Dienstag, 24. August 2010
Đường hầm thoát nước và hy sinh nông nghiệp
Tạ Phong Tần
Theo ông Bùi Nam Sách -Viện trưởng Quy hoạch Thủy Lợi, Hà Nội hiện nay “không cần đến những cơn mưa lớn trên 100 mm, mà chỉ mưa nhỏ, nhiều khu vực nội thành cũng biến thành ao. Tuy nhiên, nghịch lý là việc hiện nay thành phố quá chú trọng việc cải tạo hệ thống bơm nước đầu mối mà quên mất việc khai thông hệ thống truyền dẫn nước”.
Ông Nguyễn Xuân Diệu -Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thì nói: “Hà Nội chịu cảnh úng lụt nặng trong thời gian qua là do hệ thống tiêu thoát ở nội đô quá kém. Nguyên nhân là nhiều miệng hút các công trình tiêu thoát nước cục bộ bị bít lại, khiến cho nước không lưu thông tới các dòng sông”.
Ngày 20/7, làm việc với các chuyên gia đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch Thành phố Hà Nội nêu ý tưởng: “Về lâu dài, Hà Nội cần có ý tưởng lớn, cần có chiến lược xây dựng hệ thống thoát nước thông minh như việc xây dựng đường hầm dưới lòng đất. Khi mưa lớn chúng ta có thể rút người và xe ra sau đó trút nước xuống như ở thành phố Kuala Lumpur - Malaysia. Sau khi hết mưa có thể dùng hệ thống bơm công suất lớn hút nước dưới hầm ra”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thảo không nói rõ là Hà Nội cần bao nhiêu hầm chứa nước (dung tích 1 triệu khối, 100 triệu khối hay 1 tỷ khối là đủ) và lấy đâu ra tiền và quỹ đất để xây hầm? Thời gian xây hầm mất bao lâu trong khi còn chưa đầy 100 ngày nữa thì đến ngày lễ kỷ niệm “1.000 năm Thăng Long”? Thực tế cho thấy làm hầm chui ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt chưa phải là hầm ngầm mà đã mất đến 4 -5 năm và rất tốn kém. Để chứa được hết nước của các trận mưa kiểu 160 mm/2 giờ (như mấy hôm đầu tháng 7) thì hầm ngầm phải lớn hơn hầm chui Kim Liên bao nhiêu lần?
Theo Tiền Phong ngày 19/9/2008, từ năm 2004 quận Long Biên, (Hà Nội) đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ sinh thái (DVST) bằng cách san lấp không thương tiếc hàng loạt ao hồ được coi là “lá phổi” của các khu dân cư. Trên tuyến đê sông Hồng, đoạn từ cầu Chương Dương đến khu dân cư Thạch Bàn, mỗi ngày, hàng đoàn ô tô trọng tải lớn thường xuyên nối đuôi nhau chạy rầm rập từ tối đến sáng. Đó là những chuyến xe chở rác thải rắn từ các công trình xây dựng đến đổ lấp các khu ao hồ đã được cấp phép triển khai dự án (DA) DVST thuộc địa bàn phường Long Biên.
Việc san lấp ao hồ rất đơn giản: Người ta cho đổ vài xe rác thải vào một chỗ nào đó làm “mồi” - tín hiệu được đổ phế thải - thế là những người chở thuê phế thải cho các công trình xây dựng sẽ ùn ùn kéo đến lấp ao hồ mà người muốn lấp không hề tốn kém gì.
Khi mặt bằng đã được san lấp, chủ các dự án (DA) DVST chỉ cần đầu tư thêm một khoản tiền để dựng vài căn nhà lá hay nhà sàn, thêm một số loại cây cảnh - hoa lá... vậy là thành “khu DVST”. Chính vì các chủ đầu tư “tung tác” dễ dàng, có thể nhanh chóng trở thành chủ nhân của một khu đất rộng lớn như vậy, nên tại quận Long Biên, hiện có rất nhiều ao hồ đã bị “tận diệt” một cách không thương tiếc dưới “chiêu bài” DVST .
Từ năm 2006, khu Hồ Sen nằm phía đông - bắc sân bay Gia Lâm rộng hơn 10ha, trước đây là nơi thoát nước, có tác dụng điều hòa khí hậu cho cả một khu vực dân cư đã được quận Long Biên cho một doanh nghiệp tư nhân thuê để làm DVST, kinh doanh ăn uống, giải trí… Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, hầu hết diện tích hồ bị san lấp lấy mặt bằng làm nhà cửa, công trình.
Thế là khu hồ được tạo dựng từ thời Pháp đã vĩnh viễn biến mất. Sau việc lấp Hồ Sen, lại có một doanh nghiệp được “cấp quyền” lấp hồ phía tây sân bay Gia Lâm thuộc phường Bồ Đề. Gần đây nhất, từ cuối năm 2007, hồ Ao Giếng có diện tích cả trăm ngàn mét vuông, nằm dọc theo bãi đê sông Hồng (giáp lối vào khu dân cư Thạch Cầu) cũng đã bị lấp. Vốn là nơi cung cấp nước tưới cho cả cánh đồng rau màu ngoài đê của phường Long Biên, bây giờ, hồ này đã trở thành một bãi đất trống, lưa thưa vài cây dừa cảnh và những dãy tường bao bảo vệ. Đặc biệt, đối diện với hồ Ao Giếng qua tuyến đường nội bộ của Cty nước sạch Hà Nội, một dãy các hồ rộng lớn khác cũng đang bị san lấp với tiến độ rất nhanh.
Trong điều 4, Luật Du lịch đã định nghĩa: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng, nhằm phát triển bền vững”. Điều này dường như không được dành cho loại hình DVST ở quận Long Biên. Đơn giản là vì những hồ nước đã tồn tại từ rất lâu đến nay, có tác dụng điều hòa không khí, làm đẹp cảnh quan, môi trường… lại đang bị triệt tiêu.
Báo cáo số 49/BC-KT về “Một số phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế có dấu hiệu sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện”, do Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên, ông Đỗ Huy Chiến ký ngày 8/7/2008 gửi Quận ủy, UBND quận Long Biên, nêu rõ: “Đa số các phương án sai phạm về thay đổi quy hoạch…” và “công tác quản lý về đầu tư xây dựng trên địa bàn quận và đặc biệt là tại các phường còn yếu, chưa kiên quyết”. Trong báo cáo này cũng đã nói thẳng một số DA DVST được triển khai trên mặt bằng có được do san lấp ao hồ có sai phạm. Ví dụ: Khu Hồ Sen - phường Gia Thụy; khu lạch trũng Tư Đình - phường Long Biên và một số khu ao hồ cũ dọc đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Long Biên v.v…
Cư dân mạng Hà Nội bức xúc với “sáng kiến” đầy chất khôi hài và không tưởng của ông Nguyễn Thế Thảo. Bạn Nguyễn Hoàng Anh viết: “Hà Nội nhiều ao hồ, sao không nạo vét thật sâu mỗi hồ thêm vài mét là có thể tích nước được rồi, đào hầm ngầm làm chi cho thêm phức tạp và tốn kém. Làm gì cũng phải tuỳ theo đặc điểm của từng thành phố mà khai thác lợi thế chứ đừng bắt trước quá rập khuôn thành phố nước họ. Làm hầm ngầm đến mùa khô thì quá lãng phí, chả có tác dụng làm mát như các hồ ao. Tôi chả thấy thành phố nào vừa làm đường hầm cho người đi rồi mùa mưa dùng làm đường ngấm thoát nước cả, ý tưởng này thật buồn cười, rất dễ gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông”.
Bạn Nguyễn Thị Ninh cho rằng: “để chứa được nước thì phải hầm rất lớn, còn tốn hơn việc đền bù giải tỏa để mở lại các hồ nước và các sông, kênh dẫn nước như cũ, chưa kể việc xây dựng hầm ngầm chứa nước đòi hỏi kỹ thuật cao và rất nguy hiểm vì thủ đô nền móng yếu. Việc nước không thoát kịp trong trận mưa và rồi là do thiết kế các đường cống dẫn nước mưa quá nhỏ. Lấy khu Kim Liên là ví dụ, trước đây các ống cống quanh 3 hồ điều hòa của khu Kim Liên có đường kính là một m. Nhưng sau khi cải tạo, các cống này đã bị thay thế bằng các đường ống đường kính 0,4 m. Như vậy thì không đủ lưu lượng thoát cho các cơn mưa lớn ra các hồ.(…) Vậy là càng đầu tư, càng sửa chữa thì khả năng tiêu thoát của Hà Nội càng kém. Nếu các hồ tự nhiên ta còn chưa tận dụng hết thì xây dựng các hồ ngầm là phương án quá tốn kém và chơi sang”.
Bạn Nguyễn Ngọc Tuân nói: “Hà Nội có rất nhiều hồ, bên cạnh chức năng tạo cảnh quan, chúng còn là lá phổi của thành phố, quan trọng hơn đó là những nơi chứa nước tuyệt vời nhất. Tại sao Hà Nội cứ lấp hồ để rồi phải làm hầm chứa nước?”.
Bạn Văn Hùng dùng từ rất dí dỏm: “Công trình này nói về hiệu quả chứa nước thì cũng không cao, chỉ đựng được một chút nước thôi”.
Ông Hà Văn Khối (Giáo sư trường Đại Học Thủy Lợi) đề xuất ý kiến “chống ngập” tuy không “vĩ đại” như ý kiến ông Nguyễn Thế Thảo, nhưng mức độ vô nhân của nó thì vượt trội hơn nhiều. Ông Hà Văn Khối cho rằng: “Đến đại lễ, thành phố phải chấp nhận hy sinh nước phục vụ cho nông nghiệp. Rút cạn mực nước ở các hồ chứa trong lòng Hà Nội. Hai con sông Nhuệ và Tô Lịch cũng phải bơm cạn đến mức có thể. Ngoài ra, Hà Nội cần đặt những trạm bơm dã chiến ở phía bắc sông Nhuệ để bơm ngược nước ra sông Hồng”.
Tôi không biết ông Giáo sư Khối mỗi ngày ăn cơm gạo từ hạt lúa nông dân làm ra hay ông ăn gì mà ông kiên quyết tàn phá mùa màng của nông dân để thực hiện cho bằng được cái lễ hội chỉ nhằm mục đích phô trương hào nhoáng?
Tạ Phong Tần