"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 27. August 2010

Trung Quốc lăm le tìm cách trở thành cường quốc biển

Cao Phong (theo Asianage)

Trung Quốc không đủ 3 trong 7 điều thiết yếu để trở thành cường quốc biển. Tuy nhiên trong thời gian gần đây Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua những bất cập này.

Đây là nội dung trong bài phân tích về xu hướng phát triển hải quân Trung Quốc của cựu Phó Đô đốc Arun Kumar Singh, cựu Tư lệnh lực lượng hải quân phía Đông Ấn Độ.

Một loạt các sự kiện trên biển quanh Trung Quốc và các nước láng giềng (Mỹ-Hàn tập trận trên biển Nhật Bản và Trung Quốc bắn đạn thật tại Biển Đông) một lần nữa làm nổi bật tầm quan trọng của sức mạnh biển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Arun Kumar Singh, một nước muốn trở thành cường quốc biển phải hội tụ 7 điều kiện thiết yếu là: nước lớn, dân đông, chiếm vị trí địa lý kiểm soát đường giao thương trên biển, có tối thiểu hai mặt giáp biển, có công nghệ-khoa học, có truyền thống đi biển và chính phủ có ý chí chính trị khai thác sức mạnh biển cho lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc không đủ 3 trong 7 điều kiện này, chính vì thế Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua những bất cập đó.

Trước hết, về lịch sử, Trung Quốc không phải là quốc gia đi biển nhưng đang nhanh chóng học hỏi và cử các đội tàu, kể cả tàu chiến, đến các vùng biển quốc tế. Thứ hai, mặc dù các đường hàng hải thương mại thế giới đi qua Trung Quốc và Hoàng Hải, nhưng Trung Quốc không thể kiểm soát hoàn toàn các tuyến đường này do sự có mặt của các nước ven biển hiện đại khác. Thứ ba, bờ biển hướng Đông ra Thái Bình Dương “có thể bị chặn” bởi Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines hướng ra phía Nam để đến Ấn Độ Dương qua sát Việt Nam sau đó phải qua eo Singapore-Malacca, Sunda và Lombok. 90% dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Á và Angola đi qua khu vực này.

Những biện pháp Trung Quốc đã và đang làm để trở thành cường quốc biển

- Thử nghiệm kết hợp công nghệ và sáng tạo để phát hiện và tiêu diệt tàu chiến đối phương trên biển bằng các loại tên lửa đường đạn tầm xa như DF-21 với tầm bắn 1.800 km. Nếu DF-21 thành công thì Trung Quốc sẽ phát triển DF-31 với tầm bắn lên tới 8.000 km, rồi đến DF-41 tầm bắn 14.000 km được dẫn kết hợp bằng hệ thống radar ngoài đường chân trời kết hợp hệ thống vệ tinh.

- Thực hiện ý đồ biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành vùng lãnh hải riêng của mình để kiểm soát hoạt động thương mại quốc tế qua khu vực này, trong khi tự do khai thác các nguồn khoáng sản, dầu và cá. Ngày 16/5/10, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh cá mùa hè tại Biển Đông và đưa tàu chiến đến để thực thi nhiệm vụ; ngày 5/1, Trung Quốc công bố chương trình du lịch đến một số đảo không người và đang có tranh chấp ở Biển Đông. Ngày 9/2, Trung Quốc công bố tìm thấy mỏ dầu, khí tại Biển Đông trong khi những “phát hiện” tương tự tại biển Hoa Đông đã buộc Nhật phải đưa Trung Quốc ra kiện tại tòa án hàng hải quốc tế. Ngày 13/4, một hạm đội tàu chiến và tàu ngầm 10 chiếc của Trung Quốc đi qua hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật. Ngày 30/7, Trung Quốc tuyên bố bắn đạn thật 6 ngày tại biển Hoa Đông.

- Trung Quốc ủng hộ tài chính, quốc phòng và công nghệ cho hai nước có vũ khí hạt nhân trong khu vực (Pakistan và Bắc Triều Tiên) để thay Trung Quốc “đánh lạc hướng và can dự” Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc.

- Sau thất bại của chính sách ngoại giao o ép nửa thế kỷ, Trung Quốc đã quyết tâm lôi kéo Đài Loan. Ngày 29/6, Trung Quốc đã ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA) có lợi về mặt tài chính cho Đài Loan. Và nếu Trung Quốc thành công trong việc thống nhất Đài Loan thì họ sẽ loại bỏ được một trở ngại địa chiến lược đối với kế hoạch vươn ra Thái Bình Dương.

- Với dự trữ ngoại tệ lên đến 2,5 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đang ra sức đầu tư vào các nước ven bờ ở Nam Á, châu Phi nhằm bảo đảm đường hàng hải của mình và tránh để tàu chở dầu của họ đi qua các eo biển hẹp. Nhằm theo đuổi chính sách “Liên châu”, Trung Quốc không những đã trao tặng và xây dựng cảng Gwada cho Pakistan mà còn xây thêm các cảng tại 3 nước láng giềng của Ấn Độ như tại Sri Lanka (đang cấp tín dụng và xây dựng cảng Hambantota trị giá 9 tỷ USD và sân bay quốc tế gần Colombo), Bangladesh, Myanmar. Trung Quốc cũng đầu tư vào các cơ sở tương tự ở Angola và Tanzania.

- Năm 2009, các nhà chiến lược Trung Quốc gợi ý, khi Trung Quốc có tàu sân bay vào khoảng năm 2015 thì Mỹ cần phải “trông coi” khu vực biển phía Đông quần đảo Hawaii, còn hải quân Trung Quốc sẽ “trông coi” các khu vực biển còn lại của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đầu tư của Trung Quốc vào tàu ngầm hạt nhân cũng sẽ làm tăng “khả năng triển khai tại 2 đại dương” trong tương lai.

Cao Phong (Theo Asianage)