"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 22. August 2010

Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức

Nguyễn Minh Thuyết

1. Thế nào là trí thức?

1.1. Nói đến trí thức, người ta thường nghĩ ngay tới những người có bằng cấp cao. Dĩ nhiên, bằng cấp cao là một dấu hiệu có lẽ dễ sử dụng và có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp. Nhưng đó không phải là dấu hiệu bản chất của người trí thức.

Trên thực tế, có những người bằng cấp không cao nhưng do tư chất thông minh, lại chịu học hỏi nên có vốn tri thức khá sâu sắc và có nhiều sáng tạo được ghi nhận trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Lịch sử từng ghi công nhiều tên tuổi lớn chưa học hết bậc đại học đã có những đóng góp xuất sắc cho khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật hay cho lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, như các nhà sáng chế và quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới Thomas Edison, Bill Gates ở Hoa Kỳ, nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare ở Anh Quốc. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng khi hoàn thành những sáng tạo nghệ thuật để đời như "Những ngày thơ ấu", "Bỉ vỏ", chỉ mới học xong tiểu học; và trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hiện nay, đang xuất hiện ngày càng nhiều "kỹ sư chân đất" - những nông dân "chân lấm tay bùn" chịu học và dám nghĩ, dám làm, chế tạo từ máy cày, máy cấy, máy thu hoạch mía cho đến máy bay v.v..., đáp ứng nhu cầu của công cuộc lao động sản xuất và ước muốn chinh phục đỉnh cao của khoa học - công nghệ. Họ là những trí thức thật sự.

Ngược lại, trong cuộc sống cũng có không ít người sở hữu bằng cấp cao nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã chuyển sang lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ, thậm chí, không làm gì hoặc làm những nghề không lương thiện. Số người có bằng cấp cao mà không hoạt động trong lĩnh vực lao động trí óc này khó có thể xếp vào tầng lớp trí thức.

Thêm một lý do để vận dụng có mức độ dấu hiệu "bằng cấp cao" là đặc tính "cao" phụ thuộc khá nhiều vào quan niệm của cộng đồng dân cư cụ thể. Thời thuộc Pháp, bằng cao đẳng đã là rất cao, bởi vậy mới có tiêu chuẩn kén chồng của các tiểu thư con nhà giàu: "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" (nghĩa là: "không có bằng cao đẳng, không thành vợ thành chồng", "không có bằng cao đẳng thì không lấy"). Thời nay, đối với dân cư thành thị, cao đẳng chưa chắc đã là cao. Nhưng đối với vùng sâu vùng xa, người có bằng cao đẳng chắc chắn được cộng đồng trọng vọng.

Như vậy, có thể hiểu trí thức không nhất thiết là người có bằng cấp cao và ngược lại, người có bằng cấp cao cũng chưa hẳn đã là trí thức. Điều quan trọng đối với người trí thức là có hiểu biết sâu rộng và có khả năng sáng tạo trong một hoặc một số lĩnh vực chuyên môn nhất định.

1.2. Thay cho dấu hiệu bằng cấp, nhiều người quan niệm: "Trí thức là những người lao động trí óc." Nhưng định nghĩa này chưa làm rõ thế nào là "lao động trí óc". Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì một nghệ sĩ dương cầm, một nhà điêu khắc hay một bác sĩ phẫu thuật sử dụng cơ bắp không kém gì người lao động chân tay; sáng tạo của một họa sĩ thoạt nhìn cũng không khác hoạt động của người chép tranh hay người vẽ truyền thần; công việc của một nhà giáo ở trung học hay đại học cũng thuộc phạm trù "giáo dục" như công việc của cô bảo mẫu. Điểm phân biệt giữa những người này là ở tầm mức của công việc và trình độ chuyên môn trong thực hiện công việc ấy. Ví dụ, khác với y tá hay hộ lý, bác sĩ phẫu thuật thực hiện một công việc phức tạp và hệ trọng, quan hệ đến sức khỏe và tính mạng con người; và để có thể thực hiện công việc đó, người bác sĩ phải được đào tạo chu đáo về lý luận và thực tiễn; ca phẫu thuật càng phức tạp, trình độ càng phải cao. Tương tự, người thợ đục đá đục theo khuôn mẫu đã có sẵn, cho ra lò hàng loạt sản phẩm giống hệt nhau; còn đối với nhà điêu khắc thì mỗi tác phẩm là một sáng tạo duy nhất, thể hiện tư tưởng và phong cách nghệ thuật nhất định. Tóm lại, người trí thức thực hiện những công việc có tầm quan trọng, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn, sự huy động nỗ lực trí óc nhiều hơn.

1.3. Một trong những cách hiểu khác về trí thức là dựa vào hoạt động chính đem lại thu nhập cho họ. Theo cách hiểu này, trí thức là những người lấy lao động trí óc làm một nghề, hay nói cách khác là sống bằng lao động trí óc. Cách hiểu này không sai nhưng cũng không bao quát được hết thực tế. Bởi vì trong lịch sử không hiếm những trường hợp như cụ Tú Xương, tài năng văn chương nức tiếng, được hậu thế tôn vinh là một trong những thi nhân lỗi lạc của nước nhà, nhưng sinh thời, cụ chỉ lấy văn chương làm nơi bộc bạch nỗi niềm, còn kiếm sống phải nhờ cả vào một tay cụ bà "Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng."

Không riêng gì văn chương mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác, chúng ta cũng có thể dẫn ra những ví dụ tương tự. Họa sĩ Van Gogh miệt mài sáng tạo nghệ thuật suốt cuộc đời nhưng khi còn sống, ông lâm vào cảnh cùng quẫn vì không mấy ai chịu mua những bức tranh của họa sĩ thiên tài. Nhà sáng chế K. Tsiolkovxkij thời Sa Hoàng bị coi là gàn dở và cũng sống trong cảnh bần hàn; sáng chế bị xếp xó. Chỉ sau khi có chính quyền xô viết, ông mới được trọng dụng. Nhưng phải đến 22 năm sau khi ông mất, tên lửa đẩy thiết kế theo mô hình của ông mới đưa được vệ tinh lên vũ trụ và ông mới được tôn vinh là ông tổ của ngành hàng không vũ trụ.

Như vậy, không phải trí thức bao giờ cũng có thể sống bằng trí tuệ của mình. Điều quan trọng là họ thường xuyên lao động trí óc, thường xuyên sáng tạo những sản phẩm trí tuệ, như là sứ mạng, là lẽ sống của mình.

1.4. Nói tóm lại, trí thức là những người lao động trí óc, có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, quản lý kinh tế - xã hội, thường xuyên vận dụng những hiểu biết đó để phát hiện và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong lĩnh vực hoạt động của mình vì lợi ích chung của cộng đồng và nhu cầu nhận thức của bản thân.

Theo cách hiểu trên thì tầng lớp trí thức là một tập hợp mở và đa dạng, không giống bất kỳ một tập hợp nào khác trong xã hội như nông dân, công nhân, thợ thủ công, quân nhân, thương nhân hay người buôn bán nhỏ. Trí thức có thể là bất kỳ ai trong các tập hợp trên, miễn là có hiểu biết sâu rộng và tham gia lao động trí óc. Tuy nhiên, bộ phận hạt nhân của tầng lớp trí thức là các nhà nghiên cứu; các giảng viên đại học; các bác sĩ, dược sĩ cao cấp; các nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo; các nhà quản lý và công chức, viên chức trong bộ máy tham mưu cho nhà quản lý.

2. Một số đặc điểm của trí thức

Trí thức là một tập hợp mở và đa dạng nên đặc điểm của tầng lớp này cũng rất phong phú. Tuy nhiên, giữa các nhà trí thức, nhất là bộ phận hạt nhân của tầng lớp này, cũng có những đặc điểm phẩm chất chung; phẩm chất nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu của nó. Phải chăng có thể nói đến những đặc điểm phẩm chất sau ?

2.1. Trí thức nói chung rất ham học, ham đọc. Nhờ ham học, ham đọc mà người trí thức luôn luôn tiếp cận được cái mới, do đó trình độ lý luận không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, sự ham học, ham đọc, ham lý luận quá mức có thể dẫn đến tình trạng sách vở, kinh viện, xa rời thực tiễn. Đó là nhược điểm mà người trí thức cần đề phòng.

2.2. Trí thức là người luôn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; ít khi chịu rập khuôn theo công thức sẵn có. Chính nhờ đặc điểm này mà trí thức đóng vai trò nhân tố quan trọng thúc đẩy khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, xã hội cũng dễ nhìn nhận những sáng tạo quá đà, nhất là trong phong cách sống, là lập dị.

2.3. Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề. Vì vậy, trí thức thường hay có ý kiến phản biện. Trong xã hội cũng như trong mỗi đơn vị, những ý kiến phản biện mang tính xây dựng đều có giá trị, ít nhất cũng giúp người được phản biện cân nhắc hoặc bổ sung, hoàn thiện chủ kiến của mình. Nhưng ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến quá thẳng thắn, dễ gây phản ứng tiêu cực. Vì vậy, người phản biện cũng cần chọn cách nói, thời điểm nói thích hợp để tính thuyết phục của ý kiến mình được cao hơn.

Thói quen lật lại vấn đề khiến người trí thức nhiều khi lật đi lật lại cả ý kiến của mình. Tự phản biện mình là một thói quen tốt, thể hiện thái độ thực sự cầu thị. Tuy nhiên, nếu trước bất cứ việc gì cũng cân đi nhắc lại mà không dám hành động thì sẽ thành do dự, nhu nhược, thiếu quyết đoán.

2.4. Mặc dù hay lật lại vấn đề nhưng khi đã tin điều gì một cách có căn cứ thì trí thức thường rất trung thành với niềm tin của mình. Nhà thiên văn học Ba Lan Nicolas Copernik sẵn sàng đối mặt với toà án giáo hội, chứ không phản bội niềm tin của mình là trái đất quay xung quanh mặt trời. Gần một trăm năm sau, lại đến lượt nhà thiên văn Italia Galileo Galilée dũng cảm bảo vệ thuyết quả đất quay trước tòa án giáo hội, bất chấp án lưu đày và rút phép thông công. Nhưng lịch sử cũng ghi lại thảm kịch của biết bao trí thức xưa chết vì đặt sai niềm tin, sự trung thành của mình vào những bạo chúa, độc tài hay những lý tưởng bị phản bội. Người phương Đông gọi đó là thái độ ngu trung, một biểu hiện cực đoan của trung thành.

2.5. Trí thức thường có hoài bão vươn lên những đỉnh cao, những vị trí nổi bật trong xã hội. Cách chúng ta 150 năm, Nguyễn Công Trứ từng viết:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông."

Người trí thức nói chung trọng danh hơn trọng lợi. Thậm chí không ít người trọng danh hơn cả mạng sống của mình. Nhưng quá trọng danh có thể dẫn đến hiếu danh. Chuyện chạy đua bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng v.v... mà xã hội phê phán hiện nay cũng là những biểu hiện của thói hiếu danh.

2.6. Trí thức thường khảng khái, tự trọng. Người xưa đã khái quát phẩm hạnh này thành nguyên tắc sống: "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (nghĩa là: giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi). Trong lịch sử đã có biết bao tấm gương liêm khiết, chính trực, khảng khái của người trí thức. Xã hội trọng vọng trí thức không chỉ vì trí tuệ của họ mà còn vì phẩm chất cao quý này. Tuy vậy, trong cuộc sống, cũng cần phân biệt lòng tự trọng với thói sĩ diện. Tự tô vẽ hư danh cho mình, tạo cho mình vỏ bọc bằng những thứ không phải của mình và khư khư bảo vệ nó, đó là sĩ diện, một biểu hiện xa lạ với lòng tự trọng .

2.7. Trí thức thường cư xử lịch thiệp. Bộc trực khi tỏ bày chính kiến về những vấn đề lớn, nhưng trong đời sống hằng ngày, người trí thức thường khiêm tốn, nhún nhường, tránh những va chạm nhỏ, tránh làm mếch lòng người khác. Đây là một phẩm chất đáng quý trong ứng xử, nhưng nếu quá nhún nhường, quá tế nhị cũng dễ bị người xung quanh cho là không thực bụng.