"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 25. August 2010

Một vụ án lớn nhất nước, bảy năm nay chưa được xử lý!

Nông dân Bình Dương
Sai phạm động trời, nhưng chưa động tới Chính phủ.

1 -“Người tố cáo khiếu nại và yêu cầu thanh tra” không được ai hỏi tới và không được biết tí gì về kết quả thanh tra.

Tháng 11-2007, chúng tôi, hơn ba mươi người dân, đã tìm đủ cách để ra Hà Nội khiếu kiện việc chính quyền tỉnh Bình Dương thu hồi và bồi thường đất trái pháp luật mà lại cưỡng chế để thực hiện các quyết định này. Sau nhiều ngày ăn chực nằm chờ tại trụ sở tiếp dân của Trung ương đảng và Nhà nước, và đấu tranh quyết liệt với cán bộ tại trụ sở tiếp dân, chúng tôi được hứa là cơ quan tiếp dân sẽ báo cáo lên cấp trên để tổ chức thanh tra làm rõ nội dung chúng tôi khiếu kiện. Suốt năm 2008, không ai tiếp xúc, tìm hiểu và trả lời cho chúng tôi biết Chính phủ đã thanh tra chưa, kết quả như thế nào. Chỉ thấy trên báo chí, Thanh tra đã làm việc với tỉnh Bình Dương và đã phát hiện có nhiều “sai phạm động trời”, “sai phạm cơ bản so với quy định của Chính phủ trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng”, và “trục lợi tiền tỷ… tại siêu dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị tỉnh Bình Dương”…

2 - Sau thanh tra, chính quyền trả thù những người ký đơn và đi khiếu kiện, tàn bạo và khốc liệt hơn trước.

Thấy báo chí loan tin, chúng tôi yên chí và chờ đợi Nhà nước xử lý sai phạm, trả lại sự công bằng và những quyền lợi hợp pháp cho mình. Nhưng đầu năm 2009, UBND tỉnh Bình Dương lại gởi cho chúng tôi những quyết định bồi thường đất, căn cứ vào Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và các quyết định thu hồi đất đã được tỉnh, huyện, thị ban hành trái pháp luật từ trước khi đề án Khu liên hợp được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, UBND tỉnh, huyện, thị cũng có công văn khẳng định là Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và các quyết định thu hồi đất đã ban hành trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu những người còn lại không chịu lãnh tiền giao đất, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế.

Tháng 3-2009, chúng tôi lại phải kéo nhau ra Hà Nội. Gần một tháng trời tới lui, chờ đợi, chúng tôi chỉ nhận được một giấy của trụ sở tiếp dân chuyển đơn trở về cho tỉnh Bình Dương giải quyết. Còn Ủy ban Dân chủ và Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Trung ương thì cho một công văn chuyển đơn đề nghị Thủ tướng giải quyết.

Chúng tôi trở về tỉnh. Và lần này không phải chờ đợi lâu. UBND tỉnh, huyện, thị đã liên tục ban hành các quyết định rồi tổ chức cưỡng chế để thu hồi đất của XXX hộ chưa chịu nhận tiền. Cách làm của họ bộc lộ rõ ràng mục đích trả thù những kẻ dám chống lại chủ trương của tỉnh. Họ muốn chứng tỏ cho mọi người biết là: ai dám bẻ nạng chống trời thì rốt cuộc sẽ phải trắng tay. Họ đã liên tục hâm dọa, khủng bố tinh thần chúng tôi liên tục trong sáu năm qua nay là lúc chứng tỏ họ không phải chỉ nói suông.

Mãi cho đến ngày hôm nay, giữa tháng 8 năm 2010, những người chấp nhận lãnh tiền giao đất thì nhà cửa vẫn ở nguyên chưa phải di dời, vườn tược, hoa màu vẫn cứ tiếp tục khai thác… trong khi chúng tôi ở ngay bên cạnh, trong cùng một khu vực, thì đã bị cưỡng chế từ tháng 5-2009 đến ngày 29-12-2009.

Người bị cưỡng chế thì nhà cửa bị đập tan nát, ruộng vườn cây cối, hoa màu bị ủi sạch, gia súc thì bị chôn sống hoặc bắt đi, thóc lúa xúc hết, quần áo, đồ đạt, kể cả chén đũa cũng lấy không còn thứ gì. Chúng tôi có đầy đủ phim, ảnh và giấy tờ chứng minh sự thật tàn ác này. Sau cưỡng chế, có người phải dùng tranh, lá, bạt… che lều tạm để ở. Chính quyền tiếp tục cho lực lượng tới tháo giỡ, đốt rụi. Đem cả gia đình sang nương náu nhà bên cạnh (vẫn còn ở yên vì chấp nhận lấy tiền, giao đất) thì chính quyền tiếp tục đến để đập phá nhà cho ở tạm. Chủ nhà phản ứng quyết liệt mới chịu bỏ đi. Lực lương cưỡng chế thì hàng ngàn người, đầy đủ đại diện của ba cấp tỉnh, huyện thị và xã; đầy đủ các thành phần: đảng, chính quyền, đoàn thể, công an, quân đội, dân quân; với đầy đủ trang bị, vũ khí phương tiện cần thiết. Chỉ cần ai có thái độ muốn ngăn cản, chống cự lại là sẽ bị đánh, bị bắt đem đi.

Và những hành vi “vì mục tiêu ích nước, lợi dân” này của chính quyền đã được bảo vệ bởi những bảng cấm dựng lên khắp nơi: “Khu vực cưỡng chế, cấm vào”, “Cấm quay phim, chụp hình”; hàng mấy chục lều trại chốt chặn được dựng lên trước 24 giờ, cách trung tâm cưỡng chế từ 2 km…

Nhiều diện tích đất bị cưỡng chế thu hồi từ 2007, đến nay đã sử dụng làm gì đâu! Rõ ràng việc tổ chức cưỡng chế không phải vì yêu cầu giải tỏa mặt bằng để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng, mà nhằm mục tiêu trả thù người đi khiếu kiện, tố cáo, đồng thời để trấn áp những người trước đây đã vì đe dọa, sợ hãi phải lấy tiền bồi thường giao đất nay không dám quay lại khiếu kiện.

3 - Kết quả thanh tra như thế nào mà chính quyền tỉnh Bình Dương lại tiếp tục làm ghê như thế?

Quá uất ức về việc UBND tỉnh Bình Dương cứ cho rằng mình đúng và tiếp tục cưỡng chế lấy đất của dân một cách hết sức ngang ngược, chúng tôi quyết tâm tìm cho bằng được các kết luận Thanh tra khu liên hợp.

Đọc hết báo cáo của tổ công tác Thanh tra Chính phủ đề ngày 30 tháng 02 năm 2008 do Ông Bùi Thanh Minh ký, có Ông Võ Văn Đồng ký tên bên cạnh và đóng dấu đại diện Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh; và có đọc kết luận Thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26-11-2008 do phó Tổng thanh tra Lê Tiến Hào ký; mới hiểu hết vì sao, sau khi thanh tra, chính quyền tỉnh Bình Dương lại tiếp tục những hành vi trái pháp luật một cách quyết liệt như thế.

Ở đây, chỉ xin trích một vài đoạn liên quan đến thu hồi đất và bồi thường giải tỏa như sau:

A. Báo cáo của tổ công tác Thanh tra chính phủ, Phần III-Kết quả kiểm tra, xác minh, đã nêu:

“1. - Quyết định phương án đền bù trước khi có quyết định thu hồi đất là sai quy định pháp luật.

Việc ban hành Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án đền bù thiệt hại khi chưa ban hành Quyết định thu hồi đất (thu hồi tổng thể và riêng cho từng hộ), chưa thành lập Hội đồng đền bù là không đúng trình tự thủ tục đền bù thiệt hại theo điều 34 của nghị định số 22/1998-NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Theo đó, UBND tỉnh phải ra Quyết định thu hồi đất, thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, Hội đồng đền bù kiểm tra, kiểm kê thiệt hại thực tế để lập phương án đền bù trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

2. - Không trao quyết định thu hồi đất; không ban hành quyết định đền bù thiệt hại… cho từng hộ dân là thiếu sót.

Sau khi có chủ trương quy hoạch Khu liên hợp, UBND tỉnh Bình Dương ban hành các Quyết định thu hồi đất vào cuối năm 2004 và đầu năm 2005; UBND huyện, thị xã ban hành Quyết định thu hồi đất cụ thể cho từng hộ dân vào cuối năm 2005. Các cấp chính quyền địa phương chưa tổ chức thực hiện lập biên bản bàn giao nhận quyết định thu hồi cho các hộ dân, vì vậy chưa thể khẳng định được người dân có đất bị thu hồi đã nhận quyết định thu hồi đất. Qua làm việc với UBND huyện tân Uyên, UBND thị xã Thủ Dầu Một và một số người có liên quan được biết tại các địa phương này không ban hành Qquyết định đền bù thiệt hại về đất, về tái định cư… cho các hộ dân là sai với quy định pháp luật…

Trong 104 hồ sơ, không có hồ sơ nào có quyết định bồi thường thiệt hại, hỗ trợ di dời, tái định cư…

3. - Thụ lý để giải quyết khiếu nại chưa đúng thủ tục, vận dụng pháp luật chưa phù hợp.

…104 hồ sơ có 104 quyết định thu hồi đất của các hộ khiếu nại ban hành sau Luật đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Nghị định 197/2004/ND-CP có hiệu lực, nhưng các cấp chính quyền địa phương lại áp dụng Nghị định số 22/1998/NĐ-CP là chưa phù hợp.

4. - Các tồn tại thiếu sót khác cần khắc phục.

Qua 104 hồ sơ giải quyết khiếu nại có 15 hồ sơ không có biên bản kiểm kê, 89 hồ sơ còn lại có 69 biên bản kiểm kê không có chủ hộ ký vào biên bản; 18 hồ sơ không có biên bản bồi thường, trong 86 biên bản bồi thường không có chủ hộ ký tên; 42 hồ sơ không có tờ khai đất và tài sản trên đất, 45 hộ không có chủ hộ ký vào tờ khai. Vì vậy hồ sơ chưa đảm bảo đúng trình tự thủ tục thu hồi đất và bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất…

UBND huyện Tân Uyên ban hành 18 Quyết định buộc tháo giỡ công trình trước khi ban hành Quyết định thu hồi đất là không đúng trình tự theo quy định; các hồ sơ được kiểm tra đều có tình trạng chung: đơn xin xác nhận nguồn gốc nhà, đất; đơn xin hỗ trợ di dời; đơn xin hỗ trợ chi phí đào tạo nghề… người làm đơn không ký tên mà chính quyền xã ký xác nhận, đóng dấu.

Tổ công tác nhận định trong khoảng 5.000 hồ sơ bồi thường thiệt hại trong dự án này cũng tồn tại những thiếu sót về trình tự, thủ tục như đã nêu trên”.

B - KẾT LUẬN SỐ 2623/KL-TTCP ngày 26-11-2008 của Thanh tra Chính phủ, tại phần B-Kết quả Thanh tra, cũng có các nội dung như sau:

“I. - Quá trình hình thành và phát triển Khu liên hợp:

Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt tại Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005.

… “Trên thực tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh đã bắt đầu triển khai công tác đền bù, giải tỏa từ cuối năm 2003”.

Theo Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 01/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đến năm 2010 thì không có quy hoạch Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và đô thị Bình Dương, nhưng trong đó có quy hoạch khu công nghiệp Đồng Bàu Bèo với diện tích 300 ha và khu công nghiệp Truông Bồng Bông với diện tích 500 ha mà hiện nay là một phần của Khu liên hợp. Tuy nhiên, chỉ tiêu đất sử dụng để xây dựng Khu liên hợp được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 – 2010) của tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ.

II. - Kết quả thanh tra việc triển khai dự án Khu liên hợp:

1- Công tác đền bù, giải tỏa:

1.1. Chủ trương bồi thường và quá trình triển khai giải tỏa, bồi thường:

Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương tại văn bản số 295/CP-CN ngày 19/3/2003 và được Thủ tướng phê duyệt chính thức tại Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005, nhưng trên thực tế, ngày 10/9/2002 UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 5185/QĐ-CT thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường phục vụ xây dựng Khu liên hợp, sau đó UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 quy định chủ trương bồi thường đất và tài sản trên đất công trình Khu liên hợp.

Từ cuối tháng 11/2003, tổ chuyên viên kết hợp với chính quyền từng xã tiến hành kiểm kê, đo đếm đất đai, tài sản trên đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị quy hoạch để thực hiện dự án trên địa bàn các xã. Từ cuối tháng 12/2003 Ban quản lý Khu liên hợp bắt đầu chi tiền đền bù cho các hộ gia đình cá nhân có đất và tài sản trên đất bị giải tỏa.

Ngày 04/6/2004 UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UB phê duyệt Dự án đền bù giải phóng mặt bằng và phát triển Khu liên hợp. Từ ngày 20/10/2004 đến ngày 05/5/2005 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp.

1.2 - Việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải tỏa bồi thường:

- Theo Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì việc triển khai thực hiện dự án theo các quy định của Luật đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP, nhưng trên thực tế UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định và áp dụng Quyết định 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 ban hành quy định đền bù giải tỏa theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP, tại thời điểm này Luật đất đai 2003 chưa có hiệu lực.

- UBND tỉnh Bình Dương chỉ ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường mà không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, nên không có đại diện của các hộ dân có nhà, đất bị giải tỏa tham gia. Do không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng ở các huyện nên cũng không lập phương án đền bù, dẫn đến không có động tác thẩm định phê duyệt phương án; không giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành để thực hiện chức năng tham mưu từng lĩnh vực là không đúng với quy định tại điều 32, điều 33 Nghị định 22/1998-NĐ-CP ngày 24/4/1998 (điều 32 quy định về Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, điều 33 quy định về trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành); điều 39, điều 40, điều 41, điều 43, điều 44, điều 45 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

1.3 - Về hồ sơ bồi thường:

- Không có biên bản về khảo sát thực địa trước khi giải tỏa đề xác định thực trạng nhà, dất và tài sản trên đất của dân tại khu vực giải tỏa làm cơ sở cho việc xây dựng phương án bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng; không có phương án đền bù cụ thể dẫn đến không phê duyệt phương án đền bù.

- Trong hồ sơ bồi thường, diện tích thu hồi chỉ được thể hiện trong biên bản kiểm kê do cán bộ Tổ chuyên viên và cán bộ ấp, xã đi kiểm kê xác định. Nhiều biên bản kiểm kê đất và tài sản tại xã Phú Chánh không có ký tên của người có thẩm quyền của UBND xã, không đóng dấu UBND xã, chỉ đóng dấu treo vào biên bản kiểm kê.

- Việc tương phân đất không có tiêu chí rõ ràng, các hồ sơ đất tương phân được chấp nhận đền bù thì giấy tờ tương phân làm theo mẫu của Ban quản lý Khu liên hợp soạn sẵn, không ghi ngày, tháng, năm tương phân đất, không ghi rõ mối quan hệ giữa người cho với người nhận, không ghi rõ trên đất tương phân có nhà hay không có nhà. Do cách làm như vậy nên đã có trường hợp ông Nguyễn Văn Thu – Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (thị xã Thủ Dầu Một) đã ký xác nhận vào giấy tương phân đất để nhận tiền hối lộ và đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.4 - Kết quả thực hiện công tác đền bù giải tỏa:

Đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương” thì việc giải tỏa, bồi thường đã thực hiện được 85% diện tích quy hoạch

2.1 - Việc giao đất cho thuê đất trong khu liên hợp:

Mặc dầu các quyết định giao đất và các hợp đồng thuê đất được ký vào năm 2006 và 2007, nhưng thực chất việc giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư vào năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha (chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp)”.

KẾT MÀ KHÔNG KẾT

Như vậy, chỉ riêng về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều việc đã được UBND tỉnh Bình Dương thực hiện hoàn toàn sai quy định pháp luật. Sai phạm cơ bản nhất là ban hành Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 và các quyết định thu hồi đất của tỉnh, huyện thị ký trước ngày 1-9-2005, ngày đề án tổng thể Khu liên hợp được Chính phủ phê duyệt. Lẽ ra, một văn bản ban hành sai pháp luật thì phải bị thu hồi, hủy bỏ và tìm cách khắc phục hậu quả do việc thực hiện các văn bản này gây ra. Đàng nàầy, sau khi Thanh tra đã kết luận những sai trái như trên, UBND tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục ra văn bản trả lời với dân rằng họ làm đúng pháp luật. Và trong năm 2009, họ đã ban hành hàng loạt quyết định cưỡng chế để thực hiện các quyết định sai trái nói trên. Coi như chưa hề có thanh tra. Vì sao? Vì trên thực tế, kết luận Thanh tra đã không công khai. Người dân trực tiếp khiếu nại tố cáo về những sai phạm của tỉnh đã không được ai cho biết gì về kết quả thanh tra.

Thanh tra nói sai, tỉnh lại bảo là Thanh tra nói đúng. Người dân phản đối thì tỉnh bảo là người dân đồng thuận. Dân đã bị bịt mồm, chính quyền nắm độc quyền phát ngôn, thì việc đổi trắng thay đen có gì là khó khăn.

Tại Công văn gởi cho những hộ dân khiếu nại chính sách bồi thường của UBND tỉnh Bình Dương là trái pháp luật, được bà Trần thị Kim Vân, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 27-02-2009, chính quyền tỉnh Bình Dương khẳng định:

“Căn cứ Nghị định số 22/1998-NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ và công văn 295/CP-CN ngày 19-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 quy định về bồi thường đất và tài sản trên đất, là đúng quy định pháp luật”.

“Thanh tra Chính phủ … có kết luận Quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 là đúng pháp luật và cho phép tiếp tục thực hiện đến hết dự án”.

Còn báo Bình Dương, cơ quan của đảng bộ tỉnh Bình Dương ngày 31-3-2009 thì in hình những người dân đang phản đối UBND tỉnh Bình Dương tại cuộc họp đối thoại ngày 13-3-2009, rồi ghi chú: “Người dân đồng tình ký biên bản phương án giải quyết tồn đọng trong khu liên hợp. Người dân đồng thuận, bảo đảm công tác bồi thường giải tỏa KLH của UBND tỉnh Bình Dương”.

Nhưng ở đây, vấn đề là ở chỗ: tại sao các quyết định sai trái không được Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi và hủy bỏ, và tại sao Thanh tra không công khai nội dung kết luận những sai trái tại Kkhu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị tỉnh Bình Dương? Và tại sao với những sai phạm động trời như vậy cùng với hàng loạt việc làm trái pháp luật trong việc giao đất, cho thuê đất, cho chuyển nhượng dự án… mà cho tới hôm nay, chưa có cán bộ nào của UBND tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư dự án, bị xử lý?

NDBD

............................................................
Phụ lục:

“Phải chăng nếu không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận, thì sự thật sẽ bị nhận chìm trong bóng tối, cùng với bao nhiêu oan ức của người dân vô tội ?”

Những người trong ảnh là: Số 1: Huỳnh Văn Nghiệp, Số 2: Thái Thị Hò, Số 3: Lê Văn Hóa, Số 4: Thái Văn Bì

Tại cuộc họp đối thoại với Bà Trần thị Kim Vân, Phó chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 13-3 ở xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên BD. Họ đang phản đối UBND tỉnh Bình Dương bồi thường theo phương án giải quyết tồn đọng của UBND tỉnh Bình Dương.

Báo Điện tử Bình Dương ngày 31-3-2009 đăng hình họ và ghi chú “Người dân đồng tình ký biên bản phương án giải quyết tồn đọng trong khu liên hợp. Người dân đồng thuận, bảo đảm công tác bồi thường giải tỏa KLH của UBND tỉnh Bình Dương”.

Đây là một trong rất nhiều thủ đoạn để đánh lạc hướng dư luận, đổi trắng thay đen một cách trắng trợn nhất che mắt nhân dân; đây cũng là một trong những hậu quả của chính sách Nhà nước độc quyền báo chí, và người dân không được quyền tự do ngôn luận.