Lữ Giang
Tục giao pháp lý Latin có câu: “Necessitas non habet legem”, dịch ra tiếng Anh là “Necessity knows no law”, có nghĩa là sự cần thiết được miễn tuân hành luật pháp. Một câu khác cũng có nghĩ tương tự: “Two things are without law, God and necessity”, tức có hai điều không cần luật pháp, đó là Thượng Đế và sự cần thiết.
Nói một cách tổng quát, cá nhân có thể vi phạm luật pháp mà không bị quy trách khi sự vi phạm đó là cần thiết khẩn cấp để ngăn chận những sự tác hại cho chính đương sự hay cho người khác.
Phương châm này đã được một số luật sư viện dẫn để biện bộ cho các vụ án vi phạm luật pháp khi đấu tranh chính trị, nhưng tòa đã bác bỏ.
COMMUNIST KNOWS NO LAW
Người cộng sản cũng không cần biết luật là gì. Vì thế, có thể nói “Communist know no law”. Lénin đã xác định rằng luật chỉ là công cụ để đàn áp bọn tư sản và bọn phản động. Hiến pháp và luật tuy có đủ cả, nhưng “Miệng tao là luật”. Những vụ nhỏ, Ban Nội Chính đưa ra quyết định. Những vụ quan trọng thuộc quyền của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng.
Nhiều người đã từng sống lâu dưới chế độ cộng sản hay đi tù cộng sản lâu năm, thường tưởng mình là “đi guốc trong bụng cộng sản”, nhưng trong thực tế họ biết rất ít về cộng sản. Một vài thí dụ cụ thể:
Ngày 20.9.2008, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy phái đoàn của Đức TGM Ngô Quang Kiệt và các linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà kéo nhau đến Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội để tranh luận về chủ quyền đất đai của giáo xứ Thái Hà. Phái đoàn không hề biết những người ngồi tiếp họ hôm đó đều là những người không có tai. Mọi chuyện Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đã quyết định rồi. Không biết như vậy nên phái đoàn đã cãi rất hăng. Chờ cho phái đoàn ngưng cãi là họ đọc quyết định của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Có ai đi tranh luận với những người không có tai bao giờ? Phải dùng phương thức khác.
Trường hợp thứ hai đáng thương hơn: Đại Úy Địa Phương Quân VNCH Nguyễn Hữu Cầu đã bị Cộng Sản giam giữ 28 năm. Anh làm gì mà bị giam lâu vậy? Dựa vào bản tin ngày 9.8.2010 của đài RFA, chúng ta được biết như sau:
Ông Nguyễn Ngọc Quang, một trong những tù nhân chính trị từng bị giam với ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết:
“Bên trại giam có yêu cầu anh Nguyễn Hữu Cầu 2 lần viết đơn xin đặc xá nhưng anh Nguyễn Hữu Cầu đã không làm. Tại vì họ đã nhìn ra được một điều rằng những thông tin về anh Nguyễn Hữu Cầu đã đưa ra ngoài khá nhiều, đầy đủ và khá chi tiết. Cho nên họ nhân nhượng bằng cách là bảo anh Cầu viết đơn xin đặc xá. Nhưng anh nói thẳng với họ là anh không làm điều đó vì anh chỉ kêu oan mà thôi chứ không xin đặc xá. Anh Cầu đã viết gần hơn 500 lá đơn gởi cho các cơ quan công quyền của nhà nước VN. Nhưng họ hoàn toàn im lặng. Vì vậy anh Cầu mới nhờ những người tù chính trị cùng ở với anh ấy như tôi, Nguyễn Bắc Truyển khi ra ngoài thì lên tiếng”.
Ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết thêm lý do ông Nguyễn Hữu Cầu bị tù như sau:
“Lý do ông bị bắt trở lại để bị tù đày tới ngày hôm nay, ngoài việc ông sáng tác rất nhiều nhạc phẩm, thi ca, ông đã thu lượm được nhiều bằng chứng về tội ác của các quan chức tỉnh Kiên Giang, kể cả hành động hãm hiếp, giết người diệt khẩu, buôn bán ma túy, tham nhũng, khiến ông bị gán cho án tử hình và sau đó giảm xuống còn chung thân. Và người ta chưa rõ số phận của tù nhân chính trị bất khuất Nguyễn Hữu Cầu sẽ ra sao!”
Ông Nguyễn Hữu Cầu hiện đang bị giam giữ tại khu tù chính trị biệt giam, phân trại K2, Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Nếu tính luôn cả 6 năm gọi là học tập cải tạo, cho tới giờ ông Nguyễn Hữu Cầu phải trải qua cảnh tù đày hơn 34 năm.
Nhiều người sống dưới chế độ cộng sản đã lâu mà không biết dưới chế độ cộng sản có một tội phạm rất quan trọng, mặc dầu tội này không bao giờ được ghi vào các bộ hình luật, đó là tội tố cáo tội ác của các đảng viên và cán bộ cao cấp, vì điều đó sẽ phương hại đến uy tính của Đảng.
Ông Cầu không biết cái tội bất thành văn này nên đã tố cáo “các quan chức tỉnh Kiên Giang, kể cả hành động hãm hiếp, giết người diệt khẩu, buôn bán ma túy, tham nhũng...”. Vì thế, Đảng phải ra lệnh tuyên án ông tử hình để bịt miệng hay diệt khẩu. Khi vào tù, nếu ông nhận ra mục tiêu trù dập ông của Đảng, ông giả vờ ăn năn hối cải, cho rằng ông đã tố sai, có lẽ chỉ sau 3 năm ông đã được phóng thích. Ông xin qua Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị, đến Little Saigon, bắc loa lên tháp Phúc Lộc Thọ tố cáo thoải mái. Đàng này, khi vào tù rồi ông vẫn không biết tại sao mình bị tuyên án nặng như thế và vẫn tiếp tục tố nên chúng để cho ông chết luôn!
Bây giờ cả thế giới đã biết chuyện ông Cầu. Vã lại sau 28 năm cứt trâu cũng đã hóa bùn, nên trong thời gian sắp đến, nhà cầm quyền cộng sản sẽ thả ông Cầu, nhưng ông đã thân tàn ma dại.
Những người chống cộng ở hải ngoại có trách nhiệm phải tranh đấu cho ông được sớm phóng thích và giúp ông sống những ngày còn lại tốt đẹp để cám ơn và tuyên dương một chiến hữu can đảm.
RẬP KHUÔN GIỐNG CỘNG SẢN
Nhiều người chống cộng ở hải ngoại, mặc dầu đang sống trong một chế độ dân chủ pháp trị, vẫn nghĩ rằng mình phải làm giống Cộng Sản mới thắng chúng được. Từ đó làm phát sinh ra một nguyên tắc thứ ba: “Anti-communist knows no law”, nghĩa là người chống cộng không phải tôn trọng luật pháp!
Có lần tôi đi coi hội thảo ở Wesminster. Tôi thường đứng dựa lưng vào tường phía sau để coi. Tôi thấy một ông đang cầm micro phát biểu gì đó, một ông khác trong hàng ghế thính giả đã nhảy ra giụt micro và đuổi ông kia xuống, không cho nói nữa. Ban chủ tọa liền nhờ nhân viên an ninh lôi ông giựt micro ra khỏi hội trường. Một bà đã đứng dậy chạy theo và la lớn: “Không được lôi ông ta ra! Ông ta là người chống cộng!”
Thì ra người chống cộng không phải tôn trọng bất cứ luật pháp hay trật tự nào!
Tôi nhớ lại vào khoảng tháng 5 năm 2001, Trung Tâm Băng Nhạc Biển Tình đã tổ chức "Ngày Vinh Danh các Bà Mẹ" tại nhà hàng Seafoođ World ở Westminster, có Hương Lan và Hoài Linh giúp vui. Một số người chống cộng cho rằng Hương Lan và Hoài Linh là tay sai cộng sản nên tổ chức biểu tình chống đêm ca nhạc đó.
Một bà khoảng 70 tuổi được con dẫn đi xem ca nhạc, khi đi qua đám biểu tình đã bị chửi là "con đĩ già ham chơi" và liệng trứng gà thúi vào người bà. Có bà bị hành hung đã chửi lại, nhưng đám biểu tình trả đủa ngay: "Chúng tao vô học, tàn nhẫn, nhưng sao bằng bọn VC ở quê nhà, trong các trại cải tạo...”
Trên đài Sống Trên Đất Mỹ của Vạn Võ, nhiều bà đã gọi vào chửi những bà đi dự "Ngày Vinh Danh các Bà Mẹ" bằng những danh từ thường dùng ở chợ Cầu Muối.
Bây giờ những người bị gọi là “tay sai cộng sản” đó lại ngồi chễm chệ trong các buổi trình diễn hay băng nhạc Paris by Night và được vổ tay ào ào. Những người trước đây đi biểu tình chống Hương Lan và Hoài Linh cũng xem và vỗ tay!
Chúng ta nhớ lại, trong vụ biểu tình chống Trần Trường ở Bolsa, hai ký giả Nguyên Huy và Hà Tường Cát đã loan con số người biểu tình không đúng ý Ban Tổ Chức nên khi họ đến nơi biểu tình thì bị một số bà xông tới xỉa xói và đòi đập quần lên đầu. Hai ký giả này chạy trối chết.
Chuyện mấy bà biểu tình trước tiệm của Tony Lâm, tuột quần quây mông vào mà vổ..., chúng tôi đã tường thuật nhiều lần. Ở San José, một hiện tượng như thế cũng đã xẩy ra. Tờ Việt Nam Thời Báo ở San José số 3018 ra ngày 14-15/4/2001 đã ghi lại như sau:
“Đầu đuôi là trong tuần qua, báo nhà có đăng tải vài tấm hình, rút từ cuốn băng video thu các cuộc biểu tình chống giao lưu văn hóa trước cửa nhà anh Kim Lợi. Những hình này ghi lại những hoạt cảnh rất tởm, gớm mà khi xem qua, cam đoan ai cũng phải lắc đầu, nhăn mặt. Đó là các hình: ông thì chổng mông lòi cả chim ra ngoài, ông thì chổng mông vừa dùng ngón tay giữa ngỏng lên mô tả cảnh... hăng hái của nam giới. Hình khác ghi lại cảnh một phụ nữ tuổi xồn xồn đứng chiêm ngưỡng màn thoát y, miệng cười tươi vừa vỗ tay coi mòi vô cùng thích thú...”
Cao điểm là các vụ tấn công vào các viên chức của Hà Nội. Điển hình là vụ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị tòa San Francisco phạt 5 năm tù và tòa án di trú giao trả về Pháp, và vụ Lê Phước Tuấn ở Virginia bị tòa tuyên phạt 1 năm tù và thời gian thử thách.
Các chính phủ Đào Minh Quân, Nguyễn Hữu Chánh và Nguyễn Bá Cẩn đều trở thành bất hợp pháp sau khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam, nhưng chính phủ Hoa Kỹ coi đây chỉ là những tổ chức “diễn tuồng” nên không quan tâm. Nếu làm thật là có chuyện ngay.
Nhưng tệ hại hơn cả vẫn là NÓN CỐI. Thắng lợi to lớn của Đảng CSVN do “bất chiến tự nhiên thành” là bỗng nhưng đoàn quân nón cối ở hải ngoại hiện nay đã gấp đôi số đảng viên trong nước.
Ở trong nước, muốn được kết nạp vào Đảng phải qua một thời gian thử thách rất gay go. Cứ ra hải ngoại là có thể trở thành đảng viên ngay, không cần phải thử thách gì cả.
Bất cứ ai có quan điểm hay hành động khác ta, không theo ta, không viết hay nói đúng “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng”, có tranh chấp hay chỉ trích về địa vị hay quyền lợi của ta... đều là tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng, có thể bị Ủy Ban Đặc Nhiệm Chống Văn Hoá Vận của CSVN và Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai đưa ra đấu tố.
Tòa án Mỹ đã phạt ba vụ chụp nón cối rất nặng: một ở Denver ($4,8 triệu), một ở Minnesota ($693,000) và một ở tiểu bang Washington ($310.000). Nhưng nón cối vẫn còn tiếp tục bay bay. Vì thế, bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần đã được đổi lại ở hải ngoại như sau:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà.
Chỉ thấy mưa sa
trên đầu nón cối.
Một số người và một số tổ chức “chống cộng” ở hải ngoại nhất quyết biến các cộng đồng người Việt hải ngoại thành những nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và áp dụng các luật lệ ở trong nước. Họ tin rằng đó là phương cách “chống cộng” hữu hiệu nhất!
Ngày 24.8.2010, Đại Tá Trương Như Phùng ở Houston có cho phổ biến trên các diễn đàn Internet một văn thư kêu gọi chấm dứt đấm đá nhau, trong đó có đoạn như sau:
“Người Quốc Gia đánh phá ngưòi Quốc Gia biến Cộng Đồng như Nồi Cháo Heo thật quá đau lòng xin hãy vì Danh Dự CỦA CỘNG ĐỒNG và DANH DỰ CỦA NGƯƠI VIỆT QUỐC GIA CHỐNG CỘNG xin phe phái ÂM BINH vui lòng chấm dứt”.
Những lời kêu gọi như thế đã được tung ra nhiều lắm, nhưng cũng chỉ là những tiếng kêu nơi hoang vắng mà thôi.
Một tập thể chống cộng không có lãnh đạo, không có chiến lược, không có chiến thuật, không có kề hoạch, lấy “biểu dương khí thế” làm mục tiêu chính, lấy tuyên ngôn tuyên cáo và nón cối làm công cụ đấu tranh, và ai cũng là lãnh tụ, ai cũng là cộng sản nằm vùng..., đi tới tình trạng nói trên là chuyện đương nhiên.
LÀM MẤT CHÍNH NGHĨA
Tòa án Mỹ đã đưa ra những tiêu chuẩn để bác bỏ trách nhiệm về vi phạm luật pháp trong khi đấu tranh chính trị. Đây là điều chúng ta cần lưu ý.
Năm 1991, một số người Mỹ đã biểu tình tại cơ quan thuế vụ IRS ở Tucson, Arizona, chống việc xử dụng tiền đống thuế của dân để canh thiệp vào El Salvador. Họ đã lấy máu giả bôi lên quày thu tiền, tường và thảm của cơ quan, và ngăn cản cơ quan làm việc. Ra trước tòa, luật sư của bị đơn đã viện dẫn tục giao pháp lý “Necessity knows no law”, để cho rằng các hành động nói trên của các bị đơn là cần thiết để ngăn chận những tác hại có thể xẩy ra. Vì thế, các bị đơn không phải chịu trách nhiệm. Nhưng tòa phúc thẩm đã bác bỏ lập luận này và ra lệnh áp dụng hình phạt. Tòa cho rằng các bị đơn không hội đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm chiếu theo tục giao pháp lý nói trên vì các lý do sau đây:
(1) Không có sự cần thiết ngay lập tức,
(2) Các hành động đưa ra không làm giảm đi sự tác hại, và
(3) Các bị đơn có thể dùng các phương chước khác chứ không cần thiết phải vi phạm luật pháp.
(United States v. Schoon, United States Court of Appeals, 9th Circuit, 1992).
Nhưng tôi nghe nói Lý Tống đã được hướng dẫn biện hộ theo tục dao pháp lý này.
Trong vụ một nhóm người Hồi Giáo định xây một thánh đường Hồi Giáo gần nơi xảy ra thảm họa khủng bố 11/9 ở New York, ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, đã phát biểu: “Đức quốc xã không có quyền đặt huy hiệu của họ gần Holocaust Museum ở Washington... Không lý do gì chúng ta chấp nhận một thánh đường Hồi Giáo gần khu Trung Tâm Thương Mại Thế Giới. Tại sao họ không chấp nhận bất cứ đề nghị nào khác...”. Lời phát biểu của ông đã bị nhiều nhà chính trị và nhà bình luận của Mỹ phản đối, họ cho rằng nói như vậy là đã hạ thấp nền dân chủ pháp trị của Mỹ xuống.
Nếu những người tự xưng là “chống cộng” nhất quyết rập khuôn theo chế độ ở trong nước khi hành động, làm sao họ còn chính nghĩa để chống cộng? Người dân nước này sẽ ghê tởm chúng ta.
Ngày 24.8.2010
Lữ Giang