bằng Saigon với Tự Do, Lê Lợi và Duy Tân với cây dài bóng mát hay Gia Long, Trần Hưng Đạo, cầu Trường Tiền ở Huế? Đường Hoàng Diệu trên núi cao đầy sương ở Pleiku của nhà thơ Vũ Hữu Định (1942 – 1981), tuy đi năm phút đã về chốn cũ nhưng nó dễ khiến lòng bỗng bâng khuâng. Hơn nữa, ngoài chuyện phố xá không xa nên phố tình thân, những con đường Việt Nam còn có má đỏ, môi hồng, tóc mềm, mắt ướt.

Nhân qua Âu Châu đến Hannover ở Đức dự Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) hồi tháng sáu năm nay tôi đã dành nhiều ngày vui chơi ở kinh đô ánh sáng và thành phố có thầy Paul tức con bạch tuộc nuôi ở sở thú Berlin, đã tiên đoán trúng phóc các giải túc cầu thế giới 2010 tại Nam Phi. Trong hơn một tuần tôi không cố tìm biết Paris có gì lạ hay không mà chỉ muốn hòa mình vào đám đông, lẫn trong dòng người ngược xuôi, loanh quanh hết khu này đến khu khác để thấy mình đúng là một kẻ ta ba lô nhàn du. Paris là nơi dễ bị lạc nhất vì ngả ba, ngả tư hay năm sáu gì nó cũng hao hao giống nhau. Nhà cửa đều có cùng một lối kiến trúc tân kỳ, nhưng vẫn đồng nhất giữ nét cổ kính Tây Phương; không trồi sụt, cao thấp, bất nhất như ở Việt Nam; nên khó định chuẩn, khiến du khách dễ mất phương hướng. Nện gót trên lề đường, cứ thế tôi rảo bước theo dọc hè phố; sảng khoái thong dong đây đó; không bị ràng buộc bởi giờ giấc hẹn hò.

Ở Pháp các phương tiện giao thông công cộng như Metro và Bus rất phổ thông và tiện lợi. Nó có thể đưa ta đi cùng khắp trái tim nước Pháp. Muốn thăm viếng nơi nào, cứ việc chui vào hầm, khi xe tới trạm muốn đến thì trồi lên dạo phố. Lúc mua vé nhớ xin họ một bản đồ Metro. Nó là kim chỉ nam; và nếu trong bụng có năm ba chữ Tây hay Anh thì sẽ không sợ bị lạc. Vả lại, đến xứ lạ có bị lạc thì mới vui, mới thú. Các tiệm cà phê, cà pháo nhan nhản khắp nơi. Mỏi chân, chồn cẳng hay đói bụng thì xề vào hàng quán vỉa hè. Với một tách cà phê, một ly nước lạnh nhỏ và một sandwitch tôi có thể ngồi cả giờ vừa nhìn ông đi qua bà đi lại vừa nghĩ ngợi lung tung chuyện trời chuyện đất. Dân Pháp có thói ưa la cà, ngồi tán gẩu, nói dốc. Trong khi thế giới theo dõi quả banh trên sân cỏ bên Nam Phi, toàn xứ Tây chỉ chửi nhau ỏm tỏi về vụ các cầu thủ sau khi đá thua, nói xấu ông bầu và làm reo không chịu tập dượt.

Đời sống nơi tôi định cư nói chung cao hơn Pháp; nhưng có rảo quanh các khu phố mới thấy Paris là thủ đô của người đi bộ. Ngoài các hàng quán bên đường, tôi còn có thể ngồi thư giãn ở các công viên, ngắm các loài hoa cỏ xinh tươi hay thả mắt theo màu xanh của hai hàng cây bên đường chạy dài tới cuối chân trời.Thiên hạ chỉ hối hả vào những giờ cao điểm. Họ bước nhanh cho kịp tuyến tàu. Việc dùng phương tiện giao thông công cọng là nếp sống của xã hội Âu Châu; một phần theo tôi, nhờ cấu trúc của thành phố và phần khác, xăng nhớt ở đây mắc dễ sợ. Đổ một bình 10 gallons phải chi gần $100.00. Còn con cháu chú Sam mới thấy một gallon mò tới khoảng $3.00 là đã la làng. Nhà cửa, khu thương mại xứ cờ hoa lại xa cách. Không có xe thì kể như què. Thời tiết khắc nghiệt, quá lạnh hay quá nóng. Mới 15, 16 tuổi đã phải học cầm tay lái. Vậy mới có câu, người Mỹ là người di chuyển bằng bốn bánh.

Cứt chó, cứt Tây và cứt Tàu

Paris có gì để phàn nàn? Đầm non, đầm già Tây hút nhiều quá, lúc nào cũng thấy họ phì phèo điếu thuốc. Và coi chừng dẫm phải mìn cứt chó! Dù có mấy tấm bảng đề J’aime mon quartier, Je ramasse với hình một người cầm một bọc nhỏ, lom khom sau đít chó, gắn ở mấy góc phố, nhắc chủ chó hãy lượm sạch sau khi chúng ị, cứt chó vẫn còn rải rác trên lối đi. Đọc mấy chữ đó khiến tôi nhớ quanh nhà tôi cũng có mấy bảng như vậy với hàng chữ It’s the law! Clean up after your dog. Mỹ là nước pháp trị. Họ tôn trọng luật hơn dân Pháp. Tây phương cưng chó. Chúng có thức ăn riêng. Xứ mình thì, không chó bắt mèo ăn cứt hay Em như cục cứt trôi sông, Anh như chó đói đứng trông trên bờ. Nhà văn Nguyễn Vỹ than nhà văn An Nam khổ như chó. Hiếm thấy cảnh chiều tà dắt chó đạo chơi mà chỉ nghe lôi chó để chửi bọn du côn, du kề. Đồ chó đẻ; đồ chó chết.

Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trong buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ hồi tháng 10 năm 1986 đã dùng chữ “cởi trói” tư tưởng trong khi kêu gọi hỗ trợ Đổi Mới. CSVN quen cột và lùa giới trí thức theo lề trái hay mặt như lùa chó nên ông Linh mới hỗn láo dùng tiếng đó. Bùi Diễm tác giả cuốn Gọng Kìm Lịch Sử cho biết, để trả lời chỉ trích về Hiệp Định Sơ Bộ ngày 6/3/46, cho quân Pháp trở lại đồn trú ở Việt Nam trong năm năm, Hồ Chí Minh nói, “thà ngửi cứt thằng Tây mấy năm còn hơn ngửi cứt thằng Tàu cả trăm năm”. Ông Hồ đã sang Pháp vận động bên lề Hội Nghị Trừ Bị Fontainebleau, để giải quyết cho xong vấn đề Pháp Việt. Nhân tới Pháp hè này tôi được anh bạn Trần Công Sung chở tôi đến viếng nơi hội họp lịch sử đó, cách kinh đô ánh sáng gần 70 cây số.

Dưới cơn mưa lâm râm, một mình tôi lầm lũi đi vòng khắp khu vườn tòa lâu đài Fontainebleau của vua chúa Pháp cách đây hàng thế kỷ. Nơi chốn này đã có tên trong lịch sử Việt Nam. Loanh quanh chán tôi vào quán cà phê ở trong góc toà lâu đài. Tìm một chỗ ngồi thuận tiện, tôi có thể nhìn bao quát cả khu vườn và khu rừng ở đằng xa. Sau đệ nhị thế chiến, De Gaulle muốn Pháp tái lập chế độ Toàn Quyền ở Đông Dương và Hồ Chí Minh, đảng viên Cộng Sản Quốc tế thì có nhiệm vụ biến Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa. Nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, Phạm Văn Đồng trưởng đoàn Việt Nam đã thương thuyết với Pháp từ 5/7/1946 đến 10/9/1946 tuy không kết quả; nhưng theo Vũ Quốc Thúc tác giả cuốn Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, vào lúc có sự tranh chấp giữa các phe phái ông Hồ đã đạt được mục tiêu: Pháp thừa nhận: “ông là kẻ đối thoại duy nhất để thương thảo mọi vấn đề liên quan tới Việt Nam”.

Chuyện ngửi cứt Tây hơn ngửi cứt Tàu chỉ là một lối nói cho kêu của ông Hồ. Nghe vậy mà không phải vậy. Vì sao? Theo Hội Nghị Potsdam ngày 17/7/1945, việc giải giáp quân đội Nhật, miền Bắc từ vĩ tuyến 16 trở lên do quân đội Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) phụ trách. Miền Nam do quân đội Anh phụ trách. Khi xong cả hai đạo quân Anh và Trung Hoa đều phải rời khỏi nước Việt. Ở miền Nam, Anh quốc cho Pháp theo chân tiến vào Saigon. Muốn vào miền Bắc Pháp phải có sự đồng ý của Trung Hoa và các phe Việt Nam. Trong cuốn sách nói trên, Vũ Quốc Thúc cho biết, Trung Hoa đã đồng ý cho quân Pháp tiến vào sau khi Pháp chịu trả lại Trung Hoa lãnh địa Quảng Châu Loan và hủy bỏ quyền tài phán từ trước vẫn được hưởng. Việc Hồ Chí Minh để cho đoàn quân Pháp trở lại Việt Nam là câu hỏi lớn vì sau cuộc đảo chánh Nhật, Hoàng đế Bảo Đại đã chính thức tuyên bố độc lập và các hiệp ước nhượng đất, bảo hộ mà Triều Đình Huế đã phải ký kết với Pháp đều không còn hiệu lực.

Theo Trần Trọng Kim, trong Hồi ký Một Cơn Gió Bụi, lực lượng Việt Minh không thể đương cự lại Pháp và Tàu; họ nghĩ ký với Pháp để tạm yên, rồi chờ quân Tàu rút xong sẽ trừ hết Việt Nam Quốc Dân Đảng, lúc ấy sẽ xoay sang với quân Pháp. Ngày 12/7/1946 phe ông Hồ cho công an xung phong tấn công đồng loạt nhiều cơ sở của phe quốc gia. Các lãnh tụ đều phải bỏ trốn. Hiệp Định Sơ Bộ 6/3/1946 và Hội Nghị Fontainebleau chỉ nhằm mua thời gian. Vả lại, ông Hồ hy vọng có sự ủng hộ của nhóm thân Cộng trong Quốc Hội Pháp. Đó là chiến thuật cố hữu cuả Cộng Sản. Không ưa ngửi cứt Tàu là câu xạo hết chỗ nói. Thực tế, Bắc Kinh ngày 17/1/1950 là nước đầu tiên thừa nhận chế độ Hồ Chí Minh, trở thành hậu phương lớn của CSVN. Ông Hồ bốn ngày sau sang Tàu. Tình hữu nghị Việt Trung thắm thiết: sông liền sông, núi liền núi, môi hở răng lạnh. Cố vấn Tàu ồ ạt sang; CSVN còn nhượng đất, nhượng biển,Trường Sa, Hoàng Sa vào tay đàn anh.

Lỗi lầm to lớn

Bảo Đại trong cuốn Con Rồng Việt Nam đặt câu hỏi cái gì sẽ xảy ra cho Việt Nam nếu không có vụ nổ súng ngày 19 tháng chạp năm 1946?. Theo cựu hoàng, Đây là một lỗi lầm rất lớn lao. Nhưng trách nhiệm về ai đây? Bảo Đại trước nhiều áp lực đã phải thoái vị, được Hồ Chí Minh cử làm Cố Vấn Tối Cao nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Dẫn một phái đoàn sang Tàu, khi muốn trở về thì họ Hồ gửi điện báo Ngài sẽ có ích cho chúng tôi, nếu vẫn ở lại bên Tàu. Cuối bức điện: Ôm hôn thắm thiết. Nhận xét về Hồ Chí Minh Bảo Đại viết: Đầy tế nhị và thông minh và bất nhân đến độ tàn bạo. Theo Vũ Quốc Thúc, chính đảng CSVN đã quyết định đánh Pháp. Cuộc kháng chiến dần dần theo thời cuộc quốc tế trở thành một cuộc chiến uỷ nhiệm giữa tư bản và cộng sản. Miền Bắc xử dụng súng của khối cộng. Miền Nam thì súng của phe tư bản. Việt Nam là bãi chiến trường cho cuộc chiến tranh lạnh. Trong khi đó, sau đệ nhị thế chiến, nhiều nước cựu thuộc địa, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Tích Lan, Nam Dương, Miến Điện, Hồi Quốc... được trả lại độc lập mà không phải trải qua bao cảnh tang thương như nước chúng ta.

Trong thời gian ở Paris, tôi cũng đã được nhà báo Trần Công Sung, vốn được Việt Tấn Xã cử sang Pháp theo dõi các cuộc hòa đàm khởi sự từ tháng 5/1968 cho đến ngày 27/1/1973 Hiệp Định Đình chiến tại Việt Nam ký kết, chở đến viếng The Kleber International Conference Center nơi diễn ra cuộc thương thuyết hòa bình. Bộ Ngoại Giao Pháp đã bán tòa nhà này cho công ty người Á Rập Qatari Real Estate Company. Tòa nhà sẽ trở thành một khách sạn sang trọng, dự định khai trương vào năm 2011. Điều khôi hài là sau hơn bốn năm đàm phán với hơn 200 phiên họp, 45 cuộc họp kín, hơn 500 buổi họp báo và hàng ngàn cuộc phỏng vấn, hiệp định mang danh “thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh - lập lại hòa bình” nhưng không phe nào thi hành những điều ghi trong đó. Súng vẫn nổ, cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến 30/4/1975. Hết bom đạn, pháo kích nhưng không thống nhất được lòng người vì có cả triệu người vui mà cũng có cả triệu người buồn.

Hiệp Ðịnh Paris chỉ là một hình thức để Hoa kỳ rút lui trong danh dự, nhận tù binh về tuy mang tiếng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chỉ là bộ phận của CSBV. Trong khi Bắc Việt vẫn nhận được vũ khí và đạn dược của khối cộng; các phong trào phản chiến, Quốc Hội Hoa Kỳ đồng loạt đóng góp vào việc cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam. Chỉ chống đỡ mà sau 20 năm xe tăng T-54 Nga mới vào ủi sập được cổng sắt dinh Độc lập thì phải nói là quân dân miền Nam giỏi, hay CSBV dở. Ngoài ra, sau 30/4/75 dân chúng hai miền mới thấy Việt Nam may mà có Saigon, làm đầu tàu Đổi Mới vì miền Nam vốn sẵn có đời sống sung túc, tự do, dân chủ hơn miền Bắc. Anh tôi sau 30 năm gặp lại nói “muốn bằng Saigon Hà nội phải cần hơn 20 năm”. Nhờ có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng nên Hà Nội mới có một cuộc cách mạng thầm lặng, nhà nhà đua nhau làm cầu tiêu giật nước. Trước đó xài toàn hố thùng.

Rời Paris, tôi bay qua Hannover tham dự cuộc Họp Mặt Dân Chủ, tập họp những người Việt trên toàn thế giới hoạt động trong nhiều tổ chức và lãnh vực khác nhau --văn hóa, giáo dục, truyền thông, xã hội và chính trị-- nhằm cùng mục tiêu thúc đẩy tiến trình chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam. Tiếp đó đi Berlin, theo sự hướng dẫn của ba anh Lâm Đăng Châu, Sông Lô và Trần Thanh Ngôn, viếng thăm bức tường Berlin, khu phố chính bên Tây Bá Linh (Phố Kudamm, nhà thờ “cụt đầu”, thăm Quốc Hội Liên Bang Đức, bảo tàng Stasi (hỏa lò của mật vụ Đông Đức), bảo tàng Do Thái, sinh hoạt người Việt tại Berlin khu chợ Đồng Xuân, tiếp xúc với ông Philipp Roesler, gốc Việt, Bộ trưởng Y Tế Liên Bang tại Bộ Y tế. Sau một tuần ở Berlin, tôi đã đi Duesseldorf gặp Minh Hằng và nhà văn Thế Giang tác giả cuốn Thằng Người Có Đuôi, và dự tính đi Thụy Sĩ, gặp anh Trần Ngọc Báu, viếng nơi ký hiệp định Geneve chia cắt đất nước nhưng không thành vì một lý do thật lãng xẹt.

Khi thảo luận ở Hannover, một câu hỏi được nêu ra: "Nếu có chiến tranh với Trung Quốc, nếu đảng CSVN kêu gọi hợp tác thì người Việt hải ngoại có hợp tác không?" đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Có rất nhiều phản ứng khác nhau. Ai cũng đồng ý giả định đó khó có thể xảy ra trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay. Tuy nhiên, đây là một giả định cần phải được thảo luận rộng rãi. Điều người Việt Nam nào cũng nhớ là họ đã bị ăn thịt lừa nhiều rồi. Trong Hồi ký của Trần Trọng Kim kể, thời gian tháng 8/1946, khi qua Hương Cảng gặp lại Bảo Đại, lời đầu tiên ông nói: “chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”. Các thành viên trong buổi họp đồng ý là cần gắn liền cuộc vận động dân chủ vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Vấn đề sẽ dễ dàng, nếu CSVN từ bỏ ý tưởng yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa vì đế quốc Liên xô và Trung Hoa đã dùng ý thức hệ đỏ để ràng buộc các chư hầu và đàn em.

Đến Berlin có hai nơi cho tôi nhiều ấn tượng nhất là khi viếng Bức Tường Ô Nhục và bảo tàng Stasi (mật vụ Đông Đức). Khi nhìn phần bức tường còn sót lại tôi nhớ câu nói của Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan Hãy phá đổ bức tường này, khi ông thách thức Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Sô ngày 12/6/1987 tại cổng Brandenburg. Bức tường được dựng lên ngày 8/13/1961 nhằm ngăn chặn dân Đông Đức trốn sang Tây Đức. Số người bị bắn chết khi tìm cách vượt qua bức tường hãy còn chưa rõ ràng vì những vụ bắn giết được chế độ Đông Đức dấu nhẹm một cách có hệ thống. Sau khi bức tường ô nhục bị giựt sập 11/9/1989, nước Đức thống nhất. Công nhân Đức phải bị đóng thuế 5% gọi là thuế tương trợ để giúp dân Đông đức phục hồi. Trong khi ở Việt Nam ta, 30/4/75 phe thua miền Nam thì bị kẻ thắng CSBV đè đầu, bóc lột, ăn cướp...

Trên thế giới có ba nước bị chia cắt, tại bức tường ô nhục Đức, Bến Hải, Bàn Môn Điếm. Tôi có may mắn là có đến cả ba nơi. Bàn Môn Điếm và cầu Hiền Lương thì viếng trước năm 1975. Những người muốn vượt bức tường Berlin nếu bị bắt đều bị giam giữ tại nhà tù Berlin-Hohenschoenhausen hay còn gọi là nhà tù của Stasi (Ministerium fuer Staatssicherheit). Trước 1989 dân chúng không hề nghe tới nhà tù này. Khi mới bước vào tòa nhà tù, tuy chỉ đi thăm thôi mà tôi đã có cảm giác sợ rồi. Nhìn ra ngoài, qua lớp kính dày, tôi thấy con kiến cũng không thể nào thoát ra dược. Nhất là sau khi được dẫn đi vòng xem khắp các nơi phòng cùm, phòng kẹp, phòng tra tấn, phòng tối, phòng hỏi cung tôi phải bái phục sức chịu đựng của các tù nhân. Ra ngoài sân khi chỉ các chuồng cọp, nóc bằng lưới sắt, trên cao có chỗ đứng cho lính gác, hướng dẫn viên cho biết, tù nhân không được đứng tựa vào tường. Chuồng cọp này có từ năm 1945.

Trong dịp qua Đức dự cuộc họp mặt ở Hannover và khi đến Berlin tôi đã được quen biết với anh Trần Quang Thành một nhà báo có 50 năm hành nghề ở miền Bắc, hiện sống ở Slovakia Tiệp Khắc, do những bài báo tố cáo tham nhũng, buôn người mà anh đã bị tạt acide huỷ hoại cả gương mặt vào đúng ngày sinh nhật của con gái anh 4/7/91. Anh Thành năm 2008, đến Slovakia định cư do sự bảo lãnh của người con trai. Tuy đã tàn phế, anh vẫn còn liên hệ với các sinh hoạt báo chí. Anh cho biết đã làm việc tại đài Tiếng Nói VN và đài Truyền hình VN hơn 50 năm. Anh kể lại tin tức trước khi loan đi đều bị gột rửa, thêm bớt, ít xít nhiều và đôi khi dựng đứng sự kiện hay che dấu bớt. Khi nghe đến những tay gộc làm báo ở Việt Nam như Phan Quang chẳng hạn mà nói về tự do báo chí thì đó là những lời nói đạo đức giả, bịp bợm vì ông ta chuyên bưng bít thông tin, không nói có. Anh đã cho tôi được phổ mấy biến bức hình về anh.

Đây là lần thứ ba tôi đến Berlin. Lần thứ nhất năm 1974, nhờ được có một học bổng của Tòa Đại sứ Tây Đức tu nghiệp về báo chí, trong hơn ba tháng. Lần thứ hai cách nay mấy năm, đến vào lúc đêm khuya bị lạc được ăn một tô phở ngon lành ở nhà hai anh chị Mỹ Lâm và Hoàng Kim Thiên và lần này có thì giờ nhiều hơn, tôi được hai anh chị hướng dẫn để tôi có dịp một mình la cà, lêu lổng, bằng bus và metro đến mấy khu phố và con đường chính ở Berlin, rồi thả bộ lang thang cùng khắp. Đặc biệt kỳ này, anh Lâm Đăng Châu đã cho hưởng một Berlin by Night bằng cách dẫn đi dạo khu trung tâm thủ đô về đêm; được ăn món đặc sản Đức và uống la ve Đức. Món đặc sản đó là Hotdog Berlin tên là Curry Wurst. Nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn.

Rồi cũng có lúc phải từ giã Berlin, đáp xe lửa đi Duesseldorf để gặp Minh Hằng, một đồng nghiệp cùng sở cách đây hơn 30 năm và gặp Thế Giang tác giả Thằng Người Có Đuôi. Xe trễ, họ đền 10% cho mỗi vé. Gặp được bạn xưa, nhắc lại chuyện cũ và được đưa đi lòng vòng mấy phố chính dành cho dân giàu tên là Königsallee (đại lộ vua chúa). Tôi nhờ Minh Hằng dịch câu “Jeden Tag 3.000 Schritte extra- deiner Gesundheit zuliebe" nghĩa là Mỗi ngày đặc biệt bước thêm 3000 bước đi- vì sức khỏe của bạn ghi trong tặng vật của ông Tổng trưởng Y tế người Đức gốc Việt. Tôi đã đi bao nhiêu bước trong chuyến Âu du này? Nhờ đó được gặp lại nhiều người bà con, bạn cũ. Có người từ 30, 40 năm trong đó có Minh Hằng và Thanh Phương, cựu phóng viên đài VOA hồi ở Saigon. Tôi cũng đã ghé lại quán LePalanquin ở Paris, của Từ Dung và Từ Nguyên tám năm trước và đã được có một bữa ăn tối rất ngon. Quán và chủ vẫn thế.

Người ta có thể tìm về dĩ vãng, nhưng không thể đoán được dòng đời.

Phan Thanh Tâm
Saint Paul - 8/10

http://www.diendantheky.net/2010/08/i-giua-troi-au-nho-bau-troi-viet.html