"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 25. August 2010

Gương sáng hy sinh và lòng chung thủy

Nguyên Ngọc
Câu chuyện này có thật đã xảy ra tại một tỉnh miền Trung nước Đức, vì tôn trọng người ra đi, kẻ ở lại, nên NN xin được thay đổi danh xưng và vài chi tiết.
...........................................

Buổi chiều ra khỏi sở tôi như bị cuốn theo làn sóng người trong nhà ga xe lửa.

Tiếng cười nói huyên thuyên, tiếng đàn ca của những nghệ sĩ vỉa hè hòa lẫn mùi nước hoa, thuốc lá, thức ăn... làm giác quan tôi gần như bị tắc nghẽn.


Tôi nhanh chân bước vào toa xe lửa đang chờ sẵn, thoáng thấy một người đàn ông Việt Nam tôi quen, ông Kiên, đang ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối cùng. Hôm nào gặp ông tôi cũng thấy ông ngồi chỗ này gần như bất di bất dịch.

Lẽ ra tôi tìm chỗ ngồi gần người đồng hương này để trò chuyện trong thời gian cùng đi một đoạn đường tàu. Nhưng tôi lại kín đáo nhón gót tìm một chổ ngồi xa khuất, vì thấy ông như đắm chìm vào thế giới xa xăm nào, với nét mặt buồn bã đăm chiêu, vài sợi tóc bạc lòa xoà trên trán.

Lòng tôi chùng xuống, không muốn quầy rầy thế giới thầm kín riêng tư của người đồng hương, mà theo tôi biết, cuộc đời phải chịu nhiều bẽ bàng trên đất khách…

Tháng tư 1975 sau khi cưỡng chiếm miền Nam bằng võ lực và bội phản những điều cam kết, nhà nước csVN bắt đầu ào ạt mở rộng chiến dịch vơ vét cướp bóc tài sản được gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt và sức lao động của người dân qua chiến dịch đánh tư sản mại bản: tịch thu nhà đất dinh thự, ruộng vườn, cơ sở làm ăn, tài sản tôn giáo... và nhiều lần đột ngột mở chiến dịch đổi tiền.

Chỉ vỏn vẹn có một đêm sáng hôm sau người dân miền Nam gần như còn hai bàn tay trắng...
Tiếng oán than thấu tận đất trời…

Cùng chung số phận với hàng triệu người bất hạnh, gia đình ông Kiên gần như kiệt quệ, trong nỗi tuyệt vọng và niềm đau khổ vô biên ông quyết định liều chết bỏ nước ra đi.

Một lần nữa nhà nước cs VN lại xử dụng xảo thuật gian manh cố hữu là xuất cảng ngưới qua chiến dịch: Xuất cảnh bán chính thức.

Môt đầu người 10 cây vàng, lên Taxi 3 cây vàng (từ ghe nhỏ chở đến tàu đang đợi ngoài khơi Vũng Tàu), với đìều kiện người ra đi không được mang theo bất cứ tài sản nào mà tất cả phải “dâng hiến” cho nhà nước...

Sau khi vay mượn khắp nơi, gia đình ông Kiên bước lên chiếc tàu Huê Phong tháng 12.1978 và cập bến Hồng Kông sau 5 ngày thuận buồm xuôi gió.

Tháng ba 1979 gia đình ông Kiên có tên trong danh sách những người Việt được tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, chính quyền và nhân dân Đức đã mở rộng tấm lòng từ ái để đón tiếp những người Viêt Nam liều chết vượt biển, vượt biên ra đi tìm tự do.

Vợ chồng ông Kiên cứ ngỡ như một lần nữa đựơc hồi sinh… trong niềm hạnh phúc vô biên và tâm lòng tri ân đất nước đã cưu mang gia đình mình, nên đã siêng năng, cần mẫn và vô cùng lạc quan để làm lại cuộc đời.

Ông Kiên được cơ quan xã hội tìm cho một việc làm ở trong Kantine của một hãng lớn trong tỉnh, bà Kiên người vợ hiền hòa chơn chất đảm đang ở nhà chăm lo cho chồng và đàn con bốn đứa.

Hạnh phúc bình dị của gia đình này tưởng chừng như là mãi mãi...

Một buổi sáng bà Kiên thức dậy thấy vô cùng khác lạ trong người, bà hàng xóm tốt bụng người Đức vội vàng đưa bà đi bác sĩ. Sau khi khám, bác sỹ cho biết bà cần phải được soi bao tử để tìm ra nguyên do căn bịnh.

Ngày hẹn đã đến bà được Bác Sĩ chích vào máu chất Kontrastmittel để soi ruột, sau đó bà mê man không tỉnh dậy. Một tuần hai tuần, rồi một tháng hai tháng trôi qua... bà đã thật sự đi vào cơn mê (Koma, tiefer Schlaf).

Ông Kiên vô cùng đau đớn trước bịnh tình của vợ, cả cộng đồng người Việt đều bàng hoàng, thương xót cho bà Kiên. Mọi người xúm lại an ủi, thăm nom ông Kiên và thay nhau giúp đỡ ông, cũng như chăm sóc đàn con nhỏ.

Một tháng sau bà Kiên được chuyển đến một bịnh viên chuyên môn chữa trị về Koma, cách nhà khoảng 100 Km.

Trong nghịch cảnh đau đớn, bất ngờ này ông Kiên bị đẩy vào hoàn cảnh gà trống nuôi con , hình dáng ông ngày một tiều tụy, xuống sắc và ông lặng lẽ hơn bao giờ hết.

Vừa đi làm, vừa nấu nướng chăm sóc cho đàn con dại 4 đứa và mỗi cuối tuần phải đi xa thăm viếng vợ.

Thời gian này tình đồng hương, tình nhân loại được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp nhất.

Ông Brinkmaler một nhân viên xã hội thương tình mỗi cuối tuần đều chở ông Kiên đi thăm vợ.

Bác Sĩ khuyên ông: sự thăm viếng và chuyện trò của ông cùng các con là một liều thuốc hiệu quả, nhiệm mầu nhất để giúp bà Kiên sớm hồi sinh.

Nghe theo lời bác sỹ mỗi lần ông Kiên đến thăm bà ở bịnh viện đều tâm sự, kể lể nỗi niềm nhớ thương vô biên và nỗi vất vả của ông trong cuộc sống hàng ngày khi vắng bóng người vợ thương yêu, ông miên man kể lể với niềm hy vọng bà Kiên sẽ thức tỉnh sau giấc ngủ dài và trở về đoàn tụ với ông cùng đàn con dại.

Xuân qua, hạ đến, thu tàn, đông sang. Thắm thoát mà bà Kiên đã nằm trong Koma hơn 5 năm dài, nhưng tấm lòng thủy chung của ông Kiên vẫn không hề phai nhạt.

Ông vẫn thương yêu, kiên nhẫn đi thăm viếng bà, vẫn ngồi bên bà kể lể những nổi niềm cô đơn quạnh vắng qua dòng nước mắt và vẫn làm tròn bổn phận gà trống nuôi con…

Có những lúc đêm về khi các con ông đã đi ngủ, ngồi một mình trước bức ảnh vợ ông Kiên nói chuyện lẫm bẩm một mình trong đêm khuya thanh vắng, ông tin tưởng rằng với tình yêu tuyệt đối của ông qua thần giao cách cảm, vợ ông ở xa xôi cảm nhận được và những dòng máu đỏ sẽ luân lưu bình thường trở lại trong cơ thể để giúp bà hồi sinh, ông đã miên man kể lể trong nỗi niềm xúc động cho đến khi mệt mỏi và ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

Một ngày cuối hạ chúng tôi bàng hoàng được tin động trời là ông Kiên sắp ra toà xin ly dị để lấy vợ khác. Lúc này thì những ý kiến thuận, nghịch, khen, chê tha hồ được bàn tán trong thành phố chúng tôi đang cư ngụ...

Ngày giờ ra tòa được giấu kỹ, nhưng không hiểu tại sao cả xóm người Việt Tỵ Nạn đều biết, biết rõ ràng chi tiết, biết rành mạch khúc nôi...

Ngày phiên tòa ấn định không hẹn mà gặp, có rất đông đồng hương Việt Nam đều bỏ công ăn việc làm để đến dự thính...

- Một phiên toà hy hữu trong tỉnh nhà.

Hôm ấy ông Kiên vẫn lặng lẽ như bao giờ, nhưng đôi mắt thì thâm quầng hơn, chắc vì những đêm dài thao thức, chúng tôi ai nấy cũng xúc động trong hồn và hồi hộp nhìn ông như gởi gấm một tấm lòng thông cảm.

Khi vị chánh án đọc bản tóm tắt tên tuổi, đời sống, nguyên nhân đi đến việc ly dị, đôi mắt ông Kiên bắt đầu đỏ hoe. Người thông dịch viên đứng tuổi dịch rõ ràng và mạch lạc.

Cuối cùng vị chánh án hỏi Ông một lần chót:

- Ông Trần, ông đã suy nghĩ chín chắn chưa, có phải ông thật sự muốn ly dị vợ hay không?

Khi nghe đến câu hỏi này bất chợt ông Kiên oà lên khóc, tiếng khóc của ông vang dội trong căn phòng yên lặng của toà án, mọi người hiện diện đều im lặng trong nỗi bàng hoàng thương xót, ông vẫn ôm mặt khóc vừa kể lể và người thông dich viên vẫn dịch và chúng tôi kễ cả vị chánh án vẫn chăm chú lắng nghe…

Trong tiếng nấc nghẹn ngào ông Kiên kể:

- Cuộc đời chúng tôi gặp muôn vàn đau khổ, chúng tôi thương nhau từ lúc còn nghèo khó, vì lánh nạn cộng sản nên gia đình tôi mới tha phương xứ người, chúng tôi chia xẻ với nhau qua bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi vẫn yêu thương vợ tôi như ngày đầu, vợ tôi là một người phụ nữ hiền lành nhân hậu... suốt cả cuộc đời làm vợ làm mẹ chưa bao giờ vợ tôi có đựơc một ngày an nhàn sung suớng...

- Tôi muốn chờ đợi vợ tôi ngày bà tỉnh dậy.

Rồi ông Kiên khóc thật to như chưa bao giờ được khóc:

- Em ơi cha con anh khổ lắm em có biết hay không?

Thương anh và con em mau tỉnh dậy…

Ông Kiên vừa nói vừa khóc trong tức tưởi nghẹn ngào.

Đâu đây âm vang tiếng sụt sùi của những người dự thính, và những dòng nước mắt đã hòa theo với người đàn ông đau khổ này…

Vị chánh án vẫn kiên nhẫn nghe ông khóc và kể lể mà nét mặt đầy nổi xúc động, ông Brinkmaler, người chuyên viên xã hội thì ôm vai ông vỗ về an ủi.

Sau khi ông Kiên đã tìm lại một chút bình tỉnh thì vị chánh án đằng hắng và thân thiện hỏi:

- Ông Trần thân mến, tôi rất xúc động trước tấm lòng thủy chung của ông, tôi cũng hiểu nỗi đau khỗ của ông từ hơn 5 năm qua, nhưng có một điều tôi hoàn toàn không hiểu được, ông thương vợ, thương con, ông đã chịu đựng hơn 5 năm dài thì tại sao hôm nay ông lại làm đơn xin ly dị ?

Tức khắc ông Kiên chỉ tay về phía người chuyên viên xã hội và trả lời qua tiếng nấc:

Ông Brinkmaler xui tôi ly dỵ vợ, và giới thiệu tôi, để cưới vợ khác...

Cả phòng đều ồ lên, trong một thoáng suy nghĩ, vị chánh án đưa mắt nhìn người nhân viên xã hội nghiêm khắc hỏi:

- Ông Brinkmaler, xin ông xác nhận lời nói của ông Kiên và ông cho tôi biết tại sao?

Ông Brinkmaler với đôi mắt đỏ hoe, lúng túng trong nỗi nghẹn ngào trả lời:

- Không ai hiểu tôi bằng ông Kiên, quý vị có biết tôi cũng khổ biết dường nào hay không?

Khi mỗi cuối tuần tôi lái xe đưa ông Kiên đi thăm bà, vì tôi thương và cảm động trước hoàn cảnh trái ngang của ông ấy... tôi, tôi phải ngồi hàng giờ bên cạnh nghe và nhìn ông ấy tâm sự với vợ trong tiếng khóc, tuy tôi không hiểu hết, nhưng tôi cảm nhận được nỗi đớn đau trong lòng của người đàn ông Việt Nam này, nếu là người Đức thì chắc sự việc này không xảy ra như ngày hôm nay.

Tôi thấy mỗi ngày ông Kiên càng tìu tụy hơn, các con ông thì còn qúa nhỏ dại, ông Kiên cần có một người đàn bà chia sẻ với ông trong cuộc sống trên quê hương mới, đầy dẫy xa lạ này.

Tai sao mình không suy nghĩ thực tế, tại sao không suy nghĩ về tương lai 4 đứa con ông Kiên... Tại sao? Cho đến hôm nay 5 năm đã trôi qua ông Trần có giải quyết vấn đề này được không?

Qúy vị có biết những lúc ông ấy đau ốm cũng tôi đưa ông ấy đi bác sĩ, tôi phải đi chợ và nấu cho cả gia đìinh ông ấy ăn… tôi rất vui và hạnh phúc khi làm việc đó, nhưng hơn 5 năm qua bà Kiên vẫn không bình phục, Xin tất cả hiểu cho tấm lòng tôi...

Sau phiên toà hy hữu đó thì cuộc đời ông Kiên vẫn không thay đổi và vẫn làm thân gà trống nuôi con như ngày nào...

****

Duyên tụ nhân sinh, duyên sinh nhân biến, duyên biến nhân diệt…

Vài tháng sau thì bà Kiên thật sự từ giã cha con ông Kiên lặng lẽ ra đi..

Ngày tang lễ của bà Kiên có rất đông bạn bè thân quen tham dự, tuy không nói ra nhưng tất cả chắc đều nghĩ trong lòng: Như Thế Còn Hơn…

Riêng người chuyên viên xã hội giàu lòng từ ái, ông Brinkmann thì sau đó cũng giã từ chúng tôi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, qua một căn bịnh thời đại.

Trong tấm lòng tri ân, lẫn kính phục xóm tỵ nạn chúng tôi buồn hiu hắt, như đã mất một người thân thương trong gia đình...

****

“Cứ ngỡ sum vầy nơi đất khách,
Nào ngờ ly biệt cõi trăm năm
Người đi thổn thức lòng son sắt
Kẻ ở năm canh lạnh chỗ nằm”!

Thương bầy con dại, nhớ người vợ hiền, nên từ đó ông Kiên tự nguyện làm chiếc lá úa, đơn độc giữa dòng đời thăng trầm xuôi ngược.

Con ông tìm được chỗ học hành, viêc làm ở đâu, ông dọn theo đến đó, ông thuê một căn phòng nho nhỏ sống một mình, để được gần cạnh con, mỗi ngày ông lụm cụm thương yêu chăm chút nấu cho con những món ăn tươm tất ngon lành, giặt ủi cho con từng manh quần tấm áo, lo lắng, săn sóc cho con khi ốm đau, an ủi con khi chúng vấp ngã trên đường đời vạn nẻo...

Niềm hạnh phúc vô vàn và duy nhất của cuộc đời ông Kiên trên quê người là buổi chiều mấy cha con quây quần bên mâm cơm bốc khói vừa ăn cơm vừa nói chuyện trong tình cha con thương yêu đầm ấm và nhắc nhỡ đến bà mẹ hiền, người vợ đảm đang...

Nhưng những chú gà con mồ côi mẹ năm xưa giờ này đã đủ lông đủ cánh, thích bay nhảy với cuộc đời đầy quyến rũ, nên ông Kiên thường ôm hình vợ trong tay, chờ đợi con về, bên mâm cơm, trong căn nhà hiu quạnh mà đôi lúc tưởng chừng như mình mòn mỏi sắp hóa đá.

Ngày tháng qua đi... Từ ngày ông Kiên xa rời chốn cũ chúng tôi không còn gặp gỡ Ông thường xuyên nữa. Thỉnh thoảng ông mới về thăm lại nơi kỷ niệm một quãng đời sum vầy êm ấm.

Ông Kiên đã để lại cho chúng tôi một mảnh trăng rằm vằng vặc trong sáng, đó là: "đức hy sinh và lòng thủy chung cao qúy".

Nguyên Ngọc, Aug 24, 2010 (Germany)